slider
Phát triển kinh tế số

Chiếc bàn tròn trưng bày ở Di tích nhà 54 trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch

18 Tháng 05 Năm 2022 / 835 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu  

Trong khuôn viên Khu di tích Phủ Chủ tịch (Hà Nội) có một ngôi nhà giản dị, thoáng đãng, nằm ngay sát bờ ao cá và là nơi gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm cuối cùng của cuộc đời, đó là Di tích nhà 54. Ngôi nhà này vốn là nơi ở của người thợ điện, nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại ngôi nhà này gần 4 năm từ tháng 12 năm 1954 đến giữa tháng 5 năm 1958, vì vậy, ngôi nhà có tên là “Nhà 54”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển sang ở ngôi Nhà sàn được xây dựng phía bên kia bờ ao, nhưng hàng ngày Người vẫn trở về Nhà 54 dùng cơm và khám sức khoẻ định kỳ. Bởi vậy, Nhà 54 là nơi gắn bó với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời. Chính vì vậy, các tài liệu, hiện vật trong Di tích này rất gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Một trong số những hiện vật còn lưu lại nơi đây là chiếc bàn tròn do đồng chí Fidel Castro, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Cuba tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Fidel Castro là nhà lãnh tụ cách mạng lỗi lạc, một biểu tượng cho tinh thần kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc không chỉ ở khu vực châu Mỹ Latinh mà còn của các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Trong suốt những năm tháng hoạt động chính trị, lãnh đạo phong trào cách mạng Cuba, Fidel Castro luôn giành cho đất nước và con người Việt Nam nhiều tình cảm ấm áp, nồng hậu. Sự giúp đỡ hết lòng của Fidel Castro và nhân dân Cuba là một nguồn động viên vô cùng to lớn đối với nhân dân Việt Nam giữa lúc bom đạn ác liệt, khó khăn đủ bề vì cuộc chiến tranh kéo dài. Càng quý giá và ý nghĩa hơn khi lúc đó đất nước Cuba đang chịu sự cấm vận, cũng khó khăn mà vẫn sẵn lòng giúp Việt Nam vô điều kiện. “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”, câu nói bất hủ của Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã in sâu vào trái tim các thế hệ người Việt Nam, thể hiện sâu sắc tình anh em, tình đồng chí keo sơn giữa Việt Nam - Cuba trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Nhân dân Việt Nam cũng luôn dành cho nhân dân Cuba, cho lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, sự khâm phục và đồng cảm sâu sắc. Nói về tình hữu nghị Việt Nam - Cuba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví hai nước như “hai anh em sinh đôi”. Có gì đẹp hơn, thân thiết và gắn bó hơn hình ảnh mà Bác thường nhắc tới mỗi khi nói chuyện với các bạn Cuba: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm, nhưng lòng nhân dân hai nước chúng ta thì rất gần gũi nhau như anh em một nhà”(1). Trong buổi phỏng vấn ngày 14/7/1969 của nữ nhà báo Cuba Mácta Rohát, Người nói: “Tôi muốn đồng chí chuyển về Cuba những lời sau đây: Tôi vô cùng yêu mến nhân dân Cuba, tôi xin gửi lời chào đến toàn thể nhân dân Cuba, từ các đồng chí lãnh đạo đến các cháu thiếu nhi. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và thu được những thắng lợi ngày càng to lớn. Chúc các bạn thu được nhiều thành tựu trong mùa mía 10 triệu tấn”(2).

Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, đã có nhiều đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ và các nhà báo Cuba được Bác Hồ tiếp tại nơi đây. Những kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với tình cảm chân thành của Người đã góp phần tích cực vào việc thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết hợp tác giữa Việt Nam - Cuba. Hiện nay trong Khu di tích hiện vẫn còn lưu giữ một số quà tặng của bạn bè Cuba, thể hiện những tình cảm mến yêu, trân trọng dành cho Người như: Chiếc khay đá hình thuyền trưng bày trên bàn làm việc tầng 1 Nhà sàn là quà tặng của Tổng thống Cuba Osvaldo Dorticós Torrado gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chiếc khay nhỏ bằng đồng đặt trên bàn làm việc tại di tích Nhà 67, quà tặng của chị Mácta Rôhát Rôđrigết - phóng viên, Chủ nhiệm báo Granma (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba) biếu Bác; Cuốn sách “Đại sứ quán trong rừng và trước vĩ tuyến 17”, của nhà báo Cuba Raul Valdes Vivo, nguyên Đại sứ Cuba gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời tựa cuốn sách, tác giả viết: “Đại sứ quán trong rừng và trước vĩ tuyến 17” là cuốn sách đạt tới đỉnh cao của một giai đoạn đơm hoa kết quả của tình đoàn kết của Cuba với nhân dân Việt Nam, về tình cảm của Cuba với Chủ tịch Hồ Chí Minh... Trong các hiện vật là quà tặng mà lãnh đạo và nhân dân Cu Ba tặng Người có Chiếc bàn tròn do đồng chí Fidel Castro, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện cho tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba,...

Chiếc bàn đồng chí Fidel Castro gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng gỗ, đánh véc ni màu nâu. Kết cấu bàn đơn giản, kiểu dáng uyển chuyển, thanh mảnh. Bàn gồm một mặt tròn với khung ghép từ 4 thanh gỗ cong và một mặt đặt trên trụ gỗ tròn kiểu tang trống (giữa phình to, hai đầu thon gọn). Chân trụ làm từ ba thanh gỗ chuốt cong mềm mại phù hợp với trụ và mặt bàn. Ở giữa mặt bàn khắc hình một bông hoa, xung quanh có trang trí 4 con bướm đều nhau. Bàn cao 77,7 cm, đường kính mặt bàn 61,7cm.

Để xác định rõ thông tin về xuất xứ cũng như hiểu thêm về ý nghĩa của chiếc bàn tròn Chủ tịch Fidel Castro gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi dựa trên bản ghi chép ngày 02/12/1970 của đồng chí Huy Liên(1) có ghi: “Đồng chí Fidel Castro - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Cu Ba tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh chiếc bàn tròn này; Bàn có một chân, dưới có ba ngón choãi ra và cong lên. Ở giữa mặt bàn có khắc hình một bông hoa, chung quanh có bốn con bướm đều nhau. Thành mặt bàn là một vòng gỗ gồm bốn thanh cong ghép lại, bàn đánh véc ni màu nâu; Bàn làm bằng gỗ, cao 77,7cm, mặt bàn tròn đường kính 61,7cm, làm bằng gỗ dán để mộc”. Bên cạnh đó, Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng đã tìm gặp và trao đổi với các đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cù Văn Chước, nguyên trưởng phòng Hành chính, Quản trị Văn phòng Phủ Chủ tịch, là những người đã phục vụ Văn phòng Bác nhiều năm đã cho biết: Chiếc bàn tròn đang trưng bày ở nhà 54 là của Chủ tịch Fidel Castro tặng Bác cùng với một hộp xì gà La Habana. Điếu thuốc dài, đựng trong hộp bằng gỗ. Năm 2002, hộp xì gà đã được trưng bày giới thiệu các tặng phẩm quốc tế tặng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Hộp xì gà được ghi trong nội dung thông tin hồ sơ hiện vật là tặng phẩm của Chủ tịch Fidel Castro tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1964.

Đồng thời, theo nội dung tư liệu trong cuốn “Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Phủ Chủ tịch (1954-1969)” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, xuất bản năm 2020, tập 2, trang 324) có ghi:  “Ngày 30/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Ramôngxôlô Mayô, cán bộ Viện hữu nghị các dân tộc của nước Cộng hòa nhân dân Cuba làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam. Đoàn có mang thư và quà của Chủ tịch Fidel Castro gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Như vậy, từ 3 nguồn tư liệu trên có thể khẳng định: thời gian lịch sử của chiếc bàn tròn được xác định vào tháng 9/1964 và là tặng phẩm của Chủ tịch Fidel Castro tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với Người, trong đó có chiếc bàn tròn vẫn được đặt ở vị trí vốn có như lúc sinh thời. Đó là món quà kỷ niệm quý báu thể hiện cho tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba. Chiếc bàn không chỉ thể hiện tình cảm cá nhân của Thủ tướng Cuba với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người luôn coi đó là tình cảm, sự động viên, ủng hộ của nhân dân Cuba luôn đồng hành trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam. Khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào đầu tháng 9/1969, trong Điện chia buồn của

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba và Chính phủ Cách mạng Cuba viết ngày 4/9/1969 tại La Habana, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng ngời những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, cương nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy. Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như là cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam”./.

Chú thích:

1.         Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.677.

2.         Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1970, tập 1, tr.26.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)