Chiếc khay đá hình thuyền trưng bày ở tầng 1 Nhà Sàn trong Khu di tích Phủ Chủ tịch
Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Khách tham quan khi đến Khu Di tích Phủ Chủ tịch sẽ có cơ hội để cảm nhận được tình cảm chân thành, lòng kính yêu và sự ngưỡng mộ của đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những tặng phẩm do các tổ chức, cá nhân Việt Nam và bạn bè quốc tế gửi đến Người. Tất cả những tài liệu, hiện vật quý giá này đã góp phần tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một trong những tặng phẩm đó là chiếc khay đá hình thuyền hiện đang được trưng bày trên bàn làm việc tầng 1 Nhà sàn. Đây là món quà mà Tổng thống nước Cộng hòa Cuba Osvaldo Dorticós
Torrado gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Chiếc khay bằng đá hình thuyền, màu đen có vân trắng; hai đầu bằng, mặt trên ở giữa nổi gờ cao, hai bên hình lòng máng. Mặt dưới hai đầu vát lên, chính giữa lõm sâu hình lòng máng. Chiều dài của khay 43cm, chiều rộng chỗ lớn nhất của 12 cm, hai ngăn lõm rộng 6,5 cm. Hai đầu của khay không nhọn, đáy của khay có một đường lõm dài 2,5 cm, chỗ lớn nhất rộng 4cm.
Chiếc khay bằng đá hình thuyền là món quà của Tổng thống nước Cộng hòa Cuba Osvaldo Dorticós Torrado gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp đồng chí Lê Thanh Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Cuba mang về ngày 03/11/1967. Khay được đựng vào một hộp bìa giấy cứng hoa xanh, kèm theo một phong bì bên ngoài đề: Companero Ho Chi Minh presidente de la República Democrática de Viet Nam (tạm dịch: Kính gửi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bên trong phong bì có một tờ thiếp đề tên người tặng - Tổng thống nước Cộng hòa Cuba. Osvaldo Dorticós Torrado (1919 -1983) là một trong những người lãnh đạo phong trào kháng chiến của nhân dân Cuba (1952¬1958), là Chủ tịch Hội đồng luật gia Cuba (năm 1958), Bí thư Đảng Cộng sản Cuba (năm 1962), Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cuba năm 1965. Ông đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Cuba sang thăm Việt Nam vào ngày 29/10/1966 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đón và tiếp chu đáo. Trong buổi tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu chào mừng và nói lên tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước.
Để xác định rõ xuất xứ cũng như hiểu thêm về ý nghĩa của chiếc khay bằng đá hình thuyền do Tổng thống nước Cộng hòa Cuba Osvaldo Dorticós Torrado gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch đã tìm gặp và trao đổi với các đồng chí từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời như đồng chí Vũ kỳ, đồng chí Cù Văn Chước, đồng chí Trần Văn Vượng,... Các đồng chí đều khẳng định: chiếc khay đá đen hình thuyền đặt trên chiếc bàn làm việc ở tầng 1 Nhà sàn có từ sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiếc khay này là của Tổng thống Cuba tặng Người. Chiếc khay Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để đựng bút chì, bút mực, bút parker, thước kẻ... trong thời gian Người ở và làm việc tại ngôi Nhà sàn.
Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Nhà sàn (1958 - 1969), công việc của đất nước thật khẩn trương và đầy biến động. Tình hình đó đòi hỏi người lãnh đạo đất nước phải có sự quyết đoán, bình tĩnh, sáng suốt, nhạy bén để tập trung vào mục tiêu chính của cách mạng. Thời gian này dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ít giây phút ngơi nghỉ. Các công việc cứ nối tiếp nhau trong lịch làm việc của Người: Từ việc tập trung cho công cuộc đấu tranh thống nhất và xây dựng nước nhà, lãnh đạo công việc của các ngành, các giới cho tới đời sống của mỗi người dân; từ việc củng cố, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đến việc phát triển văn hóa và giáo dục. Đồng thời, để xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ coi trọng việc phát triển nội lực mà Người còn tăng cường mở rộng mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ vật chất và tinh thần của các đồng chí, bè bạn, anh em, nhân dân tiến bộ yêu hoà bình công lý trên thế giới để xây dựng thành công một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Qua đó góp phần tích cực vào việc chăm lo khối đoàn kết giữa các đảng anh em và để cách mạng Việt Nam thực sự trở thành một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới.
Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Cuba được chính thức thiết lập từ ngày 02/12/1960 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro dày công gây dựng và vun đắp. Nói về tình hữu nghị Việt Nam - Cuba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ví hai nước như “hai anh em sinh đôi”. Có gì đẹp hơn, thân thiết và gắn bó hơn hình ảnh mà Bác nhắc tới mỗi khi nói chuyện với các bạn Cuba: “Việt Nam và Cuba cách xa nhau hàng vạn dặm, nhưng lòng nhân dân hai nước chúng ta thì rất gần gũi nhau như anh em một nhà”(1). Trong buổi phỏng vấn ngày 14/7/1969 của nữ nhà báo Cuba Mácta Rohát, Người nói: “Tôi muốn đồng chí chuyển về Cuba những lời sau đây: Tôi vô cùng yêu mến nhân dân Cuba, tôi xin gửi lời chào đến toàn thể nhân dân Cuba, từ các đồng chí lãnh đạo đến các cháu thiếu nhi. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe và thu được những thắng lợi ngày càng to lớn. Chúc các bạn thu được nhiều thành tựu trong mùa mía 10 triệu tấn”(2). Trong thời kỳ gian khổ nhất cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, dù cuộc sống còn khó khăn, song Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba luôn đồng hành, chắt chiu dành cho Việt Nam sự ủng hộ lớn nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”, câu nói bất hủ của Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã in sâu vào trái tim các thế hệ người Việt Nam, thể hiện sâu sắc tình anh em, tình đồng chí keo sơn giữa Việt Nam - Cuba trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại Nhà sàn, đã có nhiều đoàn đại biểu và các nhà báo Cuba được Bác Hồ tiếp tại nơi đây. Người còn gửi nhiều điện mừng tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cuba nhân dịp các ngày lễ lớn như:
- Ngày 30/12/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cuba nhân kỷ niệm 5 năm cách mạng Cuba thành công.
- Ngày 28/1/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Cuba “Niticiasdehoy” (Tin tức hôm nay) nhân kỷ niệm lần thứ 34 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Ngày 30/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Ramôngxôlô Mayô, cán bộ Viện Hữu nghị các dân tộc của nước Cộng hòa nhân dân Cuba làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam. Đoàn có thư và quà của Chủ tịch Phiđen Cátxtơrô gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Ngày 19/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn nhà báo Cuba: Gabơrien (báo Hôm nay), Luitxơ và Baetxơ (báo Cách mạng) đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam.
- Chiều 29/10/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Cuba do Tổng thống Đoócticốt dẫn đầu.
- Ngày 31/10/1966, Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Cuba vào thăm nhà sàn gỗ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc chiêu đãi trước khi về nước.
- Ngày 22/1/1967, Đoàn quay phim Cuba quay phim tại nơi ở và làm việc của Người.
- Ngày 13/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bà Menba Hécmanđê, Chủ tịch Ủy ban Cuba đoàn kết với Việt Nam và đoàn đại biểu Viện Hữu nghị các dân tộc của nước Cộng hòa nhân dân Cuba sang thăm Việt Nam.
Những kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với tình cảm chân thành của Người đã góp phần tích cực vào việc thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết hợp tác giữa Việt Nam - Cuba. Hiện nay trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hiện còn lưu giữ một số quà tặng của bạn bè Cuba, thể hiện những tình cảm mến yêu, trân trọng dành cho Người như: chiếc bàn tròn do đồng chí Phiđen Cátxtơrô - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Cuba tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Món quà biểu hiện cho tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba; Chiếc khay nhỏ bằng đồng đặt trên bàn làm việc tại di tích Nhà 67, quà tặng của Phóng viên Mácta Rôhát Rôđrigết - Chủ nhiệm Báo Granma - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba biếu Bác; Cuốn sách “Đại sứ quán trong rừng và trước vĩ tuyến 17”, của nhà báo Cuba Raul Valdes Vivo, nguyên đại sứ Cuba gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lời tựa cuốn sách, tác giả viết: “Đại sứ quán trong rừng và trước vĩ tuyến 17” là cuốn sách đạt tới đỉnh cao của một giai đoạn đơm hoa kết quả của tình đoàn kết của Cuba với nhân dân Việt Nam, về tình cảm của Cuba với Chủ tịch Hồ Chí Minh;...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng những kỷ vật thiêng liêng gắn bó với Người, trong đó có chiếc khay bằng đá hình thuyền vẫn được đặt ở vị trí vốn có như lúc sinh thời. Đó là món quà kỷ niệm quý báu thể hiện cho tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam - Cuba. Chiếc khay không chỉ thể hiện tình cảm cá nhân của Tổng thống Cuba với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người luôn coi đó là tình cảm, sự quan tâm động viên của nhân dân Cuba luôn sát cánh trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam. Khi nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời vào đầu tháng 9/1969, trong Điện chia buồn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba và Chính phủ Cách mạng Cuba viết ngày 4/9/1969 tại La Habana, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro và Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Osvaldo Dorticós Torrado đã nhận định về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng ngời những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, cương nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy. Chưa bao giờ trên một mảnh đất hẹp như vậy, trong một thời gian ngắn ngủi như vậy lại diễn ra một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định vì loài người như là cuộc chiến đấu mà đồng chí Hồ Chí Minh tiến hành chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ở Việt Nam”(3).
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.179.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.677.
3. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.26.