slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận đấu tranh ngoại giao

06 Tháng 06 Năm 2023 / 947 lượt xem

ThS. Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, từ chủ nghĩa yêu nước và truyền thống văn hóa Việt Nam, qua hàng chục năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, được gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc và hoạt động cách mạng cùng nhiều giai cấp, tầng lớp ở các nước trên thế giới đã tôi luyện cho Người bản lĩnh của một người cộng sản kiên trung, suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng, đặc biệt điều này được thể hiện rõ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao.

1.            Độc lập dân tộc là nguyên tắc bất biến

Sự kiên định giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ nhưng lại hết sức mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, khéo léo và bản lĩnh để đấu tranh ngoại giao trước kẻ thù nhằm giành, giữ và bảo vệ nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân Việt Nam là mục đích lớn lao nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận ngoại giao. Lúc hoạt động ở Pháp, khi được hỏi tại sao bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Người trả lời: “Rất giản đơn, Đệ tam quốc tế nói sẽ giúp đỡ dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn”(2). Cuối tháng 6/1922, viên toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô cho gọi Nguyễn Ái Quốc lên để dọa nạt, cảnh cáo trước những hoạt động cách mạng của Người ở Pháp. Ông ta tìm mọi cách mua chuộc Nguyễn Ái Quốc nhưng Người khẳng khái đáp trả: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập..."(3\ Cuộc gặp tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện khí phách bất khuất trước kẻ thù, sự kiên định với lý tưởng và thái độ ung dung, bình tĩnh của Nguyễn Ái Quốc trước tay “cáo già" thực dân. Có lẽ Anbe Xarô cũng kính trọng điều đó nên trong buổi tiệc chiêu đãi nhân chuyến Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp năm 1946, khi gặp Người ông ta phải thốt lên: “C'est vous!(Lại là ông à!). Tôi đã trải qua một phần lớn cuộc đời để chạy theo ông”(4).

Trong giai đoạn nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc", phải cùng lúc đối mặt với thù trong giặc ngoài, phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Găng nhưng không được bể... Chúng ta sẵn sàng nhân nhượng để có một giải pháp chung. Song, độc lập quốc gia và tự do dân tộc thì không được vi phạm. Nắm bắt mâu thuẫn Pháp - Tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ứng xử ngoại giao khôn khéo, quyết đoán, tùy vào tình hình cụ thể để đưa ra những sách lược hợp lý. Đối với quân Tưởng, bằng những kinh nghiệm của nhà hoạt động chính trị lão luyện, Người có cách ứng xử mềm mỏng, nhưng giữ vững nguyên tắc “chia ghế, không chia quyền". Tại cuộc đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp do J. Sainteny đứng đầu, trước tình thế ngay lập tức không thể đòi Pháp công nhận nền độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân nhượng để đảm bảo giữ được nền độc lập mà ta vừa giành được, Người đồng ý ký kết khi Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Sainteny đã vui mừng chấp nhận. Sau này trong hồi ký, Sainteny kể lại: “Công thức Việt Nam là quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp do ông Hồ Chí Minh chọn chỉ chốc lát trước khi ký"(5). Kết quả là ngay sau Hiệp định Sơ bộ (ngày 6/3/1946), Chính phủ Pháp đã phải gián tiếp công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức Pháp với tư cách thượng khách và đón tiếp với nghi lễ nhà nước cao nhất.

Trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn có cách ứng xử nhằm khẳng định vị thế của dân tộc. Tháng 5/1946, Cao ủy Đông Dương D'Argenlieu đến Hà Nội. Phía Pháp tổ chức lễ đón long trọng để phô trương thanh thế. Họ mời Bác đến dự lễ vào ngày 19/5/1946. Ngày 18, sau khi nhận giấy mời, Người cho thư ký Vũ Đình Huỳnh thông báo với các đồng chí trong Chính phủ, Trung ương và các đoàn thể: Ngày 19/5 đến dự kỷ niệm sinh nhật của Bác và cử Bộ trưởng Phan Anh thay mặt Chính phủ đến dự lễ của phía Pháp. Và kết quả là tối 19/5, D'Argenlieu và Ủy viên Cộng hòa Sainteny mang hoa đến chúc mừng sinh nhật của Người. Năm 1946, tàu chở Bác từ Pháp về đi qua vùng Manta, thuộc quyền kiểm soát của nước Anh, viên thuyền trưởng Pháp phải cho tàu cập bến để xin thủ tục hải quân Anh. Hiểu rõ thông lệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy đây là cơ hội tốt để nâng cao hình ảnh và vị thế của đất nước, nên đã yêu cầu kéo lá cờ Việt Nam lên, nhưng thuyền trưởng đã thoái thác. Người đáp lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Thưa Ngài, Việt Nam dân chủ cộng hòa hiện là một nước tự do, là một thành viên trong liên bang Đông Dương... Hơn ai hết, các Ngài phải hiểu rằng, lá quốc kỳ của chúng tôi phải được kéo lên để cho người Anh và những thực dân khác ở châu Á biết sự hiện diện của nước Việt Nam”(6). Yêu cầu của Người là rất chính đáng, dù khó chịu nhưng thuyền trưởng Pháp phải đồng ý. Trong cuốn hồi ký “Câu chuyện về nền hòa bình bị bỏ lỡ”, J. Saiteny bày tỏ tình cảm sâu sắc với Người và khẳng định “Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích thật sự, một mục đích cuối cùng, đó là Độc lập của Việt Nam”(7).

2.            Nhân nhượng có giới hạn và phù hợp hoàn cảnh đất nước để đạt được mục tiêu lớn hơn

Chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, chủ động linh hoạt, đấu tranh kiên quyết và khôn khéo bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc. Việc nhân nhượng có nguyên tắc đã cho phép biến nghịch cảnh thành thuận cảnh, biến những khả năng mỏng manh thành hiện thực có lợi cho cách mạng vào những thời điểm nguy nan, cấp bách đối với đất nước. Khi chính quyền Tưởng Giới Thạch đưa 20 vạn quân dưới danh nghĩa là quân Đồng minh vào miền Bắc nước ta để “giải giáp quân đội Nhật” theo thoả thuận quốc tế của các nước lớn thắng trận, trên cơ sở thế và lực của ta lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chấp nhận các yêu sách và chính quyền Tưởng đưa ra để đạt được lợi ích lớn nhất của ta là bảo toàn lực lượng, giữ được chính quyền cách mạng và thế hợp pháp của chính quyền ấy, kiềm chế và tập trung đối phó với các hành động của Pháp đang xâm lược miền Nam Việt Nam.

Khi Anh, Pháp và Tưởng thỏa thuận nhân nhượng về vấn đề Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhanh chóng chuyển hướng sách lược, chủ trương đẩy mạnh đàm phán với Pháp, thực hiện “hoà để tiến”. Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp cử hạm đội tiến vào cảng Hải Phòng, nơi quân đội Tưởng đang kiểm soát. Lực lượng vũ trang của Tưởng và Pháp đã nổ súng vào nhau nhưng cả hai bên đều không muốn xung đột lan rộng, nên đã đề nghị Chính phủ Việt Nam đạt đến giải pháp thỏa hiệp. Đó là thời điểm thích hợp để ta buộc Pháp phải chấp nhận một số điều khoản có lợi cho cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao của ta. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp (ngày 06/3/1946) nhằm đuổi Tưởng về nước. Hiệp định Sơ bộ là một mẫu mực về nghệ thuật chọn đúng thời điểm và khai thác triệt để xung đột giữa những bên đối địch để đạt giải pháp hoà bình. Tuy ta chấp nhận “quốc gia tự do” và để cho 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam, nhưng đổi lại, Pháp phải thừa nhận Việt Nam có chính phủ, quốc hội, quân đội, tài chính riêng và rút dần quân Pháp trong thời hạn 5 năm. Điều quan trọng nhất là ta đã đẩy được 20 vạn quân đội Tưởng và các nhóm người Việt thân Tưởng ra khỏi Việt Nam, tập trung lực lượng đối phó với thực dân Pháp trở lại xâm lược.

Để thêm thời gian hòa hoãn chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ không thể tránh khỏi và không để đàm phán Pháp - Việt tan vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tạm ước 14/9/1946 tại Paris, nhân nhượng cho Pháp được hưởng một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam. Phía Pháp phải đình chiến, thả tù chính trị và công nhận một số quyền tự do của đồng bào Nam Bộ.

Việc ký hai văn kiện là Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước thể hiện sách lược sáng suốt, mềm dẻo, khéo léo, biết đề ra đối sách đúng đắn, phù hợp tình hình đất nước trong những hoàn cảnh hết sức phức tạp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị Genève 1954, do tương quan lực lượng trên chính trường quốc tế và chính sách của các nước lớn muốn hoà hoãn, còn Mỹ muốn phá hoại tiến trình hoà bình, ta đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ các nội dung có tính nguyên tắc, chấp thuận với sự nhân nhượng nhất định hai điểm then chốt là vĩ tuyến 17 và thời hạn tổng tuyển cử hai năm. Ta đạt được việc giải phóng nửa nước, các nước lớn lần đầu tiên công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, củng cố quan hệ với các nước lớn xã hội chủ nghĩa để tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh trong giao đoạn tiếp theo. Về thắng lợi ngoại giao này, tại Hội nghị ngoại giao năm 1964 về Hiệp định Genève, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Hồi đó nếu ta không nhận hoà thì tức là mắc mưu Mỹ. Tất nhiên thắng lợi thu được cũng là do mình có Điện Biên Phủ, ngoài ra lại còn có sự giúp đỡ của các nước anh em nữa”(8).

Đầu năm 1967, Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, thúc đẩy quá trình tiếp xúc, đàm phán với Mỹ để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý cử đoàn đại biểu Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Phó Bí thư Trung ương Cục dẫn đầu, cùng Tham mưu trưởng quân Giải phóng miền Nam, sang thăm Trung Quốc. Mục đích chuyến đi là để thông báo tình hình đấu tranh của đồng bào miền Nam Việt Nam và thể hiện quyết tâm chiến đấu của nhân dân miền Nam. Sau khi tiếp đoàn, Chủ tịch Mao Trạch Đông nhận xét rằng Việt Nam đánh giỏi mà đàm cũng giỏi và ủng hộ chủ trương của Việt Nam vừa đánh vừa đàm.

Sau gần 5 năm đấu tranh tại Hội nghị Paris, cuối cùng ta và Mỹ đã cùng nhân nhượng để mỗi bên đạt được mục tiêu quan trọng. Mục tiêu số một của Việt Nam lúc này là “đánh cho Mỹ cút” để rồi sau đó sẽ tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Sự thỏa hiệp đó đã có tác dụng thu hẹp lực lượng cần đánh đổ khi gạt ra khỏi miền Nam Việt Nam hàng chục vạn lính viễn chinh Mỹ và đồng minh. Biết thỏa hiệp để bảo toàn lực lượng là sáng suốt; biết nhân nhượng đúng mức, không quá “tả” để phá vỡ đàm phán, không quá “hữu” để tổn hại đến lợi ích cơ bản của dân tộc là khôn khéo.

Khẳng định về nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc và ứng xử ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ với các thế lực thù địch, đồng chí Lê Duẩn đã viết: “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược lêninnit về... nhân nhượng có nguyên tắc”(9).

3.            “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng”

Ngay từ cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng”(10), thể hiện quan điểm của Người về mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả của công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước. Phải kết hợp và phát huy các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế vào công tác ngoại giao để tạo nên được sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Cuối năm 1953, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, làm thất bại âm mưu của Pháp và Mỹ. Ngày 07/5/1954, ta đánh bại Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ, ngay sau đó một ngày, Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị Genève cùng với sự tham dự của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Anh và ba đoàn đại diện của chính quyền bù nhìn Việt Nam, Lào, Campuchia.

Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định: “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường”(10). Thực tế lịch sử đã chứng minh: những thắng lợi trên mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc đã làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, buộc chúng phải thay đổi, tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đưa quân chiến đấu Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Để đối phó với chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, ta đã đánh thắng hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966¬1967, đánh bại chủ trương chiến lược “tìm diệt”, rồi “quét - giữ” hòng giành thế chủ động chiến trường của chúng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 giành được thắng lợi to lớn đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, làm cho Mỹ phải thừa nhận không thể giành thắng lợi quân sự. Cùng với thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc, Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán với ta để tìm lối thoát khỏi cuộc chiến tranh hao người, tốn của, mất lòng dân này. Việc phải đặt bút ký vào Hiệp định Paris, phải rút hết quân Mỹ về nước, trong khi đó lực lượng bộ đội miền Bắc Việt Nam vẫn ở lại miền Nam sau khi hiệp định có hiệu lực, là một thất bại lớn của Mỹ, thể hiện một cách rõ rệt nhất thất bại của Mỹ trên chiến trường hai miền Nam - Bắc Việt Nam.

Trên cơ sở những chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình là kết quả của một chặng đường lịch sử kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, trong đó đấu tranh ngoại giao đóng vai trò quan trọng cùng với đấu tranh quân sự, chính trị đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của kẻ thù, buộc Mỹ phải rút hết quân, tạo cơ sở vô cùng thuận lợi để quân và dân ta tiến lên “đánh cho Ngụy nhào”.

Với các mốc son từ Hiệp định Sơ bộ 1946, Hiệp định Genève 1954 đến Hiệp định Paris 1973 là những nấc thang vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc ta thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, mà đằng sau mỗi thắng lợi ngoại giao ấy là những thắng lợi về mặt quân sự, chính trị làm bàn đạp. Đây là những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, thắng lợi của tinh thần nhân văn, nhân đạo và chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Hồ Chí Minh trong đấu tranh ngoại giao.

4.            Khôn khéo, khiêm nhường nhưng vẫn giữ được vị thế trong cách ứng xử đối với kẻ địch

Trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm vững, vận dụng và phát triển quan điểm trên của Lênin phù hợp với những điều kiện lịch sử cụ thể. Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chủ nghĩa Mác-Lênin dạy chúng ta rằng: muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải biết phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Mọi người yêu nước và tiến bộ là bạn của ta”(11). Ngay đầu năm 1945, khi Chiến tranh thế giới thứ 2 đi đến giai đoạn kết thúc, nhận thấy tình hình thế giới, trong nước có nhiều thay đổi, Hồ Chí Minh nhận định: “phải gặp Mỹ, tranh thủ sự đồng tình của Mỹ, thêm bạn cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, cho mặt trận Việt Minh, tìm kiếm một quan hệ mức độ có thể với Mỹ để cách mạng Việt Nam có một vị trí nhất định trong phe Đồng minh chống phát xít và triệt để phân hóa hàng ngũ của chủ nghĩa đế quốc”(12). Kết quả, quân đội Mỹ tại chiến trường Hoa Nam đã quyết định hợp tác với phong trào kháng chiến Việt Nam để chống Nhật trên chiến trường Đông Dương. Việc thiết lập quan hệ với Quốc dân Đảng Trung Hoa và Mỹ trước thềm Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi cho chính quyền cách mạng, vì theo Hồ Chí Minh: các nước Đồng minh... không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam... một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!

Với kẻ thù xâm lược, Hồ Chí Minh hiểu rõ đâu là thế lực cầm đầu, hiểu rõ trong người dân thường, ai là bạn, ai là thù của dân tộc Việt Nam. Từ đó Người kêu gọi sự ủng hộ, tranh thủ sự đồng tình của lực lượng dân chủ yêu chuộng hòa bình cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc mình. Trong chuyến thăm Pháp, vào hồi 17 giờ ngày 26/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp luật sư Max Clainville Bloncourt, Người bày tỏ nỗi lòng: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập và tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi”(13). Trong Lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10/01/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”. Bác thấu hiểu được “Không có trận đánh nào “đẹp” cho dầu thắng lợi lớn”. Ngày 07/5/1964, khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Pháp Danien Huynơben, Người nói: “Nhân dân Pháp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam... Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối tình cảm đó”(14). Còn đối với nhân dân Mỹ, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ”; “Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng”. Người tin rằng mỗi khi “lương tâm người Mỹ nổi giận” sẽ góp phần thay đổi cục diện cuộc chiến tranh: “Nhân dân Mỹ đánh từ trong đánh ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng”(15).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương mở rộng mặt trận nhân dân thế giới, bao gồm nhân dân Mỹ, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ, thông qua những sách lược và các hình thức tập hợp lực lượng mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng trên thế giới và ở miền Nam Việt Nam, như việc giương cao ngọn cờ hoà bình, trung lập, xây dựng ngoại giao miền Nam để phối hợp với ngoại giao miền Bắc, mở rộng hoạt động ngoại giao nhân dân... Đầu những năm 1960, khi tướng De Gaulle nêu chủ trương trung lập hóa Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời hoan nghênh xu hướng này. Tháng 4/1964, trả lời phỏng vấn của nhà báo Úc, Người khẳng định: “Chính phủ Pháp là một nước tham gia ký Hiệp định Genève về Việt Nam cần làm tốt trách nhiệm của mình, thực hiện đầy đủ Hiệp định ấy, góp phần bảo đảm cho nước Việt Nam được thống nhất một cách hòa bình, như Hiệp định Genève đã quy định”(16).

Ngoài ra, sự khôn khéo trong việc nắm bắt, lợi dụng sự mâu thuẫn trong hàng ngũ của địch để từng bước đưa Việt Nam giành thắng lợi trên bàn đàm phán càng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng trong đấu tranh ngoại giao. Năm 1946, Người đã nhanh chóng nắm bắt được mâu thuẫn, bất đồng giữa chính quyền Tưởng Giới Thạch và thực dân Pháp, giữa Mỹ và Pháp ở Việt Nam cũng như mâu thuẫn phe phái ngay trong nội bộ từng phía đối phương: giữa các tập đoàn quân phiệt Vân Nam, Lưỡng Quảng với chính phủ Trùng Khánh, giữa những người Pháp có đầu óc thực tế và phái “chủ chiến” ở Pháp và Đông Dương, giữa quân đội Nhật vừa bại trận với lực lượng của Anh, Pháp, Trung Quốc... Chỉ 8 ngày sau Hiệp định Hoa - Pháp được ký ở Trùng Khánh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng đã ký Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946, đẩy được quân đội Tưởng và các nhóm tay sai của Tưởng ra khỏi Việt Nam.

Khiêm nhường, khôn khéo song Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đứng trước kẻ thù vẫn luôn giữ vững tư thế, sự nhanh nhạy, quyết đoán. Năm 1946, trên đường từ Pháp về Việt Nam đến vùng biển Cam Ranh, Người nhận được bức điện của Đô đốc D'Argenlieu xin gặp trong cảng, mục đích của chúng là giễu võ giương oai để uy hiếp tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước một Hồ Chí Minh giản dị ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp, bên kia là Thống soái lục quân Pháp ở Viễn đông với những bộ quân phục sáng loáng các thứ bội tinh, quân hàm, quân hiệu, D'Argenlieu mỉa mai bóng gió: “Thưa ông Chủ tịch ông đã được đóng bộ khung rất đẹp của hải và lục quân đó”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thản nhiên mỉm cười: “Đô đốc biết đó, giá trị là ở bức họa chứ không phải bộ khung”. Bất ngờ và cay cú trước tài ứng xử thông minh của Người, hai viên chỉ huy quân đội Pháp không dám nói xách mé nữa mà tỏ ra rất lịch lãm và kính phục Người. Lần khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu đàm phán với Đô đốc D'Argenlieu ở Vịnh Hạ Long, khi gặp Người đã chủ động ôm hôn Đô đốc, các đồng chí đi theo thắc mắc, Người nói: “Đánh nhau thì đánh nhau, mình hôn nó một cái thì có mất gì”. Hôm sau báo chí đưa ảnh và bình luận: “Hồ Chủ tịch ôm hôn Đô đốc chính là ôm chặt để bóp chết”(17). Hay trong lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Bộ trưởng Bộ nước Pháp Hải ngoại Marius Moutet năm 1946. Ông ta đi từ trên thang gác xuống đón Người còn Người đi lên. Moutet giơ tay ra bắt tay Người, nhưng chỉ đến khi đứng ở bậc thang ngang với Moutet, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới đưa tay ra. Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ tay đáp lại ngay thì trong tấm ảnh của các nhà báo chụp phút đó Bác sẽ ở vị thế dưới Moutet, là điều mang ý nghĩa tượng trưng không hay cho ta. Chỉ một hành động tưởng chừng như rất nhỏ thôi nhưng đó là cả một sự tài tình, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mặt trận đấu tranh ngoại giao mà không phải ai cũng có thể làm được.

Những bài học quý giá, những giá trị cốt lõi trên mặt trận đấu tranh ngoại giao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử. Xu thế quan hệ đối ngoại trên thế giới hiện đang rất phức tạp và khôn lường. Trong bối cảnh đó, đấu tranh ngoại giao phải luôn giữ vững được đường lối, tư tưởng, chính sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, luôn đặt nguyên tắc giữ vững nền độc lập dân tộc, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ trên hết để khẳng định vị thế của dân tộc trên trường quốc tế. Để làm được điều này chúng ta luôn đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước vững mạnh cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và quân sự, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định“chiêng có to tiếng mới lớn”.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H.2011, tập 4, tr.187.

2.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.111-112.

3.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.674.

4.            Hai chuyến đi lịch sử của Bác Hồ. Nxb. CAND, H, 2005, tr.77.

5,            7. Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ, Jean Sainteny, Nxb: Công an nhân dân, H. 2004.

6.            Bác Hồ với ngoại giao, Mẩu chuyện nhỏ bài học lớn, Nxb. CTQG, H. 2010, tr.39.

8.            Bác Hồ nói về ngoại giao, Hà Nội,1994, tr.11.

9.            Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, H. 1979, tr.31.

10.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 147.

11.          Văn kiện Đảng: Toàn tập, , Nxb. CTQG, H. 2003, tập 28, tr.174.

12.          Báo Nhân dân đăng trên số 3081, ngày 31 tháng 8 năm 1962.

13.          “Chủ tịch Hồ Chí Minh-trí tuệ lớn của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại” (Nguyễn Phúc Luân).

14.          Báo Nhân dân, số 3724, ngày 10/6/1964; số 3690, ngày 7/5/1964.

15.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, tập 12, tr.524.

16.          Báo Nhân dân, số 3679, ngày 25/4/1964.

17.          108 chuyện vui đời thường của Bác Hồ, Nxb. Thông Tấn, H.2008.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)