Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính sách ngoại giao với nước Pháp thời kỳ 1945 - 1946
Hồ Thị Quỳnh Trang
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH) vừa thành lập đã gặp vô cùng khó khăn về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và đặc biệt là phải đối mặt với nhiều kẻ thù khác nhau. Trong thời điểm lịch sử ngàn cân treo sợi tóc này, bên cạnh nghệ thuật đàm phán, thương lượng, hòa hoãn linh hoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện đường lối ngoại giao khôn khéo, kiên quyết để giúp nước ta có thêm thời gian hoà bình, tranh thủ củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng.
Ngày 10/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Sanh-tơ-ny, trưởng phái đoàn quân sự số 5 kiêm đại diện Ủy viên Cộng hoà Pháp ở Đông Dương và tháng 10/1945, Người gửi điện cho tướng Đờ-Gôn, người đứng đầu chính phủ Pháp, bày tỏ quyết tâm của Chính phủ lâm thời Cộng hoà Việt Nam “bảo vệ nền độc lập Việt Nam bằng mọi biện pháp” đồng thời “cam kết bảo đảm an ninh tính mạng và tài sản của người nước ngoài ở toàn cõi Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng”. Người cũng gửi điện cho Chủ tịch Quốc hội Pháp: “Đề nghị Ngài tác động một cách thích đáng với Chính phủ Cộng hoà Pháp nhằm đưa ra các chỉ thị cần thiết cho lực lượng Pháp ở Viễn Đông và để tránh mọi sự đáng tiếc xảy ra”(1). Cùng thời gian đó, “lấy tình một người bạn chân thật của những người Pháp lương thiện” Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho những người Pháp ở Đông Dương kêu gọi họ ủng hộ chính phủ Việt Nam vì hoà bình chung của hai dân tộc: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Chúng tôi không sợ chết chính vì chúng tôi muốn sống. Chúng tôi cũng như các bạn, muốn sống tự do, không có ai đè đầu bóp cổ. Bởi vậy chúng tôi đã phân biệt người Pháp tốt với người Pháp xấu. Tôi nhắc lại, chúng tôi chiến đấu cho nền độc lập của chúng tôi, chúng tôi chiến đấu chống sự đô hộ Pháp mà không chống những người Pháp lương thiện”(2).
Ngày 13/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho các lãnh đạo đảng Gia tô giáo, Xã hội và Cộng sản Pháp kêu gọi công nhận nền độc lập của Việt Nam: “Nhân danh lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái, khẩu hiệu của nước Pháp Cộng hoà và nhân danh chính sách hoà bình của Liên hiệp quốc, tôi kêu gọi các ngài và xin các ngài xét đoán đến các hành động bất công ấy. Tôi có thể đảm bảo với các ngài rằng nếu nước Pháp chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, dân chúng Việt Nam sẽ hết sức hoà hảo với nước Pháp. Trái lại thế, dân chúng Việt Nam quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do”(3). Ngày 28/11, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về chính sách ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quan điểm ngoại giao đối với Pháp trên nguyên tắc: Nhất quyết đòi quyền độc lập; Chỉ có thể nhượng bộ ít nhiều về kinh tế, văn hoá. Ngày 1/12, trong buổi tiếp Sanh-tơ-ny, Pi-nhon và Ca-put, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói muốn có cuộc gặp với đô đốc Đac-giăng- liơ để bàn thảo kế hoạch đàm phán Việt - Pháp. Ngày 14/1/1946, Người gửi điện tới các nhà lãnh đạo của Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ cùng các Bộ trưởng ngoại giao và Hội đồng Liên Hiệp quốc đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam và sớm kết nạp nước ta vào Liên Hợp quốc. Ngày 8/2, đáp lại đề nghị của tướng Sa-lan yêu cầu Chính phủ ta để quân Pháp đổ bộ vào Việt Nam để “lập lại trật tự”, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: “Tôi không thể làm như vậy. Nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc. Chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ, chúng tôi muốn sống tự do”(4). Ngày 16/2, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục thảo luận với Sanh-tơ-ny để đi tới một bản Hiệp định sơ bộ. Hai bên đã đồng ý dùng chữ Chính phủ tự quyết thay cho chữ tự do của Chính phủ. Đến ngày 25/2, Người tiếp tục thảo luận với Sanh-tơ-ny để nhất trí đàm phán hoà bình.
Sau Hiệp định sơ bộ 6-3, Người phát biểu: “Chúng tôi không thoả mãn vì chưa giành được hoàn toàn độc lập, nhưng chúng tôi sẽ giành được độc lập hoàn toàn”(5).
Sau khi ký kết hiệp ước với chính phủ Quốc dân đảng, quân Pháp bắt đầu tiến ra miền Bắc để thay thế quân Tưởng Giới Thạch rút về nước. Chiều ngày 18/3/1946, quân đội Pháp tới Hà Nội, tướng Lơ-clec đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nói: “Tôi hết lòng hy vọng toàn thể nước Pháp mới và nước Việt Nam sẽ nêu ra trước hoàn cầu một cái gương sáng: cái gương hai nước biết cùng nhau giải quyết được hết các vấn đề khó khăn, gai góc”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi điện cảm ơn Đác-giăng-liơ: “Quốc hội Việt Nam cùng Chính phủ Việt Nam rất lấy làm cảm động về sự đón tiếp niềm nở phái đoàn Quốc hội Việt Nam. Xin ngài chuyển lời cảm ơn trên này về Chính phủ Pháp và ao ước rằng những cuộc thương thuyết sau này tại Pari cũng sẽ thân mật như thế để mưu sự thịnh vượng chung cho cả hai dân tộc”(7). Đến ngày 24/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Đác-giăng-liơ trên tuần dương hạm Emin Bec-tanh đang thả neo trên vịnh Hạ Long. Sau một ngày xem quân Pháp dàn quân tập trận, Người nói với tướng Sa-lan trên đường quay về Hà Nội: “Nếu đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi”(8). Tuy vậy, trước khi lên đường sang Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp, Người vẫn gửi điện cảm ơn vị đô đốc này: “Tôi xin cảm ơn Ngài đã săn sóc về việc khởi hành sang Pháp của tôi và tôi thành thực cảm ơn Ngài đã viết thư chúc tôi trong lúc tôi lên đường. Tôi sẽ hy vọng và quả quyết rằng cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê sẽ được tốt đẹp và nhờ đó hai dân tộc Pháp - Nam sẽ cộng tác một cách chặt chẽ ”(9).
Tại thủ đô Paris nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách để chính quyền Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Ngày 2/7, trong lời đáp từ tại buổi chiêu đãi của Thủ tướng Pháp Bi-đon, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng vào sự hợp tác thân thiện của cả hai bên: “sự thành thực và sự tin cậy lẫn nhau sẽ san phẳng được hết thảy những trở ngại. Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: ‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân'. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp”(10). Người cũng viết thư cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Mông- tê, trưởng đoàn đàm phán Pháp, gợi ý một số biện pháp trong các cuộc thương thuyết: “Những vấn đề mà người Pháp cũng như người Việt Nam tha thiết nhất, đó là độc lập dân tộc và vấn đề Nam Bộ. Còn về vấn đề tiếng Pháp, chúng tôi đồng ý trên bình diện Liên bang Đông Dương, tiếng Pháp sẽ là tiếng nói chính thức. Nhưng ở Việt Nam thì tiếng Pháp không thể bị áp đặt là một ngôn ngữ bắt buộc”(11). Người còn viết thư cho Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp Thô-rê nhờ vận động những thành viên trong chính phủ là đảng viên cộng sản: “tôi yêu cầu đồng chí mời tất cả các đồng chí Bộ trưởng của chúng ta đến dự phiên họp Hội đồng. Hôm qua tôi đã gặp ông Bộ trưởng thuộc địa và đã nói với ông ấy rằng, trước hết chúng ta phải giải quyết hai vấn đề chính là Độc lập và Nam Bộ. Ông ấy đã đề nghị tôi đưa ra công thức khả dĩ có thể thông qua từ ‘Độc lập' một cách dễ dàng”(12). Tại lễ kỷ niệm quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam DCCH được tổ chức tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích trước các nhà chính trị Pháp: “Tình hữu nghị chỉ là tình hữu nghị thực sự, thành thật và phong phú chừng nào nó hoàn toàn tự nguyện. Tôi tin tưởng rằng nước Pháp đã kháng chiến và giành được giải phóng sẵn sàng công nhận nền độc lập của chúng tôi, điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với các dân tộc khác. Nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng những lợi ích văn hoá và kinh tế của Pháp trên đất nước Việt Nam; hơn thế nữa, Việt Nam còn sẵn sàng phát triển nó bằng sự hợp tác anh em và trung thực. Việt Nam độc lập, chẳng những không làm hại đến lợi ích của Pháp, mà còn tăng cường vị trí và củng cố uy tín của Pháp ở châu Á”(13). Tối ngày 15/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu với nhân dân Pháp qua đài phát thanh Paris, đề cao tình hữu nghị giữa hai dân tộc: “Những cử chỉ thân ái mà nhân dân Việt Nam do tôi đại diện, nhận được của nhân dân Pháp, giúp rất nhiều vào việc xây đắp tình thân thiện giữa hai dân tộc. Công việc ở Hội nghị Fon-ten-nơ-blô chưa đưa đến mục đích, chưa đưa đến kết quả cụ thể thật đấy, nhưng tôi hiểu biết nhân dân Pháp, tôi biết rằng lý tưởng thời 1789 lúc nào cũng vẫn mạnh mẽ trong nhân dân Pháp. Tôi tin chắc rằng nhân dân Pháp rất muốn nối với Việt Nam, nước Cộng hoà chị em với nước Cộng hoà Pháp, những mối liên lạc chặt chẽ. Nước Pháp, một nước chiến đấu cho tự do và dân chủ, đã tỏ rõ lòng tôn trọng chủ quyền và tư cách của Việt Nam trong Hiệp định 6/3”(14).
Trở về nước trên chiến hạm Duy-mon Uêc-vin sau khi ký Tạm ước 14/9, ngày 22/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời bà Chos-sis trong Hội liên hiệp phụ nữ Pháp: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và sự thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc của chúng tôi độc lập và thống nhất. Liệu các bà có kết tội chúng tôi vì đấu tranh chống những kẻ tìm cách chinh phục và chia cắt tổ quốc chúng tôi không? Vì sao những người kháng chiến Pháp được coi như những người anh hùng? Vì sao những người du kích Việt Nam lại bị xem như những tên ăn cướp và những kẻ giết người? Người ta cho rằng những người Pháp đến Đông Dương là những người đi khai hoá. Tôi cũng mong như vậy! Nhưng người ta không thể khai hóa người khác bằng đại bác và xe tăng! Trong khi một bà mẹ Pháp thương khóc đứa con của mình thì có biết bao bà mẹ Việt Nam vừa khóc thương những người con bị chết lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan cửa nát! Hỡi các bà mẹ Pháp! Tôi kêu gọi tinh thần yêu nước cao quý và tình mẫu tử của các bà. Và các bà sẽ nhận được tấm lòng biết ơn của người con không chỉ của thanh niên Pháp mà cả của thanh niên Việt Nam”(15).
Cũng là một người yêu đọc sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nhà báo Hat-rick, tác giả cuốn Độc lập hay là chết, bày tỏ quan điểm: “Thưa tác giả thân mến, tôi phải nói với ông rằng, tôi phải nói với nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam rằng Hồ Chí Minh không bao giờ chịu cúi mình trước bạo lực vì Hồ Chí Minh là một phần không chia cắt của nhân dân ông ta, ông ta mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn, ông ta hành động điều mà cả nhân dân ông hành động”(16).
Khi về đến Cam Ranh, Đác-giăng-liơ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến gặp, tổ chức đón Người rất trọng thể. Tuy hứa hẹn sẽ làm theo bản Tạm ước, nhưng y lại ra lệnh cho hải quân chặn cửa biển Hải Phòng, không tham dự các cuộc hội nghị do Tạm ước quy định, ra lệnh bắn vào quần chúng mít tinh chào mừng bản Tạm ước ở ngay Nha Trang và tập trung quân gây ra vô số những vụ khiêu khích nổ súng nghiêm trọng rồi đổ lỗi cho quân đội ta. Mặc dầu vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì bảo vệ hoà bình. Ngày 21/11, Người viết thư gửi tướng Mooc-lie, vừa thông báo tình hình, vừa chỉ rõ quân đội Pháp gây hấn: “Tôi chỉ xin Ngài chú ý rằng căn cứ vào những việc đã xảy ra thì trách nhiệm quy vào bộ đội Pháp ở Hải Phòng, đã bắn trước vào bộ đội Việt Nam và đã tiếp tục gây hấn, mặc dầu đã có lệnh thôi bắn của các nhà chức trách quân sự trung ương Pháp và Việt Nam tại Hà Nội ”(17).
Cuối năm 1946, phe phái muốn giải quyết vấn đề Việt Nam bằng chiến tranh đã nắm quyền trong chính phủ Pháp và quân đội Pháp được lệnh chuẩn bị chiếm toàn bộ miền Bắc Việt Nam. Tối ngày 26/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội về ngã tư Canh, ngoại thành Hà Nội. Người viết thư gửi đồng bào Việt Nam và Pháp thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp. Song khi phải giữ chủ quyền của Tổ quốc, cần hy sinh thì cũng phải kiên quyết hy sinh”(18). Người cũng đọc lời kêu gọi qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam: “Tôi kêu gọi Đại tướng Va-luy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm chức Thượng sứ, và các tướng lĩnh Pháp ở Việt Nam phải lập tức đình chỉ việc đổ máu giữa người Pháp và người Việt”. Tiếp theo sự kiện Cao ủy đô đốc Đác- giăng-liơ tuyên bố rằng Pháp sẽ dùng vũ lực để chiếm lại quyền lợi trên đất Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi Quốc hội và chính phủ Pháp ra lệnh ngừng các vụ khiêu khích đổ máu: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết lòng cộng tác thật thà như anh em với nhân dân Pháp. Vì vậy đã ký hiệp định 6/3 và Tạm ước 14/9. Song một số người Pháp ở đây làm trái với những điều ước đó, dùng võ lực để đối phó với Việt Nam. Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến lợi quyền chung tối cao của cả hai dân tộc Pháp - Việt, hạ lệnh cho đương cục Pháp khôi phục tình trạng trước ngày 20/11/1946, để cùng Chính phủ Việt Nam thi hành Tạm ước, để xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài”(19). Chiều ngày 3/12, mặc dù ốm mệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp Sanh-tơ-ny, cùng dự có các ông Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam. Người cho rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về các vụ xung đột ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Người đề nghị các Ủy ban hỗn hợp đã được tổ chức sẽ tiếp tục công việc trước đây, thành lập hai ban đặc biệt để giải quyết vấn đề về quân sự, thuế quan và các lực lượng Pháp - Việt Nam trở về các vị trí chiếm đóng cũ trước khi xảy ra các vụ xung đột. Tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc tại làng Vạn Phúc, Hà Đông. Sáng sớm ngày 19/12, sau khi nhận được tối hậu thư của quân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn viết một bức thư gửi Sanh-tơ-ny: “Trong khi chờ đợi quyết định của Paris, tôi mong rằng ông sẽ cùng ông Giám (Hoàng Minh Giám) tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại”.
Mọi nỗ lực ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta không thể bảo vệ được nền hoà bình cho Việt Nam. Ngày 19/12/1946, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta chính thức đứng lên kháng chiến toàn quốc cho đến tháng 5/1954, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ thắng lợi.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.70.
2. S.đ d nt tr.75.
3. S.đ d nt tr.112.
4. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 3, tr.151.
5. S.đ d nt tr.172.
6. S.đ d nt tr.182.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.257.
8. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 3, tr.188.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.283.
10. S.đ d nt tr.303.
11. S.đ d nt tr.299.
12. S.đ d nt tr.322
13. S.đ d nt tr.326
14. S.đ d nt tr.340
15. S.đ d nt tr.346
16. S.đ d nt tr.356
17. S.đ d nt tr.505
18. S.đ d nt tr.510
19. S.đ d nt tr.518