slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuyến thăm Quảng Đông năm 1964

10 Tháng 07 Năm 2024 / 467 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

Nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Quảng Châu, Trung Quốc lần đầu tiên vào ngày 11/11/1924. Sau đó, với các bí danh khác nhau như Nguyễn Ái Quốc, Tống Văn Sơ, Hồ Quang, Vương Đạt Nhân, Hồ Chí Minh, Người còn đến hoạt động bí mật, làm việc, đi thăm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại Trung Quốc nhiều lần nữa từ năm 1929 đến năm 1968. Lịch trình, phương tiện, địa điểm, diễn biến sự kiện những chuyến thăm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh phần lớn đã được thống kê, công bố trong các sách nghiên cứu chính thống, ngoại trừ một số chuyến đi trong thời gian kháng chiến chống Pháp 1946-1954 có lượng thông tin hạn chế, chưa phong phú và đầy đủ, các nguồn tài liệu chỉ đề cập vài dòng ngắn gọn về thời gian, mục đích, kết quả của chuyến đi, ví dụ như các chuyến thăm Trung Quốc những năm 1950-1952-1954.

Còn lại, các chuyến thăm Trung Quốc của Người trong giai đoạn 1955-1968 đã được cung cấp khá nhiều thông tin, thậm chí nhiều chuyện kể chi tiết bổ sung từ hồi ký, nhật ký của các nhân chứng của ta và của bạn được đi tháp tùng, đón tiếp, phục vụ Người. Tuy nhiên, chuyến đi chữa bệnh và nghỉ dưỡng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn một tháng, từ tháng 5 đến tháng 6/1964, lại không có bất kỳ thông tin nào trong các sách nghiên cứu chính thống về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bộ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử 10 tập, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành năm 2008 ở tập IX (giai đoạn 1964-1966) không đề cập đến sự kiện này. Trong bộ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử 10 tập cũng do Học viện Chính trị quốc gia và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản lần thứ ba năm 2016, dù có chỉnh sửa, bổ sung nhiều tư liệu nhưng ở tập IX (giai đoạn 1964-1966), cũng vẫn không cung cấp thông tin liên quan đến các hoạt động từ tháng 5 đến tháng 6/1964 của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc? Sau khi tìm hiểu nhiều nguồn tư liệu khác nhau từ hồi ký và ảnh chụp, bài viết này bổ sung một số sự kiện trong chuyến đi này của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: Theo ghi chép của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ngày 11/5/1964, lúc 7 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ Hà Nội lên máy bay đi thăm Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tại đây, Người lấy bí danh là Đinh Nhất và nghỉ ở Côn Minh đến ngày 14/5. Ngày 15/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Côn Minh đi máy bay đến Quảng Châu. Bà Âu Mộng Giác, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đông đã đón tiếp và hướng dẫn Người đi thăm và nghỉ tại biệt thự số 1 Tùng Viên, Ôn Tuyền thuộc Khu an dưỡng suối nước nóng ở Tùng Hóa, ngoại ô thành phố Quảng Châu.  Ngày 19/5, nhân dịp sinh nhật lần thứ 74 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhân viên của khách sạn Ôn Tuyền đã tổ chức liên hoan chúc thọ và ăn cơm cùng với Người. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Trung ương như Đào Chú, Lâm Ngọc Minh, Khang Sinh, Lưu Ninh Nhất, Âu Mộng Giác đều đến chúc mừng sinh nhật và cùng ăn bữa cơm thân mật với Người. Sau buổi liên hoan nhẹ nhàng, ấm cúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống nhà bếp thăm hỏi anh chị em cấp dưỡng đã phục vụ bữa ăn.

Ngày hôm sau, theo yêu cầu của đồng chí thư ký Vũ Kỳ, Lục Văn Tuấn - phóng viên nhiếp ảnh của tờ Quảng Đông họa báo đã đến chụp ảnh chân dung Người tại biệt thự số 1 Tùng Viên. Để có được một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thật chuẩn, Lục Văn Tuấn đã trăn trở tìm các phương án lý tưởng để thực hiện công việc này tại phòng ăn của biệt thự Tùng Viên.

Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mặc bộ quần áo kaki Người yêu thích. Sau khi chuẩn bị kỹ thuật máy móc, điều chỉnh ánh sáng, tư thế ngồi của Người, Lục Văn Tuấn đã bấm máy liên tiếp. Sau khi in tráng ảnh, Lục Văn Tuấn đã chọn bức ảnh mà anh cho rằng đẹp nhất để trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã xem, tỏ ý rất hài lòng và cảm ơn nhà nhiếp ảnh.

Phóng viên Lục Văn Tuấn kể lại trong hồi ký: “Một ngày trong tháng 5/1964, thư ký của Hồ Chủ tịch nói với tôi rằng: Trung ương Đảng Việt Nam mong chụp một bức chân dung mới cho Hồ Chủ tịch. Khi nhận được nhiệm vụ này, tôi thấy vừa vinh dự, vừa nặng nề, tinh thần trách nhiệm cách mạng khiến tôi hạ quyết tâm, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ vì tình hữu nghị giữa hai Đảng, nhân dân hai nước Trung - Việt. Tôi tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, học thêm lý luận và kỹ thuật nhiếp ảnh, nâng cao hơn nữa kiến thức và trình độ chụp ảnh chân dung, phải làm sao toát lên được cái hồn của nhân vật, vừa cần thể hiện đặc điểm ngoại hình, lại phải diễn đạt được cảm xúc nội tâm. Làm nổi bật cá tính, đặc trưng của nhân vật, ảnh chân dung của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại là để cho hàng triệu người dân đến từ các nước khác nhau và có tiếng nói khác nhau chiêm ngưỡng, yêu cầu sẽ cao hơn và nghiêm khắc hơn. Hồ Chủ tịch quan tâm quần chúng, chan hòa gần gũi, luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, giản dị chất phác, nhiệt tình, ngay thẳng, điềm đạm, hiền hậu, nét mặt hồng hào, hòa nhã dễ gần, Hồ Chủ tịch ăn mặc giản dị, áo khoác chính thức của Người là một chiếc áo kaki kiểu Trung Sơn màu vàng nhạt, rất hợp với gam màu sáng.

Bởi vì màu sáng có thể thể hiện sự cao cả, thuần khiết và cái đẹp trong tâm hồn nhất, cộng thêm cả cuộc đời Hồ Chủ tịch lặn lội gió sương trong cuộc đấu tranh cách mạng, mái tóc và chòm râu bạc trắng như cước có thể làm nổi bật sự hiền hậu, anh minh và vĩ đại của Người. Tôi biết chụp ảnh màu sáng được quyết định bởi ba nhân tố: Một là, người được chụp phải mặc áo màu nhạt, Người mặc áo kaki kiểu Tôn Trung Sơn màu vàng nhạt vừa vặn ăn khớp với yêu cầu này; hai là, sắc tố của môi trường, tức bối cảnh cũng phải là màu đơn sắc, thế là tôi chọn địa điểm chụp ảnh là một góc trong phòng Người dùng cơm, màu sắc của bức tường là màu ngà nhạt, cũng phù hợp yêu cầu; ba là, sử dụng nguồn sáng chính và nguồn sáng phụ, chọn góc chụp thuận sáng. Nguồn sáng hoàn toàn có thể tự do điều chỉnh. Ý tưởng của tôi tương đối khả thi, cũng dễ thực hiện, như vậy đã tăng cường lòng tin của tôi khi chụp ảnh cho Người. Thời gian chụp ảnh, tôi chọn 5 giờ chiều, đồng thời điều chỉnh tốt góc độ của máy ảnh khi chụp thử, để ống kính máy ảnh ở độ cao ngang với tầm mắt của người được chụp, giữ tỷ lệ tự nhiên của khuôn mặt người được chụp trong giữa bức ảnh, để có được một tấm ảnh tự nhiên và sống động.

Khi chụp ảnh, tôi không những cần nói chuyện với Hồ Chủ tịch, mà còn mời đồng chí phiên dịch Văn Trang, đồng chí Thư ký và đồng chí Tiểu Dung, nhân viên phục vụ bên Người cùng phối hợp với tôi nói chuyện với Hồ Chủ tịch. Mặc dù tôi cùng chuyện trò vui vẻ với mọi người, nhưng thực ra tôi vừa bận rộn vừa căng thẳng, hết sức chăm chú theo dõi ánh mắt và hình dáng đôi môi của Hồ Chủ tịch.

Trung Quốc có câu tục ngữ rằng: Đôi mắt toát lên thần thái, sau đó là đôi môi.

Khi nét mặt tinh thần và đặc trưng tính cách nội tại của Hồ Chủ tịch biểu lộ một cách rõ nét, tôi liền bấm máy. Để tránh bị chụp hỏng, tôi chụp liền 7 tấm, chỉ mất chưa đến 10 phút.

Ngoài một ảnh thần thái không được lý tưởng ra, 6 ảnh khác đều đạt yêu cầu dự kiến. Hồ Chủ tịch rất hài lòng khi xem các tấm ảnh này. Người rất vui và nói câu cảm ơn dí dỏm với tôi bằng tiếng Thượng Hải. Sau đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định lấy tấm ảnh hơi nghiêng người sang trái và tấm chụp chính diện làm tấm chân dung tiêu chuẩn, lưu truyền trên khắp Việt Nam và các nơi trên thế giới. Lúc đó, Hồ Chủ tịch đã ký tên trên hai tấm ảnh, một bức tặng tôi, bức còn lại tặng cho đồng chí Văn Trang. Về sau, trước khi trở về Việt Nam, Hồ Chủ tịch tặng tôi một quyển thơ Nhật ký trong tù của Người và đề chữ trên cuốn sách rằng: Bác Hồ thân tặng! Ngoài ra còn nhờ tôi chuyển quà tặng cho vợ tôi, đó là món đồ thêu thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong đó có khăn tay thêu dòng chữ: Tình hữu nghị Việt – Trung muôn năm, kim gài áo, v.v., còn có cả bánh kẹo cho các con tôi, Người suy nghĩ rất chu đáo, tình cảm của Người suốt đời tôi không bao giờ quên”(1).

Ông Văn Trang về sau là giáo sư của trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cũng nhắc đến kỷ niệm này trong cuốn hồi ký mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức sâu thẳm của tôi: “Duyệt xong các tấm ảnh, Hồ Chủ tịch gật đầu bày tỏ hài lòng. Hồi trẻ, Bác Hồ từng làm việc tại một tiệm chụp ảnh ở Paris, tinh thông nhiếp ảnh. Muốn chụp được một tấm ảnh khiến Người hài lòng không hề dễ dàng. Thư ký của Người nói với tôi rằng, ở Hà Nội đâu có cơ hội như vậy để chụp ảnh cho Người.

Sau đó, Bác Hồ ký tên trên hai tấm ảnh bằng tiếng Trung, gửi tặng đồng chí Lục Văn Tuấn, cũng tặng tôi một tấm. Tôi đã cất giữ tấm ảnh gốc có chữ ký của Bác Hồ này trong nhiều năm, sau cân nhắc kỹ lưỡng mới tặng cho Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam, để càng nhiều bạn bè Việt Nam có thể chiêm ngưỡng bút tích tiếng Trung của Hồ Chủ tịch”(2).

Từ ngày 21/5, trong thời gian nghỉ tại Tùng Viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến tham quan công trình thủy lợi, hồ chứa nước và đập thủy điện sông Lưu Khê Người cùng các đồng chí còn xuống bơi trong hồ chứa nước. Ngày 26/5, lúc 6 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Ôn Tuyền đi Quảng Châu, Người thăm Hội chợ triển lãm, thăm Bạch Vân Sơn. 13 giờ, Người trở về Ôn Tuyền. Tối ngày 28/5, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đoàn ca múa quân khu Quảng Châu biểu diễn tại khách sạn Tùng Hóa, Ôn Tuyền. Sau buổi diễn, Người đã phát biểu ý kiến, chúc mừng buổi biểu diễn thành công và chụp ảnh kỷ niệm cùng các diễn viên của đoàn. Ngày 2/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp các đồng chí Tỉnh ủy Quảng Đông phụ trách nông nghiệp đến báo cáo về tình hình phát triển nông nghiệp của tỉnh. Sau đó, Người đi thăm ruộng lúa thí nghiệm năng suất cao thuộc Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp thăm cơ sở nuôi ong đất của huyện Tùng Hóa và tham quan cây cầu lớn bắc qua sông Châu Giang.

Người cũng đến thăm nhà trưng bày hàng xuất khẩu Trung Quốc tại quảng trường Hải Châu, nơi giới thiệu nhiều gian hàng xuất khẩu từ cơ khí, máy may, đồ dệt len, máy chiếu phim, sách báo… cho đến hàng mỹ nghệ giường tủ, bàn ghế, ngà voi chạm khảm và hải sản. Người đã ghi vào sổ lưu niệm sau khi tham quan(3).

Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Tùng Hóa, hàng ngày các bác sĩ Trung Quốc đều đặn kiểm tra và theo dõi diễn biến sức khoẻ của Người. Ngày 15/6, trước khi chuẩn bị về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cuộc gặp mặt với các cán bộ, nhân viên khách sạn Ôn Tuyền và chụp ảnh kỷ niệm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các nhân viên phục vụ Người trong suốt thời gian một tháng qua. Tối hôm đó, Tỉnh ủy Quảng Đông tổ chức một buổi dạ hội văn nghệ để chia tay với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn kịch Việt thanh niên Trạm Giang biểu diễn vở Đỗ Thập Nương. Sau buổi diễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật động viên và chụp ảnh kỷ niệm với các nghệ sĩ, diễn viên. Trước khi rời Quảng Châu, Người cũng không quên gửi tặng Lục Văn Tuấn một tập thơ của Người có ghi trên bìa phụ dòng chữ Hán: Hồ bá bá tặng (Bác Hồ tặng) và một bức ảnh chân dung có chữ ký của Người để làm kỷ niệm. Ngày 16/6/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường về nước. Lúc 22h30, Người về đến sân bay Gia Lâm, Hà Nội.

Chú thích:

1. Tài liệu bản in của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) ngày 19/9/2016.

2. Tài liệu dịch của đồng chí Nguyễn Huy Hoan - Phó GĐ bảo tàng Hồ Chí Minh.

3. Hồ Chí Minh với Quảng Đông - Hồng Kông, Nxb. Tri thức thế giới (Quảng Đông) Trung Quốc 2007.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)