Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Tây Bắc 1952
ThS. Phan Thị Hoài
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Chiến thắng Tây Bắc - 1952 là chiến thắng quan trọng nhất của quân dân ta trong chiến dịch Đông - Xuân 1951-1952. Với chiến thắng này chúng ta đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu lập xứ Thái, xứ Nùng tự trị của thực dân Pháp, quyền chủ động về chiến lược của ta tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Lực lượng vũ trang của ta tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, bước đầu làm quen với cách tấn công tập đoàn cứ điểm. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự kiện lịch sử trọng đại ấy là sự chỉ đạo sáng suốt và đúng đắn về phương hướng tác chiến cùng sự động viên quân dân rất kịp thời của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện và lâu dài”, từ năm 1946 đến năm 1952, quân dân ta đã dần giành thế chủ động trên khắp các chiến trường còn quân Pháp bị đẩy vào thế phòng ngự bị động và sa lầy ở Đông Dương. Trong khi đó, tình hình chính trị, xã hội tại nước Pháp ngày càng rối ren, phức tạp. Việc kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã đẩy nền kinh tế của nước Pháp lâm vào khủng hoảng trầm trọng, các phong trào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh Đông Dương của nhân dân Pháp ngày càng lan rộng, mâu thuẫn trong giới cầm quyền Pháp ngày càng gay gắt. Ngày 23/02/1952, quân Pháp rút khỏi Hòa Bình, bốn ngày sau, nội các Phelixơ Phôrơ từ chức. Ngày 06/3/1952, Ăngtoa Pinây ngồi vào ghế Thủ tướng và thiết lập nội các mới. Chỉ trong vòng 6 năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, nội các Chính phủ Pháp đã phải thay đổi tới 17 lần. Từ Pari đến Hà Nội, Sài Gòn, bộ máy chiến tranh mới được tân trang. Dựa vào viện trợ Mỹ, họ sớm biểu thị quyết tâm theo đuổi chiến tranh nhằm giành lại chủ quyền chiến lược.
Về phía ta, những ưu thế ngày càng phát huy mạnh mẽ. Thắng lợi của Đại hội Đảng lần thứ II, tiếp đến là thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình (từ ngày 10/12/1951 đến 25/2/1952), đã đem lại cho toàn quân, toàn dân ta một niềm cổ vũ mới. Trong bối cảnh lịch sử đó, bước vào mùa khô năm 1952, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chuyển hướng tiến công chủ yếu của bộ đội chủ lực lên Tây Bắc, nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển lên một bước mới mang tính quyết định. Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng của miền Bắc Việt Nam nói riêng, của Bắc Đông Dương nói chung. Tiến công làm chủ được Tây Bắc, ta không những bảo vệ vững chắc khu đầu não kháng chiến Việt Bắc, tạo thành thế liên hoàn nối liền một dải với hậu phương kháng chiến rộng lớn, mà còn có điều kiện thuận lợi mở rộng giao lưu quốc tế, đặc biệt là tăng cường thêm tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào cùng chống kẻ thù chung. Tại đây, quân Pháp dàn trải về lực lượng nên không mạnh và bộc lộ nhiều sơ hở. Cụ thể là lực lượng của chúng có 8 tiểu đoàn, 41 đại đội phân tán trên 144 cứ điểm, trong đó có khoảng 40 cứ điểm có từ 1 đến 2 đại đội, còn lại thường có từ 1 đến 2 trung đội. Công sự ở nhiều nơi then chốt tuy đã được cải tiến lô cốt, hầm ngầm xi măng cốt sắt nhưng phần lớn vẫn làm bằng gỗ, bằng đất. Hậu phương thì vẫn sơ hở và gặp khó khăn về vận tải tiếp tế.
Tháng 4/1952, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Tây Bắc, mọi công tác chuẩn bị cho chiến dịch được xúc tiến khẩn trương, trước hết là chuẩn bị đường sá, lực lượng, lương thực, thực phẩm. Tháng 6/1952, để chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, Liên khu ủy Việt Bắc (lúc này Tây Bắc vẫn thuộc Việt Bắc) ra nghị quyết về phát triển du kích chiến tranh tại Tây Bắc: “Nhìn chung toàn Tây Bắc phong trào phát triển du kích chiến tranh không đồng đều giữa các tỉnh... Việc thực hiện chiến tranh du kích không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng du kích mà là nhiệm vụ của toàn dân trong thôn xã. Chiến tranh du kích là chiến tranh của toàn dân. Nội dung của chiến tranh du kích bao gồm ba điểm: Đánh, phá và tránh”(1). Ngày 17/7/1952, Ban Bí thư ra nghị quyết về thành lập khu Tây Bắc gồm 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La (Trước đó 4 tỉnh này thuộc liên khu Việt Bắc): “Nhiệm vụ và quyền hạn của Khu ủy Tây Bắc cũng giống như mọi khu ủy khác là lãnh đạo quân, dân, chính quyền và Đảng bộ Tây Bắc thực hiện các nhiệm vụ chủ trương, chính sách do Trung ương và Chính phủ đề ra”(2). Ngày 16/8/1952, Ban bí thư ra chỉ thị về thi hành chính sách dân tộc thiểu số ở Khu Q.T (Quang Trung - Tây Bắc)(3). Cuối tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch tác chiến chiến dịch Tây Bắc. Nghe xong phương án tác chiến, Người căn dặn: Đây là lần đầu tiên ta mở chiến dịch lớn, địa hình hiểm trở, cần nắm chắc địa hình và chú trọng thực hiện đúng chính sách dân tộc, giúp đỡ đồng bào dân tộc, bộ đội phải giữ kỷ luật dân vận(4).
Do tính chất quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Từ ngày 6/9/1952, Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc diễn ra trong thời tiết xấu, mưa kéo dài, tiếng suối chảy, tiếng lá rừng rít từng đợt tạo nên âm thanh dữ dội không khác gì bão. Đến ngày mùng 9, cuộc họp sắp kết thúc thì bỗng thấy Bác một tay cầm ô, tay kia chống gậy, hai ống quần xắn cao từ ngoài tươi cười đi vào. Tiếng hò reo hân hoan vang dậy vì không ai ngờ Bác đến trong mưa lũ thế này. Thấy Bác Hồ tới, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh vội ra đón. Bác kể chuyện: Hôm nay trời mưa to, nước lũ đổ về, khi đi đến một cái suối nước chảy mạnh, thấy bên kia có một nhóm đồng bào đang ngồi đợi nước xuống để sang, Bác nghĩ: nếu không đi ngay, e các chú đợi mất thì giờ. Nên Bác cùng mấy chú nữa quyết tâm cởi áo quần ngoài, tay sào, tay gậy, lần sang được. Thấy Bác sang được, nhóm đồng bào kia cũng quyết tâm sang. Đó là kinh nghiệm cho các chú. Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, mà còn lôi cuốn người khác cùng quyết tâm như mình(5).
Nói chuyện với Hội nghị cán bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc, Người chỉ rõ mục đích, ý nghĩa của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch là chính, tranh thủ nhân dân, giải phóng đất đai, trong đó nhiệm vụ chính là tiêu diệt sinh lực. Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến, và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi. Bác phân tích một cách sâu sắc rằng: “Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để cho các chú cân nhắc kỹ thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sỹ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.”(6). Cùng ngày 09/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố 8 điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Bắc, trong đó nói rõ: “Thực dân Pháp và vua quan Việt Nam đã áp bức, bóc lột đồng bào miền núi thậm tệ. Nay Chính phủ ta phái quân đội đến tiêu diệt giặc Pháp và bè lũ bù nhìn phản quốc để giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ.. ."l7).
Căn cứ vào thế và lực giữa địch, ta trên chiến trường, ngày 28/9/1952, Ban Chấp hành Trung ương ra chỉ thị mở Chiến dịch Tây Bắc: chủ trương của Trung ương Đảng là “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh và hướng tiến công là Chiến dịch Tây Bắc. Mục đích của chiến dịch là: - Tiêu diệt sinh lực địch - Tranh thủ nhân dân. - Giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược. Để thực hiện mục đích của chiến dịch, Trung ương quyết định tập trung binh lực, tập trung cán bộ và phương tiện, tập trung nhân lực và vật lực, giành cho toàn thắng”(8). Lực lượng của quân đội ta tham gia chiến dịch gồm có: Các Đại đoàn 308, 312, 316, 351 và Trung đoàn 148. Đại đoàn 320 và 304 hoạt động ở vùng sau lưng thuộc Liên khu 3. Bộ Chính trị cử đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái là tham mưu trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp.
Chiến dịch Tây Bắc được chuẩn bị chu đáo. Các đơn vị sẵn sàng xuất quân với một quyết tâm chiến đấu cao. Ngày 01/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ chiến dịch Tây Bắc. Với lời lẽ ngắn gọn súc tích, Bác đã động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ và dân công tham gia chiến dịch: “Chiến dịch này là một chiến dịch có vai trò rất quan trọng, các chú phải đánh cho thắng. Tất cả các chú, cán bộ cũng như chiến sĩ đều phải: Quyết tâm chiến đấu, chấp hành triệt để mệnh lệnh. Bền bỉ dẻo dai, vượt qua mọi gian khổ, khắc phục tất cả khó khăn. Thương dân, trọng dân và tốt với dân. Tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng. Bác chờ tin thắng lợi của các chú để khen thưởng các chú”(9). Cùng ngày, Bác gửi thư cho các chiến sỹ dân công ở mặt trận Tây Bắc, nhấn mạnh: “Chiến dịch này rất quan trọng. Các cô, các chú cũng là chiến sỹ, cũng có công như các chiến sỹ, phải cùng anh em bộ đội giành cho được thắng lớn”(10).
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát quân và dân Tây Bắc trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Người luôn dành tình cảm yêu thương đặc biệt cho đồng bào chiến sĩ đang sống và chiến đấu ở miền Tây Bắc xa xôi đầy thiếu thốn. Sự chỉ đạo sát sao cùng sự quan tâm, động viên, cổ vũ kịp thời của Người là nguồn động lực lớn giúp quân và dân Tây Bắc nỗ lực khắc phục khó khăn, liên tục giành những thắng lợi quan trọng. Sau gần 2 tháng mở chiến dịch với 3 đợt chiến đấu quyết liệt (từ ngày 14/10 đến ngày 10/12/1952) quân ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 6.029 tên địch, diệt gọn 4 tiểu đoàn và 28 đại đội, đánh thiệt hại nhiều tiểu đoàn tinh nhuệ, phá hủy và tịch thu toàn bộ vũ khí, đồ dùng quân sự, các kho lương thực và thực phẩm của địch; Giải phóng khoảng 28.500 km2 đất đai ở vùng chiến lược vô cùng quan trọng và 25 vạn đồng bào Tây Bắc khỏi ách áp bức của Pháp. Chiến thắng Tây Bắc còn làm phá sản âm mưu thâm độc lập “xứ Thái tự trị” của Pháp hòng chia rẽ người Thái với người Kinh cũng như người Thái với đồng bào các dân tộc thiểu số khác để dễ bề cai trị ở khu vực này.
Ngày 25/12/1952, Bác gửi thư cho bộ đội, dân công ở mặt trận Tây Bắc, khen ngợi bộ đội, dân công đã thắng trận, giải phóng đồng bào và một phần đất đai Tây Bắc, rồi Bác dặn dò các cô, các chú dân công “thắng không kiêu, bại không nản”.
Chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đưa bộ đội chủ lực lên tác chiến ở chiến trường Tây Bắc là hoàn toàn chính xác. Có hướng tiến công chiến lược đúng đắn mới có chiến dịch thắng lợi. Ngày 29/01/1953, tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ biểu dương cán bộ, chiến sĩ dân công đã thấm nhuần quyết tâm của Trung ương Đảng, ra sức tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm đúng chính sách của Đảng đối với đồng bào thiểu số. Người nói: “Trung ương, Chính phủ khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Trung ương, Chính phủ, Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước”. Bên cạnh đó Người cũng chỉ ra những khuyết điểm để bộ đội ta khắc phục: cán bộ thương yêu binh sĩ chưa đúng mức; nhiều đơn vị còn thực hiện chưa đúng chính sách chiến lợi phẩm, còn nhiều tính chất quan liêu đại khái... Thực hiện lời đã hứa trong thư, Người trao thưởng cho Đại đoàn 308* là đại đoàn có nhiều thành tích nhất và tặng cho mỗi trung đoàn 25 huy hiệu về thưởng cho anh em cán bộ, chiến sĩ đã lập công. Người căn dặn: phải nhớ cất nhắc các đội viên và cán bộ lâu năm. Có chiến sĩ 5,6 năm không được cất nhắc.
Tròn 70 năm trôi qua, thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta lên một bước tiến mới trên con đường tiếp tục giữ vững và phát huy thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường Việt Nam. Để có được chiến công đó, chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác không chỉ theo dõi sát sao tình hình ngoài trận địa để đưa ra những phương châm, chiến lược chỉ đạo đúng đắn mà còn quan tâm, săn sóc và cổ vũ, động viên kịp thời các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang chiến đấu vì độc lập tự do của nước nhà. Người đã truyền cho các chiến sĩ ta một ý chí quyết chiến quyết thắng, một nghị lực, một sức mạnh phi thường, một niềm tin sắt đá để quân và dân ta vượt qua khó khăn hiểm nguy giành thắng lợi hoàn toàn. Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, quân và dân Tây Bắc luôn tin tưởng, khắc ghi mãi những tình cảm và lời dặn dò của Bác; nguyện bảo vệ, giữ vững và phát huy thành quả cách mạng của cha ông, quyết tâm xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu đẹp, đổi mới, ấm no và hạnh phúc./.
Chú thích:
Đảng Cộng Sản Việt Nam, (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 13, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.508.
2. Đảng Cộng Sản Việt Nam, (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 13, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.210.
3. Đảng Cộng Sản Việt Nam, (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 13, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.225.
4. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia - sự thật, H.2016, tập 5, tr.191.
5. Chủ tịch Hồ Chí Minh hành trình kháng chiến, Nxb. Công an Nhân dân, 2007, tr.176-177.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - sự thật, H.2011, tập 7, tr.481-485.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - sự thật, H.2011, tập 7, tr.487-490.
8. Đảng Cộng Sản Việt Nam, (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 13, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.304.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - sự thật, H.2011, tập 7, tr.501.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - sự thật, H.2011, tập 7, tr.502.
* Tức Đại đoàn Quân tiên phong, là đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta, được thành lập ngày 28/8/1949.
Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia - sự thật, H.2016, tập 5, tr.229.