slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chuyến thăm Hà Nam năm 1958

05 Tháng 10 Năm 2018 / 2249 lượt xem
Ths Mai Lệ Huyền
Phòng HCQT
Tỉnh Hà Nam là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, nơi có tuyến đường sắt Bắc –Nam đi qua, nên có một vị thế chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, quân sự và giao thông. Đặc biệt Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng úng trũng của đồng bằng sông Hồng nên công tác thuỷ lợi đặc biệt cần được chú trọng. Mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nam sự quan tâm sâu sắc,nhất là mặt trận thuỷ lợi của tỉnh. Người đã từng nói: “Sản xuất nông nghiệp trước hết là việc sản xuất lương thực là việc cần thiết nhất cho đời sống của nhân dân, là bộ phận cực kỳ quan trọng trong kế hoạch kinh tế Nhà nước”(1). Bởi vậy, cán bộ các ngành, các cấp phải thi đua làm tròn nhiệm vụ chống hạn và chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kế hoạch chống hạn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, với tinh thần trách nhiệm và tinh thần đấu tranh khắc phục khó khăn.
Trongvụ Đông Xuân năm 1958, do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, Hà Nam và mấy tỉnh lân cận bị hạn hán nặng nề. Do thiếu nước, cho nên dù bà con nông dân đã hết sức khắc phục nhưng tiến độ reo cấy rất chậm. Nhiệm vụ chống hạn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Sau khi cân nhắc rất nhiều phương án, tỉnh đã chọn phương án mở cống lấy nước sông Hồng vào hệ thống nông giang Liên Mạc để từ đó toả đi các trọng điểm lúa trong vùng và lấy nước cấy cho bà con nông dân. Phương án này đòi hỏi phải huy động lớn nhân lực tại hai công trường: Lý Nhân và Duy Tiên, đào mương dẫn nước từ đập Đọi Sơn về Vĩnh Trụ và công trường và đắp đập Cát Tường ở xã Hoà An, huyện Bình Lục, Thanh Liêm. Công việc được tỉnh triển khai khẩn trương và được nhân dân đồng lòng ủng hộ tiếp sức. Nghe báo cáo về tình hình hạn hán kéo dài và tỉnh đã mạnh dạn triển khai phương án chống hạn Bác rất phấn khởi và đề xuất được đến thực tế tại Hà Nam.
Ngày 14/01/1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hà Nam và dự Hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh. Cùng đi với Người có đồng chí Bộ Trưởng Bộ Thủy lợi và kiến trúc sư Trần Đăng Khoa. Các đồng chí Bùi Kỷ-Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Vũ Đình Tụng-Bộ trưởng Bộ Thương binh, đồng chí Hoàng Phương đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc phái đoàn về vận động nhân dân chống hạn đã có mặt đón Bác từ Thị xã Phủ Lý. Tại Hội nghị sơ kết, đoàn công tác báo cáo với Bác về phong trào đào giếng, vét kênh của nhân dân Hà Nam và công tác của đoàn trong những ngày qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ lời khen ngợi đoàn công tác đã có nhiều cố gắng, cùng nhân dân khắc phục mọi khó khăn làm tốt công tác chống hạn, để kịp thời đưa nước về cấy chiêm.
Trong buổi gặp gỡ và nghe Bác nói chuyện đã có gần 4000 cán bộ từ xã đến tỉnh. Bác ân cần động viên, khen ngợi nhân dân Hà Nam trước kia vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, mấy năm gần đây có nhiều thành tích chống hạn, sản xuất. Bác căn dặn mọi người phải tích cực chống hạn. Bác cũng nhấn mạnh lời dặn dò đối với đoàn viên, thanh niên: “Các cháu phải làm tốt, thanh niên có sức khỏe phải đi đầu trong lao động, đoàn viên và đảng viên phải thực sự là nòng cốt trong sản xuất và lãnh đạo quần chúng”(2). Nhân dịp này, Người đã trao lá cờ “chống hạn khá nhất” cho huyện Bình Lục. Lá cờ đó về sau trở thành giải thưởng luân chuyển cho huyện có thành tích chống hạn nhất. Đồng thời Người trao cho các đơn vị khơi kênh Ben, đắp đập Cát Tường và vét mương Mạc Thượng mỗi nơi ba Huy hiệu của Người để làm phần thưởng cho các cá nhân xuất sắc trong công tác chống hạn. Cảm ơn sự quan tâm của Bác, các đại biểu huyện Lục Bình, Kim Bảng, Duy Tiên và các thanh niên của tỉnh đã lên phát biểu ý kiến và hứa sẽ tích cực thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm vận động nhân dân chống hạn và cấy hết diện tích.
Sau đó Bác ghé thăm công trường đập Cát Tường thuộc xã An Hoà(huyện Bình Lục) đang khởi công làm để lấy nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn. Bác đến thăm từng nơi làm việc của các nhóm cán bộ, nhân dân. Khen ngợi tinh thần cố gắng, động viên gắng sức hoàn thành con đập để kịp đưa nước về cấy hết diện tích, Bác nói: “Tỉnh giao đắp đập trong 7 ngày, các cô các chú phải cố gắng rút ngắn thời gian để sớm có nước cày cấy”. Lúc này mọi người đồng thanh hứa với Bác và quyết tâm đắp đập nhanh, cày hết diện tích. Thực hiện lời Bác dạy, đồng bào đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến 5 ngày. Để kỷ niệm sự kiện này, nhân dân địa phương đã trồng một cây đa, nay tán đã xum xuê toả bóng để ghi nhớ ngày Bác Hồ về thăm địa phương.Việc đắp đập, vét mương chống hạn hán chỉ là một trong nhiều mặt trận công việc mà Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đã làm có hiệu quả. Từ đó mà nhiều phong trào thi đua lập thành tích của tỉnh được triển khai.
Chuyến thăm Hà Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1958 thể hiện sự quan tâm, nguồn cổ vũ động viên to lớn của Người dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nam. Luôn khắc ghi những lời chỉ bảo của Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam đãđẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, chống hạn và đã đạt được những kết quả tích cực. Chặng đường 60 năm sau chuyến thăm của Bác, tỉnh Hà Nam đã có những bước chuyển mình lớn mạnh. Ngoài việc nông nghiệp là nghề phát triển truyền thống thì nay Hà Nam đã mở rộng và phát triển các làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm được xuất khẩu nhiều nơi trên thị trường nước ngoài trong đó có nghề thêu ren, mây giang đan, dệt lụa tơ tằm… tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Bên cạnh đó nhiều khu công nghiệp được đầu tư xây dựng tạo nên mặt bằng đô thị hóa khang trang, các hoạt động du lịch, dịch vụ được quan tâm đầu tư nhiều hơn, hoàn thiện và phục vụ tốt là những yếu tố để Hà Nam đi lên,quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương Hà Nam giàu mạnh. Theo Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch năm 2017 của tỉnh Hà Nam, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 32.363,5 tỷ đồng, tăng 10,84% so với những năm trước. GDP bình quân đầu người ước đạt 48,6 triệu đồng, tăng 8,5%.Riêng về sản xuất nông nghiệp, năm 2017, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh ước đạt 7.644,4 tỷ đồng. Trong đó, vụ Đông, diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng tăng so với cùng kỳ. Vụ Xuân, năng suất lúa đạt 66,7 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ xuân năm trước. Công tác Văn hoá xã hội có nhiều hoạt động sôi nổi; An sinh xã hội được đảm bảo; Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống.  
Trong quá trình cùng đất nước hội nhập kinh tế đất nước có rất nhiều công việc Hà Nam đã làm, đang làm và sẽ làm nhưng điều mà Hà Nam luôn làm đó là giữ gìn những giá trị trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Hà Nam qua các thế hệ luôn là tấm gương, là bài học quý giá, là niềm tự hào của những người con Hà Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng hướng về quê hương, đóng góp trí tuệ, tài năng để xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, bền vững sánh vai cùng các tỉnh bạn và điều quý giá nhất là xứng với niềm tin yêu mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hướng về.
 
Chú thích:
(1). Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2011, T.11, Tr.221.
(2). Lịch sử Đảng Bộ tỉnh Hà Nam, Ban Chấp hành Đảng Bộ tỉnh Hà Nam, Xb tháng 8.2010, tr. 356.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)