slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh với tướng Chu Huy Mân - Hai Mạnh

07 Tháng 06 Năm 2023 / 277 lượt xem

Nguyễn Thị Thu Hà

Nguyên Trưởng phòng Sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh

1.            Đôi nét về vị tướng được Bác Hồ đặt tên

Về tên gọi Hai Mạnh của mình, Đại tướng Chu Huy Mân kể rằng: Tháng 6/1967, khi đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên, phát hiện tôi có vấn đề ở gan bác sỹ yêu cầu tôi phải ra Bắc kiểm tra, đồng thời tôi báo cáo với Trung ương tình hình chiến trường. Tôi ra đến Hà Nội thì thời điểm ấy Bác Hồ đang ở Quảng Châu điều trị bệnh. Đến đầu tháng 7/1967, Bác cho gọi tôi đến gặp Bác ở nhà sàn, Người yêu cầu: Chú Mân báo cáo tình hình và công việc ở Tây Nguyên cho Bác nghe. Ba năm không được gặp, nhìn Bác không được khỏe, trong lòng tôi thấy trào dâng xúc động, nghẹn ngào. Bác nhắc: Chú cứ bình tĩnh nói đi. Tôi cố trấn tĩnh và báo cáo. Nghe xong, Bác dặn: Chú ở Tây Nguyên làm cả nhiệm vụ chỉ huy và công tác chính trị, chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe. Chú cố gắng khôi phục sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về Tây Nguyên, tôi chuyển lời Bác hỏi thăm bộ đội, cán bộ địa phương, đồng bào các dân tộc, kể chuyện được gặp và báo cáo Bác, nhắc lại lời dặn của Bác. Anh Quế thư ký nghe xong thì nói: Anh nên đổi bí danh là Hai Mạnh vì đó là gợi ý của Bác. Từ đó tôi dùng tên Hai Mạnh khi làm việc, dần thân thuộc, gắn bó với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào ở Khu V.

Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh). Ông tham gia cách mạng từ năm 1929 khi mới 16 tuổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12/1930. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông tham gia Tự vệ Đỏ và là Đội phó tự vệ của xã, sau đó là Bí thư chi bộ xã (năm 1933), Bí thư phân huyện ủy huyện Hưng Nguyên, Nghệ An (năm 1936). Từ 1937 - 1943, Chu Văn Điều bị chính quyền thực dân bắt nhiều lần, giam ở Nhà lao Vinh, bị đưa an trí, lao động khổ sai tại nhà Ngục Đăk Glei, Buôn Mê Thuột... Năm 1943, chi bộ nhà tù tổ chức vượt ngục thành công, bốn người trong đó có Chu Văn Điều trở lại với phong trào. Ông tham gia Ban Vận động Việt Minh và Tỉnh ủy Quảng Nam, tổ chức vận động tập hợp quần chúng, xây dựng phát triển lực lượng, tham gia chỉ đạo khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi ở Quảng Nam và được phân công giữ trọng trách Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 9/1945, ông vào quân đội, là Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam. Cuối 1945, Trung ương điều Chu Huy Mân giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C gồm 4 tỉnh Bắc Trung Bộ, Chính trị viên Mặt trận Đường 9 Đông Hà - Xavanakhệt. Cuối năm 1946, đồng chí Chu Huy Mân được điều ra miền Bắc, giữ chức vụ Trưởng ban kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc. Từ cuối 1947 đến 1954, Chu Huy Mân là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao- Bắc- Lạng tham gia chiến đấu và giành thắng lợi ở chiến dịch Việt Bắc (1947), Thập vạn đại sơn (1949), Biên giới (1950)... Trên cương vị Chính ủy, Bí thư Đảng đoàn Đại đoàn 316, ông tham gia nhiều chiến dịch, đánh thắng nhiều trận quan trọng, trong đó trận mở đầu tiêu diệt căn cứ Him Lam, trận đồi A1, C1, C2... góp sức tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ 1954 đến 1961, Chu Huy Mân hai lần được cử làm Đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1954 và 1960), hai lần làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu IV (1957, 1961), Bí thư Khu ủy, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc (1958)... Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo sỹ quan cao cấp tại Học viện quân sự Prunde (Liên Xô), từ tháng 9/1963 đồng chí được cử vào chiến trường Khu V, lần lượt đảm trách các chức vụ: Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân Khu V (4/1964 - 8/1965); Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên (9/1965 - 7/1967); Phó Bí thư Khu ủy V, Phó Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu V (8/1967 - 11/1975). Tên tuổi của ông gắn với những trận thắng ở Ba Gia, Plâyme - Ia Đrăng (1965), Sa Thầy (1966),..., vang dội khắp chiến trường và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào bài thơ chúc Tết của Người năm 1966:“ Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/ Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng”. Đồng chí Chu Huy Mân là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa III, IV,V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V và là đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, VII. Ghi nhận những cống hiến của Đại tướng Chu Huy Mân, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân đội đã trao tặng đồng chí: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân, huy chương khác. Ngày 01/7/2006, Đại tướng Chu Huy Mân từ trần tại Hà Nội, thượng thọ 93 tuổi.

2.            Tướng Hai Mạnh - Chu Huy Mân và những ký ức về Bác kính yêu

Là chỉ huy trực tiếp lãnh đạo các đơn vị chủ lực tác chiến trên chiến trường song đồng chí Chu Huy Mân lại có may mắn rất nhiều lần được đến “ Phủ Chủ tịch” ở Việt Bắc, ở Hà Nội để báo cáo, nhận chỉ thị trực tiếp từ Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị thống lĩnh tối cao của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Theo thống kê sơ bộ từ các nguồn tài liệu tin cậy, tính từ lần gặp đầu tiên tháng 3/1950 đến lần gặp cuối cùng tháng 7/1967, ít nhất 14 lần(1) đồng chí Chu Huy Mân đã trực tiếp làm việc, báo cáo, nhận chỉ thị từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có ít nhất có bốn lần diễn ra tại nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch các năm 1957 và 1967. Yêu kính Bác, tướng Hai Mạnh - Chu Huy Mân đã khắc sâu từng chi tiết mỗi lần gặp và tự nhắc mình luôn cố gắng thực hiện tốt lời chỉ dặn của Người. Quý mến, tin tưởng người cán bộ kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành tận tụy với nước, với dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm, tin tưởng trao những trọng trách và dành những tình cảm đặc biệt cho Chu Huy Mân. Trong nội dung bài viết này, dựa theo hồi ức của Đại tướng Chu Huy Mân, chúng tôi bước đầu thông tin đến bạn đọc một vài sự kiện cụ thể như sau:

Lần đầu tiên tướng Hai Mạnh được gặp Bác: Đại tướng Chu Huy Mân kể: “Khi Bác đi Liên Xô về, tôi (Chu Huy Mân - BT) được lệnh cùng anh Hoàng Tiêu Sơn, Trưởng ban Chính trị trung đoàn đến Pò Peo (Trùng Khánh sát Tĩnh Tây) đón Bác... Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác. Khó nói hết được niềm vui khi được trông thấy Người. Đêm hôm đó, Bác nghỉ trong cơ quan huyện ủy do Trung đoàn 174 bảo vệ”(2). Theo hành trình chuyến công du bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Liên Xô, Trung Quốc đầu năm 1950 cho thấy: Chiều 02/01/1950, Bác Hồ từ ATK Tuyên Quang đi theo hướng tới cửa khẩu biên giới Trùng Khánh, Cao Bằng. Cùng đi với Bác có 8 người là các đồng chí: Trần Đăng Ninh(3), Ngô Vi Thiện(4), Phạm Văn Khoa(5) - phiên dịch, Lê Văn Chánh - bác sĩ, Lâm Kính - trợ lý kiêm phiên dịch, Lê Phát và đồng chí Nhiệm vận hành máy vô tuyến, đồng chí Nhật là bảo vệ. Sau hơn ba tháng, chuyến công du bí mật đã đạt được những mục tiêu đề ra: Thiết lập chính thức, công khai quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và bạn bè quốc tế nhằm thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đồng thời đưa cách mạng Việt Nam hòa nhập với trào lưu phát triển của thời đại... Ngày 19/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn tùy tùng về đến Việt Nam.

Lời kể của Đại tướng Chu Huy Mân không chỉ giúp chúng ta biết về thời khắc ông vinh dự được gặp Bác kính yêu lần đầu tiên mà còn giúp chúng ta hôm nay có cơ sở để xác định địa điểm trụ sở Huyện ủy Trùng Khánh, Cao Bằng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn công tác đã nghỉ lại vào đêm 19/3/1950 trên đường trở lại ATK Tân Trào.

Chuyện về bức ảnh Chu Huy Mânm và đồng đội lần đầu tiên được chụp cùng với Bác. Tháng 6/1950, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định và đề ra chiến lược của ta lúc này là phải mở một chiến dịch quân sự nhằm phá âm mưu phong tỏa biên giới phía Bắc của quân Pháp, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Ngày 27/7/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Cao Bắc Lạng (Chiến dịch Biên giới- BT) và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam làm Bí thư Đảng ủy mặt trận, Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch, cử cán bộ chủ chốt của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp trực tiếp làm Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị và Chủ nhiệm cung cấp. Lực lượng tham gia chiến dịch là các đơn vị chủ lực, trong đó có Trung đoàn 174 do đồng chí Chu Huy Mân là Chính ủy. Tại Hội nghị Quốc phòng ngày 02/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Tiếp đó, đầu tháng 9, Bác Hồ đã lên đường ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia Chiến dịch. Hình ảnh Bác bên các chiến sỹ đã trở thành nguồn động viên mạnh mẽ, lan truyền trong sâu thẳm trong toàn thể những người lính đi chiến dịch.

Đồng chí Chu Huy Mân nhớ lại: Sau cuộc họp ở Quảng Uyên, Bác đã cùng các đồng chí tham gia cuộc họp của Bộ chỉ huy Chiến dịch chụp bức ảnh kỷ niệm này. Tôi vinh dự được đứng kề bên phía tay phải của Bác. Bên kia là anh Võ Nguyên Giáp Tổng tư lệnh. Đây là lần đầu tiên, tôi và một số đồng đội là cán bộ chủ chốt của Trung đoàn 174 được chụp ảnh với Bác. Hôm đó trời nắng rất đẹp.

Bác Hồ tặng tướng Hai Mạnh chiếc đồng hồ Wyler. Năm 1994, trong một lần làm việc, Đại tướng Chu Huy Mân kể với cán bộ làm công tác sưu tầm của Đoàn chuyên gia Bảo tàng Hồ Chí Minh giúp Lào xây dựng Bảo tàng Kaysone Phomvihane về chiếc đồng hồ Bác đã tặng khi hoàn thành nhiệm vụ ở Lào. Ông kể: Theo đề nghị của Chính phủ Kháng chiến và Bộ trưởng Quốc phòng Lào lúc đó là đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương, Phó Bí thư Tổng Quân ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay mặt Trung ương Đảng ký và công bố Quyết định thành lập Đoàn Cố vấn Quân sự Việt Nam có nhiệm vụ giúp cách mạng Lào trong tình hình mới. Ngày 16/7/1954, Đoàn 100 (tên gọi Đoàn theo con số đúng 100 cán bộ, chiến sỹ thành viên của đơn vị, theo lời giải thích Đại tướng Chu Huy Mân) được thành lập, tôi (Chu Huy Mân-BT) khi đó đang là Chính ủy Đại đoàn 316 được cử làm Trưởng đoàn cố vấn quân sự kiêm Bí thư Đảng ủy Đoàn 100 sang giúp quân đội Pathet Lào ở ba cấp: Bộ Quốc phòng, Nhà trường và các đơn vị, địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Bác: Giúp bạn là mình tự giúp mình. Tháng 5/1957, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ về nước. Cũng trong tháng 5/1957, trong buổi lên gặp báo cáo Bác Hồ về kết quả công tác Lào đồng thời đi nhận nhiệm vụ mới Chính ủy Quân Khu IV, ngay tại Nhà 54, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen và thưởng tặng đồng chí Chu Huy Mân chiếc đồng hồ vốn là quà tặng của bạn bè quốc tế tặng Bác. Điều đặc biệt để khẳng định đây là đồng hồ do Bác tặng là ở mặt sau có khắc 4 chữ “ Hồ Chí Minh tặng” chữ Hán. Cho đến nay, đây là một trong ba chiếc đồng hồ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ba cán bộ quân đội là Đại tướng Chu Huy Mân, đồng chí Nguyễn Chánh(6) - Tổng cục trưởng Tổng cục Cán bộ và đồng chí Nguyễn Bá Phát(7) - Cục trưởng Cục bờ biển. Được biết, ngày 08/8/1989, Đại tướng Chu Huy Mân đã chuyển giao cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) lưu giữ phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền. Đây sẽ mãi mãi là một trong những kỷ vật quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng tướng Chu Huy Mân, một trong những vị tướng dũng cảm, mưu lược và quyết đoán, một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên cường, suốt đời trung thành tận tụy với nước với dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Lần cuối cùng, tướng Hai Mạnh được gặp Bác. Đó là vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4/1969. Trước đó, Quân ủy Trung ương triệu tập chỉ huy các chiến trường ra Hà Nội bàn về tình hình nhiệm vụ ở miền Nam trước những diễn biến mới khi chính quyền Mỹ có những dịch chuyển mang tính chiến lược trong triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và Hội nghị 4 bên bàn về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pari đã bắt đầu từ mươi tuần trước. Tướng Hai Mạnh kể: Đầu tháng 4/1969, tôi được đến Nhà sàn gặp và báo cáo rất vắn tắt tình hình Khu V và chỉ đạo của Thường trực Quân ủy Trung ương tại Hội nghị với Bác. Lúc vào Nhà sàn chào Bác, tôi thấy Bác đã mệt nhiều, Bác nắm tay tôi, như muốn nói về nỗi nhớ và nguyện vọng đi thăm đồng bào miền Nam. Tôi được anh em nhắc chỉ nói thật tóm tắt, mà mình lúc đó cũng xúc động chỉ biết nhìn Bác. Sau đó vài ngày, tôi còn được một lần nữa ăn cơm với Bác, hôm đó chỉ có mình tôi, vì theo kế hoạch Văn phòng thu xếp tôi sẽ cùng anh Lê Đức Anh ăn cơm với Bác trước ngày cả hai lên đường vào chiến trường. Anh vào Nam Bộ còn tôi vào Khu V nhưng tôi bị sốt, không vào cùng được. Cận ngày lên đường, văn phòng Bác thu xếp cho tôi được vào ăn trưa. Đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp và ăn cơm với Bác. Tôi cảm nhận được rõ tình cảm và sự xúc động của cả hai Bác cháu. Lúc chia tay Bác ở Nhà sàn, tôi thực sự không muốn rời đi. Càng thấy trách nhiệm của mình, thấy nhớ, thấy thương Bác thật nhiều.

Với Đại tướng Chu Huy Mân, trọn đời cả cuộc đời, ông đã luôn nhớ và thực hiện những lời thề mà ông đã đại diện cho Đảng bộ, quân dân Khu V đọc trước bàn thờ Bác trong Lễ truy điệu Người tổ chức tại căn cứ Sông Tranh, Quảng Nam ngày 8/9/1969: “Quyết hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Thề quyết học tập tinh thần triệt để cách mạng, đạo đức cao cả của Bác”(8).

Chú thích:

1.            Từ lần ở đây có thể là 1 nhưng cũng có thể là nhiều lượt trong một lần, ví dụ: Theo hình ảnh tư liệu còn lưu về chuyến công tác tại Nghệ An từ ngày 8-11/12/1961 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Chu Huy Mân đã tháp tùng và tham dự hầu hết các hoạt động của Người ở Nghệ An.

2.            Đại tướng Chu Huy Mân: Thời sôi động, Nxb. Quân đội Nhân dân, H, 2004, tr. 89.

3.            Trần Đăng Ninh (1910-1955), tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa I, II, Chủ nhiệm đầu tiên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (tháng 10/1948), Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp (sau là Tổng cục Hậu cần, Quân đội Nhân dân Việt Nam 1950-1955 và là Phó tổng Thanh tra đầu tiên của Ban Thanh tra Chính phủ (năm 1949).

4.            Ngô Vi Thiện ( 1927-2003) Giáo sư, Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi đó là trợ lý của đồng chí Trần Đăng Ninh

5.            Phạm Văn Khoa ((1913 - 1992), Tham gia phong trào Truyền bá quốc ngữ, Nghệ sỹ Nhân dân, Đạo diễn điện ảnh, chủ nhiệm báo Cờ giải phóng, chủ nhiệm báo Sự thật, Giám đốc đầu tiên của Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (1953), nguyên giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam, đồng tác giả phim tài liệu nghệ thuật Việt Nam kháng chiến và phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

6.            Nguyễn Chánh (1914-1957) Thiếu tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ Bộ Quốc phòng. Huân chương Sao Vàng.

7.            Nguyễn Bá Phát (1921-1993) Đại biểu Quốc hội khoá: III,IV,V,VI, Thiếu tướng, AHLL- VT, Ủy viên Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Hải quân.

9. Đảng ủy BTL Quân khu V: Công tác Đảng, công tác chính trị lực lượng vũ trang.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)