slider
Phát triển kinh tế số

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Việt Kiều ở Pháp trong chuyến thăm ngoại giao năm 1946

20 Tháng 09 Năm 2021 / 2175 lượt xem

Nguyễn Vân Anh

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc, song chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với muôn vàn nguy cơ, thách thức. Trước bối cảnh nền độc lập bị đe dọa, nguy cơ chiến tranh nổ ra ngày càng lớn, Đảng, Chính phủ ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi khả năng có thể để cứu vãn hòa bình và ngăn chặn cuộc chiến. Một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng nhất của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946 đã diễn ra, “theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đây là chuyến đi được nhận định có nhiều rủi ro và cạm bẫy, bởi diễn ra trong thời điểm vô cùng nhạy cảm, khi đất nước đứng trước một nền hòa bình mong manh và cuộc chiến tranh khó có thể tránh khỏi. Nếu Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp với hy vọng khiến Người chấp thuận các điều khoản áp đặt có lợi cho nước Pháp và thực hiện âm mưu cai trị Việt Nam một lần nữa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Sang Pháp cũng là dịp tốt để đề cao vị trí của Việt Nam, tranh thủ tình cảm của nhân dân Pháp và thế giới. Đặc biệt, cộng đồng người Việt ở Pháp cũng là một chỗ dựa tin cậy vì vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ, có tinh thần yêu nước và đoàn kết, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của ta. Đây là chuyến đi cần thiết nhằm giới thiệu đất nước, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới và hướng tới mục tiêu cao cả hơn là bảo vệ vững chắc nền độc lập, đồng thời tránh một cuộc chiến tranh đẫm máu.

Cùng lúc đó, ở Pháp, tin tức về cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập đã lay động trái tim hàng vạn kiều bào yêu nước. Lần đầu tiên, đồng bào Việt kiều được biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã nổi tiếng từ lâu. Mùa hè năm 1946, hai sự kiện quan trọng đồng thời được diễn ra, tại sân bay Le Bourget, nhân dân Pháp cùng đông đảo bà con Việt kiều vui mừng chào đón vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và phái đoàn Chính phủ sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau. Cũng là lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa thủ đô Pari - nơi đề xuất ra những nguyên tắc tự do, bình đẳng, bác ái. Hàng ngàn Việt kiều tại Pháp đã náo nức cờ, hoa chào đón vị Chủ tịch kính yêu trong niềm tự hào và xúc động, hô vang: “Tổ Quốc Việt Nam muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

Được sự giúp đỡ của kiều bào tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao phong phú, đa dạng. Và cũng chính bằng uy tín của mình, Người tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ Pháp và quốc tế cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Trong những cuộc tiếp xúc rộng rãi với các nhân vật trọng yếu đại diện các chính đảng, các tổ chức chính trị, các nhà văn, nhà báo,... Người bày tỏ tin tưởng ở thành công của Hội nghị Fontainebleau - nơi đặt nền móng cho sự giao thiệp giữa nước Pháp và nước Việt Nam mới. Đồng thời, nêu rõ quan điểm về quan hệ Việt Nam - Pháp trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện khát vọng hòa bình, ý chí độc lập, thống nhất đất nước và thiện chí của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Pháp.

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ vai trò của những Việt kiều ở nước ngoài trong việc tăng cường hợp tác hữu nghị với các nước trên thế giới. Vì vậy, một trong những mối quan tâm hàng đầu của Người là đoàn kết đồng bào Việt kiều nhằm tập hợp lực lượng cho cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Thông qua việc khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để củng cố niềm tin gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Ngay từ giai đoạn 1918 - 1923, khi tìm hiểu tình hình công tác tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở các nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên lạc với những người Việt Nam ở Pháp và tích cực hoạt động trong phong trào của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Những năm sau đó, để giác ngộ tinh thần yêu nước cho đồng bào ta ở Pháp và kêu gọi đồng bào đấu tranh chống chế độ thực dân Pháp, Người thường xuyên viết thư trao đổi tình hình, đề nghị cung cấp tài liệu, tập hợp viết sách báo, in truyền đơn, vận động, tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, tố cáo tội ác của bọn thực dân,... từng bước đưa những người Việt Nam yêu nước tại Pháp trở thành một đoàn thể của Hội Liên hiệp thuộc địa.

Sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho kiều bào báo tin thắng lợi, đồng thời kêu gọi kiều bào hãy phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống và làm cho thế giới văn minh nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc, hãy luôn hướng về Tổ quốc và tỏ ra xứng đáng với những anh em đang chiến đấu anh dũng ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà... Người bày tỏ: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”(1). Chính những điều này trở thành nguồn động viên to lớn giúp những người con xa quê tiếp tục học tập, nghiên cứu và tích cực “ra sức hy sinh phấn đấu, dù cực khổ bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc”.

Có thể khẳng định sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho kiều bào tại Pháp là một quá trình lâu dài, thường xuyên, được thể hiện qua những định hướng lớn của Người trong việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào từ những ngày đầu cách mạng. Những năm sau này, khi các phong trào cách mạng nổi lên ở khắp nơi, cùng với những tin tức thắng lợi ở trong nước không ngừng gửi đến, Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp được thành lập như một yêu cầu tất yếu, đã thu hút hàng vạn người Việt Nam đủ các tầng lớp hướng về quê hương. Với phương châm ủng hộ cách mạng, ủng hộ chính phủ, chống lại việc gửi quân viễn chinh Pháp sang Đông Dương và bằng nhiều hoạt động tích cực như tổ chức tuần hành, tuyên truyền, vận động dư luận Pháp ủng hộ Việt Nam độc lập. Hội Việt kiều yêu nước dần trở thành một tổ chức đông đảo, chặt chẽ, có tinh thần cách mạng, có nhiều đóng góp cả về tinh thần và vật chất cho sự nghiệp của dân tộc.

Với chuyến đi năm 1946 là lần thứ hai trở lại nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ tiếp tục xây dựng niềm tin cho những Việt kiều tại Pháp về con đường đấu tranh của dân tộc, mà còn thành công trong việc vận động quần chúng một cách tự nhiên, thoải mái, chân thành và sâu sắc. Người thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với đại biểu các giới kiều bào, giúp họ hiểu rõ hơn về tình hình đất nước sau Cách mạng Tháng Tám; về mưu đồ của chính quyền thực dân với âm mưu tiếp tục chia cắt, chiếm đóng nước ta; về tính chất “chiến thuật chính trị, ngoại giao, loại trừ bớt kẻ thù, tạo thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chắc chắn không tránh khỏi” và về ý chí và quyết tâm sắt đá của nhân dân ta bảo vệ nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này đã được đông đảo Việt kiều và một bộ phận nhân dân Pháp, tiếp nhận, tin tưởng.

Để đảm bảo cuộc sống cho những người con xa quê, trong những buổi gặp gỡ, trao đổi, thoả thuận với đại diện Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề nghị vấn đề ổn định đời sống của bà con Việt kiều ở Pháp, làm thế nào để họ được hưởng quyền tự do cư trú như người bản xứ, tạo điều kiện đáp ứng nguyện vọng của những binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ quốc. Người đánh giá cao việc kiều bào đã luôn ứng xử như những người con của một dân tộc có nền văn hóa trọng tình nghĩa từ lâu đời, tranh thủ được sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam. Người cho rằng những cố gắng đó đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách và lực lượng tiến bộ ở Pháp, đồng thời làm cho các nước có thêm những hiểu biết về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tiếp tục khuyến khích Việt kiều ở Pháp nêu cao tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng đất nước... Người nhắn nhủ: Anh em đã đoàn kết vì vận mệnh dân tộc thì hãy tiếp tục đoàn kết thêm! Để mỗi người Việt ở nước ngoài trở thành một sứ giả của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đối với trí thức đang học tập và làm việc tại Pháp, Người nói: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm nhất quán là luôn quan tâm, tin tưởng và tôn trọng, đề cao tinh thần độ lượng, khách quan, không định kiến trong nhìn nhận, đánh giá nhân tài, xây dựng cho họ niềm tin về một xã hội mới do bàn tay, khối óc người Việt ở khắp nơi chung sức thực hiện. Người đặc biệt căn dặn:“kiều bào hãy cố gắng chăm lo học lấy một cái nghề tinh xảo để góp vào việc kiến thiết quốc gia. Đất nước chúng ta cần đến những người con có nghề nghiệp tinh xảo”(3).

Chính nhân cách, đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sự cảm phục từ những người Việt kiều yêu nước. Sự gần gũi, thân mật trong những lần gặp gỡ, sự ân cần, chu đáo trong những lời dặn dò của Người khiến những người con xa quê ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với quê hương, cổ vũ kiều bào thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Bằng cách riêng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi tạo một “mặt trận” ủng hộ con đường chính nghĩa của Việt Nam, đặt nền tảng cho ngoại giao nhân dân lâu dài với “sợi chỉ đỏ” là khát vọng hòa bình. Chuyến đi lần này của Người đã củng cố cho đồng bào niềm tin vào cuộc đấu tranh gian khổ nhưng anh dũng của nhân dân trong nước và làm bừng lên hi vọng về một ngày mai tươi sáng trong lòng những người Việt Nam ở Pháp.

Trong lúc này, sau nhiều ngày đàm phán không có kết quả, hội nghị Fontainebleau thất bại. Phái đoàn Việt Nam trở về nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định ở lại. Người khẳng định “không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp”(4). Ngày 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa. Nhưng điều này khiến chúng ta hiểu rằng một cuộc chiến lâu dài với Pháp là khó tránh khỏi. Tạm ước 14/9 chỉ phần nào đáp ứng mong đợi của nhân dân cả nước, kéo dài thời gian hòa hoãn để chuẩn bị bước vào một cuộc đọ sức quyết liệt mới. Dù chuyến đi và Hội nghị Fontainebleau chưa mang lại kết quả như mong muốn, song Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định “Con đường đã được dọn sạch là thuận lợi cho những cuộc thương thuyết sẽ tiến hành trong vài tháng tới giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp. Hơn nữa, nhân dân Pháp và toàn thế giới biết rõ về đất nước chúng ta. Đấy là một tiến bộ lớn”(5).

Ngày 18/9/1946, từ quân cảng Toulon, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời nước Pháp trên chuyến hạm Dumont D'Urville về nước, kết thúc chuyến thăm ngoại giao đầu tiên.

Nhưng lúc này, trên con tàu trở về cùng với Người có thêm những trí thức có địa vị, uy tín tại Pháp, quyết định về nước theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đó là ba kĩ sư: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước. Vốn là những trí thức giàu lòng yêu nước, từ lâu họ đã nung nấu hoài bão lớn, mang theo kiến thức và tài liệu đã dày công nghiên cứu trở về tham gia kháng chiến, phục vụ đất nước, góp phần vào những thắng lợi của dân tộc.

Bằng sức hấp dẫn diệu kỳ và sự cảm hóa đặc biệt của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công thu hút được đông đảo kiều bào Pháp nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng. Lần đầu tiên những người trí thức ở nước ngoài được tìm hiểu một cách có hệ thống tình hình trong nước, thế giới, chủ nghĩa Mác - Lênin... được gần Người, được nghe trao đổi về văn hóa, lịch sử, cuộc sống, được học lớp chính trị mà Người trực tiếp lên lớp. Điều này đã giúp họ chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm trước khi bước vào cuộc đời mới.

Tiếp nối lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều trí thức khác lần lượt về nước tham gia kháng chiến như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm, Lương Đình Của, Đặng Văn Ngữ. Những người trí thức ấy được chính quyền cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, tạo điều kiện để phát huy năng lực, sở trường, góp phần tích cực xây dựng nền móng ban đầu cho các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục còn non yếu của nước nhà, tạo nên thế và lực cùng với khối đại đoàn kết toàn dân đưa đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, bảo vệ thành quả là nền độc lập mà cách mạng Tháng Tám giành được năm 1945.

Đánh giá cao vai trò của những người Việt ở khắp nơi trên thế giới, sau chuyến đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời tuyên bố tới quốc dân “luôn nhớ đến kiều bào ở hải ngoại đã ra sức hy sinh phấn đấu, dù cực khổ bao nhiêu cũng một lòng trung thành với Tổ quốc”(6). Người thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi và động viên kiều bào ở nước ngoài, khẳng định vai trò quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.161.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.156.

3.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tập 3.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.323.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.333.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2011, tập 4, tr.467.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)