Chuyện về hòn đá cuội trên bàn làm việc tầng 2 Nhà Sàn và tấm gương rèn luyện thân thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vũ Thu Hằng
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về cõi vĩnh hằng nhưng ngôi Nhà Sàn đơn sơ giản dị cùng với những hiện vật liên quan đến cuộc sống thường ngày của Người như hòn đá chặn giấy, lọ mực tím, chiếc bút máy Cửu Long. còn lưu lại nơi đây đã góp phần thể hiện tương đối đầy đủ, rõ nét cuộc sống, đạo đức và phong cách làm việc của một lãnh tụ hết lòng phục vụ lợi ích của nhân dân, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Bài viết dưới đây giới thiệu về hòn đá cuội trên bàn làm việc ở tầng 2 Nhà sàn mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng để luyện gân tay.
Theo lời kể của các đồng chí: Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ, Cù Văn Chước - nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch là những người đã gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm cho biết: Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòn đá cuội được đặt trong hộp đựng bút trên bàn làm việc tầng 2 ngôi Nhà Sàn gỗ, nơi Người đã ở và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969. Trên bàn làm việc của Bác bao giờ cũng có hòn đá cuội nằm vừa gọn trong tay. Khi đọc sách, Bác thường bóp hòn đá đó để luyện gân tay. Bác đã dùng hòn đá nắm tay để rèn luyện gân tay cho đến tháng cuối cùng. Chính vì thế mà dù tuổi đã cao, râu tóc bạc phơ nhưng da dẻ Bác rất hồng hào và phong thái vẫn hoạt bát. Người cũng thường dùng hòn đá này để chặn giấy, báo, bản tin ở
trên bàn làm việc. Khi dùng xong Người để trong hộp đựng bút trên bàn làm việc. Hòn đá này Bác chọn ở Liên Xô trong chuyến công tác của Người. Bác kể, thói quen dùng hòn đá cuội để luyện gân tay có từ 60 năm trước khi Bác làm bồi bàn trong thời gian bôn ba ở nước ngoài.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hòn đá cuội đã được ghi chép vào sổ kiểm kê bước đầu, đánh số kiểm kê là KDTPCT 728/Đ-4. Hòn đá cuội hình bầu dục, hai đầu tròn, hơi lõm, đá màu trắng, có vân màu đen, kích thước dài 6,5, chu vi 3,7 cm.
Theo các đồng chí lãnh đạo Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng Hội đồng khoa học họp ngày 25/11/1972 cho biết: hòn đá cuội trưng bày ở Nhà Sàn cùng các hiện vật khác đã được đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua trưng bày trước khi mở cửa ngôi Nhà Sàn của Bác đón khách quốc tế và đồng bào cả nước đến viếng thăm năm 1975 và được sắp xếp như lúc sinh thời khi Người còn sống.
Trên thế giới, nhiều lãnh tụ cách mạng và nhiều nhà tư tưởng lớn trước đây rất coi trọng việc rèn luyện thân thể, họ cho rằng: “Con người phát triển toàn diện là con người được phát triển về trí lực, thể lực, đạo đức, thẩm mĩ và kỹ năng lao động”. C.Mác tập thể dục đều đặn, thích đi bộ, bơi lội và tắm biển. Ph.Ăng-ghen rất tích cực tập chạy, nhảy, múa gươm, đấu kiếm, leo núi và phi ngựa. Ăng-ghen luyện tập phi ngựa không biết mệt mỏi với lòng dũng cảm phi thường, tài phi ngựa của ông có thể sánh ngang với những kỵ binh thiện chiến nhất đương thời. V.I. Lênin rèn luyện thân thể khá toàn diện. Người tập thể dục trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc bị tù. Lênin thích trượt tuyết, đi săn, bách bộ, dạo chơi bằng xe đạp, đánh cờ và leo núi và leo núi rất giỏi. Trong số các danh nhân văn hóa thế giới được Liên hợp quốc tôn vinh thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về rèn luyện thân thể. Tấm gương của Người luôn được nhân dân ta và thế hệ trẻ noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe”. Người nhận định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công”. Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời, dù trong điều kiện thời gian, hoàn cảnh nào, Người cũng luôn chú ý đến việc rèn luyện sức khỏe để hoạt động cách mạng lâu dài.
Ngay từ khi đang hoạt động cách mạng ở các nước phương Tây, vào mùa đông lạnh giá, Người vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun.
Năm 1941, khi Người từ Trung Quốc về nước và lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng. Lúc ở hang Pác Bó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, bất cứ ở đâu Bác đều duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt, học tập điều độ. Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm... Các vị lão thành cách mạng còn kể lại, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết tài liệu.
Lúc ở Liễu Châu (Trung Quốc) Bác Hồ vẫn tập luyện thể dục đều đặn, nhiều hôm Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có nhiều hôm trời rất giá rét. Nhờ rèn luyện sức khoẻ thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Ngay sau khi đất nước giành độc lập, mặc dù bận trăm công ngàn việc quốc kế dân sinh, Bác Hồ vẫn giữ nền nếp dậy sớm tập thể dục. Bác thường xuyên cùng cán bộ, chiến sỹ rèn luyện thể lực bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, leo núi, đánh bóng chuyền... Theo lời các đồng chí cận vệ của Bác kể lại, suốt bốn mùa dù trời mưa hay trời rét, sáng nào cũng vậy, Bác thức dậy từ lúc 5 giờ, tập thể dục xong, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi làm việc. Có những hôm Bác đi công tác về rất khuya, sáng ra, các đồng chí giúp việc giữ yên tĩnh để Bác ngủ, nhưng đến 5 giờ Bác đã dậy cùng tập với mọi người như thường lệ.
Nhận rõ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của hoạt động thể dục thể thao nên trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 30/01/1946 thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên, khẳng định thể dục rất cần thiết để “tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.
Cuối tháng 3/1946 tự tay Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Lời kêu gọi này lần đầu tiên được đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 27/3/1946. Đó là cội nguồn khởi phát của phong trào “khoẻ vì nước” được Nha thể dục Trung ương phát động sôi nổi khắp đất nước ta trong năm 1946. Trong lời kêu gọi, Bác Hồ căn dặn chúng ta: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe.Tự tôi, ngày nào cũng tập”.
Thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc, mỗi lần thay đổi địa điểm, trong hoàn cảnh nào Bác đều yêu cầu mọi người chọn cho được nơi làm sân bóng chuyền và gần suối. Bác Hồ rất thích tập bơi và đánh bóng chuyền. Chiều chiều sau giờ làm việc, Bác lại cùng các đồng chí đi tăng gia sản xuất hoặc đánh bóng chuyền, Bác chơi bóng rất hoạt bát, nên hôm nào có Bác thì cả sân bóng sôi nổi,
vui hẳn lên. Bác rất thích bơi, Bác thường bơi kiểu nghiêng người, sải tay, đập chân. Đi công tác qua những suối lớn không lội được, mọi người chuẩn bị mảng cho Bác qua, nhưng Bác không chịu đi mảng, Bác cởi quần áo ngoài để lên mảng và bơi qua sông, qua suối. Thế là tự nhiên giữa rừng vắng có một cuộc vượt sông rất thú vị.
Bác đi bộ, leo núi rất nhanh, nhiều khi các đồng chí cận vệ cứ phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp. Năm 1958, Người dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ sang thăm Ấn Độ. Khi Bác đi thăm tháp Cutatnina, một di tích lịch sử nổi tiếng cao hàng trăm bậc, nhiều người cùng đi với Bác đều đứng dưới, có lẽ vì ngại tháp cao, còn Bác thì ung dung bước thẳng một mạch lên tới đỉnh tháp rồi quay lại tươi cười vẫy tay chào mọi người. Mọi người đều thầm kính phục trước sự kiên trì rèn luyện của Bác, còn các đồng chí cận vệ thì biết Bác còn dư sức để leo một cái tháp cao hơn nữa.
Ngày 19/12/1966, khi tiếp các đoàn vận động viên, đoàn thể thao Việt Nam tham dự GANEFO Châu Á thắng lợi trở về (có các danh thủ Trần Oanh - bắn súng, Trần Hữu Chỉ - điền kinh, Vũ Thị Sen - bơi lội.), Bác đã căn dặn: “Đánh giặc Mỹ gian khổ khó khăn như vậy, nhưng quân và dân ta có quyết tâm đánh thắng. Các cháu phải quyết tâm đạt thành tích cao hơn nữa. Muốn vậy phải đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tập luyện và thi đấu, phải cố gắng thật nhiều để xứng đáng là những vận động viên của dân tộc anh hùng”. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một nền thể thao Việt Nam mang tính hiện đại, khoa học, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc, đồng thời thành quả ấy đã tạo nên vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Khi về ở trong Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là tấm gương rèn luyện sức khỏe cho anh em phục vụ và những người giúp việc Người. Câu chuyện của một chiến sĩ cảnh vệ trong khu Phủ Chủ tịch gặp Bác đi tập thể dục buổi sáng cũng là lời tâm sự, từ đó trở đi, nhớ lại câu chuyện Bác đã nhắc nhở ông học được đức tính tiết kiệm từ Bác và chăm rèn luyện sức khỏe. Ông kể lại: “Lúc đó Bác đang dậy sớm tập thể dục, tôi nhìn thấy dáng người mảnh khảnh, nhưng lại rất nhanh nhẹn. Tôi xúc động quá đến nỗi quên ngắt cầu dao điện, Bác tiến lại gần và nhẹ nhàng khuyên bảo: “Trời sáng rồi, sao chú không tắt điện”. Lúc đó tôi lúng túng quá chẳng nói được gì, Bác lại nói: “Khi trời sáng, chú nên tắt điện để tránh lãng phí nguồn điện nhé”. Rồi Bác còn ân cần dặn tôi buổi sáng sớm nên dành thời gian để luyện tập thể dục, thể thao để khí huyết được lưu thông, có tinh thần thoải mái cho một ngày làm việc.
Những năm sau, Bác Hồ tuổi càng cao, sức yếu dần đi. Nhưng sáng sáng Bác vẫn tập đều. Bác rất chú ý tập đi bộ. Có khi chân bị tê thấp, rất yếu, Bác vẫn tập đi từng bước, từng bước, hoặc ngồi tĩnh tại luyện khí công. Vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì đồng bào miền Nam mà Bác Hồ luôn luôn cố gắng tập luyện để quyết thắng bệnh tật.
Ngày ngày, khi còn có thể đi lại được, Bác vẫn tập đi. Sáng nào Bác cũng tập thể dục ở trước hàng nhài trong vườn, tập đi một vòng quanh hồ rồi mới về ăn sáng. Bác cứ tập dần, cố gắng mỗi ngày một ít. Khi khỏe, Bác lại tập leo dốc. Qua được dốc ngắn, Bác lại leo dốc dài. Thấy Bác tập leo dốc, chúng tôi lại thấy: ý định vào với đồng bào miền Nam vẫn theo đuổi Bác ngay cả khi đã lâm bệnh nặng.
Lúc Bác hơn 77 tuổi, đau tim làm ảnh hưởng sang nửa người bên trái, tay không được linh hoạt nữa. Bác tập tay bằng cách ném bóng. Bác lấy một số quả bóng quần vợt với một cái sọt đựng giấy loại nhỏ, miệng của nó bằng hai phần ba cái sọt giấy ta dùng ở cơ quan, để cách Bác độ 6 mét, một ngày tập nhiều lần, cố làm sao càng nhiều quả lọt vào sọt giấy càng tốt. Bác tập phản xạ chung, tập mắt nhìn, tập tay ném cho chính xác. Bác tập rất đều, ngày càng nâng dần thành tích lên. Bác ném quen rồi, ném khá chính xác, bởi vì Bác tập lâu, lâu lắm. Thỉnh thoảng Bác mời các chú ném thử xem. Có bạn thanh niên ném không được như Bác. Bác ném 20 quả vào sọt khoảng 7, 8 quả. Có lần Bác ném 20 quả lọt vào sọt 15, 16 quả. Bác mệt, đồng chí bác sĩ lén lén đẩy sọt giấy lại gần để Bác đỡ phải dùng sức. Bác biết ngay vì Bác đã đo quen bằng cỡ mắt. Bác bảo: “Ấy ấy, các chú đừng có ăn gian thế”. Tự tay Bác đến đẩy sọt giấy ra xa đúng chỗ quy định rồi Bác ném bóng.
Bác Hồ là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực và sáng tạo để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc tập luyện thể dục, thể thao của Bác luôn là tấm gương mẫu mực cho chúng ta hôm nay và các thế hệ con cháu học tập.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cùng với những hiện vật lúc sinh thời Người, hòn đá cuội trên bàn làm việc ngôi Nhà Sàn được trưng bày để phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Được chứng kiến, được nghe những câu chuyện kể về các hiện vật, di vật vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh liên quan đến cuộc sống đời thường của Người hiện đang được bảo quản, trưng bày và phát huy tác dụng tại đây, đồng bào ta từ mọi miền tổ quốc đến thăm di tích đều hòa mình trong sự thanh thản, tao nhã, cảm nhận được tình cảm ấm áp mà Người đã để lại. Cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với nhân dân là đặc trưng cho tình yêu đối với đất nước của Người, không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc động trước sự vĩ đại của một con người đã trở thành huyền thoại ngay cả trong cuộc sống đời thường của mình.