Cuốn sách “Bản tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc” số 1 prague 1962, có nhiều bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trần Thị Thuấn
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc nhiều thể loại sách, báo, tạp chí từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến tặng Người. Mỗi khi đọc xong, Người thường gửi sách, báo, tạp chí tới những nơi cần sử dụng vì thế Người không có thư viện riêng. Những cuốn sách, báo, tạp chí sau khi Người qua đời còn lưu lại ở Di tích Nhà sàn, Nhà 54, Nhà H67... trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là những di sản vô giá, trong đó có “Bản tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và để lại nhiều bút tích.
Sách do nhà xuất bản Prague xuất bản năm 1962, viết bằng tiếng Pháp, kích thước 21 x 30 cm, gồm 57 trang. Bìa sách mềm, màu trắng. Mặt bìa trước in hình một huy hiệu có hình cờ, hình ngôi sao 5 cánh trong có hình búa liềm màu trắng, hình hoa văn bên mép và ba chữ “KSC”.
Nội dung sách là các báo cáo, văn kiện, nghị quyết được bàn và thảo luận tại phiên họp tháng 11/1961 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, mà trọng tâm là vấn đề giáo dục thanh niên, vấn đề công tác Đảng. Cụ thể là:
- Thông báo về phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc diễn ra từ ngày 15 đến 17/11/1961, trang 3.
- Báo cáo của đoàn đại biểu đã tham dự Đại hội 22 Đảng Cộng sản Liên Xô và những kết luận rút ra cho công tác Đảng Cộng sản Tiệp Khắc (Trích báo cáo của đồng chí A.Novotný tại phiên họp ngày 15/11/1961) từ trang 4 đến trang 31.
- Giáo dục thế hệ mới tinh thần cộng sản chủ nghĩa (Trích báo cáo của Firi Hendrych tại phiên họp ngày 17/11/1961) từ trang 32 đến trang 49.
- Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc về báo cáo của đồng chí A.Novotry về công tác thanh niên, về việc triệu tập Đại hội XII Đảng Cộng sản Tiệp Khắc từ trang 50 đến trang 57.
Cuốn sách “Bản tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc” được gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đường giao thông ngoại giao năm 1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách này và đã để lại bút tích ở các trang 7, 8, 14, 15, 16, 18, 23, 24, 25, 26, 27, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48, 49, viết bằng bút bi màu đỏ. Đó là những dấu xiên ngắn “/“ đặt giữa các từ trong một câu, những dấu gạch chân các con số, các từ ngữ mà Người quan tâm, những dấu gạch đứng và dài ở mác của những đoạn văn mà Người lưu ý, những “móc tròn, móc vuông” ở một số đoạn văn mà Người quan tâm. Đặc biệt ở góc phải phía dưới mặt ngoài bìa trước của sách Người đã để lại một dấu “0” và phía dưới hai chữ Hán viết dọc với nội dung là “Thanh niên”. Theo các đồng chí đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chữ và dấu được viết ở trang bìa là thể hiện sự lưu ý đặc biệt của Người về bài viết trong sách. Một dấu gạch chân chữ “agriculture” (nông nghiệp) (trang 23). Có một dấu gạch xiên, hai dấu gạch chân các con số “17836 Travau” và “22460 augmentant de”. Dấu gạch xiên ở trang này nằm giữa câu có nội dung tạm dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Tinh thần yêu nước cục bộ luôn luôn có hại cho vấn đề đầu tư chung” (trang 24).
Vấn đề “lưu ý đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách mà Người đã viết ở trang bìa là những đoạn văn ở bài “Giáo dục thế hệ mới tinh thần cộng sản chủ nghĩa” trích báo cáo của Firi Hendrych tại phiên họp ngày 17/11/1961 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Cụ thể, bút tích của Người ở các đoạn văn, câu văn có nội dung như sau (tạm dịch):
“Chúng ta phải làm mọi việc để cả ở Tiệp Khắc thế hệ hiện nay được sống trong chủ nghĩa cộng sản”; “Việc chuẩn bị tốt cho tương lai phát triển của xã hội chúng ta đến năm 1980 có tầm quan trọng lớn” (trang 32).
“Cần phải chú ý đến thanh niên và chuẩn bị một cách toàn diện cho họ”; “Về phần mình, thanh niên phải đáp lại sự quan tâm đối với họ bằng quyết tâm tận dụng mọi điều kiện mà người ta dành cho họ”; “... một thế hệ được giáo dục và được chuẩn bị về tinh thần và thể lực tốt hơn mọi thế hệ trước”; “ phải đấu tranh trong một bộ phận thanh niên những tật xấu như lười biếng, ích kỷ, cá nhân và định kiến” (trang 33).
“...Phải củng cố các đức tính lành mạnh và phát triển chúng thành sự giác ngộ về chính trị và một thế giới quan cộng sản chủ nghĩa”; “cơ sở và nguồn gốc của chủ nghĩa cộng sản là lao động... phải tăng cường tinh thần quốc tế chủ nghĩa trong thanh niên chúng ta”; “chúng ta phải giúp họ không những nhận rõ ai là bạn mà cả nhận rõ và phân biệt được ai là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội” (trang 34).
“... Vai trò của thanh niên đối với xã hội thể hiện ở sự tận tụy trong công tác”; “Một người tự thỏa mãn chỉ làm một người lao động bình thường, chỉ làm những gì phải làm sẽ không đem lại lợi ích cho xã hội như anh ta mong muốn” (trang 35).
"...Thanh niên phải nắm vững kinh nghiệm và dần dần đạt tới trình độ cao; Thanh niên vừa học làm việc và vừa học lãnh đạo; Tăng cường sự tham gia của thanh niên trong lãnh đạo sản xuất; Thanh niên có một vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển sản xuất nông nghiệp, trong sinh hoạt ở nông thôn” (trang 37).
“Các tổ chức Đảng ở Tiệp Khắc đều thừa nhận rằng chỉ có một số ít thanh niên trẻ tham gia vào các ủy ban toàn quốc và vào ban lãnh đạo các hợp tác xã; Các đoàn viên liên hiệp thanh niên phải tích cực yêu cầu có quyền tham gia vào việc điều hành công việc chung” (trang 39). “Trường học có tầm quan trọng quyết định trong việc giáo dục thanh niên; .Cần phải quan tâm đến tinh thần trách nhiệm của mọi người đối với thanh niên” (trang 41).
“Điều rất quan trọng là thanh niên chúng ta phải hiểu quy luật tiến hóa xã hội, phải nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin” (trang 43).
“Các vấn đề trong quá trình giáo dục cả về chính trị và tinh thần, cũng như về văn hóa và thể thao phải trở thành một khối thống nhất” (trang 46).
“Ở đâu mà tổ chức Đảng giao cho thanh niên nhiệm vụ cụ thể, không sợ giao trách nhiệm cho họ thì ở đó đạt kết quả tốt” (trang 47)... “Các vấn đề liên quan đến giáo dục thanh niên phải được các tổ chức Đảng, các ủy ban, các công tác giải quyết và phải xem là nhiệm vụ của mỗi Đảng viên” (trang 48).
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc rất kĩ và để lại rất nhiều bút tích trong cuốn sách “Bản tin Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc” số 1 Prague 1962. Bởi sinh thời Người rất quan tâm đến việc xây đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Những bức điện, thư, diễn văn chào mừng và tiếp xúc nồng nhiệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc đã gây ấn tượng sâu sắc và lòng kính trọng to lớn của nhân dân Tiệp Khắc đối với lãnh tụ của chúng ta. Qua đó góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị giữa hai quốc gia, nâng cao uy tín của nước Việt Nam với bạn bè năm châu. Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Người cũng từng đón tiếp thân mật nhiều đoàn đến từ Tiệp Khắc và gửi điện chúc mừng thân mật đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước Tiệp Khắc:
Ngày 5/8/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta gửi điện chúc mừng tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc nhân kỷ niệm lần thứ 16 Quốc khánh Tiệp Khắc.
Chiều ngày 2/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nghệ sĩ Tiệp Khắc sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam.
Ngày 5/9/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng Quốc khánh lần thứ 17 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Bức điện có đoạn: “Nhân dân Việt Nam chân thành chúc nhân dân Tiệp Khắc anh em thu được nhiều thành tích to lớn trong việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ ba..., góp phần vào sự nghiệp bảo vệ hoà bình ở châu Âu và thế giới”.
Sáng ngày 22/1/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Tiệp Khắc do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Tiệp Khắc, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc Antônin Nôvốtni dẫn đầu sang thăm hữu nghị Việt Nam. Phát biểu trong buổi lễ đón tiếp tổ chức tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Người nhắc lại những kỷ niệm trong chuyến sang Tiệp Khắc năm 1957 và bày tỏ niềm vui của nhân dân Việt Nam được đón tiếp các vị khách quý Tiệp Khắc. Trong diễn văn chào mừng đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nước Việt Nam chúng tôi tự hào có một nước anh em cường thịnh như Tiệp Khắc. Nhân dân Việt Nam tự hào có những người anh em như nhân dân Tiệp Khắc dũng cảm và tài năng. Thành tích to lớn của nhân dân Tiệp Khắc đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà”...
Cuốn sách “Bản tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm cũng bởi một trong những nội dung trọng tâm cuốn sách nói về thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra và tin tưởng ở tiềm năng, sức mạnh to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng và thúc đẩy phát triển xã hội. Người nhận thấy thanh niên là lực lượng đông đảo, hùng hậu, dũng cảm; có những ưu thế nổi trội: trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái nhiệt tình, nhạy bén tiếp thu cái mới. Thế hệ trẻ tiêu biểu cho sức sống, sức phát triển của dân tộc, nếu được lãnh đạo, tổ chức, giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện, sẽ trở thành động lực chính, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng đất nước và dựng xây chủ nghĩa xã hội. Không chỉ sáng lập và rèn luyện, tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ và tạo điều kiện để họ được học tập, lao động, cống hiến, là đội hậu bị xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong Di chúc, Người cũng căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Có thể nói rằng, trong khối tài liệu, hiện vật của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã sử dụng trong 15 năm sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, những cuốn sách Người đọc và để lại bút tích là những di sản rất quý giá. Vì vậy, tác giả mong muốn đề xuất bổ sung, trưng bày cuốn sách “Bản tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc số 1 Prague 1962, tại vị trí vốn có (trên giá sách, phòng làm việc, tầng 2 Di tích Nhà sàn) để phát huy tác dụng. Điều này không những giúp đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế hiểu hơn tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em mà còn khẳng định tình đoàn kết hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và các dân tộc trên thế giới.