Cuốn sách “Chiến tranh và Cách mạng ở Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1939” (tập I-II) trưng bày tại giá sách Nhà sàn
Vũ Thu Hằng
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Trên giá sách tầng 2 Nhà Sàn tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch hiện đang trưng bày hai cuốn sách “Chiến tranh và cách mạng ở Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1939” tập 1 và tập 2. Sách in bằng tiếng Tây Ban Nha, do Nhà xuất bản Tiến bộ Matxcova xuất bản năm 1966. Mỗi tập có 320 trang, gồm 4 chương, bìa sách là loại bìa cứng, bọc vải màu da cam, tên sách in chữ màu trắng, ngoài được bọc bằng giấy bóng. Trong sách có nhiều ảnh minh họa về các lãnh tụ của cách mạng, về cuộc sống và cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Ban Nha.
Tác phẩm này được Ủy ban cách mạng lâm thời của Đảng Cộng sản Tây Ban Nha do đồng chí Dolores Ibaruni đứng đầu soạn thảo. Nữ đồng chí Dolores Ibaruni sinh năm 1895 và mất năm 1989 tại thủ đô Mađrit. Bà là người có vai trò nổi bật trong cuộc nội chiến 1936-1939 ở Tây Ban Nha. Bà là Đảng viên Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng từ năm 1942 đến năm 1960, Chủ tịch Đảng từ năm 1960 cho đến khi qua đời năm 1989. Bà đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh một vài lần ở Matxcova trong các chuyến Người công tác Liên Xô. Ngày 15/4/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng đồng chí Dolores Jbaruri, Chủ tịch Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, chúc tình hữu nghị giữa hai đảng và nhân dân hai nước ngày càng tốt đẹp.
Nội dung cuốn sách “Chiến tranh và cách mạng ở Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1939” (2 tập) viết về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha mà mở đầu là sự kiện ngày 17/7/1939 khi lực lượng quân đội đóng tại phần lãnh thổ Marốc do Tây Ban Nha chiếm đóng đã nổi dậy chống lại nền cộng hòa. Đây là hành động nổi dậy đầu tiên của các viên chỉ huy quân đội và lực lượng cực hữu Tây Ban Nha chống lại chế độ cộng hòa được thiết lập một cách hợp pháp. Cuộc binh biến đã nhanh chóng lan ra toàn bán đảo Ibêria. Nhân dân Tây Ban Nha với nhận thức chính xác về ý nghĩa của một cuộc binh biến đã quyết tâm bảo vệ nền cộng hòa và dù trang bị vũ khí còn rất thiếu thốn vẫn anh dũng đứng lên chống lại họa phát xít đang lan rộng khắp Tây Ban Nha. Cuộc Nội chiến đã tàn phá Tây Ban Nha, kéo dài từ ngày 17/6/1936 cho tới ngày 01/4/1939, kết thúc với thắng lợi của phe nổi dậy và việc thiết lập chế độ độc tài của thủ lĩnh phe nổi dậy (còn gọi là phe Quốc gia) là Tướng Francisco Franco.
Trong cuộc nội chiến này, những người ủng hộ nền cộng hòa nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô và Mexico, trong khi phe nổi dậy nhận được trợ lực từ nước láng giềng Bồ Đào Nha và các cường quốc phát xít Châu Âu là Ý và Đức. Cuộc chiến làm tăng thêm sự căng thẳng dẫn đến Đại chiến Thế giới thứ hai, và trong một chừng mực nào đó, trở thành đấu trường cho cuộc xung đột thế giới. Đặc biệt, nước Đức phát xít đã sử dụng cuộc chiến để diễn tập chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng, chiến thuật được sử dụng sau này trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Âu. Có thể nói, cuộc nội chiến Tây Ban Nha trở nên nổi tiếng vì nó gây ra sự chia rẽ sâu sắc về mặt chính trị, vì những cảm xúc mạnh mẽ, cũng như vì những tội ác chiến tranh mà cả hai phe tham chiến gây ra.
Tập I gồm 4 chương với những nội dung sau:
Chương I:
1. Một cuộc cách mạng dân chủ bị thất bại
2. Các mốc của sự phản bội lớn
3. Nguồn gốc của Mặt trận bình dân
4. Hướng tới cuộc nội chiến
Chương II: Cuộc binh biến phát xít và sự đáp trả anh hùng của quần chúng nhân dân
1. Những trận đánh đầu tiên ở Marốc và Andalucia
2. Ba thắng lợi của quần chúng ở La Flota, Barcelona và Madrit
3. Những kẻ nổi dậy bên bờ thất bại
Chương III: Sự can thiệp của nước ngoài
1. Sự can thiệp quân sự của Đức và Ý
2. Sự giúp đỡ của Salazar cho Franco
3. Quân đội Marốc
4. Sự trung lập giả dối của Mỹ
5. Sự không can thiệp
Chương IV: Chính phủ Giral
1. Bảo vệ và đổi mới của nền cộng hòa
2. Cuộc chiến đấu ở Sierra, Andalucia và Extremadurra
3. Dân quân và trung đoàn 5
4. Chính sách đối ngoại
Tập II gồm 4 chương với những nội dung sau:
Chương V: Cataluria. Chủ nghĩa vô chính phủ được thử thách
1. Tầm quan trọng ở Cataluria
2. Các mặt trận Catalan
3. Những trải nghiệm vô chính phủ
Chương VI: Chính phủ của Largo Caballero
1. Chính phủ của Mặt trận bình dân
2. Các cuộc chiến đấu ở thung lũng Tajo
3. Cải cách ruộng đất
4. Euzkadi, điều lệ Vasco
5. Asturias, Santander địa phương chủ nghĩa về chính trị và quân sự
6. Các vấn đề quốc tế
Chương VII: Madrid
1. Madid bị đe dọa
2. Chính phủ thứ hai của Largo Caballero
3. Bước ngoặt quyết định
4. Đừng hòng thoát
5. Tuổi trẻ cầm vũ khí
6. Thành phố phía trước
7. Madrid không bị đánh bại
Chương VIII: Guadalajara
1. Phần mở đầu ngoại giao
2. Quân đội Ý ở Tây Ban Nha. Malaga thất thủ
3. Cuộc chiến ở Jarama
4. Guadalajara, thất bại lớn của Mussolini
5. Một cuộc đấu tranh phức tạp khác thường
Cuốn sách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và giữ lại trên giá sách Nhà Sàn chứng tỏ rằng tình hình chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước Tây Ban Nha được Hồ Chí Minh rất quan tâm. Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới lại đều tìm thấy trong tinh hoa văn hóa phương Tây mà Người đã tiếp thu được. Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Hồ Chí Minh đã đến với phương Tây và tiếp thu tinh hoa văn hoá phương Tây, trước hết là lý tưởng cách mạng dân chủ tự do, tiến bộ với một tầm nhìn và tấm lòng rộng mở. Hồ Chí Minh sớm có cảm tình sâu sắc, am hiểu văn hóa phương Tây và đã tiếp thu những lý tưởng và truyền thống cách mạng dân chủ, tự do, tiến bộ phương Tây.
Ngoài ra còn phải kể đến những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ của Hồ Chí Minh với nhiều nhà văn, nhà hoạt động chính trị, xã hội thời bấy giờ và sự có mặt của Người ở các cuộc hội thảo về văn học, triết học, chính trị, kinh tế ở các câu lạc bộ, cũng như ở các nhà máy, bảo tàng, danh lam thắng cảnh, thư viện... Những cuộc hội ngộ và những sinh hoạt có tính chất văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật đó một mặt đem lại cho Hồ Chí Minh những giá trị văn hóa phương Tây, như chủ nghĩa lãng mạn, sự phân tích khoa học và lý tính, tăng cường sự hiểu biết chính trị và hiểu rõ nhân dân và đất nước Tây Ban Nha, còn mang đến tình bạn của Hồ Chí Minh với danh họa Tây Ban Nha Pablô Picatxô kéo dài tới mấy chục năm. Câu chuyện gặp gỡ cảm động giữa Hồ Chí Minh và Pablô Picatxô tại Paris vào năm 1946 trong thời gian Người được Chính phủ Pháp mời sang nước Pháp với tư cách là thượng khách đã minh chứng cho tình bạn vĩ đại đó.
Hôm đó Hồ Chí Minh đến thăm họa sĩ không báo trước, khi gần đến cửa họa sĩ nhận ra Bác vội chạy tới ôm chầm lấy Bác và nói “Chào anh Nguyễn. Đôi mắt anh vẫn trẻ và sáng như thời chúng ta gặp nhau ở Cláctê”. Picatxô đưa Bác đi xem xưởng họa của ông. Bác đi và ngắm từng bức tranh. Sự xúc động hiện rõ trên gương mặt Người. Họa sĩ mời Bác uống nước, ông phác mấy nét chân dung Hồ Chủ tịch. Đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông trao bức tranh tận tay Bác. Sau đó, Bác giao cho đồng chí cận vệ là ông Vũ Đình Huỳnh, người tháp tùng Bác trong chuyến đi này. Ông Vũ Đình Huỳnh đã gìn giữ bức tranh suốt thời kỳ ở Thủ đô cho đến khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Đó là một di sản về Hồ Chủ tịch, ông có ý định khi xây dựng Bảo tàng về Hồ Chí Minh thì trao lại nhưng bức tranh đã bị thất lạc. Khi kể lại câu chuyện này ông Vũ Đình Huỳnh cố nén xúc động và nói rằng nếu có một điều ước thì ông sẽ ước rằng: Đến một ngày nào đó, bằng một sự may mắn kỳ diệu, chúng ta sẽ tìm được bức tranh chân dung mà Picátxô, họa sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ XX, vẽ Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam, một trong những nhà chính trị lỗi lạc nhất của thế kỷ XX.
Danh họa Tây Ban Nha Pablô Picatxô có tình cảm đặc biệt đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta. Năm 1954, sau chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Pablô Picatxô đã vẽ bức tranh nổi tiếng “Mừng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lập lại hòa bình” (1954). Ngày 23/3/1968, trong bức điện gửi tới đại hội “Ngày trí thức Pháp vì Việt Nam”, Picatxô viết những dòng đầy tâm huyết: “Đối với chúng ta, những họa sĩ, trong chiến tranh và hòa bình, tất cả nghệ thuật hiện đại đứng về Việt Nam. Hàng ngày, đã bao năm nay, tôi khâm phục lòng dũng cảm phi thường của các bạn Việt Nam” (Báo Nhân đạo, cơ quan
Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 25/3/1968). Pablô Picatxô đã được tặng giải thưởng Hòa bình của Hội đồng hòa bình thế giới năm 1950 và giải thưởng Quốc tế mang tên Lênin năm 1962.
Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng Picatxô. Năm 1961, nhân dịp Picatxô tròn 80 tuổi, Bác đã viết một bức thư bằng tiếng Pháp, gửi cho Picatxô để chúc mừng nhà danh họa nhân ngày vui trọng đại này. Nguyên văn bức thư như sau:
“Gửi họa sĩ Picátxô
Hà Nội tháng 8 năm 1961,
Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn tươi trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với Hòa bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản, và vì thế họa sĩ giữ mãi được tuổi xuân.
Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc.
Tôi chúc đồng chí Picátxô luôn luôn mạnh khỏe và sống lâu để sáng tác nghệ thuật phục vụ chính nghĩa.
Hồ Chí Minh”
Để kết thúc bài viết này, với mong muốn của người làm công tác sưu tầm những tài liệu, hiện vật, những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi mong ước điều kỳ diệu sẽ xảy ra, bức tranh của danh họa Tây Ban Nha Pablô Picatxô vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở về với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm cuối đời tại Khu di tích Phủ Chủ tịch Hà Nội để cùng với cuốn sách “Chiến tranh và cách mạng ở Tây Ban Nha từ năm 1936 đến năm 1939” (tập 1 và tập 2) và những tài liệu hiện vật khác liên quan đến đất nước Tây Ban Nha..., sẽ được phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và mãi trường tồn trong trái tim nhân loại.
Tài liệu tham khảo:
1. “Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 1954-1969”. Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, 1996.
2. Tư liệu của Tạp chí Phê bình mới, xuất bản tại Pháp tháng 11 năm 1961. Bản dịch của báo Nhân dân và được in lại trong cuốn “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ - Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”. Nxb. Hội nhà văn, năm 2012.