slider
Phát triển kinh tế số

Cuốn sách “Những ngày đầu chiến đấu của chúng tôi” hiện đang trưng bày trên giá sách di tích Nhà Sàn trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

05 Tháng 07 Năm 2024 / 435 lượt xem

Trần Thị Thuấn

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trên giá sách phòng làm việc tầng hai Nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang trưng bày cuốn sách “Những ngày đầu chiến đấu của chúng tôi”.

Sách do nhà xuất bản Ngoại văn Hà Nội xuất bản năm 1962, kích thước 13 x 19 cm, gồm 246 trang, tiếng Pháp. Bìa sách mềm, nửa trên màu trắng, nửa dưới màu đỏ. Mặt ngoài bìa trước in tên sách màu đen. Sách được gửi đến Người qua đường công văn năm 1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách này và để lại bút tích ở trang đầu cuốn sách. Bút tích chữ Hán, viết bằng bút đỏ, tạm dịch là: “Lương thực vì hòa bình” hoặc “Lương thực là cơ bản”. Vì chữ Hán viết dọc theo lề, lề nhỏ nên không bị đè lên chữ của sách.

Nội dung cuốn sách gồm tập truyện ngắn của 18 tác giả là những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam viết về những kỷ niệm sâu sắc, những câu chuyện chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân cuộc thi truyện ngắn “Những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức. Sách gồm những truyện ngắn: Con voi chột mắt của Trần Công Tuấn; Tiến vào Him Lam của Vũ Cao; Đình công của Võ Huy Tâm; Rừng núi giăng thuốc độc của Nguyên Ngọc; Con ngựa của tôi của Trần Công Tuấn; Một trận đánh ra trò của Nhật Tân; Một bài hát của Nguyễn Văn Thông; Y nguôn của Lương Sỹ Tầm; Những cuộc gặp gỡ của Bùi Hiển; Trước giờ chiến đấu của Nguyễn Đình Thi; Thay cảnh của Quốc Tâm; Trở lại Đông Triều của Hồ Phương; Tấm huy chương của nữ đồng trinh của Phạm Quát; Đổi lấy con bò cái của Minh Lộc; Những ngày chiến đấu của Hà Minh Tuân; Người quàng khăn đỏ của Mai Ngữ; Mối tình đầu của Vũ Nam; Một bà mẹ chiến sĩ của Hồ Thị Bi; Đối mặt với tiểu đoàn Triều Tiên của Hoàng Duy.

Qua tìm hiểu nội dung cuốn sách và hoàn cảnh lịch sử của đất nước trong những năm sáu mươi của thế kỷ XX cho thấy, miền Bắc nước ta bước vào kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965) trong đó nông nghiệp được đặt lên vị trí hàng đầu. Nhiều bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi thăm các địa phương, cơ sở đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí

Minh về phát triển nông nghiệp. Khẳng định vị trí quan trọng hàng đầu của nông nghiệp, Người nói: “Có thực mới vực được đạo”, “Dân dĩ thực vi tiên”, “Phải làm thế nào chỉ có đầy đủ lương thực mà lương thực do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng”.

Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bút tích ở tập truyện ngắn vì đây là tác phẩm của nhiều nhà văn nổi tiếng của Việt Nam viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Là người yêu thích văn học, khi công việc tạm gác lại.  Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đọc sách, báo, tạp chí,... Cuốn sách này là một trong những cuốn sách hay, được Người giữ lại trên bàn làm việc ở tầng hai Nhà sàn tại Khu Phủ Chủ tịch.

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách có liên quan đến hai truyện ngắn sau: Câu chuyện “Chuyện con voi chột mắt” được tác giả đi sâu miêu tả các chiến sĩ của ta chiến đấu ở vùng núi Tây Nguyên, sống cùng đồng bào người Thượng (các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên) trong những năm chống Pháp. Một đơn vị đến trú ở Phum Long Phê giáp biên giới Campuchia. Người dân ở đây khốn khổ vì hai kẻ thù rất nguy hiểm: Một là giặc Pháp; Hai là đàn voi rừng hàng mấy trăm con, do một con voi chột mắt dẫn đầu thường xuyên kéo đến phá nhà cửa và mùa màng. Mùa rẫy sắp được ăn, voi kéo đến là mất sạch, không ai và không thể làm cách gì hạ được nó. Nó đã xông tới thì cả đàn kéo tới, chỉ còn cách chạy trốn. Nhân dân gọi nó là con voi thần.

Theo truyền thuyết kể lại thì chỉ có thần của loài voi mới trừ khử được voi thần. Đêm đêm người dân thường thắp hương khấn thần phù hộ. Một chiến sĩ đã tự nguyện phục kích với một khẩu súng trường để hạ con voi chột. Dân làng ai cũng lo ngại cho anh, gàn anh nhưng anh cứ đi. Nhờ gan dạ, anh tiếp cận con voi chột và hạ nó. Mất con voi dẫn đầu, đàn voi bỏ đi tán loạn. Từ đó dân làng được yên ổn. Hành động của người chiến sĩ đã trừ nạn cho dân, bảo vệ được nương rẫy, giữ được cái ăn sinh sống hàng ngày. Dân làng và các cô gái tinh nghịch gọi anh là thần voi.

Câu chuyện “Núi rừng giăng thuốc độc”: Đây là đoạn trích truyện anh hùng Núp trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc. Núp là người dân tộc Ba Na ở làng Kông Hoa, đã lãnh đạo dân làng chống Pháp. Giặc Pháp đóng đồn gần Kông Hoa, nhiều lần càn quét nhưng vẫn không khuất

phục nổi dân làng. Núp đánh giặc bằng cách đưa dân làng chạy vào núi trú ẩn, làm nương rẫy để sinh sống. Các đường qua lại của dân đều bầy thành thế trận cài chông, chăng bẫy và xếp đá hộc từ trên cao lăn xuống, chông và tên đều tẩm thuốc độc. Du kích chia ra từng nhóm 5, 7 người phục kích ở nhiều nơi.

Kết hợp với thế trận bày sẵn, họ đánh bằng ném lao, bắn nỏ dạy bẫy... Núp tổ chức dân giữ làng, nhưng đặc biệt là giữ nương rẫy: “Bọn Pháp đến đóng tại mỏm núi này từ hôm qua. Lần này chúng đông lắm, có lẽ chúng sẽ ở lâu.

Trên núi nhan nhản bọn mặc quần áo ka ki vàng, vai mang súng đâm lên tua tủa. Các du kích phải lấy đá sỏi để đếm mới xuể: trên 500 thằng; Mùa màng vừa chín tới, chúng lên phá... Phải bảo vệ trước hết là nương rẫy, còn làng thì tuỳ khả năng cho phép, nếu cần thì bỏ làng giữ rẫy” (trích đoạn trong chuyện).

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có điều kiện đến thăm Tây Nguyên, nhưng từ sâu thẳm trong trái tim Người lúc nào cũng đau đáu một niềm thương nhớ, yêu quí đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói riêng, miền Nam nói chung, những người “đi trước về sau” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với các dân tộc Tây Nguyên, Bác Hồ luôn là vị cha già muôn vàn kính yêu, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối để Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua mọi gian khổ, khó khăn giành độc lập tự do.

Về nội dung của dòng bút tích chữ Hán mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại ở cuốn sách, “Lương thực vì hòa bình” hoặc “Lương thực là cơ bản”: Qua nghiên cứu, tìm hiểu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến vấn đề này như: Ngày 28/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị thảo luận về vấn đề lương thực. Người tán thành ý kiến với Ban Bí thư về định mức và nhắc nhở nếu thiếu phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em.

Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn về vấn đề lương thực. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhắc “phải có kế hoạch thu mua, phải có kế hoạch sản xuất tốt. Từ khai hoang tốt, sẽ thu mua tốt(1). Chiều ngày 8/9/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị. Khi Hội nghị bàn về vấn đề lương thực, Người yêu cầu cần phải có chính sách tốt, lâu dài, phù hợp, đồng thời cải tiến khâu phân phối, đối lưu hàng hóa. Ngày 9/11/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn công tác cải tiến quản lý nông nghiệp, trong đó có

bàn đến việc phải cố gắng giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất trong nông nghiệp như lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp...(2). Ngày 23/3/1963, phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “...

Nông nghiệp ta còn nhiều khó khăn, cố gắng mà chủ động. Ta có người, có đất thì có của”(3). Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết nhiều bài về vấn đề nông nghiệp như: bài “Tăng gia sản xuất tốt, còn phải thực hành tiết kiệm tốt”, bút danh T.L., đăng báo Nhân dân số 3739 ngày 25/6/1964. Người khen ngợi các địa phương đã động viên nông dân bán thóc theo giá khuyến khích cho Nhà nước, phê bình những nơi còn lãng phí lương thực và nêu rõ nhu cầu lương thực cho tiêu dùng và xuất khẩu còn lớn hơn; bài “Bước tiến mới của nông nghiệp nước ta”, bút danh Chiến sĩ, đăng báo Nhân dân số 4553 ngày 25/9/1966. Bài báo nêu lên những thành tích về sản lượng, năng suất trong sản xuất nông nghiệp và chỉ ra những kinh nghiệm về cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, đoàn kết nội bộ, chấp hành đúng chính sách của Đảng và Nhà nước,...

Cùng với chiến thắng trên tiền tuyến, ở khắp hậu phương miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi.

Nhân dân ta nêu cao khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội: “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”. Địch đánh phá mạnh hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, do đó bằng mọi cách phải duy trì được sản xuất. Muốn đánh thắng, trước hết phải bảo đảm cho quân dân ta được ăn no.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu đến sản xuất nông nghiệp, Người nói: “Dù khó khăn đến mấy, vấn đề lương thực cũng phải giải quyết cho được. Nếu không làm được lúa, phải chuyển nhanh, thiếu cơm có khoai, thiếu khoai có sắn”.

Ngày 01/5/1969, sau khi đọc xong Điều lệ tóm tắt của hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Điều lệ này của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp rất quan trọng. Nó nhằm bảo đảm thật sự quyền làm chủ tập thể của các xã viên. Phải thực hiện tốt Điều lệ để hợp tác xã càng thêm vững mạnh, nông thôn ngày càng đoàn kết, sản xuất càng phát triển và nông dân càng thêm no ấm và tiến bộ”. Người đã ghi và sửa một số từ trong Điều lệ này và viết lời giới thiệu. Những ngày cuối tháng 8/1969, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có diễn biến phức tạp.

Các bác sĩ và giáo sư tích cực chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được nghe Đài tiếng nói Việt Nam phát bài diễn ca về Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp, Người căn dặn các nhân viên phục vụ nhắc nhở cơ quan Tuyên huấn phổ biến rộng rãi hình thức diễn ca này để bà con nông dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm, thực hiện tốt Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, những tài liệu, hiện vật gắn bó với 15 năm cuối cùng của cuộc đời Người vẫn được gìn giữ tại Khu Phủ Chủ tịch.

Với giá trị lịch sử cuốn sách “Những ngày đầu chiến đấu của chúng tôi” là hiện vật quý giá đang được trưng bày trên giá sách phòng làm việc tầng hai Nhà sàn, để phát huy tác dụng, phục vụ công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.8, tr.216.

2. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.8, tr.307-308.

3. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t.8, tr.366-367.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)