Cuốn sách “Những phóng sự về Việt Nam” trưng bày trên giá sách Nhà sàn Bác Hồ
Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Trong khối tài liệu, hiện vật của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người đã sử dụng trong thời gian 15 năm sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, có rất nhiều cuốn sách nước ngoài viết về Việt Nam, viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta và do chính tác giả gửi tặng Người. Một trong số đó là cuốn sách Những phóng sự về Việt Nam của nhà báo Italia Emilio Sarri Amadé, tập hợp các bài báo mô tả cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra ở hai miền Nam - Bắc Việt Nam và sự đồng tình, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta chống lại kẻ thù xâm lược, vì độc lập, tự do của dân tộc.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Giulio Einaudi xuất bản năm 1966, tiếng Italia, dày 297 trang, kích thước 15,5 x 21,5cm. Ở trang lót bìa trước của sách có lời đề tặng của tác giả (tạm dịch) như sau:
“Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo của một dân tộc anh hùng với lòng kính trọng sâu sắc”
Tháng 9/1966
Ký tên: Emilio Sarri Amadé
Cuốn sách Những phóng sự về Việt Nam của nhà báo Italia Emilio Sarri Amadé là tập hợp bài viết của các nhà báo Italia sau những chuyến đi thăm hai miền Nam - Bắc Việt Nam trong thời gian chiến tranh chống xâm lược của đế quốc Mỹ. Dưới con mắt của các nhà báo chính trị, tình hình ở cả hai miền Việt Nam đã được mô tả một cách chân thực, giúp nhân dân thế giới hiểu được thực chất của cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, góp thêm tiếng nói ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Sách gồm 2 phần chính như sau:
- Phần I: Con đường dài tới chiến tranh (gồm 29 bài báo)
- Phần II: Một cuộc đấu tranh cổ đại vì tự do (gồm 25 bài báo)
Đặc biệt ở phần I, từ trang 23 đến trang 34 của cuốn sách có bài phỏng vấn của hai nhà báo Italia với Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 12/5/1959 tại giàn hoa Phủ Chủ tịch. Trong bài phỏng vấn, ngoài những thông tin cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, về chính sách phô trương sức mạnh của Mỹ ở Đông Nam Á; những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong thời gian qua và khó khăn của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà. Người khẳng định: “Sớm hay muộn thì đất nước chúng tôi cũng sẽ thống nhất, bất chấp những mưu toan của Mỹ và Ngô Đình Diệm”.
Chúng tôi xin trích một số đoạn trong cuộc phỏng vấn này từ Thông tin tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, số 8 năm 2005:
Hai nhà báo Italia hỏi: - Thưa Hồ Chủ tịch, ngài cho phép chúng tôi đăng tất cả những gì Ngài đã nói cho chúng tôi chứ?
Hồ Chủ tịch trả lời: - Các bạn cứ đăng, cứ đăng đi... nhưng chỉ những gì mà các bạn cho là có ích cho chủ nghĩa xã hội, còn lại hãy giữ lại cho mình.
Không dễ, quả là một bài học. Đấy không phải là một buổi phỏng vấn bình thường, vì bản chính không được chuẩn bị trước, không được xem lại, sửa lại bởi các quan chức chính phủ, không có chữ ký phía dưới. Đó là một cuộc nói chuyện dài, theo một dàn bài gồm các câu hỏi viết trước, bằng một thứ tiếng Pháp không chuẩn viết trên một tờ giấy mà Ngài Chủ tịch lấy ra từ túi áo màu gụ như của những người nông dân. “Sao nhiều câu hỏi thế này?”. Ngài Chủ tịch ca thán như vậy. Sau đó, Người nói liền trong một giờ mười lăm phút với một thứ tiếng Pháp hoàn hảo và còn tự dịch cho bốn nhà báo Trung Quốc không chê vào đâu được. Với tính cách tự nhiên của mình, Người đi đến nơi hẹn gặp, vườn hoa Phủ Chủ tịch vào 6h30 phút sáng. Người chào chúng tôi bằng tiếng Italia “Buongiorno!” rồi chìa tay ra bắt và lại nói bằng tiếng Italia “Cosi, cosi” (Thế, thế). Ban đầu hai nhà báo Italia cũng rất lễ nghi, hai người rất lúng túng vì những chiếc áo vest cài khuy và chiếc ca-ra-vat của mình, tới tận khi Chủ tịch nói rằng hãy cứ tự nhiên bởi ở Việt Nam lúc này thời tiết rất nóng, dù chỉ mới 6h30 sáng.
Đó là Hồ Chí Minh, Ngài Chủ tịch, Người đã mời các nhà báo Trung Quốc và Italia cùng ăn sáng với mình. Cũng với chính những cử chỉ ấy, chúng tôi đã bắt gặp ngày hôm qua, khi xem một bộ phim tài liệu về cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, bộ quần áo nông dân, đôi dép cao su dưới chân, những bước đi nhanh nhẹn trên các con đường rừng núi ở Thủ đô kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được xây dựng bằng tre nứa, mái lá ngụy trang.
Đó là một con người đã biết nhiều quốc gia, nhiều nhà tù, nhiều rừng rậm, nhiều sự đói nghèo, sau cuộc khởi nghĩa Tháng Tám và buổi đầu của cuộc kháng chiến đã có mặt tại Pari để tìm kiếm hòa bình với lòng kiên nhẫn và phẩm giá. Như vậy đấy, giữa Hồ Chí Minh, con người vừa đi ra từ huyền thoại và đang đi vào huyền thoại, với những nhà báo, những con người của sự thực dụng, đôi khi còn mất lịch sự, đã có cuộc đối thoại, mà ở đó đã làm nổi bật nhân vật chính.
Cuộc nói chuyện chuyển từ câu hỏi này sang câu hỏi khác, từ câu trả lời này sang câu hỏi khác, bằng tiếng Pháp, tiếng Trung. Ngài Chủ tịch mời phóng viên uống cà phê, còn Người thì dùng trà. Người phiên dịch tiếng Trung nhầm một từ, vị Chủ tịch sửa lại bằng cách vạch chữ trên lòng bàn tay bằng ngón trỏ một chữ khác cho dễ hiểu và nói rằng một phóng viên sau hai năm ở Trung Quốc vẫn không học thạo tiếng. Người nói: “Dù đi bất cứ đâu cũng cần học tiếng của nước đó, nếu không thì làm sao hiểu được mọi người"...
Về thời gian cuốn sách có tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch, chúng tôi đã gặp gỡ các đồng chí đã từng làm việc, giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và được thông tin như sau: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc nhiều thể loại sách, báo, tạp chí từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến như khi Người đi thăm các địa phương và được tặng, tác giả gửi Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại và Đại sứ quán gửi về qua đường giao thông ngoại giao, tác giả đến thăm và trực tiếp tặng sách cho Người (sách này thường có lời đề tặng của tác giả), cũng có khi sách được gửi thẳng đến Phủ Chủ tịch qua đường bưu điện. Có cuốn sách do Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cán bộ ngoại giao, các đoàn đi công tác nước ngoài tìm kiếm đưa về để Người đọc. Qua xem xét cuốn sách Những phóng sự về Việt Nam, chúng tôi thấy ở trang lót bìa cuốn sách tác giả tự tay viết lời đề tặng, thời gian tặng (9/1966) và ký tên tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài lời đề tặng của tác giả thì sách còn kèm theo cả danh thiếp. Tuy nhiên tác giả không ghi rõ địa điểm tặng sách nên gây không ít khó khăn cho việc xác minh tác giả có trực tiếp tặng Người hay không. Nghiên cứu những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 9 năm 1966 đến cuối năm 1966 (thời điểm tác giả viết lời đề tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có sự kiện: Ngày 5/12/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Italia do Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bí thư Đảng bộ thành phố Rôma Enricô Bớclinhguê dẫn đầu sang thăm Việt Nam(1).
Từ những sự kiện và thông tin tư liệu trên thì chúng tôi cho rằng lúc tác giả viết lời đề tặng có thể tác giả không có mặt tại Hà Nội mà sách được gửi đến Người qua con đường ngoại giao và đến ngày 5/12/1966 khi có đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Italia sang thăm Việt Nam thì cuốn sách mới được gửi đến Người. Tuy chưa thể xác định cụ thể thời điểm xuất hiện cuốn sách tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nhưng có thể khẳng định quãng thời gian khoảng cuối năm 1966.
Trong cuốn sách không có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng có thể khẳng định Người đã đọc cuốn sách này vì sách có lời đề tặng của tác giả và nội dung sách viết về cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, trong cuốn sách tác giả đã ghi lại buổi phỏng vấn của các nhà báo Italia và Trung Quốc với Người. Đó là một sự kiện rất quan trọng, rất có ý nghĩa, nội dung buổi phỏng vấn mang đậm tính thời sự nên Người rất quan tâm. Cuốn sách đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng gìn giữ trên giá sách phòng làm việc tầng 2 Nhà sàn.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cuốn sách Những phóng sự về Việt Nam vẫn được đặt ở vị trí vốn có như sinh thời Người. Đó là kỷ vật thiêng liêng có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn sách không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta; sự đồng tình, ủng hộ của tác giả, của nhân dân Italia và nhân dân thế giới đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Hơn thế nữa, qua những trang viết từ thời điểm đó, con người Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên với những khía cạnh rất nhân văn, tác phong giản dị, gần gũi, lôi cuốn, thuyết phục người đối thoại bằng trí tuệ sáng ngời và uyên bác, giúp chúng ta hiểu hơn, gần gũi hơn về lãnh tụ của dân tộc Việt Nam./.
Chú thích:
Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG,
H.2009, tập 7, tr.293.