slider
Phát triển kinh tế số

Dấu ấn sâu đậm của Nhà sàn Bác Hồ trong lòng đồng bào, đồng chí và bè bạn quốc tế

07 Tháng 06 Năm 2023 / 1432 lượt xem

Nguyễn Thị Kim Liên

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, dòng người từ mọi miền Tổ quốc dường như không dứt vẫn nối tiếp nhau về thăm ngôi nhà sàn Bác Hồ với niềm xúc động thiêng liêng. Ngôi nhà sàn Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch, Hà Nội được xây dựng và hoàn thành vào dịp kỷ niệm 68 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 17/5/1958. Kể từ đó, Ngôi nhà sàn bằng gỗ đơn sơ, giản dị nằm bên cạnh hồ nước trong xanh, giữa một vườn cây xanh mát đã trở thành hình ảnh thân thuộc, là biểu trưng cho giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách sống vô cùng giản dị mà thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đi giữa không gian yên bình của Khu Di tích, ngẫm những câu chuyện, những hồi ức về Bác, thấy kính trọng biết bao nhân cách của Người.

Xin được bắt đầu bằng hồi ức của ông Vũ Kỳ, thư ký giúp việc cho Bác trong thời gian dài nhất: “...càng ngẫm càng thấy sâu sắc rằng, việc một Chủ tịch nước chọn chỗ ở của mình là một ngôi nhà sàn gỗ với hai phòng, mỗi phòng chỉ vẻn vẹn chưa đầy 10 mét vuông, thật có ý nghĩa sâu sắc. Cũng như đôi dép lốp, chiếc quạt lá cọ, bộ quần áo kaki, những bữa cơm thanh đạm mang đậm đà mùi vị quê hương, đó chính là cả một bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, điều cơ bản cần có trước hết của mỗi cán bộ cách mạng”(1). Khác hẳn với công trình kiến trúc đồ sộ, bề thế như Phủ Chủ tịch và các ngôi nhà xây dựng bằng những nguyên liệu bền vững như sắt, thép, xi măng,... trong khu vực, ngôi nhà sàn của Bác được xây dựng bằng gỗ bình thường, được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc ở Việt Bắc: nhà hai tầng, xung quanh có mành che, tầng dưới để thoáng. Nét kiến trúc thanh nhã, trang trí không cầu kỳ này khiến công trình trở thành một kiến trúc độc đáo, mang sắc thái riêng nhưng rất hài hoà với thiên nhiên và các công trình kiến trúc xung quanh. Trong nhà sàn bố trí đơn giản, chỉ có những đồ dùng rất gần gũi với Bác: Một chiếc giường đơn trải chiếu cói, cái tủ nhỏ, bộ bàn ghế, trên bàn để đèn, lọ hoa, chiếc máy thu thanh, cái quạt nan, mấy quyển sách cần thiết hàng ngày. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương Nghệ An, nơi Bác sinh ra và lớn lên. Trong hồ nước rộng hơn 3.000m2 trước nhà sàn, Bác nuôi cá vì theo Người nuôi cá ở đây vừa cải tạo môi trường sống trong lành, cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa là một cách thư giãn thú vị sau giờ làm việc khi Người cho cá ăn. Nhà sàn của Bác hoà hợp với thiên nhiên là thế đấy! Nó tạo ra nét bình dị gần gũi với mọi người dân Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Khuyên cán bộ phải cần kiệm, liêm, chính thì Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sự là tấm gương sáng với cuộc sống rất giản dị, thanh bạch. Theo quan điểm của Người, những tư tưởng, đạo đức cách mạng cao đẹp phải biến thành những thói quen trong cuộc sống của mỗi người. Con người ta ai cũng có ham muốn, nhưng phải hướng những ham muốn vào việc phấn đấu thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của cách mạng. Bác chỉ rõ: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”(2).

Có thể thấy, giản dị, thanh bạch là đức tính tự nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện sinh động qua từng cử chỉ, lời nói và việc làm cụ thể. Ông Lê Hữu Lập, cán bộ văn phòng Phủ Chủ tịch từ tháng 7/1958, cũng là thời gian Bác mới sang ở Nhà sàn, viết: “Ngôi nhà sàn gỗ mỏng, khuất trong khu vườn bách thảo nên bí, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Đầu giường Bác có một chiếc quạt lá cọ. Không phải đề phòng mất điện vì đã có máy nổ dự phòng của Phủ Thủ tướng. Bác không để quạt chạy liên tục. Bác bảo: “Máy cũng phải nghỉ để bền lâu”, theo tôi không phải chỉ có thế, mà Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân. Lúc đó ta còn rất khó khăn, thiếu thốn(3).

Với nhà thơ Tố Hữu, người có thời gian sống gần Bác khá lâu, thì Bác Hồ chính là nguồn thi hứng bất tận. Ông viết: “Thú thật, nhiều khi tôi cứ nghĩ không biết có lãnh tụ nào trên thế giới này như Bác, có một đời sống tinh thần lớn lao như thế nhưng lại có một đời sống vật chất bình dị đến như thế? Rõ ràng Người không muốn thụ hưởng quá cái mức một người bình thường, và nếu vượt quá, sẽ trở thành một nỗi bứt rứt, khổ tâm... Ngay như ngôi nhà sàn gỗ nhỏ nhoi kia, Người cũng cho là quá lớn, anh em phải đợi lúc Người đi vắng mới cất lên được”(4).

Với nghệ sĩ chèo Kim Liên của quê hương Nam Đàn (Nghệ An) thì Bác Hồ không chỉ là một anh hùng giải phóng dân tộc, một nhà văn hóa lớn mà là một người ông, một người cha vô cùng kính yêu. Chị kể lại lần được Bác cho phép lên thăm nhà sàn mà từ đó chị một lần nữa được hiểu thêm về cuộc đời và nhân cách vô cùng trong sáng của Bác: “Tôi theo chân Bác hồi hộp bước lên cầu thang. Bước vào phòng riêng của Bác tôi đưa mắt quan sát khắp gian phòng đơn sơ mà lòng trào dâng lên một niềm thương cảm. Tôi không ngờ Bác Hồ, vị Chủ tịch nước kính yêu và vĩ đại của dân tộc, lại ở trong một gian phòng nhỏ, tiện nghi quá giản đơn, của cải chẳng có gì! Như hiểu được ý nghĩ của tôi, Bác nói giọng trầm buồn:

- Bác chẳng có gì cho cháu cả! Bác chỉ có cái thước mà lúc còn trẻ đi bôn ba qua các nước, Bác có nhặt được mảnh gỗ, tự tay đẽo thành một cái thước kẻ để dùng, nay Bác cho cháu để làm kỷ niệm.

Tôi cầm cái thước mà rơm rớm nước mắt vì không ngờ Bác lại nghèo đến thế. Tôi phát hiện trên cái thước có ghi ba chữ cái: S - N - K (Suy Nghĩ Kỹ). Một lần nữa tôi lại hiểu thêm cuộc đời và nhân cách vô cùng trong sáng của Bác. Đến uyên thâm và vĩ đại như Bác mà khi viết và nói gì cũng phải: “suy nghĩ kỹ”. Cho đến nay tôi vẫn giữ cái thước của Bác Hồ như giữ một báu vật thiêng liêng nhất”(5).

Những tháng năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà Sàn là những tháng năm đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Người luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ miền Nam với tình thương yêu sâu nặng. Những người con miền Nam - Thành đồng của Tổ quốc không bao giờ quên được những giờ phút, những khoảnh khắc hiếm hoi khi được ở bên Bác tại Ngôi nhà sàn giản dị. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai, người Pa Kô đầu tiên ở huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế, vinh dự được mang họ Hồ và được gặp Bác đến 5 lần, đã không kiềm chế nổi mà thốt lên rằng: “Trời ơi! Cả ngôi nhà Avoóc Hồ ở và làm việc nữa, tôi cũng thấy gần gũi quen thuộc lạ thường, giữa thủ đô mà mình như đang ở Trường Sơn. Avoóc Hồ cũng ở nhà sàn như bao người thường”(6). Tác phong sinh hoạt bình dị ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Người không chút e ngại, làm cho lãnh tụ và quần chúng dễ dàng đến với nhau, hiểu nhau, đồng cảm với nhau.

Những người bạn quốc tế khi nhắc đến Việt Nam là nhắc đến Hồ Chí Minh, nhắc đến cuộc đời hy sinh cao cả và đạo đức cách mạng, nhất là sự giản dị, khiêm tốn của Người. Bà Giôhanna Grốttơvôn, phu nhân Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Đức Ốttô Grốttơvôn kể về lần được Bác đón tiếp tại ngôi nhà sàn đã để lại cho bà ấn tượng khó quên về tác phong sinh hoạt không thể bình dị hơn của một vị nguyên thủ: “Bác đón chúng tôi ở chân cầu thang. Bác chỉ ao cá trước nhà, chỉ vào những khóm cây, những vườn rau xanh tốt và tươi cười bảo:

- Cơ ngơi của tôi đấy! Nào ta lên nhà!

Lên đến tầng hai, Người bảo chúng tôi cởi giầy. Chúng tôi cùng cởi giầy và bước vào phòng. Lên tới đây càng thấy căn nhà của Bác thật là đơn giản. Ngôi nhà sàn hai gian thoáng đãng, tầng dưới cả bốn bên đều để trống, tầng trên chia làm hai phòng. Bác giới thiệu:

- Cô thấy đấy, đây là buồng ngủ, có màn che muỗi. Còn đây là phòng làm việc của tôi. Xung quanh có một hành lang để ai cần thì đi lại cho tiện...

Chúng tôi vô cùng xúc động về cách sinh hoạt đơn giản, thanh bạch của Bác. Một vị Chủ tịch nước mà chỉ đi dép cao su quai to, mặc bộ kaki đã sờn, vào mùa rét thì cũng chỉ khoác thêm một cái áo kaki bốn túi màu nâu, cũng đã sờn...”(7).

Nhà văn Liên Xô M. Tkátsốp cũng viết: “...Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc trong nhà sàn. Tại đây, mọi thứ đều bình dị, đơn giản - sự đơn giản đã trở thành phương châm trong cuộc sống của Người. Bất giác, tôi đi chậm lại. Tôi nghĩ đến con đường dài, bắt đầu từ cửa ngõ căn nhà tranh làng Kim Liên, qua bao nhiêu chông gai, ghềnh thác, đến những bậc thang của căn nhà sàn giản dị, như một sự thách thức trước Dinh Toàn quyền to cao. Con đường ấy đã xuyên qua các đại dương, các lục địa, qua bao nhiêu quốc gia”(8).

Hòa trong đoàn người kéo dài dường như vô tận vào thăm nhà sàn một buổi sáng mùa thu tháng tám năm 1990 có cha con ông Ô-brắc, một gia đình người Pháp có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ. Người con gái tên là Ê-li-da-bét chính là một trong những người con gái đỡ đầu của Bác Hồ. Ngắm nhìn vườn cây ao cá rồi dừng chân hồi lâu bên nhà sàn, ông Ô-brắc bảo với Ê-li-da-bét: “Đây là toàn bộ gia tài của người cha đỡ đầu của con đó, con có hiểu không con?” Những giọt lệ lăn trên má chị. Chẳng lẽ Bác Hồ - người cha đỡ đầu của chị không có một cái gì khác ngoài căn nhà sàn đã đi vào huyền thoại về lối sống trong sáng giản dị, vườn cây, ao cá và thiên nhiên xanh ngắt quanh mình. Điều khó tin nhưng có thật(9).

Nhà thơ Cuba Phêlích Rôđrighết (tác giả của thi phẩm nổi tiếng “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”) khi đứng trước ngôi nhà sàn không mảy may dấu vết của quyền lực, của cải, không cảm thấy xa lạ mà còn thấy rất đỗi thân quen, gần gũi. Ông nhận xét: Người chỉ sử dụng cho mình những gì tối cần thiết, chứ không phải là bất cứ cái gì cần thiết. Chiếc giường, tủ quần áo, chiếc bàn, chiếc ghế, cái giá sách. Những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc. Chỉ có thế thôi, không gì hơn nữa. Đó cũng chính là phong cách sinh hoạt của Hồ Chí Minh mà ở đó nhiều nét đã trở thành huyền thoại, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả thế giới.

Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngôi nhà sàn lịch sử của Người đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Để mãi cho tới những năm tháng sau này đó vẫn là những câu chuyện chưa viết hết về lòng trân trọng, tình cảm ngưỡng mộ và cảm phục trước một nhân cách lớn - Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Chú thích:

1.            Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2003.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.589.

3.            Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2003.

4.            Người là Hồ Chí Minh (Tập hồi ký), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1995.

5.            Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb. CTQG, Hà Nội, tập 2, 2005.

6.            Avoóc Hồ (Hồi ký), Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1977.

7.            Bác Hồ như chúng tôi đã biết, Trần Đương, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 1985.

8.            Người là Hồ Chí Minh (Tập hồi ký), Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 1995.

9.            Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Hoàng Giai, Nxb.Thanh niên, Hà Nội, 1999.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)