Đề xuất một số giải pháp cho cây Hoàng lan trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Lê Nguyên Hưng
Phòng Duy trì cảnh quan môi trường
Cùng với các điểm di tích khác trong quần thể di tích ngoài trời tại Khu Phủ Chủ tịch, mỗi loài cây trong vườn quả Bác Hồ đều mang những ý nghĩa cao đẹp, sâu xa và những bài học quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình yêu thiên nhiên, thương yêu con người; cách ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Trong hệ thống những cây xanh đó, có một số cây đã gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm Người sống và làm việc tại đây như cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây dừa hai mầm, cây bưởi, cây bụt mọc... Có những cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay trồng, chăm sóc và đặt tên như cây vú sữa của đồng bào niền Nan, cây lan vũ trụ, cây đa kiên trì. Có những cây do Người đề xuất trồng như cây ngân hoa, cây bàng non nước, cây ngọc lan, cây Hoàng lan trước nhà H67.
Nhận thức được giá trị và ý nghĩa to lớn của vườn quả Bác Hồ, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vẫn thường xuyên duy trì, phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp I và công ty giống cây trồng của các địa phương nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác bảo tồn, tu bổ, cải tạo và nâng cấp vườn quả để góp phần vào việc bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái và phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục cho đồng bào trong nước cũng như khách quốc tế đến tham quan. Tuy nhiên, cây là những hiện vật sống có quá trình sinh trưởng, phát triển, già cỗi và triệt tiêu theo quy luật của tự nhiên, khiến cho công tác bảo quản, chăm sóc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ ở lĩnh vực này. Tác giả bài viết xin đề xuất một số giải pháp cho cây Hoàng lan trước nhà Di tích H67 như sau:
1. Nguồn gốc, xuất xứ cây Hoàng lan
Cây Hoàng lan có tên khoa học là Cannaga Odorata, cây thân gỗ, thuộc họ mãng cầu: Annocaceae. Lá đơn, mọc cách, xếp thành hai hàng trên cành nhỏ và dễ rụng. Lá to (trung bình: dài 15-16cm, rộng 5-8cm) có hình trái xoan, lá mỏng và mềm. Hoa ra hàng năm thường vào tháng năm, hoa có mùi thơm, mọc thành cụm, có sáu cánh dài, lúc non có màu xanh lục, sau đó chuyển sang màu vàng, mỗi hoa cho ra một chùm quả. Cây có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á (Philippin, Indonesia, Malaisia).
Ví trí của cây: Thảm A21 (bản đồ hiện trạng cây xanh năm 2017).
Theo nhật kí ghi chép hàng ngày của ông Ngô Văn Các, ông Hoàng Tấn Quang là những người trực tiếp chăm sóc vườn cây trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch từ năm 1960-1969 thì cây Hoàng lan được Bác đề nghị trồng ngày 08/7/1967. Cây được lấy từ Công ty công viên Hà Nội, có đường kính 10 phân, chiều cao 4 mét.
Theo ảnh tư liệu chụp Bác Hồ cùng các đồng chí phục vụ đang xem con cá chép ở trước sân nhà H67, ngày 01/5/1969: cây Hoàng lan vào thời điểm đó đã cao khoảng hơn 4 mét, cành lá xanh tốt, đường kính tán lá khoảng hơn 2 mét.
Theo ảnh tư liệu chụp xe chở thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về Bệnh viện 108, ngày 02/9/1969: cây Hoàng lan vẫn phát triển bình thường. Đặc biệt, theo ảnh tư liệu chụp không gian phía trước di tích H67, ngày 16/9/1969, cây Hoàng lan cao khoảng gần 5 mét, đường kính tán lá khoảng hơn 2 mét, hình thái cây xanh tốt.
Theo kết quả đề tài khoa học cấp cơ sở “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác bảo tồn cây di tích trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch” được nghiệm thu năm 2018 thì cây Hoàng lan đã được đề xuất vào danh mục cây Di tích.
Với những cứ liệu khoa học trên, có thể khẳng định cây Hoàng lan là cây có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và được tồn tại từ lúc sinh thời Bác cho đến hiện nay. Vì vậy, ngoài giá trị là cây cho tinh dầu, cây bóng mát, cây Hoàng lan còn có giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Nếu vắng cây di tích này, thì cũng như cây trường xanh, di tích H67 sẽ thiếu một giá trị không thể bù đắp được.
2. Hiện trạng cây Hoàng lan và biện pháp kỹ thuật đã thực hiện trong quá trình quản lý, chăm sóc cây
Trải qua hơn 50 năm tồn tại, cây Hoàng lan hiện cao xấp xỉ 10 mét (sau 3lần cắt hạ hai ngọn). Quan sát vết cắt ngang thấy rõ phần gỗ phía trong đã mục đến vỏ. Đặc biệt trên thân từ độ cao 3 mét trở lên gần đến ngọn mọc ra rất nhiều cây nấm từ các vết nứt nẻ, nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến hết cực đoan như hiện nay. Về bộ rễ: nhìn bên ngoài có thể còn tạm ổn, có rễ chính và các rễ phụ phân bố tương đối đều ra các hướng.
Theo quan sát hàng năm, các sâu hại chính cây gồm: sâu đục thân, mọt gỗ nhỏ, sâu ăn lá nhưng không đáng kể; một số loài nấm bệnh gây hại.
Trong công tác quản lý cũng như kỹ thuật, xác định đây là cây di tích cho nên chúng tôi luôn đặt vấn đề bảo tồn lên hàng đầu. Tuy nhiên đối tượng bảo quản ở đây là cây trồng nên cũng phải theo quy luật chung: Sinh ra - Phát triển - Bệnh tật và Chết (không có sinh vật nào là trường tồn). Hàng năm chúng tôi thực hiện quy trình chăm sóc bình thường đối với cây lâu năm như: tưới nước, bón phân vô cơ, phun tưới phân bón lá, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học.
Đặc biệt là cây di tích nằm ở vị trí trong vùng lõi của di tích Nhà sàn (trước di tích nhà H67, cạnh di tích hầm H66, giàn hoa giấy di tích), cũng thường là điểm dừng chân để hướng dẫn viên giới thiệu nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do vậy công tác cắt tỉa cành phòng chống gãy đổ phải hết sức lưu ý nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nguyên thủ các nước, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách tham quan, và các công trình di tích. Tháng 4/2015, Khu Di tích đã cho cắt hai ngọn và quan sát đã có hiện tượng mục bên trong nhưng ở mức độ còn nhẹ. Vì cây này phát triển tương đối nhanh nên năm 2018 tiếp tục hạ độ cao, qua theo dõi vết cắt ngang nhận thấy tốc độ mục thân có phần nhanh hơn (mỗi lần cắt ngọn xong có dùng vôi quét lên bề mặt vết cắt, dùng ny lon buộc kín vết thương). Tháng 4/2020, quan sát thấy không an toàn nên chúng tôi đã cho hạ thấp phần hai ngọn, qua quan sát thấy vấn đề mục ruỗng bên trong trở nên trầm trọng như hiện nay. Như vậy, qua 3 lần cắt tỉa tổng chiều cao đã hạ ước chừng 4 mét.
3. Một số giải pháp đề xuất thực hiện
Từ hiện trạng cây Hoàng lan đã nêu ở trên, dựa trên nguyên tắc chung là mọi biện pháp kỹ thuật nhằm kéo dài sự sống của cây trồng lâu nhất có thể, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
- Một là: Tập trung các biện pháp điều trị tích cực cho cây Hoàng lan như diệt trừ sâu đục thân, mọt gỗ, xử lý nấm bệnh; tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng bằng cách phun phân lên lá, đục lỗ sâu cách gốc 0.5m tưới phân đa lượng, vi lượng trực tiếp vào các lỗ. Đặc biệt phải chằng chống để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và công trình kiến trúc.
Ưu điểm: giữ được cây di tích gốc.
Nhược điểm: vì không khẳng định được cây tồn tại được bao lâu cho nên việc đầu tư chằng chống, chăm sóc cực kỳ tốn kém; ảnh hưởng đến cảnh quan chung; nếu gặp gió bão, mưa to có thể đổ cả cây.
- Hai là: Cây Hoàng lan thường phát triển rất nhanh, vì vậy có thể nghiên cứu đốn trẻ hóa cây, cụ thể có thể cắt cụt cây để lại phần gốc khoảng 0.5-0.6m để cây mọc tái sinh trở lại.
Ưu điểm: nếu cây tái sinh tốt thì giữ được cây di tích.
Nhược điểm: Vì cây tái sinh cần thời gian để phát triển nên sẽ ảnh hưởng đến mặt cảnh quan trong không gian di tích. Hơn nữa, khả năng cây tái sinh như thế nào còn là một vấn đề cần phải nghiên cứu thêm.
- Ba là: Phương án trồng thay thế một cây Hoàng lan khác. Chọn cây giống tốt, trẻ khỏe, sạch sâu bệnh, tán cây cân đối, chiều cao 5m, đường kính gốc 0.25-0.30m.
Với phương án này, cây mới đặt vào phát triển nhanh sẽ định hình ngay, bền vững, đẹp về thẩm mỹ, an toàn tuyệt đối cho con người và các công trình kiến trúc.