slider
Phát triển kinh tế số

Đọc cuốn sách: Truyện về Hồ Chí Minh

11 Tháng 07 Năm 2024 / 954 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

Nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Hầu hết chúng ta đều biết cuốn sách tiếng Việt: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, đặc biệt là những nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Tác phẩm này có một điểm độc đáo là kể từ khi ra đời đến nay, đã có nhiều khảo cứu, bài viết bàn luận về thân thế tác giả nhiều hơn là bàn về nội dung tác phẩm, bởi vì đây là cuốn sách duy nhất của một tác giả duy nhất chưa xác minh được nhân thân rõ ràng?

Qua những thông tin đã thu thập được cho đến nay, có thể tóm tắt quá trình xuất hiện của cuốn sách này như sau: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” được hiểu là khái lược một số sự kiện chính trong 35 năm hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ giai đoạn 1911 đến 1946, do một tác giả có tên Trần Dân Tiên thu thập tư liệu và chấp bút.

Bản thảo đầu tiên bằng tiếng Pháp hiện không còn mà chỉ lưu bản dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, đánh máy mực mờ ngày 10/7/1945, dày 126 trang, khổ giấy A4, lấy nhan đề: “Tiểu sử Hồ Chủ tịch”, tuy nhiên số 5 được sửa lại thành số 7 (thành năm 1947). Bản thảo này được chuyển sang Thái Lan vào tháng 1/1948, dịch sang tiếng Thái để phổ biến rộng rãi cho kiều bào. Sau đó, Phòng thông tin Việt Nam tại Miến Điện (nay là Myanmar) thấy cuốn sách có lợi đối với công tác tuyên truyền đối ngoại nên đã dịch bản tiếng Pháp sang tiếng Anh rồi gửi sang Prague, Tiệp Khắc để phổ biến ra các nước dân chủ Đông Âu. Tháng 6/1949, bản tiếng Trung nhan đề “Hồ Chí Minh chuyện” (胡志明傳) của tác giả Tran Dan Tien do Trương Niệm Thức dịch được Bát Nguyệt San Xã ấn hành bản in đầu tiên tại Thượng Hải. Năm 1955, Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản cuốn sách này lần đầu tiên tại Việt Nam bằng tiếng Việt với nhan đề “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tuy nhiên có những chương, đoạn không được dịch để in nên không đủ so với bản tiếng Trung. Sau đó, các nhà xuất bản khác cũng in lại cuốn này với nội dung tương tự với lần in đầu tiên tại Việt Nam như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia 1995, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin 2001, Nhà xuất bản Giáo dục 2008… Mới đây, tháng 10/2023, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xuất bản cuốn “Truyện về Hồ Chí Minh” dịch theo nguyên tác nội dung cuốn sách tiếng Trung xuất bản năm 1949.

Về thân thế tác giả Trần Dân Tiên cho đến nay vẫn có nhiều tranh luận, bàn cãi, dù các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng Trần Dân Tiên là một bút danh chứ không phải là tên của một nhân vật có thật. Có hai luồng ý kiến chính được các nhà nghiên cứu Việt Nam và tác giả quốc tế nhắc đến nhiều nhất: Hoặc là một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trong quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng từ khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Người đã sử dụng khoảng 166 bí danh, bút danh); Hoặc là tác phẩm này do một tập thể tác giả viết và lấy chung một bút danh? Thậm chí còn có ý kiến cho là cuốn sách do ông Trần Ngọc Danh viết (ông Danh là em ruột của đồng chí Trần Phú, là đại biểu Quốc hội khóa I và là một trong thành phần của phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam DCCH sang thăm Pháp theo lời mời của Quốc hội Pháp năm 1946). Tuy nhiên, các giả thuyết này chủ yếu dựa trên lời kể chuyện, phỏng đoán, suy luận, lập luận bút đàm còn thực tế thì không có nhân chứng, bằng chứng thuyết phục (như bản gốc, bản in, bản chụp tư liệu và tự sự của chính những người trong cuộc, những nhân vật được cho là tác giả của cuốn sách). Vì vậy, phạm vi bài viết này chỉ tập trung vào phân tích nội dung in trong cuốn sách.

Qua các bản dịch, bản in chính thức tiếng Việt được xuất bản và so sánh với các nguồn sử liệu chính thống, có thể khẳng định rằng phần lớn những sự kiện được nêu ra trong sách đều đã xảy ra trong quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau ngày độc lập, tác giả Trần Dân Tiên đóng vai một nhà báo xin gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để ghi chép tiểu sử của Người nhưng bị từ chối. Tác giả phải liên lạc, đi tìm địa chỉ, gặp gỡ những người đã từng quen biết, cùng làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh để hỏi chuyện, nghe qua lời kể, thu thập tài liệu rồi viết thành các câu chuyện, chứ tác giả không dùng hình thức tự sáng tác truyện theo hiểu biết, ý kiến chủ quan của mình. Tuy nhiên, có thể do quá trình ghi chép, nghe kể lại theo trí nhớ, nên một số nội dung không khớp với bối cảnh thực tế và một số nhân vật, tên gọi, sự kiện không đúng với lịch sử, thậm chí không thể diễn ra được. Căn cứ vào bản dịch chính thức và đầy đủ nhất theo bản tiếng Trung năm 1949 của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tháng 10/2023, xin dẫn chứng một số thông tin trong cuốn sách như sau:

1, Trang 15: “…Cụ từng bị tù đày ở Hồng Kong, ở Việt Nam và ở Trung Quốc”?

Năm 1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt, giam cầm ở Hông Kong và năm 1942, Hồ Chí Minh bị chính quyền Quốc dân đảng bắt, giam cầm ở Quảng Tây là chính xác. Nhưng chưa bao giờ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh bị tù đày ở Việt Nam? Nếu bị bắt ở Việt Nam thì Người sẽ phải chịu án tử hình chứ không phải chỉ bị tù đày, bởi vì ngày 10/10/1929, tòa án Vinh, Nghệ An mở phiên xét xử 45 chiến sĩ tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ngoài các án tù lưu đày, còn có 7 án tử hình, trong danh sách đó có Nguyễn Ái Quốc với ghi chú: thi hành án ngay sau khi bắt giữ! Từ năm 1911, khi rời bến Nhà Rồng cho đến năm 1941 mới về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ viết thư về liên lạc, tìm địa chỉ của ông Nguyễn Sinh Sắc chứ chưa bao giờ bị bắt khi về Việt Nam hoạt động cách mạng.

2, Trang 16: “Ngày 31/5/1946, Cụ đi Pháp…. Khi lên máy bay, ngoài một chiếc gậy chống, một bộ quần áo và một đôi giày, Cụ không có bộ Tây phục nào”? Chi tiết này cần xem xét lại, vì nếu hành lý ra nước ngoài chỉ có những đồ dùng này có nghĩa là rất quan trọng, không thể thiếu được, phải sử dụng thường xuyên! Nhưng khi kiểm chứng toàn bộ hình ảnh trong phim tư liệu, các bộ ảnh tư liệu về chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như trong ghi chép của thư ký Đỗ Đình Thiện, thì không thấy xuất hiện bất kỳ chiếc gậy chống nào. Vậy Cụ Chủ tịch mang gậy đi làm gì, khi gần 4 tháng ở Pháp, Cụ không một lần dùng đến gậy chống? Ngoài ra, về nghi thức ngoại giao cũng như việc tạo dựng hình ảnh ấn tượng về vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam DCCH với nhân dân Pháp và kiều bào ta ở Pháp thì càng không cần dùng đến cây gậy chống!

3, Trang 64: “…Bộ trưởng Bộ thuộc địa Albert Sarraut và Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier mời ông đến nói chuyện…” Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp Albert Sarraut (đã từng 2 lần làm Toàn quyền Đông Dương) đã gặp Nguyễn Ái Quốc 3 lần tại trụ sở của Bộ thuộc địa ở Paris. Nhưng Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier thì chưa và không thể gặp Nguyễn Ái Quốc được.

Từ năm 1926 đến năm 1927 Pasquier làm Quyền Toàn quyền Đông Dương, lúc này Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Quảng Châu; Từ năm 1928 đến 1934 thì Pasquier chính thức làm Toàn quyền Đông Dương, lúc này Nguyễn Ái Quốc ở nước Đức sau đó đi Siam, đến Hong Kong, bị bắt giam, được giải thoát và bí mật quay lại Liên Xô, không thể có điều kiện và địa điểm để gặp Pasquier? Mà nếu gặp thì quá nguy hiểm vì trong thời gian Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ đang bị giam giữ ở Hồng Kong, nhà cầm quyền Pháp tìm mọi cách tác động chính phủ Anh dẫn độ hoặc trục xuất Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương để thi hành bản án năm 1929. Ngày 23/7/1932, chính Toàn quyền Pasquier đã gửi điện mật cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp yêu cầu tác động tới nhà cầm quyền Hồng Kong để thông báo cho phía Pháp biết hướng đi của Nguyễn Ái Quốc sau khi bị trục xuất!

4, Trang 92: “Tuyết phủ một lớp dày trắng xóa, chói mắt trên boong con tàu nhỏ của Liên Xô số hiệu X vừa thả neo tại bến cảng Leningrad…”

Đây là đoạn kể về lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô. Tuy nhiên, theo hồ sơ lưu trữ và theo các tài liệu chính thống đã được công bố thì: Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pháp, sang Đức sau đó đi Liên Xô.

Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên cảng Petrograd. Lúc này vùng Bắc bán cầu đang vào thời gian những đêm trắng chứ không còn tuyết trắng xóa nữa! Và tại thời điểm đó, thành phố cảng vẫn tên là Petrograd. Sau khi Lênin mất, thành phố mới được đổi tên thành Leningrad (tên này tồn tại từ năm 1924 đến 1991). 5, Trang 93: “Đáng tiếc quá, đồng chí không thể gặp Lênin của chúng tôi, vì Người vừa mới tạ thế hôm kia…”(trích lời viên chức ở cảng nói với Nguyễn Ái Quốc)?

Như đã nói ở phần trên, Nguyễn Ái Quốc đến cảng Petrograd vào ngày 30/6/1923, nếu viên chức kia nói là Lênin đã tạ thế hôm kia tức là Người mất ngày 28/6/1923? Điều này phi lý và sai lịch sử. Lúc đó Lênin chưa mất, mà đang điều trị và dưỡng bệnh tại Goorky sau khi trải qua 3 cơn đột quỵ. Phải nửa năm sau, ngày 21/1/1924, Lênin mất, linh cữu được chuyển về Moskva bằng tàu hỏa rồi được quàn trong Nhà Công đoàn và Nguyễn Ái Quốc đã tham gia vào dòng người xếp hàng chờ đợi trong tuyết trắng để được vào viếng Lênin. Sau khi về, Người đã bị cảm lạnh!

6, Trang 98: “Mộ Lênin dựa vào tường điện Kremlin, đối diện Quảng trường Đỏ vĩ đại. Đó là một khối cẩm thạch màu đen…” Đoạn mô tả này không đúng với lịch sử. Vào thời điểm Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô thì Lênin chưa mất (1923).

Sau khi Lênin đã mất (1924) thì chưa thể xây ngay Lăng bằng đá như mô tả, mà phải 6 năm sau (1930) mới chính thức có Lăng Lênin.

7, Trang 106: “Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Ông bắt đầu đi bán thuốc lá và bán báo để kiếm sống”?

Sự kiện này không chính xác và có nhầm lẫn. Trước khi rời Liên Xô đi Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc được Ban chấp hành Quốc tế cộng sản đồng ý, ra quyết định và Người đã nhận làm phóng viên thường trú hãng thông tấn Nga Rosta với bút danh O. Lu. Đầu tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc đi từ Moskva đến Vladivostov và được đại diện Quốc tế cộng sản ở đây đón, thu xếp chuyến đi của Người trên một chiếc tàu chở hàng Liên Xô đến Quảng Châu ngày 11/11/1924.

Nguyễn Ái Quốc cầm tờ báo đến trụ sở phái đoàn Borodin để hợp thức hóa công việc, còn thực ra Người đã quen biết Borodin từ cuối năm 1923 ở Moskva khi hai người cùng ở trong khách sạn Lux của Quốc tế cộng sản.

Ngoài danh nghĩa công khai là cán bộ phiên dịch của phái bộ Xô viết và ở ngay trong dinh của Borodin tại quảng trường Đông Giảo, Nguyễn Ái Quốc còn kiêm nhiệm vụ của Ủy viên đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân phụ trách theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân châu Á. Vậy nên không phải là Người kiếm sống bằng bán báo và thuốc lá mà làm thêm để có kinh phí hoạt động tuyên truyền. Sau đó đến tháng 4/1927, Quốc dân đảng đảo chính phản cách mạng ở Quảng Châu rồi bắt bớ, truy sát các đảng viên cộng sản nên Nguyễn Ái Quốc phải rút vào hoạt động bí mật một tháng và phải làm những việc kể trên vừa để kiếm sống, vừa để duy trì công việc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cho đến tháng 5/1927 thì Người rời Thượng Hải, đi Vũ Hán rồi quay trở lại Liên Xô theo tuyến đường của đoàn cố vấn Borodin đã đi trước đó(1).

8, Trang 132: “Sau khi đến Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc triệu tập các lãnh tụ của ba phái lại và nói với họ, đại ý… (ở đây tác giả muốn nói đến 3 tổ chức: Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản liên đoàn).

Tuy nhiên, thực tế là chỉ có đại diện của 2 tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng tham dự Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng, còn Đông Dương cộng sản liên đoàn mới được thành lập ngày 1/1/1930 nên chưa kịp cử đại biểu tham dự Hội nghị thành lập Đảng!

9, Trang 157: “Các chỉ thị của Việt Minh không kịp thời đến nơi, vào năm 1940, ở Việt Nam nhân dân đã vùng lên tiến hành ba cuộc khởi nghĩa, lần lượt xảy ra tại Bắc Sơn ở Bắc Bộ, Đô Lương ở Trung Bộ và tại Nam Bộ”?

Căn cứ vào tình hình của cuộc chiến tranh thế giới thứ II và mâu thuẫn Nhật-Pháp, ngày 27/9/1940, Bắc Sơn khởi nghĩa; ngày 23/11/1940, Nam Kỳ khởi nghĩa; ngày 13/11/1941, Đô Lương làm binh biến. Những cuộc khởi nghĩa và binh biến này không thể có Việt Minh chỉ đạo hoặc lãnh đạo vì thực tế Việt Minh chưa ra đời? Ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đến ngày 10/5/1941, Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII họp tại Pác Bó, Cao Bằng và quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh vào đúng ngày 19/5/1941.

10, Trang 205: “Mọi người ra cửa hàng bách hóa tìm kiếm cuối cùng cũng tìm được cho Cụ một bộ trang phục vải kaki. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mặc bộ quần áo ấy trong lần đầu tiên xuất hiện công khai ra mắt đồng bào”.

Bộ quần áo kaki mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là do vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô- Hoàng Thị Minh Hồ giới thiệu thợ đến may đo, dùng vải của cửa hiệu nhà họ. Bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: “Ngày 27/8, chỉ còn vài ngày nữa là tiến hành buổi lễ thì mới nhớ ra là đa số anh em cán bộ trên chiến khu về mặc đồ cũ, sờn rách. Lúc đó trong tủ ở nhà có nhiều vải và quần áo may sẵn nên lấy ra cho anh em mặc thử, ai vừa bộ nào thì lấy bộ đó, nhưng riêng Cụ không hợp bộ nào cả”. Cuối cùng, sau khi thư ký hỏi ý kiến của Người, rồi cho mời chủ tiệm may Phú Thịnh đến đặt may một bộ giống kiểu của Stalin vẫn mặc.

Nhà may mang đến 2 bộ quần áo để thử và Người chọn mặc một bộ vừa nhất. Sự kiện này cũng đã được công bố trên trên báo và in thành sách!(2).

11, Trang 236: “Sáng sớm ngày 20 tháng 12, đúng vào lúc Hồ Chủ tịch đang sửa bản kế hoạch kiểu mẫu phục hồi kinh tế thì Phủ Chủ tịch bị quân Pháp tấn công. Cụ đành phải di chuyển… Hồ Chủ tịch thoát hiểm an toàn. Sau khi chuyển đại bản doanhra ngoại thành Hà Nội, Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”?

Những nội dung nêu trên vừa không đúng với sự kiện lịch sử, vừa coi nhẹ công tác bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi tình hình diễn biến vô cùng căng thẳng lúc đó. Thực tế là Thường vụ Trung ương Đảng quyết định đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh lánh ra ngoại thành từ ngày 26/11/1946, Người ở tạm một địa điểm gọi là biệt thự Cây Liễu cạnh ga tàu điện tuyến Hà Đông - Hà Nội, chỉ khi nào cần thiết Người mới vào thành phố. Ngày 3/12/1946, Người chuyển đến làm việc tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông. Đêm ngày 18/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc rất khuya để hoàn thành Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sáng sớm ngày 19/12/1946, thư ký Vũ Kỳ kể lại: “Mới tờ mờ sáng, Bác đã gọi tôi chuẩn bị giấy bút để làm việc. Buổi trưa, Bác không nghỉ. Bác xem lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

và chuẩn bị cuộc họp đã hẹn vào buổi chiều…. Đến 18h45, Bác thu xếp tài liệu và cùng bộ phận tiếp cận lúc ấy có 8 người vừa làm bảo vệ kiêm liên lạc, thư ký mà Bác đặt biệt danh là Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong rời Vạn Phúc đi Xuyên Dương…”(3). Đúng 20h, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, sau đó đại bác của ta từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Canh bắn vào trại lính Pháp trong thành Hà Nội. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Và như vậy không có chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi chờ quân Pháp tấn công vào Phủ Chủ tịch (chính xác lúc đó là tòa Bắc Bộ Phủ), thoát hiểm an toàn ra ngoại thành xong mới có Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến?!

Tuy việc dịch thuật cần trung thành với bản gốc, nhưng với những nội dung, chi tiết không đúng, nhầm lẫn hoặc không thể xảy ra trong lịch sử vẫn cần được chỉnh sửa, phụ chú hoặc có lời giải thích của nhà xuất bản, giống như biên tập đã làm ở trang 185 cuốn sách: bản dịch gốc viết là: Đội Việt Nam giải phóng quân (đúng ra tên gọi lúc thành lập là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đến tháng 4/1945 mới sát nhập với Cứu quốc quân để đổi tên như đã nêu) khi thành lập có 35 binh sĩ tình nguyện! Thì biên tập đã chú thích phía dưới là: “Thực tế Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khi thành lập có 34 chiến sĩ”. Thiết nghĩ, thông tin liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với những tư liệu không mới thì cần phải chính xác và thống nhất với nội dung đang được công bố và tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Người hiện nay để đảm bảo nghiêm túc tính khoa học, văn hóa và giáo dục.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Biểu tượng của thời đại, Nxb. Thông tin và truyền thông, 2019, tr.30.

2. Những năm tháng bên Bác Hồ kính yêu, Nxb. Thanh Niên, 2008, tr.20.

3. Càng nhớ Bác Hồ, Nxb. Thanh Niên, 1999, tr.50-52-54.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)