Đội 36 Thanh niên xung phong phục vụ đại bản doanh Chính phủ kháng chiến
Trịnh Tố Long
Cựu cán bộ TNXP ATK Việt Bắc
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh Thanh niên xung phong là “trường học lớn” của tuổi trẻ qua thử thách trong kháng chiến gian khổ trưởng thành sẽ được đào tạo thành cán bộ nòng cốt cho đất nước sau hòa bình.
(Bác Hồ, ông Trần Ngọc Lưu, ông Trịnh Tố Long tại ĐSQ Việt Nam tại Liên Xô (Mátxcơva, tháng 11-1961)
Tổ chức thí điểm mang tên Đội TNXP công tác Trung ương do Trung ương Đoàn phụ trách ra đời ngày 15/7/1950 ([1]). Sau 3 năm Đội TNXP công tác Trung ương ra đời, để trực tiếp chuẩn bị các trận đánh lớn trong Thu Đông 1953-1954 với đòn quyết định tại Điện Biên Phủ, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương thành lập Đoàn TNXP, gọi tắt là Đoàn xung phong, tiếp đó thành lập các Đội 34, 36, 40 phụ trách các tuyến đường trực tiệp phục vụ Mặt trận Điện Biên Phủ. Đội 36 chuyên trách phục vụ an ninh, hậu cần, thông tin liên lạc… Bác đã giao ông Vũ Kỳ làm đoàn trưởng, ông Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng Đội 36. Đội được thành lập tại Hồng Thái gần Tân Trào ngày 15/3/1953 sau 2 ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3).
Quân số Đội 36 có 2.500 người, phiên chế thành 17 Đại đội, từ C261 đến C277, đóng quân từ Chợ Chu, Định Hóa qua đỉnh núi Hồng sang Thành Cóc Kim Quan - Yên Sơn - Tuyên Quang. Khi Mặt trận Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn quyết định, Đội 36 cử 8.000 chiến sỹ trực tiếp lên mặt trận chiến đấu.
Với thành tích luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của Đội, Bác Hồ đã nhiều lần có thư khen và ghé thăm các đơn vị C263, 266, 268, 270, 272 , 273 và 275. Theo Đội trưởng Tạ Quang Chiến, dấu ấn nổi bật của Đội là trực tiếp phục vụ Bác Hồ, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta và các cơ quan đầu não chỉ đạo kháng chiến, đặc biệt trong thời gian Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là thời kỳ thực dân Pháp thua đau trên các chiến trường khắp Đông Dương, đế quốc Mỹ lăm le nhảy vào can thiệp mở rộng chiến tranh. Chúng càng điên cuồng chống phá ta từ hậu phương nhằm thăm dò, phá hoại, tiêu diệt các cơ quan đầu não tại ATK. Đội 36 ra đời đã kịp thời cùng lực lượng quân đội, công an, công nhân được tuyển chọn chặt chẽ bảo vệ tuyệt đối bí mật, an toàn, củng cố và nâng cao toàn diện vững chắc các cơ sở hạ tầng mà Trung tâm là Chủ tịch Phủ - Thủ tướng phủ (mật danh là Ban kiểm tra 12) đóng ổn định lâu dài tại Thác Dẫn - xã Bình Yên và vùng phụ cận.
Đặc biệt, lường trước từng bước đi của cuộc kháng chiến, sang đầu năm 1954 trong khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang đi tới giai đoạn quyết định, Hội nghị Geneva về Chiến tranh Đông Dương sắp diễn ra, theo chỉ thị của Bác, 3 Đại đội C266, C272, C275 được điều về vùng Vai Cày - Đại Từ xây dựng căn cứ địa mới gần Hà Nội hơn. Trong đó, có hai công trình tiêu biểu là nhà sàn Bác Hồ tại xã Bản Ngoại và khu Ngoại giao đoàn trên Đồi Lý Kinh - xã Hồng Sơn, nay là Bệnh viện Đa khoa Đại Từ.
Chính tại khu Dinh thự bằng tranh tre nứa lá bên trong trần nhà, vách phên, sàn đất, cột nhà đều được bọc lót vải lụa trang hoàng rất đẹp đã diễn ra một sự kiện trọng đại. Khi hiệp nghị đình chỉ chiến sự được ký kết ngày 20/7/1954, một số cán bộ khung chúng tôi, trong đó có đồng đội Nguyễn Di Niên sau này là Bộ trưởng Bộ ngoại giao, được chuyển ngành từ Đèo Muồng về khu Dinh thự này. Chúng tôi làm hậu cần, lễ tân chuẩn bị đón các đại sứ Liên Xô Lavrisep và Trung Quốc La Quý Ba trình Quốc thư lên Bác Hồ.
Chiều 26/8/1954, Bác đến xem xét nơi chuẩn bị đón tiếp đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc (do Luật gia Phạm Văn Bạch Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ dẫn đầu) tại hội trường lớn bên dưới phía sau dinh. Chúng tôi đã cùng anh Nguyễn Tuấn Thép làm thủ kho lễ tân, chiều hôm đó, tình cờ lần thứ hai được gặp Bác Hồ. Bác vừa từ xe con măng ca tới dinh, đang rửa mặt trong phòng khách…
Lần thứ nhất là sáng 7/4/1954, chúng tôi được nghe Người động viên, dạy bảo khi đang sửa lại lán trại dưới chân Đèo Muồng thuộc xã Bảo Linh - Định Hóa. Nay côn Đại đội phó Lê Hùng Ca (hiện ở ngõ Toàn Thắng - phố Khâm Thiên - Hà Nội). Những năm 1990 ông là Tổ trưởng Cựu TNXP quận Đống Đa, tập hợp gần 100 đồng đội sinh hoạt, trong đó có các đồng chí Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến, Cù Văn Chước, Thiếu tướng Tư lệnh quân khu Thủ đô Trịnh Thanh Vân v.v..
Tháng 10/1954 về tiếp quản Thủ đô, chúng tôi được đi đào tạo mỗi người một nghề. Tôi ra nước ngoài công tác tại các đại sứ quán, có nhiều cơ may, vinh dự được làm những việc nhỏ, được chụp ảnh, ăn cơm với Bác, thời gian lâu nhất là tại Đa Tra của Stalin ở phía Tây Moskova. Và, sau này lại được gần gũi, đi nhiều nơi giúp việc đoàn trưởng Vũ Kỹ, Đội trưởng Tạ Quang Chiến, được Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Cù Văn Chước kể nhiều chuyện về Bác để viết báo. Thật may mắn được tham gia sinh hoạt Ban liên lạc Cựu cán bộ Ban kiểm tra 12 hàng năm vào tháng 5 nhớ Bác, lại được quen biết, cộng tác với các thế hệ lãnh đạo của Khu di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bao nhiêu năm qua thật sự vui mừng, cảm động tự đáy sâu trong tâm can rất xúc động mỗi khi về lại khu di tích như về chính nhà mình, thân thiết từ thủa còn Bác.
[1] Ngày 15/7 được lấy làm ngày truyền thống TNXP hiện nay