Giới thiệu một số cuốn sách mới xuất bản
Trần Ngọc Lan
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người là niềm tin, niềm hy vọng, niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, Người là tấm gương ngời sáng cho bao thế hệ người Việt Nam phấn đấu rèn luyện và tu dưỡng phẩm chất đạo đức, Người vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Từ năm 2006, hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ được Đảng ta phát động, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đẩy mạnh xuất bản nhiều đầu sách, thực sự trở thành tài liệu hữu ích phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong năm 2023, có một số cuốn sách được tái bản và xuất bản:
1. Sách “Bác Hồ chúc mừng năm mới”, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch xuất bản, Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2023, gồm 123 trang.
Khi đọc cuốn sách “Bác Hồ chúc mừng năm mới”, mỗi người dân Việt Nam lại nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Người mà bằng 79 mùa xuân của cuộc đời mình đã mang lại những mùa xuân hào hùng cho cả dân tộc.
Bác Hồ đã ra đi nhưng muôn vàn tình yêu thương của Người vẫn còn để lại cho đồng bào cả nước. Mỗi mùa Xuân về, cũng là thêm một mùa Xuân vắng Bác, nhưng lý tưởng của Người, tình cảm của Người vẫn còn mãi với non sông, đất nước.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, nhớ tới Bác, chúng ta không thể nào quên những vần thơ chúc Tết của Người.
Chính vì vậy, một phần nội dung của cuốn sách giới thiệu những vần thơ Bác viết để dành tặng cho đồng bào, chiến sĩ mỗi dịp xuân về. Sinh thời Bác để lại cho chúng ta 22 bài thơ chúc Tết, từ bốn đến mười câu. Với Bác, văn hay thơ, nghệ thuật hay tuyên truyền đều vì mục đích cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Thơ ca chính là con người. Vì vậy, những bài thơ chúc Tết của Bác luôn giản dị, chân thành, tràn đầy tình cảm gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân như chính cuộc đời của Bác.
Cùng với các bài thơ chúc mừng năm mới, cuốn sách còn giới thiệu các câu chuyện kể, các hoạt động của Bác chúc Tết đồng bào, đồng chí. Đồng chí Vũ Kỳ là người có một phần tư thế kỷ giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên ông có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc với Người. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất, được đồng chí Vũ Kỳ chia sẻ nhiều lần khi còn sống và được ghi lại trong cuốn “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” là câu chuyện đêm Giao thừa Xuân Đinh Hợi 1947 - mùa xuân đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước (kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công). Đó là những câu thơ không chỉ là mừng xuân mà còn gửi gắm lời căn dặn của Bác: “phải phấn khởi tự tin, năm đầu tiên của nền Cộng hòa còn nhiều việc phải làm để xây dựng nền độc lập tự do quân và dân phải đồng lòng đoàn kết đấu tranh giành thắng lợi. Đến mùa xuân Kỷ Dậu 1969, lần cuối cùng Bác làm thơ, đọc thơ trên đài cho đồng bào chiến sĩ cả nước. Bài thơ là một lời khẳng định cho sự tất thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đọc “Bác Hồ chúc mừng năm mới” mỗi người lại nhớ và thương Bác khôn nguôi, mà trong lòng lại ấm áp và có thêm niềm tin, nghị lực trong cuộc sống. Bác Hồ nói “Một trăm khởi đầu từ mùa xuân’’ và người kêu gọi “Mùa xuân là Tết trồng cây”. Đọc sách về Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người trồng thêm một cây mùa xuân như Bác đã làm để “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
2. Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp” tiếng Việt và tiếng Anh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2023, gồm 123 trang.
Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc,đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Từ ngày 20/10/1987 đến ngày 20/11/1987, trong khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Với độ dày chưa đến 200 trang, được bố cục thành ba chương, cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp” tiếng Việt và tiếng Anh do Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn, khái quát những thông tin cơ bản nhất, đặc trưng nhất về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: từ thời niên thiếu của Người ở làng Hoàng Trù quê ngoại, làng Sen quê nội, cho đến khi Người lên tàu rời quê hương, đặt chân đến các châu lục, đến xem các nước độc lập như Mỹ, Anh, Pháp phát triển như thế nào, tham gia phong trào cộng sản quốc tế những năm đầu thế kỷ XX và trở về giúp đồng bào thoát cảnh nô lệ, lầm than. Mỗi chặng đường hoạt động cách mạng, mỗi dấu mốc trong cuộc đời, sự nghiệp của Người gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ. Mỗi di sản mà Người để lại đều chứa đựng những giá trị, ý nghĩa lớn lao và luôn tỏa sáng, soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang; vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cuốn sách chứa đựng thông tin cần thiết mà những người con Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế mong muốn tìm hiểu về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
3. Sách “Hồ Chí Minh - Con người của lịch sử và làm nên lịch sử”, Đỗ Hoàng Linh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2023, gồm 311 trang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam. Người là hiện thân của quá trình gặp gỡ lịch sử giữa một dân tộc, một thời đại, làm nên một sự nghiệp cách mạng lớn lao. Người không chỉ là tấm gương sáng về đạo đức thanh cao mà còn là con người “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Cuốn sách “Hồ Chí Minh - Con người của lịch sử và làm nên lịch sử” của tác giả Đỗ Hoàng Linh – nguyên Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn. Cuốn sách trình bày một cách hệ thống diễn biến lịch sử, những sự kiện quan trọng trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến năm 1969. Cuốn sách cập nhật những tài liệu mới nhất đã được xác minh về quãng đời hoạt động cách mạng sôi động của Bác. Qua đó, một lần lần nữa khẳng định những cống hiến lớn lao của Người đối với Đảng, với Tổ quốc và phong trào cách mạng thế giới, đồng thời cũng làm nổi bật hình tượng người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.
Con người ấy đã dành trọn đời mình để xây đắp một tương lai tốt đẹp cho dân tộc và nhân loại. Vì thế, dù lịch sử không ngừng biến đổi, dù cuộc đời Người chỉ dừng lại ở 79 mùa xuân, Hồ Chí Minh vẫn “không phải là một kỷ niệm của quá khứ. Người là một con người diệu kỳ cho tất cả mọi thời đại”.
Đó chính là sự tôn vinh xứng đáng mà nhân loại đã dành cho Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta.
4. Sách “Đạo đức Bác Hồ - Tấm gương soi cho muôn đời”, Trần Viết Hoàn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2023, gồm 379 trang. Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và vai trò của đạo đức trong đấu tranh cách mạng. Thấu hiểu đạo đức là nền tảng, là cái gốc của người cách mạng nên suốt đời Người kiên trì giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân ta. Đối với bản thân, Người luôn thường xuyên tự rèn luyện và là một tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức. Đạo đức và thực hành đạo đức là một điều nổi bật, nhất quán, xuyên suốt trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Người đòi hỏi rất cao về đạo đức cách mạng. Theo Bác, người cách mạng phải đủ cả bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính mới là người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Cũng chính Người, không chỉ đề ra các chuẩn mực đạo đức mà đã nêu gương thực hành, làm gương mẫu cho đảng viên, cán bộ noi theo. Biết rằng, ở đời “nhân vô thập toàn” nên Người căn dặn phải suốt đời đấu tranh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, trau dồi đạo đức cách mạng, thấy rõ cuộc đấu tranh này sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng.
Phải dùng dân chủ mà chữa trị bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, phải thực hành văn hóa để chữa thói phù hoa xa xỉ, phải dùng luật pháp nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm để bảo vệ nhân dân.
Cuốn sách “Đạo đức Bác Hồ - Tấm gương soi cho muôn đời” của tác giả Trần Viết Hoàn – nguyên Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn, gồm một số bài viết ngắn gọn, mộc mạc, chân thực nhưng hết sức sinh động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác cũng như những sinh hoạt đời thường của Người. Những chỉ bảo ân cần cùng những lời dạy thiết thực về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là sự kết tinh những giá trị đạo đức, nhân văn của Người; là vũ khí để nhân dân ta đấu tranh chống lại các hiện tượng tha hóa về đạo đức xã hội hiện nay.
Di sản Hồ Chí Minh - từ tư tưởng, phương pháp và phong cách đến đạo đức và tấm gương đạo đức của Người đang là ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi tới đích cuối cùng trên con đường lớn của lịch sử vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.