Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ công an nhân dân
ThS. Nguyễn Thu Giang
Phòng Quản trị, Kỹ thuật, Bảo vệ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ mai sau một hệ thống tư tưởng quý báu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tư tưởng về cán bộ và công tác cán bộ công an nhân dân. Lúc sinh thời, Người đã dày công huấn luyện, giáo dục, rèn luyện, xây dựng được một đội ngũ cán bộ cách mạng nói chung và đội ngũ cán bộ công an cách mạng nói riêng luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và dân tộc, tận tụy, kiên cường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ qua các thời kỳ.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ có một vị trí đặc biệt như là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong mọi hoạt động của sự nghiệp cách mạng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”(1). Từ quan điểm chung đó, năm 1948, Người đã đưa ra quan điểm về người cán bộ công an nhân dân: “Công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”(2). Quan niệm ngắn gọn này đã nêu rõ bản chất giai cấp của công an nhân dân Việt Nam khác với công an của thực dân, đế quốc. Đó là, mọi hoạt động của công an nhân dân đều nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân, một lòng một dạ vì nhân dân phục vụ. Khi Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách, cán bộ công an phải là người gương mẫu thực hiện. Đồng thời công an là lực lượng đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân thông qua công tác truyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực thi. Như vậy, cán bộ công an cũng chính là cầu nối để đưa ý chí, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng và Chính phủ.
Cán bộ công an là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ, là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong việc đề ra đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự thông qua việc họ có làm tốt công tác tham mưu với Đảng và Nhà nước hay không. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ công an phải kính trọng, lễ phép, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, hướng tới mục tiêu giữ vững an ninh và mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Người phê phán những cán bộ công an thoái hóa, “đè đầu cưỡi cổ” nhân dân, dán trên trán hai chữ cộng sản để lòe dân. Người còn nhắc nhở cán bộ công an tránh đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu, Người gọi các tệ nạn đó là giặc nội xâm, coi loại giặc này còn nguy hơn giặc ngoại xâm vì nó phá từ bên trong nội bộ.
Để xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những yêu cầu cần có của cán bộ công an nhân dân đó là:
Thứ nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Chính phủ trong mọi tình huống, mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù là hoàn cảnh khó khăn nhất. Trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai (Giám đốc Công an Khu XII) ngày 11/03/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nội dung về Tư cách người công an cách mệnh: “đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành”(3). Trung thành với Chính phủ cũng có nghĩa là trung thành với Đảng, với nhân dân, hết lòng, hết sức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Lòng trung thành được hình thành trên cơ sở giác ngộ cách mạng, lòng yêu nước và được trau dồi, tôi luyện qua thực tiễn công tác, chiến đấu, thắng không kiêu, bại không nản.
Thứ hai, lập trường tư tưởng rõ ràng, vững chắc. Đây là một tiêu chí không thể thiếu của người cán bộ công an. Nói chuyện tại Trường Công an Trung ương (ngày 28/1/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Trước hết cán bộ phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lập trường phải rõ ràng, vững chắc đã”(4). Cán bộ công an là lực lượng nòng cốt, tiên phong bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính phủ, bảo vệ nhân dân vì vậy phải luôn có lập trường tư tưởng rõ ràng, vững chắc, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, dũng cảm tự phê bình và phê bình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.
Thứ ba, có phẩm chất đạo đức cách mạng. “Đức” của cán bộ công an thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ở lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và với chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. “Đức” còn thể hiện sự trong sáng, trung thực, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gắn bó với nhân dân, luôn khiêm tốn, giản dị, luôn có tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”(5).
Ngoài những yêu cầu về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ công an phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, phải vươn tới những đỉnh cao của khoa học, kỹ thuật. Người đưa ra những tiêu chuẩn về tài, trí, trình độ chuyên môn và sự hiểu biết nghiệp vụ của người cán bộ công an đó là phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Phải làm cho công tác công an gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng, đi đúng đường lối chính trị, phải có kế hoạch, phải dự đoán trước được tình hình để có chủ trương, biện pháp bảo vệ, giữ gìn tốt an ninh. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài.
Người căn dặn: “đối với địch, chớ nên hoang mang, cần phải hết sức trấn tĩnh, trấn tĩnh là bước đầu thắng địch. Cố nhiên, trấn tĩnh rồi còn phải đi sâu xét kỹ”(6). Bên cạnh đó, cán bộ công an phải gương mẫu trong học tập, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, học gì làm việc đó. Qua đó sử dụng tài năng của mình để phục vụ tốt cho sự nghiệp cách mạng, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng công an nhân dân về mọi mặt, cụ thể như: chủ trương mở các lớp huấn luyện, tổ chức tuyển chọn, giới thiệu cán bộ trong nước ra nước ngoài học tập, công tác; tuyển chọn những người cán bộ tài đức vẹn toàn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, bảo vệ nhân dân, bởi đặc thù công tác của ngành công an nếu tuyển chọn không đúng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng to lớn đến chất lượng công việc sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng, Chính phủ rất chú ý đến công tác của công an và đến việc giáo dục cán bộ công an để có được đội ngũ công an có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Công tác giáo dục cán bộ công an phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, phải thực hiện khẩu hiệu “làm việc gì học việc ấy”, “phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy”, giáo dục và đào tạo không được xa rời công tác chuyên môn và thực tiễn. Trong đó, quan điểm của Người là cần chú trọng đến công tác giáo dục chính trị và kỹ thuật. Cán bộ công an học chính trị là để nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững bản chất cách mạng, luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Còn học kỹ thuật là để làm việc, cán bộ công an phải có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp giữ gìn an ninh, trật tự, đập tan mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ nhân dân. Người từng nhắc nhở việc dùng cán bộ không đúng tài năng của họ cũng là một thất bại nên phải biết tùy tài mà dùng cán bộ cho đúng, thường xuyên xem xét đánh giá cán bộ để phát hiện nhân tài. Việc sử dụng cán bộ là phải biết dùng đúng người, đúng việc, phải trọng dụng nhân tài, trọng tri thức, trọng mỗi cán bộ có ích cho công việc chung. Bên cạnh đó, công tác sử dụng cán bộ phải có sự quan tâm, gần gũi, chăm lo đời sống của người cán bộ về cả vật chất và tinh thần. Người căn dặn: “Cấp trên phải chú ý đến đời sống vật chất và tinh thần của chiến sĩ, nhưng chiến sĩ cũng phải có sáng kiến để cải thiện đời sống của bản thân mình. Đó là một kinh nghiệm”(7). Như vậy, trong công tác cán bộ công an phải có nhiều biện pháp, cách thức sử dụng cán bộ sao cho hợp lý, khách quan, khoa học, sử dụng cán bộ trên cơ sở hiểu biết rõ ràng, đầy đủ về cán bộ. Thông qua từng công việc cụ thể, người cán bộ cần phải cố gắng, biết phát huy những ưu điểm, hạn chế nhược điểm của mình.
Đồng thời, trong công tác cán bộ thì việc đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ cũng là một trong những công tác không thể thiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ yêu cầu, công tác kiểm tra giám sát phải phát huy dân chủ, khuyến khích, động viên cấp dưới kiểm tra, giám sát cấp trên. Người nói: “Cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới. Cấp dưới phải phê bình cấp trên”(8), “Công an thường phải kiểm soát nhân viên và công việc của mình”(9). Việc đánh giá, giám sát cán bộ có tốt thì mới có điều kiện, cơ sở để kịp thời phát hiện những trường hợp cán bộ công an có dấu hiệu vi phạm, qua đó chủ động tiến hành công tác phòng ngừa, ngăn chặn, sửa chữa ngay từ ban đầu, tránh để đến lúc hậu quả nghiêm trọng rồi mới phát hiện thì sẽ hết sức nguy hiểm.
Từ khi lực lượng công an nhân dân ra đời, với cương vị là Chủ tịch nước, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm và làm việc với ngành công an, nhất là các buổi hội nghị thi đua khen thưởng của ngành, nhằm động viên, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ tiếp tục cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người cũng không quên gửi thư khen ngợi những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh. Người yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng và kỷ luật phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, đúng đắn, thường xuyên và liên tục. Trong Bài nói tại Đại hội chiến sĩ thi đua Công an nhân dân vũ trang, ngày 02/03/1962, Người nhấn mạnh: “Phong trào thi đua phải làm bền bỉ, liên tục”(10). Qua đó, giúp ngành công an phát hiện những cá nhân tích cực, có phẩm chất, năng lực để kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt đồng thời cũng phát hiện cán bộ công an vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống và tùy vào mức độ vi phạm để có hình thức xử lý. Người thường căn dặn những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng, nếu không thưởng thì không có khuyến khích, còn những người sai phạm thì phải phạt, nếu không phạt thì không giữ vững kỷ luật; tuyệt đối không được lạm dụng, thiên vị, sử dụng tình cảm cá nhân trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ cũng như công tác thi đua khen thưởng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ công an nhân dân đã trở thành tài sản tinh thần quý báu, ngọn cờ dẫn đường, chỉ lối giúp lực lượng công an nhân dân từng bước xây dựng và trưởng thành. Nhiệm vụ xây dựng lực lượng công an nhân dân hiện nay đã và đang đặt ra những mục tiêu, yêu cầu mới nhằm đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực thù địch và bọn tội phạm có những hành động chống phá, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Vì vậy, việc nghiên cứu học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ công an nhân dân hiện nay là một nhiệm vụ cấp bách đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng công an nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng lực lượng công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.309.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.498.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.498.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 11, tr.248.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.498-499.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 10, tr.259.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 12, tr.155.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 6, tr.312.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 5, tr.499.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 13, tr.351.