Kể chuyện bảo vệ Bác Hồ đi kháng chiến
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Kể từ khi thực dân Pháp bội ước ở Hải Phòng thì tình hình Hà Nội ngày càng căng thẳng, bọn phản động tăng cường quấy phá khiêu khích bằng những vụ tống tiền, bắt cóc, ám sát diễn ra hàng ngày và chúng theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh: từ khách sạn Metropole và Nhà ngân hàng, quân Pháp giám sát nơi làm việc của Người ở tầng 2 Bắc Bộ phủ. Công tác bảo vệ Bác được Thường vụ Trung ương giao cho các đồng chí Nguyễn Lương Bằng (thường gọi là anh Cả) và Trần Đăng Ninh. Để đề phòng tình huống
xấu có thể xảy ra, 19h30 ngày 26/11/1946, Bác chuyển ra ở trong một ngôi nhà gạch gần ngã tư Canh. Sớm ngày 3/12, Bác vào Hà Nội gặp Sainteny, đến 19h cùng ngày, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa xe đón Bác đi thẳng vào chỗ ở mới trên gác 2 một ngôi nhà gạch nhỏ trong làng Vạn Phúc (Hà Đông). Các đồng chí lãnh đạo thường đến làm việc với Bác tại đây theo quy định: mỗi người đến cách nhau ít nhất 5 phút. Buổi họp cuối cùng kết thúc lúc 15h15 ngày 19/12/1946, và 18h45, Bác cùng bộ phận tiếp cận lúc ấy có 8 người vừa làm bảo vệ kiêm liên lạc, thư ký mà Bác đặt biệt danh là Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong rời Vạn Phúc bắt đầu chặng đường kháng chiến vô cùng gian khổ. Đến xã Xuân Dương (Hà Tây), Bác ở nhà đồng chí xã đội trưởng. Trong suốt 25 ngày, Bác rất ít khi ra ngoài, Người miệt mài biên soạn nhiều tài liệu về cách đánh du kích. Tối 13/1/1947, Bác qua phà Ba Thá sang Chương Mỹ và ở tại thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm (Sơn Tây). Công tác bảo vệ Bác bắt đầu khó khăn hơn, giữa vùng đồi núi hoang vu chỉ có một căn nhà nhỏ vách đất mới dựng, lợp lá mía có ba gian, hai chái nên anh em cứ thay nhau đi quanh canh gác cả ngày lẫn đêm. Chiều tối 2/2, Bác chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Quốc Oai, 18h30, ô tô đón Bác chuyển đến khu chùa Một Mái trên núi Thầy xã Sài Sơn. Trước đó, các sư và vãi ở đây đã kéo sang chùa khác, khu vực chùa Thầy trở nên tĩnh lặng hơn. Bác đề nghị phải đảm bảo cho mọi sinh hoạt của nhà chùa như bình thường, thế là anh em cảnh vệ cắt cử nhau thỉnh chuông, gõ mõ đúng giờ như chùa vẫn làm. Giữa tháng 2, Bác có kế hoạch đi thăm Thanh Hoá nên gửi mật điện cho đồng chí Đặng Việt Châu, đặc phái viên Bộ Nội vụ tại đó để chuẩn bị trước. Chuyến đi khởi hành vào ban đêm để giữ bí mật, Bác chỉ chọn 2 cảnh vệ đi cùng, nhưng đề phòng bất trắc, tất cả anh em kể cả lái xe ngoài súng ngắn còn được trang bị thêm cả tiểu liên với cơ số đạn gấp đôi bình thường. Đêm 20/2, Bác nghỉ tại đồn điền của ông Đỗ Đình Thiện ở Chi Nê, sáng hôm sau Người đến thăm Bộ Canh nông, Bộ Tài chính và Xưởng in bạc giấy đang sơ tán gần đó. Ngay đêm 21, anh em đưa Bác về đến chùa Thầy thì sáng hôm sau Pháp cho máy bay ném bom đồn điền của ông Thiện, sau mới biết do có Việt gian chỉ điểm.
Khi quân Pháp chiếm được Hải Phòng, Hà Nội và đưa quân ra Hà Đông, Phùng chuẩn bị chiếm Sơn Tây. Bác vẫn làm việc tại chùa Một Mái. Ngày 2/3, nhận đựơc tin báo xe tăng Pháp đến gần khu vực Sài Sơn, chiều mồng 3 Bác chuyển đến Hoàng Xá nhưng xe tăng giặc đã chiếm bờ đê phía đối diện nên ngày mồng 4 Bác rời đi, đến ngã ba Xuân Mai thì chiếc xe ọc ạch không thể đi được nữa, Bác và anh em bảo vệ xuống xe đi tiếp bằng xe ngựa chở thuê của dân. Để đảm bảo bí mật, Bác quàng khăn che kín râu, tay xách nải chuối chín như một người dân tản cư. Thấy có tốp trẻ em chạy theo xe, Bác liền bẻ chuối chia cho các cháu. Tới bến phà Trung Hà vì quá đông xe nên anh em mời Bác đi đò rồi xe sang đón Bác đi tiếp đến đồn điền Bà Triệu. Buổi tối anh em đưa Bác đến nhà cụ Hoàng Văn Nguyên ở Cổ Tiết (Phú Thọ). Đêm ấy Bác thức khuya, đi bách bộ quanh vườn. Sáng sớm ngày 6/3, Bác cháu ngồi quanh quần trên nền nhà đất, Bác nói: “Bây giờ chiến tranh mở rộng, chúng ta phải sinh hoạt quân sự hoá. Đến ở, giữ bí mật. Chuyển nhanh, không để lại dấu vết. Mỗi chú mang một chiếc ba lô để đựng những thứ cần thiết, tiện thể may luôn cho Bác một cái để Bác đeo chiếc mang chiếc máy chữ...”. Để thể hiện quyết tâm kháng chiến và cũng là để giữ bí mật, Người đã đổi tên cho cả 8 anh em là: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thăng - Lợi. Anh em vừa nhận tên Bác đặt xong, chị Thanh cấp dưỡng của đội đi chợ về vội chạy lại hỏi: “Thưa Bác, thế Bác đặt tên cho cháu là gì ạ?” Bác nói: “Cháu là người thứ chín trong đội, Bác đặt tên cho cháu là cô Chín” và lấy tên đội là Thanh niên tuyên truyền xung phong.
Trước thế giặc mạnh, Bác ở Cổ Tiết mấy hôm rồi đội đưa Bác đến Chu Hóa, Lâm Thao, rồi chuyển đến Yên Kiện, Đoan Hùng. Một buổi trưa đầu tháng 4, máy bay địch kéo đến tìm kiếm, oanh tạc có chủ đích rõ ràng, anh em đi năm tình hình dự đoán có chỉ điểm, thế là ngay rạng sáng hôm sau, anh em đưa Bác di chuyển đến làng Xảo, Tuyên Quang, nhưng khi thấy địa điểm này không bí mật nên Người đề nghị anh em lui sâu vào rừng Bình Phú, dựng một cái lán dài dưới gốc cây cổ thụ khá kín đáo. Anh em ngăn đôi: một nửa để Bác làm vịêc, một nửa đội bảo vệ ở đồng thời dùng làm phòng ăn, phòng họp. Vấn đề giữ bí mật được đề cao nhưng vì nhân dân biết chỗ Bác ở muốn đến thăm lại thành ra khó bí mật được lâu, do đó cứ nửa tháng, mươi ngày lại phải chuyển chỗ. Công tác bảo vệ lúc này thêm nhiều vấn đề: phòng giặc, phòng gian, phòng cả thú rừng nữa. Đồng chí Hoàng Hữu Nam (Thứ trưởng Bộ Nội vụ) gửi biếu Bác hai con béc-giê để canh nhà nhưng chỉ được một thời gian ngăn đã bị hổ vồ mất. Sau anh em thiết kế thêm một tầng nữa để Bác ngủ và làm việc ban đêm, còn tầng dưới làm việc ban ngày, như vậy tránh được thú dữ và ẩm thấp của núi rừng. Thế nhưng có đêm hổ vào sát lán Bác ở nên anh em phải chặt nứa ken làm hàng rào bao quanh cho an toàn. Tại địa điểm này, Bác giao cho anh em bảo vệ một nhiệm vụ đặc biệt là đào một cái hầm ngay dưới lán ở, lấy đất cho vào bao mang đổ hẳn nơi xa. Từ hôm rời Hà Nội, anh em bảo vệ phải mang theo 3
cái hòm sắt nặng nhất, phải hai người khỏe mới khiêng được còn tài sản của Đội tuyên truyền chỉ có mấy cái xe đạp cũ, xoong nồi và các thứ phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Kiểm tra hầm xong, Bác cho tìm ba hòm sắt có đánh dấu chữ thập bằng sơn trắng giao cho hai đồng chí Định và Kháng đưa xuống cất ở hầm và Bác giao cho đồng chí Nhất trực tiếp trông coi cái lán ấy. Khi địch ném bom Tuyên Quang, anh em bảo vệ đưa Bác về Tân Trào nhưng đồng chí Nhất vẫn ở lại giữ cái lán này (Bốn năm sau, đồng chí Kháng đưa một số anh em khác quay lại đào mấy thùng sắt lên, thì ra đó là số tài sản nhân dân cả nước quyên góp được trong tuần lễ vàng để ủng hộ cách mạng). Những công việc giao liên, cảnh giới, cấp dưỡng đều do anh em bảo vệ chia nhau đảm đương. Có một trạm giao liên đón khách cách lán của Bác khoảng mấy trăm mét nhưng mỗi lần khách đến anh em đều tuỳ người mà dẫn đi theo các con đường khác nhau, lúc nhanh, lúc chậm cả tiếng để đề phòng địch theo dõi. Tháng 5, tình hình chiến sự bắt đầu phức tạp, anh em bảo vệ đưa Bác hành quân đến Điềm Mạc (Thái Nguyên). Các đồng chí Trần Đăng Ninh và Nguyễn Lương Bằng đề nghị một trung đội Vệ quốc đoàn khoảng 30 người sang tăng cường bảo vệ vòng ngoài. Giữa tháng, đặc phái viên Paul Mus đề nghị được gặp Bác để đàm phán, địa điểm tại thị xã Thái Nguyên. Đề phòng tình hình địch phục kích, đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) điều một tiểu đoàn thiện chiến với vũ khí tốt nhất về ém quân trước gần địa điểm đàm phán, còn lực lượng cận vệ, bảo vệ tiếp cận dàn đều ra các nơi. Trong buổi gặp, Paul Mus đưa ra điều kiện đầu hàng, Người trả lời: “Tôi biết ông đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống Hítle, vậy nếu ông ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ như thế nào đối với những điều kiện này? Phải là một kẻ hèn nhát mới chấp nhận điều đó. Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn mạt”. Ngay đêm hôm đó, anh em cận vệ đưa Bác về Điềm Mạc và Bác ở lại đây 4 tháng. Đầu đông năm 1947, Pháp tập trung quân mở chiến dịch Việt Bắc, địch bắt đầu nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn thực hiện âm mưu đánh vào đầu não kháng chiến. Sau khi bàn bạc với Trung ương Đảng và Bộ tổng tư lệnh, Bác cho lệnh rời cơ quan đi Võ Nhai. Ngày nghỉ đêm đi rất vất vả, đến chỗ mới, thu dọn bố trí xong, Bác nói anh em bảo vệ đi gặt giúp dân nên nhiều người hay qua lại hỏi công việc, anh em bảo vệ đặt một cái mõ ở lối vào rừng, ai cần có đánh mõ, anh em bảo vệ sẽ ra. Được mấy ngày mõ cứ kêu liên tục, anh em chạy ra chẳng thấy ai, chỉ thấy gạo, gà, mật ong để đấy, thì ra đồng bào sợ anh em không nhận nên đánh mõ rồi để quà lại. Được một thời gian, tin tình báo của ta cho biết địch sẽ càn quét vùng này,
Bác viết thư dặn dò đồng chí Văn rồi ra lệnh di chuyển, lần này phải đi gấp cả ban ngày, đêm nghỉ tạm ở một cái lều gần bìa rừng. Trước khi nghỉ Bác phân công kíp gác cẩn thận. Đồng chí Kháng thấy Bác đi mệt định để Bác nghỉ thêm nhưng đúng giờ Người đã dậy, giục anh em lên đường. Đồng chí Kháng phàn nàn: “Giá có một tiểu đoàn bảo vệ thì đỡ vất vả”, Bác gạt đi ngay: “Sao chú lại nghĩ vậy! Nếu ta có lực lượng thì để đánh giặc chứ. Có đánh được giặc mới bảo vệ được mình”. Đi cả ngày hôm ấy Bác cháu về đến Quảng Nạp thì nhận đựơc tin địch đã nhảy dù xuống khu vực cũ của cơ quan ở Bắc Kạn. Ngày 7/10, 11h 35' quan ba Souvenheg báo cáo qua vô tuyến điện: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh!”. Salan vội báo tin mừng cho Cao ủy Bolae! Nhưng đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban thường trực Quốc hội, một người nói tiếng Pháp rất tốt đã chuyển tới Salan một bức điện ký tên: Hồ Chí Minh”!?. Quân Pháp phát hiện ra nhầm đã bắn cụ. Được mấy ngày, Bác từ Điềm Mạc đi Khuôn Tát và vì địch vây ép, đồng chí Văn lại viết thư hoả tốc đề nghị Bác chuyển lên cao nữa, đề phòng quân địch nhảy dù bất ngờ. Đường lên bản Cóc rậm rạp, Bác phải bỏ ngựa lại, nhiều đoạn đường phải rẽ lau mà đi, đây là nơi vùng cao có nhiều người Dao đón Bác.Trong suốt thời gian chiến dịch Việt Bắc, anh em cận vệ đã bảo vệ Bác di chuyển an toàn đến nhiều địa điểm khác nhau thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang, nơi Bác ở lâu nhất là một tháng, còn nơi ở ngắn nhất chỉ 3 ngày.
Sau chiến thắng Việt Bắc, Bác lại trở về Khuôn Tát vào ngày 1/1/1948, tuy nhiên anh em bảo vệ và Nha công an vẫn tìm kiếm, chọn và đề xuất nhiều điểm dự phòng khác nhau, những điểm này bao giờ cũng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu giữ bí mật và dân vận tốt. Nha công an Trung ương đã tăng cường sử dụng những đồng chí cảnh vệ người dân tộc trung kiên vào đội bảo vệ tiếp cận, ngoài ra anh Cả còn điều thêm hai đồng chí Vệ quốc đoàn thuộc Bộ quốc phòng sang phối hợp bảo vệ Bác. Tháng 3/1948, nhận được báo Bạn dân (nội san của công an khu 12) do đồng chí Hoàng Mai- Giám đốc sở công an gửi biếu, Bác đã gửi thư trả lời, trong thư Người viết: “Tư cách người công an cách mệnh là: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc, phải tận tụy; Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.
Trong năm 1948, anh em bảo vệ đã cùng Bác di chuyển qua 7 địa điểm khác nhau của ba tỉnh Thái - Tuyên - Bắc, nơi ở lại dài nhất là 3 tháng, nơi ở ngắn nhất khoảng 22 ngày. Sang năm 1949, cuộc kháng chiến của ta dần phát triển tốt, bộ
phận bảo vệ Bác lại được bổ sung hai đồng chí nữa đều đã từng là Việt kiều ở Thái Lan, trong đó có một bác sĩ. Vẫn theo nguyên tắc bí mật và dân vận nên Bác lần lượt chuyển qua vài địa điểm khác nhau như Khâu Lấu - Yên Sơn - Lũng Tẩu an toàn, không có bất ngờ nào xảy ra. Anh em bảo vệ có đủ lực lượng để làm lán trại khang trang bố trí nơi ăn ở nhanh chóng và ổn định, các sinh hoạt hàng ngày của Bác đều đặn hơn, những lúc rỗi rãi Người còn tập quyền, chơi bóng chuyền với anh em trong đội bảo vệ. Đến giữa năm thì đồng chí Chiến thay đồng chí Kháng phụ trách đội bảo vệ Bác, còn đồng chí Kỳ nhận công tác đặc biệt. Bác ở Khâu Lấu khoảng ba tháng, cuối năm thì chuyển vào hang Bòng ngay gần đấy. Hang này tuy lên xuống phải dùng thang dây nhưng vị trí vô cùng đắc địa, không ai có thể phát hiện ra, ngay cả một số cán bộ cơ quan Trung ương đóng ngay bên cạnh cũng không hay biết, ngược lại từ trên hang có thể bao quát được cả một vùng rất rộng và xa.
Đầu năm 1950, Bác chuẩn bị có một chuyến đi bí mật sang thăm Liên Xô, Trung Quốc nhằm phát triển quan hệ ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế giúp ta đẩy nhanh cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Ngày 1/1, theo chỉ thị của Bác, đồng chí Lâm Cẩm Như và hai cán bộ Lê Phát (cảnh vệ kiêm phiên dịch) cùng Ngô Vi Thiên (điện đài viên) lên đường trước để tiền trạm. Ngày 2/1, phái đoàn tập trung tại châu Tự do và buổi chiều cùng ngày bắt đầu lên đường, bảo vệ tiếp cận Người có đồng chí Nhất. Chuyến hành trình hết sức nguy hiểm vì quân Pháp, Tưởng và các lực lượng ô hợp đóng dày đặc hai bên đường biên. Phái đoàn đi bộ, dắt ngựa vượt qua rừng từ Phục Hoà (Cao Bằng) sang chợ Thủy Khẩu (Trung Quốc) mới gặp bộ phận tiền trạm của đồng chí Lâm Cẩm Như . Ngày 19/1, đoàn đến Long Châu thuộc quân khu Quảng Tây thì giải phóng quân Trung Quốc phái một trung đội vũ trang đến nghênh đón và hộ tống Người đến tận Nam Ninh. Từ nước bạn trở về, Bác lại làm việc tại khu vực hang Bòng. Thời gian ấy, Bác vẫn nằm chõng tre, không nằm đệm, chỉ đắp chiếc chăn nhuộm nâu mặc gió rừng rét mướt, nhà cửa chỉ có vách nứa quây xung quanh, đêm hôm cũng chẳng có ai gác. Đồng chí Leo Figere, người của Đảng cộng sản Pháp sang thăm Bác nói với đội bảo vệ: “Ai lại để ông Cụ ngủ ở rừng gần thú dữ mà không có người canh gác”, anh em báo cáo với Bác để tổ chức canh gác nơi ở, Bác nói: “Làm thế không được. Ai lại bắt người thức canh cho người ngủ”. Anh em bảo vệ bí mật tiến hành công việc nhưng Bác phát hiện ra và phê bình, anh em phải cầu cứu anh Cả để Thường vụ ra quyết nghị Bác mới chịu. Bác cũng luôn quan tâm rèn anh em từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Một lần đi công tác từ Phú Thọ đến Phố Hiên, Người cùng anh em bảo vệ vào một căn nhà hoang để nghỉ và ăn cơm nắm cho bữa tối. Thấy một đồng chí bảo vệ định rút phên liếp để nhóm lửa đun nước, Người ngăn lại: “Chú đun nước mà lại phá hoại nhà dân, hơn nữa đêm hôm thế này đốt lửa không tiện”. Tháng 9/1950, đội cảnh vệ gồm 6 người chuẩn bị súng đạn, quân trang, gạo, thực phẩm để đưa Bác đi chiến dịch Biên Giới. Anh em chuẩn bị một con ngựa để Bác đi nhưng Người bảo: “Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một Bác cưỡi sao tiện!”, anh em cố nài thì Bác quyết: “Thôi được, các chú mang theo ngựa để nó đỡ hộ ba lô, gạo. Trên đường đi ai mệt thì cưỡi”. Thế là Bác cháu bắt đầu vượt suối băng rừng tiến quân. Mấy ngày đi liên tục, Bác luôn động viên anh em cảnh vệ bằng cách dạy học bài Chinh phụ ngâm, kể những chuyện hoạt động cách mạng của Người. Qua thị xã Bắc Cạn mấy cây số thì gặp các đồng chí bảo vệ căn cứ địa chờ đón sẵn, mời Bác và anh em lên chiếc xe ô tô cổ lỗ chạy bằng than đỡ được rất nhiều sức. Anh em bảo vệ đưa Bác về Nà Lạn, gần Đông Khê ở trong một hang đá. Bác dặn anh em rất tỉ mỉ về cách dùng bí danh của đơn vị, cách tránh lửa khói để đề phòng máy bay giặc, nhất là không làm chết cỏ và cách làm mất dấu trên lối đi vào hang. Đúng 6 giờ ngày 16/9, Bác lên đài quan sát chiến dịch Biên Giới mở màn.
Năm 1951, CQ41 (bí danh tên cơ quan Phủ Chủ tịch) chuyển về làng Mạ (Bắc Kạn).
Dự Đại hội Đảng toàn quốc xong thì Bác quay lại Khâu Lấu. Giai đoạn này thế của ta rất mạnh, khu ATK mở rộng và tương đối vững vàng nên Bác đi thăm và làm việc tại nhiều địa phương thuộc chiến khu dễ dàng hơn. Sau Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 7, Nha công an lại cử thêm người bổ sung vào đội bảo vệ Bác Hồ và đề phòng địch thất bại trên các chiến trường sẽ tìm cách cắn trộm, anh em bảo vệ đưa Bác và Hội đồng Chính phủ về ATK Yên Sơn (cách thị xã Tuyên Quang hơn 40 km), nơi đây có nhiều hang đá rộng, núi cao, rừng rậm... khá an toàn. Lúc này chúng ta đã chuyển sang thế tổng phản công địch, những trận đánh quyết định đang diễn ra, ngày thắng lợi đưa Bác trở về Thủ đô không còn xa nữa...
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1994, tập 4.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị Quốc gia 1995, tập 5.
3. Thư ký Bác Hồ kể chuyện. Nxb. Chính trị Quốc gia, 2005.
4. Chiến đấu trong vòng vây. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.
5. Tấm lòng của Bác, Nxb. Công an nhân dân, 2004.
6. Những năm tháng bên Bác. Nxb. Công an nhân dân, 2004.
7. Cận vệ bác Hồ. Nxb. Công an nhân dân, 2004.
8. Chiếc áo Bác Hồ. Nxb. Thanh Niên, 2000.
9. Bác Hồ đấu trí với tình báo phương Tây, Nxb. Công an nhân dân, 2005.
10. Trích từ hồi ký đ/c Vũ Kỳ - nguyên thư ký Bác Hồ (Khu di tích Phủ Chủ tịch).