slider
Phát triển kinh tế số

Khu Di Tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Nơi ghi đậm nghĩa tình Việt - Nga

08 Tháng 06 Năm 2023 / 3663 lượt xem

ThS. Trần Thị Thắm

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối cùng của cuộc đời (tháng 12/1954 - 02/9/1969). Đây là nơi ghi dấu những hoạt động đối nội, đối ngoại cũng như cuộc sống đời thường của Người.

Trong số hơn 1.750 tài liệu, hiện vật có nhiều tư liệu là bằng chứng vô giá về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga, thể hiện tấm lòng của Người với nước Nga và tình cảm của nước Nga Xô viết với Bác Hồ kính yêu của nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự giúp đỡ hết sức chân tình của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô dành cho nhân dân Việt Nam. Người khẳng định: Nhân dân Việt Nam vô cùng biết ơn nhân dân Liên Xô đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến giành độc lập. Ngày nay lại hết lòng giúp đỡ nhân dân Việt Nam khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa của mình, sau những năm bị chiến tranh tàn phá”(1). Việc tăng cường và củng cố tình đoàn kết hữu nghị, tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác chặt chẽ với Liên Xô được xác định là vấn đề trọng tâm then chốt trong chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Tại Khu Phủ Chủ tịch, từ tháng 12/1954 đến tháng 8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đón 463 đoàn khách quốc tế, trong đó có 105 đoàn là những nhà lãnh đạo Liên Xô (những người đã rất nhiều lần đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nước Nga cũng như sang Việt Nam thăm Người), các chuyên gia, các nhà khoa học, các đoàn đại biểu Văn hóa, nghệ thuật. Những buổi gặp gỡ, đón tiếp diễn ra vừa trọng thị nhưng cũng rất đầm ấm, thân mật, vui vẻ như những người thân trong gia đình. Trong chuyến thăm của đoàn Đại biểu Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp dẫn đầu sang thăm Việt Nam (từ ngày 20 - 24/5/1957) ngoài buổi đón tiếp theo nghi thức ngoại giao cấp nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dành thời gian nói chuyện thân mật, tổ chức chiêu đãi Chủ tịch K. E. Vôrôsilôp và các vị khách Liên Xô. Trong một buổi đón tiếp thân mật, Chủ tịch Vôrôsilôp đã vui vẻ nói với Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, năm nay tôi 76 còn đồng chí 67 tuổi, như vậy chúng ta là hai anh em. Đáp lại mối thâm tình đó, trong buổi tiễn Đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thơ tặng đồng chí Vôrôsilôp: “Quan sơn muôn dăm một nhà. Vì trong bốn biển đều là anh em”(2).

Vào những dịp tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, nhiều chuyên gia của Liên Xô đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự tiệc đón năm mới ở Phủ Chủ tịch. Người đi tới từng bàn hướng dẫn các bạn chuyên gia ăn bánh chưng - món ăn độc đáo của dân tộc Việt Nam, hỏi chuyện từng người bằng tiếng Nga v.v... Những cử chỉ ân cần, chu đáo đó để lại ấn tượng hết sức sâu đậm trong lòng các chuyên gia, như Trigicốpva (giáo viên dạy tiếng Nga tại Việt Nam) đã bày tỏ: “Hồ Chí Minh thật là con người uyên bác. Bận trăm công ngàn việc đại sự quốc gia thế mà Người vẫn không quên tiếng Nga, lại còn hiểu sâu rộng nữa..."(3).

Có rất nhiều người bạn Liên Xô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật tại ngôi Nhà sàn (nơi Người ở và làm việc từ 1958 đến 1969). Những buổi tiếp khách tại đây mang một ý nghĩa thật đặc biệt, diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân tình, không bị ràng buộc bởi nghi lễ ngoại giao. Phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp như nhà báo Liên Xô B.Pankin đã kể lại: “Cuộc gặp gỡ diễn ra tại căn nhà nhỏ của đồng chí Hồ Chí Minh, ở cạnh Phủ Chủ tịch... Đồng chí mặc quần áo vải, cổ quấn khăn quàng. Với vẻ ngoài rất gia đình ấy, với nụ cười hiền hậu và những cái hôn, Bác Hồ đã khiến chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không phải đang dự một buổi tiếp khách trí thức. Đây chỉ là một buổi nói chuyện thân mật của hai nhà cách mạng lão thành với những đồng chí trẻ tuổi đại diện cho thanh niên Liên Xô...”(4).

Trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch còn có những điểm di tích chứng kiến nhiều hoạt động đối nội và đối ngoại quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm Người sống và làm việc ở đây, trong đó có Nhà họp Bộ Chính trị. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp Bộ Chính trị bàn về những vấn đề trọng đại của đất nước. Nhà họp Bộ Chính trị cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có đoàn đại sứ Liên Xô, đoàn đại biểu Hội Hữu nghị Xô - Việt, Hội nhà văn Liên Xô... nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam với Liên Xô, với các dân tộc trên thế giới nói chung, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, đẩy nhanh cuộc đấu tranh chính nghĩa đi đến thắng lợi, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 15 năm (1954-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi 52 bức điện, thư chúc mừng các nhà lãnh đạo Liên Xô nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như Cách mạng Tháng Mười, Ngày thành lập Hồng quân Liên Xô, ngày sinh nhật các nhà lãnh đạo Liên Xô, ký 75 sắc lệnh tặng thưởng huân, huy chương và gửi hàng trăm huy hiệu tới các bạn chuyên gia đã tham gia, giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam và viết 32 bài nói về Cách mạng Tháng 10, về Lênin, về con đường cách mạng vô sản... Với thiện chí cùng nỗ lực không biết mệt mỏi của người chiến sĩ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh trong quan hệ giữa hai nước, Liên Xô đã tuyên bố: "... Liên Xô hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam”(5).

Để thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị anh em, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều chuyến thăm Liên Xô trong suốt thời gian Người sống và làm việc tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Ngày 12/7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta đến thăm Liên Xô. Cuộc đi thăm của Người đã đạt kết quả to lớn trên nhiều phương diện. Về chính trị, Liên Xô hoàn toàn nhất trí với Việt Nam trong cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước. Về kinh tế, Liên Xô tặng Việt Nam 400 triệu rúp (trong hai năm 1955-1956) và giúp khôi phục 25 xí nghiệp. Ngày 18/7/1955, phát biểu tại sân bay trước khi rời Mát-xcơ- va, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các đồng chí Liên Xô bằng tiếng Nga: “Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách xa nhau hàng ngàn dặm, nhưng trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp”(6).

Trong năm 1957 và từ năm 1959 đến năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đi thăm, dự các Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân thế giới tổ chức ở Mát-xcơ-va (Người đã lần lượt đi thăm 15 nước Cộng hòa Xô- viết thuộc Liên Xô). Những chuyến đi thăm, những bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Người về Lê-nin, về Cách mạng Tháng Mười, về công cuộc xây dựng và phát triển của Liên Xô, đã làm cho mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước, và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô càng thêm thắm thiết. Kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tựu của Liên Xô về kinh tế - xã hội, chính trị - văn hóa... đã trở thành tấm gương sáng cho Việt Nam học tập và làm theo.

Từ những nỗ lực ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo các hiệp định kinh tế và thương mại được kí kết những năm từ 1961 đến 1964 giữa Chính phủ ta và Chính phủ Liên Xô, cùng với viện trợ về kinh tế, Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam hàng chục nghìn tấn vũ khí, đạn dược, khí tài, phương tiện chiến tranh hiện đại như xe tăng, máy bay, tên lửa, ra đa... Các trường quân sự của Liên Xô cũng nhận huấn luyện và đào tạo nhiều đơn vị, sĩ quan chỉ huy, sĩ quan kĩ thuật cho quân đội nhân dân Việt Nam. Có thể nói rằng, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn viện trợ to lớn và toàn diện của Liên Xô, Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất của Việt Nam đã căn bản hoàn thành. Trên cơ sở đó, miền Bắc đã chuẩn bị cả vật chất và tinh thần để trở thành hậu phương cách mạng của cả nước, sẵn sàng đối phó với hành động leo thang chiến tranh và đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Khi đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn và đưa ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ ngoại giao lúc này là, chúng ta phải tìm mọi cách thắt chặt mối quan hệ Việt - Xô. Trong lần trả lời phỏng vấn G.A.Giucốp, phóng viên báo Pravđa (Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chúng tôi luôn luôn ra sức thắt chặt tình hữu nghị anh em và quan hệ hợp tác tương trợ Việt - Xô với nhận thức thấm thía rằng đó là một nhân tố quan trọng để giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của mình”(7).

Đến năm 1965, Liên Xô đã ký với Việt Nam nhiều Hiệp định, trong đó có Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ thêm không hoàn lại về kinh tế cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ký ngày 10/7/1965); Hiệp định giữa Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc giúp đỡ thêm về kỹ thuật cho Việt Nam (ký ngày 21/12/1965); Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ không hoàn lại về kinh tế cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1966 (ký ngày 21/12/1965); Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ký ngày 25/11/1968)...

Đánh giá những hoạt động xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam nói riêng, phong trào cách mạng thế giới nói chung, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao quyết định tặng Người Huân chương Lênin. Đáp lại niềm vinh dự và tình cảm cao đẹp đó, ngày 06/11/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cảm ơn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô. Bức điện nêu lên niềm vinh dự tự hào của Người khi được Nhà nước Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin, nhưng Người cũng bày tỏ ý nguyện của mình: “... Tôi vô cùng cảm ơn các đồng chí, nhưng các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại”(8).

Từ mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Liên Xô cùng sự quan tâm về khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, theo dõi các thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến của Liên Xô, đặc biệt là khoa học vũ trụ. Khi thấy có bài viết liên quan đến vấn đề này, Người thường cắt lại làm tư liệu nghiên cứu, viết bài đăng báo tuyên truyền. Mỗi khi Liên Xô phóng vệ tinh, Bác đều có bài viết đăng báo Nhân dân và gửi điện chúc mừng Đảng và Nhà nước Liên Xô. Ngày 21/01/1962, Thiếu tá, phi công vũ trụ, Anh hùng Liên Xô Giécman Titốp sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đón tiếp G.Titốp như vị khách quý đặc biệt của nhân dân Việt Nam. Người đích thân đưa G.Titốp đi thăm một số địa phương ở miền Bắc, ra thăm vịnh Hạ Long và đặt tên cho hòn đảo mang số 42 trong Vịnh Hạ Long là đảo Titốp để ghi nhớ kỷ niệm hữu nghị này. G.Titốp vô cùng xúc động trước tình cảm nồng thắm của Đảng, của nhân dân Việt Nam và của Bác Hồ kính yêu. Tháng 6 năm 1963, khi Liên Xô phóng thành công hai con tàu vũ trụ sóng đôi “Phương Đông 5” và “Phương Đông 6”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng, trong đó Người hoan nghênh nữ du hành vũ trụ đầu tiên Valentina Têrêscôva. Để ghi nhớ sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho trồng hai cây y lan (tên khoa học là Canngiumodoratum (lamkring) ngay cạnh bờ ao phía ngôi nhà sàn để làm kỷ niệm. Người đặt tên mới cho hai cây y lan là “cây vũ trụ”. Ngày 25/11/1979, bà Valentina Têrêscôva với cương vị là Chủ tịch Ủy ban phụ nữ Liên Xô sang thăm Việt Nam, đã vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà rất xúc động và đứng lặng người giữa hai cây y lan cao lớn khi được biết về ý nghĩa, về tên gọi của hai cây y lan mà Bác Hồ đã trồng và đặt tên. Hai cây y lan giờ vẫn còn đó, dáng thẳng đứng, vươn lên bầu trời như hai con tàu vũ trụ sóng đôi.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (1917 - 1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Liên Xô vĩ đại”, nêu lên những thành tựu của nhân dân Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và coi đó là tấm gương cho các nước noi theo. Qua cuốn Tạp chí này, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn gửi đến các nhà lãnh đạo Liên Xô bức thông điệp về lập trường kiên định trước sau như một của nhân dân Việt Nam trong quan hệ với Liên Xô.

Trong những ngày cuối cùng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh điều trị bệnh, khi sức khoẻ của Người diễn biến ngày càng xấu và phức tạp, cũng ghi lại những tình cảm sâu nặng của bạn bè Liên Xô đối với Người, Liên Xô đã cử 5 chuyên gia y tế sang để chuẩn bị giữ gìn thi hài khi Người đi xa. Tuy được tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao, sức yếu, bệnh trọng, Người đã không qua khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về với các cụ Các Mác, Lênin nhưng những tình cảm của Người dành cho đất nước và con người Liên Xô không bao giờ nhạt phai. Hiện nay, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch còn lưu giữ nhiều kỷ vật bạn bè Liên Xô tặng Người như: phù điêu búa liềm, viên đá chặn giấy, mô hình tháp Kremlin, bức tượng bán thân của Lênin, đặc biệt có bức ảnh của Lênin được Người treo trang trọng phía trên bàn làm việc tại di tích Nhà 54... Những kỷ vật này không chỉ chứa đựng những tình cảm quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn là minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị bền vững của nhân dân Việt Nam với các bạn Liên Xô do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dày công vun đắp.

Trên bàn làm việc tại Di tích Nhà sàn hiện nay vẫn còn những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng của cuộc đời. Trong đó có cuốn: “Hãy sờ tay vào bom” của nhà văn Irina Lépchenkô; cuốn “Bàn về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại” với những tư liệu đã được Người sử dụng để viết bài “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc” đăng trên báo Sự thật (Pravđa) Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, Người viết: “Việt Nam có câu tục ngữ: “Uống nước nhớ nguồn”. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười”(9), cuốn “700.000 km trong vũ trụ” của nhà du hành vũ trụ, anh hùng Liên Xô Giécman Titốp tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời đề tặng bằng tiếng Nga:”Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn sâu sắc”.

Phía bên trái di tích Nhà 54 có một gara nhỏ trưng bày ba chiếc xe ô tô để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người về sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó chiếc xe Zit (3HH) là món quà mà Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1954 nhưng Người chưa sử dụng mà đề nghị để phục vụ cho nguyên thủ quốc gia các nước khi đến thăm Việt Nam. Chiếc xe Pô-bê- đa là một trong 06 chiếc xe Chính phủ Liên Xô tặng Chính phủ Việt Nam năm 1955. Xe được sử dụng trong một thời gian dài (từ tháng 3/1957 đến tháng 8/1968), nhiều lần các đồng chí trong cơ quan đề nghị thay xe mới chạy khỏe và êm hơn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đồng ý. Sau này, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh - kể lại: “Có lẽ, Bác nghĩ đây là một món quà kỷ niệm đầy ý nghĩa của Chính phủ Liên Xô giúp đỡ tặng Chính phủ Việt Nam. Qua đó, giúp chúng ta thấy rõ hơn đức tính giản dị và cao quý ở Người cũng như tình cảm, sự trân trọng đối với nhân dân nước Nga”(10 ).

Có thể thấy rằng, những tài liệu, hiện vật lịch sử quý báu hiện nay vẫn còn được lưu giữ tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cùng những câu chuyện kể cụ thể, dung dị đời thường là minh chứng sâu sắc thêm tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước và người dân trên quê hương Cách mạng Tháng Mười, cũng như tình cảm của đất nước, con người Liên Xô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng hàng ngày Khu Di tích vẫn đón tiếp hàng ngàn lượt khách trong nước cũng như bạn bè từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều đoàn khách từ đất nước của V.I.Lênin. Sau khi được nghe những câu chuyện kể về các di tích, tài liệu, hiện vật gắn với cuộc sống đời thường cũng như các hoạt động đối nội, đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nguyên thủ Liêng bang Nga đã để lại những dòng lưu bút nhiều ý nghĩa: Ngày 28/3/2003, Thủ tướng Chính phủ Liên Bang Nga Mikhail Kasyanov viết: “Việc vào thăm nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Ở nước Nga vẫn đang lưu giữ những ký ức sống động về người con vinh quang của nhân dân Việt Nam, Người đã nhiều lần đến thăm Mátxcơva. Người đã là người bạn chân thành của đất nước chúng tôi. Người đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước chúng ta. Nhân dân Nga hết sức quý trọng và yêu mến Người.. .',[U'. Đặc biệt, ngày 02/3/2001, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga V.I Putin khi đến thăm Nhà sàn ghi lại những dòng cảm tưởng: “Tôi thực sự vinh hạnh được làm quen với cuộc sống người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Một người mà tên tuổi đã đọng lại trong lịch sử thế giới"(12\

Thế giới trải qua nhiều biến động, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết nay đã đổi thành Liên bang Nga, nhưng đối với nhân dân Việt Nam, “Liên Xô” là một từ không bao giờ quên. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của nhân dân Việt Nam, Người đã tìm thấy chân lý, con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam từ Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Người đã trân trọng xây đắp tình hữu nghị thắm thiết, thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt - Xô (Việt- Nga ngày nay). Những tình cảm quý báu đó luôn hiện hữu tại nơi ở và làm việc của Người trong Khu Phủ Chủ tịch thông qua những tài liệu, hiện vật hiện đang được trưng bày phát huy tác dụng như những chứng nhân lịch sử về mối tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga Xô viết và quan hệ Việt - Nga bây giờ./.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 10, tr.121.

2.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 10, tr.558.

3.            Chuyện kể của các bạn Liên Xô về Bác Hồ, Báo Công an Nhân dân https://cand.com.vn/ Phong-su-tu-lieu/Chuyen-ke-cua-cac-ban- Lien-Xo-ve-Bac-Ho-i93157).

4.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 15, tr.397.

5.            Nguyễn Đình Bin, Ngoại giao Việt Nam (1945 -2000), Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2005, tr.201.

6.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2008, tập 6, tr.122.

7.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tập 14, tr.559.

8.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, tập 15, tr.400-401.

9.            Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2009, tập 12, tr.392-393.

10.          Nguyễn Văn Dương, Những kỷ vật của Bác Hồ với nước Nga, Trang tin điện tử, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. https://www. bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/1396- nh-ng-k-v-t-c-a-bac-h-v-i-nu-c-nga.html.

11.          Cảm tưởng của bạn bè Quốc tế viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, năm 2001.

12.          Cảm tưởng của bạn bè Quốc tế viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, năm 2003.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)