slider
Phát triển kinh tế số

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thực hiện Quyết định 60/QĐ-BVHTTDL trong hoạt động sưu tầm và trưng bày chuyên đề

19 Tháng 05 Năm 2022 / 501 lượt xem

ThS. Nguyễn Văn Dương

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến nội dung quy trình phục vụ cho hoạt động nghiên cứu sưu tầm và trưng bày chuyên đề (triển lãm) được áp dụng thực tế Quyết định số 60/QĐ- BVHTTDL ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập tại Khu di tích.

1. Thực trạng công tác sưu tầm và trưng bày chuyên đề tại Khu di tích

- Đối với công tác sưu tầm: Bao gồm sưu tầm những hiện vật, tài liệu, tư liệu (sách, báo, tạp chí, phim ảnh) liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch (1954-1969). Sau hơn 50 năm đẩy mạnh công tác nghiên cứu sưu tầm, đến nay Khu di tích đã sưu tầm được hàng nghìn tài liệu, hiện vật, góp phần làm phong phú thêm nguồn di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày bổ sung tại Khu di tích.

Kết quả của công tác nghiên cứu sưu tầm là cơ sở để thực hiện công tác trưng bày phát huy giá trị Khu di tích: Thời gian đầu, khi mới mở cửa đón khách, Khu di tích chỉ trưng bày và giới thiệu di tích Nhà sàn. Đến nay hầu hết các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được mở cửa trưng bày tương đối đầy đủ phục vụ khách thăm quan như: Di tích Nhà 54, Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ Chính trị và tiếp khách, Căn phòng trưng bày xe ô tô đã phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Bếp A, Nhà 67 và Phòng trưng bày bộ đồ y tế dùng để chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lâm bệnh nặng từ ngày 24/8/1969 đến ngày 2/9/1969. Đặc biệt, năm 2019, Khu di tích đã mở cửa phòng Trưng bày bổ sung: Một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đây là những nỗ lực cố gắng của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động trong Khu di tích với mong muốn bảo tồn và phát huy tốt nhất di sản của Bác Hồ tại nơi đã gắn bó 15 năm cuối cùng của vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân.

- Công tác trưng bày chuyên đề: Để tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như góp phần quảng bá về hình ảnh di tích lịch sử văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế. Khu di tích đã phối hợp và tổ chức nhiều triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích và một số địa phương trong nước cũng như nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, Khu di tích đã tổ chức thành công hơn 40 trưng bày chuyên đề trong và nước ngoài. Trưng bày chuyên đề không chỉ đến với đồng bào vùng sâu vùng xa như: Sơn La, Lào Cai, Côn Đảo, Cà Mau... mà còn được tổ chức ở nước ngoài như: Pháp, Nga, Chi Lê, Srilanca... Qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá một cách sâu rộng về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Có được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của cán bộ các phòng chuyên môn, sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Khu di tích, sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hệ thống các văn bản pháp lý, trong đó có quy định, hướng dẫn chi tiết nội dung quy trình tổ chức và định mức kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước để áp dụng vào các hoạt động chuyên môn, cũng có một vai trò rất lớn để Khu di tích thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Để thực hiện các hoạt động nghiên cứu sưu tầm và trưng bày chuyên đề ở Khu di tích trước đây Khu di tích áp dụng Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC- BKHCN về Hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước;

Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính: Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị,... Các văn bản này về cơ bản được áp dụng khá hiệu quả vào thực tiễn tại Khu di tích, tuy nhiên vẫn có một số bất cập nhất định như: Một là, công tác sưu tầm, thẩm định giá đối với những hiện vật có giá trị vẫn còn chưa rõ ràng, chưa thực sự kịp thời và hiệu quả, nhất là những hiện vật gốc, độc bản liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy cơ hội để tiếp cận, khảo sát, đánh giá, định giá để mua, chuyển giao hiện vật cũng gặp nhiều khó khăn.

Hai là, hạn chế về khoảng cách địa lý. Thực tế Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động cách mạng tại nhiều địa phương trong nước cũng như nhiều quốc gia thuộc các châu lục khác nhau trên thế giới. Trong khi đó, quá trình tiến hành công tác sưu tầm (khảo sát hiện vật, đánh giá hiện vật, báo cáo phê duyệt hiện vật sưu tầm.) vẫn bắt buộc phải tuân thủ theo các Thông tư, Hướng dẫn quy định nên đã ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra, đối với hoạt động trưng bày chuyên đề, nhất là thực hiện các cuộc trưng bày tại các địa phương, các quốc gia nước ngoài thì quy trình tổ chức, định mức và quy chế chi tiêu ở mỗi một địa phương, mỗi quốc gia đều khác nhau. Nguồn kinh phí của các địa phương cũng hạn hẹp nên phần nào gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

Ba là, về kinh phí để thực hiện công tác sưu tầm được Nhà nước duyệt mua hiện vật thường thấp hơn giá của các nhà sưu tầm tư nhân mua, tính tự quyết trong quá trình mua hiện vật của tư nhân bao giờ cũng chủ động hơn (vì không phải tuân theo quy trình, thủ tục các bước) nên cơ hội để các Bảo tàng, di tích công lập mua được hiện vật là không nhiều. Đặc biệt là đối với những hiện vật có giá trị, quý hiếm và độc bản. Ví dụ: năm 2018 Khu di tích nhận được thông tin một gia đình người Nga đang lưu giữ 2 bức chân dung Bác Hồ ngồi làm việc ở giàn hoa Phủ Chủ tịch do họa sĩ Nga vẽ năm 1960 muốn bán. Do thủ tục tiến hành các bước: liên lạc, đàm phán, thỏa thuận giá trị mua hiện vật, thủ tục trình duyệt trước khi mua hiện vật trình cơ quan có thẩm quyền quyết định v.v.., mất nhiều thời gian, nên khi sang đến Nga Khu di tích chỉ mua được một bức tranh (nhờ một đối tác quen của cơ quan đặt cọc trước) còn một bức gia đình đã bán cho một nhà sưu tầm tư nhân nên Khu di tích mất cơ hội sưu tầm.

2. Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện Quyết định số 60/QĐ- BVHTTDL tại Khu di tích.

Từ khi Quyết định số 60/QĐ- BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập, Khu di tích đã nghiên cứu và từng bước áp dụng thực hiện. Chúng tôi nhận thấy Quyết định đã ban hành hết sức kịp thời, phù hợp và sát với tình hình thực tế về hoạt động nghiên cứu nghiệp vụ của Bảo tàng, di tích. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng gặp những thuận lợi và khó khăn như sau:

* Thuận lợi:

Một là, hoạt động nghiên cứu sưu tầm:

-        Ở Điều 1, Mục 1, Chương II của Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL thực hiện trong công tác sưu tầm là hoàn toàn phù hợp đối với hoạt động sưu tầm tài liệu, hiện vật được nhập kho cơ sở, đúng đủ cơ sở pháp lý như trên. Đặc biệt là về quy trình các bước để tiến hành thực hiện một hoạt động nghiên cứu sưu tầm hay trưng bày chuyên đề cho đến định mức kinh phí từng nội dung cụ thể cho từng hoạt động đó. Ví dụ: trong hoạt động sưu tầm hiện vật gồm có 8 bước: từ bước điều tra khảo sát, thu thập thông tin, lập đề cương, kế hoạch sưu tầm cho đến báo cáo kết thúc nhiệm vụ sưu tầm. Đặc biệt, là về Định mức về kinh tế - kỹ thuật cho từng nội dung công việc, từ đơn vị tính, người thực hiện/ngày công theo đầu hiện vật sưu tầm...

-        Những bước trong quy trình sưu tầm hiện vật chi tiết, có hướng dẫn theo các điều khoản cụ thể cho những đơn vị chuyên môn có thể ứng dụng phù hợp, linh hoạt với điều kiện hoạt động của đặc thù mỗi đơn vị. Quy trình này thực hiện theo

8        bước, khoa học, chặt chẽ và trên thực tế khi sưu tầm tài liệu hiện vật trong và ngoài nước, Khu di tích cũng đã có nhiều cố gắng để thực hiện đầy đủ theo các bước hướng dẫn này để có thể chuẩn hóa hồ sơ cũng như các giấy tờ pháp lý cho các tài liệu, hiện vật sưu tầm. Các bước trong nội dung quy trình tổ chức sưu tầm hiện vật trong Quyết định 60/QĐ-BVHTTDL là rất linh hoạt và cập nhật với xu hướng hiện nay.

Hai là: hoạt động nghiên cứu trưng bày chuyên đề:

- Trong Quyết định số 60/QĐ- BVHTTDL ban hành Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động trưng bày của bảo tàng công lập quy định rất rõ ràng, cụ thể từ việc: Nghiên cứu nội dung trưng bày (gồm 7 bước); Thiết kế trưng bày (gồm

9        bước); Sản xuất, thi công lắp đặt trưng bày (gồm 11 bước). Qua đó giúp cho các đơn vị thực hiện được dễ dàng, khoa học và hiệu quả hơn, nhất là đối với Khu di tích. Về định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động thiết kế và trưng bày, Thông tư đã nêu rõ số lượng người, ngày công thực hiện cho từng bước, từng nội dung cụ thể trong công tác triển lãm; hơn nữa còn quy định cụ thể định mức cho dưới 100 hiện vật, dưới 200 hiện vật, dưới 300 hiện vàt... Những điều này đã giúp cho các đơn vị, cụ thể là Khu di tích khi thực hiện dễ dàng và lên kế hoạch cụ thể hơn cho hoạt động trưng bày chuyên đề hàng năm; không còn lúng túng giữa các khâu công tác trưng bày, triển lãm (từ lên kế hoạch, xây dựng đề cương, nội dung, thiết kế, thi công, lắp đặt.), tạo điều kiện thuận lợi cho những cán bộ khoa học, di sản viên là những người thực hiện trực tiếp công tác trưng bày làm việc hiệu quả, khoa học, chính xác, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau giữa các khâu, phát huy được những điểm mạnh, hạn chế những nhược điểm trong quá trình thực hiện công tác trưng bày chuyên đề, phát huy tối đa nguồn lực con người hiện nay.

- Quyết định 60/QĐ-BVHTTDL có tính cập nhật đối với các hoạt động trưng bày chuyên đề của Bảo tàng, di tích công lập. Áp dụng các bước trong Điều 9, Điều 12, Điều 13 đã định hướng cho đơn vị thực hiện theo đúng quy trình một cách khoa học và hiệu quả hơn. Nhất là Điều 9, Mục 1, Chương II quy định về Nghiên cứu xây dựng nội dung trưng bày rất chi tiết và định hướng các bước rất khoa học, hợp lý để có thể ứng dụng trong điều kiện cụ thể của Khu di tích Phủ Chủ tịch. Mỗi bước thực hiện trong quy trình đều thông qua Hội đồng khoa học duyệt để đảm bảo tính khách quan, khoa học. Cũng tại Mục 1 của Chương II, Điều 12 và Điều 13 đã định hướng cụ thể các bước về Thiết kế trưng bày và Sản xuất, thi công lắp đặt trưng bày. Nếu thực hiện được đầy đủ các bước theo quy định sẽ rất đầy đủ, chặt chẽ và hiệu quả.

* Khó khăn:

Thứ nhất, hiện nay, Khu đi tích tuy là đơn vị sự nghiệp công lập có thu (từ khách tham quan nước ngoài) nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh Côvid từ năm 2019 nên nguồn thu không có. Trong khi đó ngân sách nhà nước cấp chỉ đảm bảo chi tiền lương, điện nước và văn phòng phẩm. Vì vậy để thực hiện được tốt hoạt động nghiên cứu sưu tầm, trưng bày chuyên đề từng bước theo Quyết định số 60/QĐ- BVHTTDL thì Khu di tích vẫn còn gặp vướng mắc, khó có thể áp dụng với điều kiện của đơn vị trong thời gian này.

Thứ hai, để thực hiện tốt những hoạt động nghiên cứu sưu tầm và trưng bày chuyên đề hiện nay Khu di tích cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể: Nguồn kinh phí được nhà nước cấp hàng năm phục vụ cho những hoạt động này rất ít. Những năm gần đây Khu di tích sử dụng kinh phí cho hoạt động sưu tầm, trưng bày chủ yếu

 

CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN NGHIỆP VỤ

 

 

từ nguồn thu của đơn vị. Trong khi đó rất nhiều tài liệu hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện đang được nhiều người dân lưu giữ, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để bảo quản, giữ gìn, nhất là những hiện vật dễ bị hư hỏng, bị mai một theo thời gian (đồ giấy, vải, nhựa...). Đây là những hiện vật gốc, độc bản có giá trị và ý nghĩa lớn lao nhưng lại rất khó sưu tầm vì không đủ kinh phí để mua, dẫn đến hiện vật bị thất thoát, hư hỏng, hoặc tư nhân hóa. Ngoài ra, trong quá trình đi sưu tầm, không phải cán bộ nào cũng có đủ khả năng, trình độ để tự xác định được những hiện vật quý, hiếm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn phải thông qua Hội đồng thẩm định hiện vật sưu tầm.

Thứ ba, hoạt động trưng bày chuyên đề của Khu di tích hàng năm không chỉ diễn ra tại Khu di tích mà còn được phối hợp với nhiều địa phương khác nhau trong cả nước với mong muốn tuyên truyền hiệu quả nhất về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh tới nhân dân cả nước. Tuy nhiên, với Quyết định 60/QĐ- BVHTTDL, Khu di tích chưa có áp dụng cụ thể về việc thực hiện các trưng bày chuyên đề lưu động hoặc phối hợp thực hiện với các địa phương, đơn vị. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về quy trình sưu tầm và trưng bày chuyên đề tại nước ngoài vì đặc trưng mỗi nước rất khác nhau về cơ chế nên cần linh hoạt trong việc đưa ra các quy định về vấn đề này.

Thứ tư, cần khuyến khích các bảo tàng công lập, các di tích thực hiện xã hội hoá, kêu gọi các nguồn tài trợ cho hoạt động sưu tầm và trưng bày chuyên đề tại các đơn vị bằng các quy định hợp lý, cập nhật xu thế hiện nay, để tiết kiệm được kinh phí cho Nhà nước.

Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL ban hành quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa của bảo tàng công lập với những quy định cụ thể về nội dung quy trình tổ chức và các định mức kinh tế - kỹ thuật đã giúp các Bảo tàng, di tích công lập nói chung và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nói riêng có định hướng rõ ràng, chi tiết, cụ thể và khoa học để hoạt động sưu tầm hiện vật và trưng bày chuyên đề đạt hiệu quả tốt hơn. Với những kết quả đạt được, Khu di tích hi vọng góp phần quan trọng để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tuyên truyền quảng bá về hình ảnh di tích lịch sử, văn hoá Việt Nam với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)