Khu Di tích Phủ Chủ tịch góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
ThS. Lê Thị Thanh Loan
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng không gian mạng để phát tán các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, biến thành công cụ đắc lực chống phá Đảng, Nhà nước ta. Để nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt được hiệu quả cao trong thực tiễn, chúng ta cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về nền tảng tư tưởng, đặc biệt là những nội dung trọng tâm của công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.
1. Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam
Nền tảng tư tưởng là hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm mang tính nhất quán, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của một cá nhân, giai cấp, dân tộc (được hình thành trên một cơ sở thực tiễn nhất định) có tác dụng chỉ đạo chủ thể trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đối với một giai cấp, một dân tộc thì nền tảng tư tưởng là cơ sở lý luận, là quan điểm chỉ đạo, là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho sự phát triển. Nền tảng tư tưởng khoa học, đúng đắn sẽ dẫn dắt giai cấp, dân tộc, xã hội đó phát triển tiến bộ, tích cực và ngược lại. Nền tảng tư tưởng không có sẵn mà nó xuất hiện trên cơ sở hoạt động thực tiễn của con người. Vì thực tiễn luôn luôn thay đổi, nên nền tảng tư tưởng không phải là một cái gì đó bất biến, mà luôn luôn phải bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Dưới sự dìu dắt, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi thành lập cho đến nay, Đảng luôn thể hiện rõ vai trò của một đảng cách mạng chân chính, hội tụ sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Cùng với quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động"(1\ Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết lý luận sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, mà cơ bản, trọng yếu, cốt lõi, nhất là: Triết học, Kinh tế chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Học thuyết này do các nhà kinh điển dày công xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX trên cơ sở thực tiễn chủ nghĩa tư bản đã và đang chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc; phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới đang phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi như: Công xã Paris, Cách mạng Tháng Mười Nga, sự ra đời Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết, giải phóng hàng trăm triệu nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, đế quốc và tư bản.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi(2).
Gần đây, khái niệm Nền tảng tư tưởng còn được hiểu rộng hơn, đó còn là các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về các vấn đề chiến lược của đất nước (như về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, Về an ninh - quốc phòng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa,...). Những nội dung này chưa được đề cập chính thức trong các văn kiện của Đảng, mà chỉ được nhắc tới trong những bài nói chuyện, phát biểu của các lãnh đạo cao cấp của Đảng.
2. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa sống còn trong bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với vị trí, vai trò quan trọng như trên, nền tảng tư tưởng luôn luôn là đối tượng và mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch phản động. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ, chống đối nền tảng tư tưởng của Đảng ta, hòng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta dao động, chệch hướng. Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng được nhận thức từ rất sớm và ngày càng trở thành việc làm liên tục, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết số 35-NQ/ TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018) nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn kiên trì, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đảng và nhân dân ta đang tiếp tục công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(3), nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng vẫn diễn ra với những khó khăn, thử thách mới, các thế lực thù địch càng tìm cách chống phá tinh vi, quyết liệt hơn. Đó là xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ truyền thông, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc Cách mạng 4.0 với sự phát triển siêu tốc của Internet, mạng xã hội,... tạo nên “thế giới phẳng”, những thông tin không được kiểm soát, gây nhiều khó khăn cho việc tiếp nhận, phân tích, luận giải để hiểu thấu đáo nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thêm vào đó là sự tồn tại, phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản và những khó khăn, thách thức cùng sự kéo dài của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường trên nhiều phương diện; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nạn tham nhũng, “lợi ích nhóm”,... diễn ra còn nhiều, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với mục đích bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập,... Chúng ra sức xuyên tạc, bóp méo, bôi nhọ tư tưởng, đạo đức, tác phong, cuộc đời riêng của Hồ Chí Minh; Tách tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối, chính sách của Đảng; Ra sức tuyên truyền xuyên tạc việc giữ gìn thi hài Bác, bảo quản, tôn tạo các công trình lưu niệm về Người là việc làm tốn kém... Chúng triệt để lợi dụng không gian mạng để tung các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đây được coi là vùng “lãnh thổ đặc biệt” đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Mỗi khi đất nước ta có các sự kiện chính trị quan trọng, các thế lực thù địch lại lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, của cán bộ, đảng viên ta. Âm mưu của chúng không mới nhưng những phương thức, thủ đoạn thì ngày càng tinh vi, nham hiểm hơn. Theo Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, trong 5 năm qua, đặc biệt trong thời gian Đảng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII, các thế lực thù địch tập trung vào một số hoạt động, như: Tạo lập hàng ngàn trang mạng xã hội,. trong đó nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức có uy tín, núp dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường, dân sinh để thu hút người đọc, qua đó lan truyền các nội dung chống Đảng, Nhà nước; sử dụng các đài, báo bên ngoài kết hợp các kênh mạng xã hội để viết bài, cắt ghép, nhào nặn video xuyên tạc, phê phán Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp; lan toả các thông tin lượm lặt từ báo chí trong nước và từ tài khoản Facebook của một số cá nhân có quan điểm cực đoan trong nước nhằm phê phán chính quyền, Đại hội Đảng các cấp; Tổ chức soạn thảo, phát tán “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”, “đơn kêu cứu",... để thu hút sự chú ý của dư luận, cổ xúy hoạt động của một số đối tượng có quan điểm cực đoan,...
Cùng với các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, những đối tượng xấu cũng chĩa mục tiêu vào người dân để lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, gây thiệt hại về kinh tế, làm suy giảm niềm tin của người dân về đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, các đối tượng xấu còn giả mạo tin nhắn định danh của các cơ quan, doanh nghiệp như Bộ Công an, Tòa án, công ty viễn thông, ngân hàng, ví điện tử... khiến nhiều người dùng mất cảnh giác, bị dẫn dụ truy cập vào các website giả mạo do chúng lập ra, từ đó người dùng bị đánh cắp các thông tin cá nhân và bị lừa đảo tài sản, tinh thần, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng con người.
Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp thúc đẩy ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng; xây dựng không gian mạng an toàn, trở thành nguồn lực mạnh mẽ để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16/9/2013 về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 17/6/2014 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới và mới nhất là vào ngày 12/6/2018, Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng... Đây chính là cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng niềm tin khoa học cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân về con đường cách mạng của nước ta, định hướng, hỗ trợ nhận diện, tham gia đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Có thể kể ra các giải pháp hiệu quả như: Xây dựng các chuyên trang, tuyến bài, các sản phẩm truyền thông hiện đại, thu hút, hấp dẫn bằng những hình ảnh, tranh minh họa, clip ngắn gọn, sống động; tổ chức cuộc thi thiết kế các sản phẩm truyền thông Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tổ chức các cuộc thi, trò chơi trực tuyến tìm hiểu chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng, lịch sử lãnh tụ; đặc biệt, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức các chiến dịch truyền thông gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn được dư luận quan tâm như “Tuổi trẻ với ngày hội bầu cử toàn dân”, “Nghị quyết Đại hội Đảng và hành động của tuổi trẻ”, “Tuổi trẻ xung kích trở lại với biển"... Các nhà mạng viễn thông, công nghệ thông tin cũng đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp, thường xuyên nắm bắt tình hình, trao đổi đánh giá, xử lý xóa, chặn việc phát tán các thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội góp phần đảm bảo trật tự xã hội.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch với vị thế là di tích cấp quốc gia đặc biệt, nơi lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc 15 năm cuối cùng, mang ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng. Trong những năm qua, bằng chính những công việc hằng ngày của mình, các thế hệ cán bộ, công nhân viên Khu Di tích đã nỗ lực hết sức mình giữ gìn di sản quý báu Bác để lại, tuyên truyền sâu rộng về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ tới đông đảo đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế. Đặc biệt từ khi Bộ Chính trị ra Chỉ thị 06-CT/TW về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Khu Di tích đã tổ chức đón tiếp và tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hàng triệu lượt khách đến tham quan, học tập. Những câu chuyện về những năm tháng Bác Hồ sống và làm việc tại nơi này qua lời kể của các hướng dẫn viên tại đây sẽ giúp khách tham quan có cái nhìn chân thực và sinh động nhất về cuộc đời của vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng khiêm tốn và giản dị, góp phần giáo dục lý tưởng sống lành mạnh cho mọi thế hệ người Việt Nam, bồi đắp tình cảm, niềm tin của nhân dân vào con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, vào bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp tại Khu Di tích, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, mạng internet, đặc biệt là thông qua kênh website chính thức của mình, Khu Di tích đã đăng tải nhiều công trình nghiên cứu và tư liệu có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng đạo đức sáng ngời của Người. Website chính thức của Khu Di tích trong những năm qua đã có lượng truy cập ngày càng tăng, tính đến ngày 09/8/2022 đã có 15.581.016 lượt người truy cập, trở thành kênh thông tin đáng tin cậy phục vụ cho việc tìm hiểu và nghiên cứu sâu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này góp phần đẩy lùi những luồng thông tin xấu độc, xuyên tạc, bóp méo về lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ, gây tâm lý hoang mang và dao động trong quần chúng nhân dân.
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, phát huy truyền thống của cơ quan nơi Bác đã từng sống và làm việc, các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động Khu Di tích đã nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng và Nhà nước đã giao phó: gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta. Bởi hơn nơi nào hết, đây chính là nơi hội tụ tình cảm tin yêu của nhân dân, sự ngưỡng mộ của bè bạn quốc tế và là pháo đài kiên cố, vững chắc nhất giúp chúng ta chống lại những âm mưu chống phá của mọi kẻ thù hữu hình hay vô hình.
Hơn 90 năm Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, là một chặng đường lịch sử vẻ vang với nhiều thành tựu vững chắc. Chúng ta luôn tự hào khi được sinh ra và trưởng thành, được hưởng những thành quả lớn lao của lịch sử để hôm nay được học tập, lao động, rèn luyện và cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết để kế tục sự nghiệp mà thế hệ cha anh đã để lại. Cuộc đấu tranh phòng chống các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng là trách nhiệm và sự đòi hỏi vào cuộc của các cấp, các ngành, các lực lượng, đặc biệt là sự ủng hộ giúp sức của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phát huy tốt tinh thần yêu nước, tham gia dũng cảm của tất cả các cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng đấu tranh trên không gian mạng chắc chắn sẽ đẩy lùi những mọi hoạt động chống phá tinh vi, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng như Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra. Trong cuộc chiến cam go trên mặt trận tư tưởng đó, có một phần đóng góp không nhỏ từ chính những công việc làm hằng ngày của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2011, tr.88.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2011, tr.88.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQG, H.2021, tập 1, tr.103-104.