Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và lớp huấn luyện chính trị trước khi về nước
Nguyễn Thị Thu Hằng
Phòng Hành chính, Tổng hợp
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cách mạng là sự nghiệp của triệu triệu quần chúng, muốn cách mạng thành công, phải có lực lượng lớn mạnh, phải xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, công tác tuyên truyền trong nhân dân làm cho từng người giác ngộ, thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí căm thù đối với bọn bóc lột, đàn áp, từ đó ủng hộ Đảng, đoàn thể, ủng hộ cách mạng là rất quan trọng. Để làm được điều này, Người đặc biệt chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, xã hội trước hết cho cán bộ, đảng viên. Trong chủ trương xuyên suốt này, lớp huấn luyện chính trị đầu năm 1941 tại Nậm Quang, một địa danh sát biên giới Việt - Trung do Người chỉ đạo tổ chức và tham gia giảng dạy trước khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng được coi là lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên.
Chủ trương bồi dưỡng lý luận cho cán bộ, đảng viên hình thành từ thời kỳ Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô khi Người phát hiện nhận thức chính trị, kỹ năng hoạt động của những đồng chí hoạt động cách mạng ở các nước thuộc địa còn rất thấp. Năm 1935, trong Thư gửi Ban Phương Đông ngày 16/1, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến tình trạng thiếu lý luận cách mạng, lúng túng trong công tác tuyên truyền, cổ động của đại đa số cán bộ đảng viên các Đảng cộng sản như Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia... và những sai lầm, bế tắc của họ do trình độ lý luận và chính trị rất thấp gây nên. Người thấy “tuyệt đối cần thiết là chúng ta phải giúp đỡ các đồng chí khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thu được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có”(1). Trong mỗi hoàn cảnh cách mạng, ở đâu Người cũng chú trọng huấn luyện nâng cao nhận thức, giúp cán bộ, đảng viên chấm dứt tình trạng lạc hậu về lý luận, tránh được những sai lầm, thất bại đau đớn. Từ những học viên được Người bồi dưỡng, huấn luyện tỏa đi khắp nơi, tiếp tục xây dựng mạng lưới tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng đã góp phần quan trọng tạo nên bước trưởng thành vượt bậc cho phong trào cách mạng cả về chất lượng hoạt động lẫn phạm vi ảnh hưởng. Đây có thể khẳng định là một trong những điều nổi bật nhất, hiệu quả nhất, có tác dụng sâu rộng nhất trong phương pháp cách mạng mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tạo và kiên trì theo đuổi.
Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc đang ở Trung Quốc và tìm cách bắt liên lạc tìm đường về nước, đầu tháng 10/1940, đến Quế Lâm, Người được bố trí ở một ngôi nhà nhỏ vách đất, lợp lá thuộc ngoại thành. Trong cuộc họp triệu tập tại một bãi cỏ ở vùng ngoại ô, Nguyễn Ái Quốc nhận định tình hình chung trên thế giới và Đông Dương càng có lợi cho ta, không nên ở Quế Lâm lâu, phải chuyển về biên giới tìm cách về nước ngay để hoạt động. Được tin hơn 40 thanh niên các dân tộc ở Cao Bằng vì bị đế quốc Pháp khủng bố mạnh, phải vượt biên chạy sang Quảng Tây, Nguyễn Ái Quốc nhìn thấy một cơ hội tốt để tổ chức đường liên lạc về nước. Người nói: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”. Người cử Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh, Vũ Anh đến Tĩnh Tây (thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để tìm cách liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước này. Tác giả T.Lan kể lại: “Ở biên giới Quảng Tây, không chắp được liên lạc, các đồng chí Trung Quốc giúp cho Bác đi Vân Nam. May mắn thay! Đến Côn Minh thì gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan và mấy đồng chí nữa. Thế nào, chuyến này cũng nhất định về nước! Bàn định kế hoạch xong, mấy anh em cùng nhau trở lại Quảng Tàv... Khi từ Côn Minh đến Tĩnh Tây thì gặp một nhóm thanh niên Cao Bằng, dẫn đầu là các đồng chí Quảng Ba, Hoàng Sâm.
Họ sang đây tìm người lãnh đạo cách mạng và đã gặp Trương Bội Công. Trương Bội Công là người Việt Nam sang Trung Quốc và làm việc cho Quốc dân đảng đã lâu năm. Tuy không hiểu biết gì về quân sự nhưng y đã được Tưởng Giới Thạch phong cho hàm thiếu tướng. Nay Tưởng phái y đến biên giới, nhằm lung lạc cách mạng Việt Nam. Gặp nhóm thanh niên, Trương Bội Công khoe khoang nhiều lắm, lên mặt “chí sĩ yêu nước”, “cách mạng lão thành” và sẵn sàng thu nạp đám thanh niên làm “bộ hạ” cho y. Nhưng anh em thanh niên cũng tinh quái đáo để. Chỉ nghe cách y nói khoác lác, họ cảm thấy y không phải là người cách mạng chân chính. Họ thất vọng. Họ sắp kéo nhau trở về Cao Bằng thì nhóm Bác vừa đến Tĩnh Tây. Các đồng chí Đồng, Giáp... tìm gặp nói chuyện với đám thanh niên hăng hái đó. Giải thích cho họ những bước đường cách mạng hiện nay. Bàn với họ mở ban huấn luyện. Anh em thanh niên rất hoan nghênh. Nói ngay, làm ngay. Tối hôm đó, họ rời khỏi Tĩnh Tây. Sáng hôm sau, Trương thiếu tướng ngủ dậy thì không thấy “bộ hạ” của y đâu nữa; cho người đuổi theo thì chậm quá rồi”(2).
Khoảng ngày 06/01/1941, Nguyễn Ái Quốc cùng với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp được Hoàng Sâm đưa đi dọc theo đường Long Lâm qua Nậm Bo xuống Nậm Quang. Nhân dân ở đây nghèo khổ, nhà lụp xụp, thưa thớt nhưng là cơ sở cũ của Hồng quân Trung Hoa nên trình độ giác ngộ cách mạng cao, rất có tình cảm với cách mạng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ký: “Đầu tháng 12, Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện. Chúng tôi lên đường về nơi Bác hẹn gặp. Từ đó còn phải đi bộ khá xa mới đến địa điểm đã chọn để mở lớp huấn luyện. Đường đi toàn đồi núi. Bác đi bộ rất nhanh, tất cả chúng tôi không ai theo kịp. Dọc đường thỉnh thoảng Bác lại dừng lại đứng chờ”(3). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho nhóm thanh niên Cao Bằng để đào tạo họ thành những hạt giống đỏ gây dựng phong trào trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Cộng sự tổ chức lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc có Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Trước tiên, Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện, phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Khi mỗi người phác xong, tất cả họp lại thông qua đề cương rồi mới viết. Viết xong lại họp lại, đọc chung và sửa. Cách làm việc của Bác kiên nhẫn và chu đáo. Nội dung chính trị phải đúng đắn, lời lẽ phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, hợp với ý nghĩ quần chúng. Bác rất chú trọng đến việc thực hiện sau này. Mục nào, cuối cùng có những câu hỏi: học xong về địa phương thì làm gì, làm như thế nào? Lần đầu tiên làm việc với Bác, ai cũng đã nhận thấy cách làm việc của Bác cụ thể, đến nơi đến chốn.
Chương trình huấn luyện gồm ba phần chính: tình hình thế giới và trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng nhằm chuẩn bị thành lập mặt trận dân tộc rộng rãi ở trong nước. Các tài liệu huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức biên soạn, sau in litô thành sách nhan đề “Con đường giải phóng”. Lớp học tổ chức ở ngoài trời, ai biết chữ thì ghi chép, ai mù chữ thì ngồi nghe, người hiểu nhanh nhắc lại cho người hiểu chậm. Hết phần nghe giảng đến phần thực tập, một nhóm đóng vai cán bộ, một nhóm đóng vai nhân dân. Nhóm đóng vai nhân dân nghe điều gì chưa rõ thì nêu ra, đề nghị giải thích thêm. Lớp học sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Buổi học đầu tiên, học viên đã thì thầm: “Đúng là cụ Nguyễn Ái Quốc rồi” và nhận ra các đồng chí trong ban lãnh đạo lớp rất kính trọng ông cụ mặc quần áo Nùng giản dị đó. Các ý kiến của ông cụ đưa ra đều được các đồng chí ấy nghiêm chỉnh chấp hành. Đồng chí Bằng Giang kể lại: “Tôi không bao giờ quên được hình ảnh Bác trong buổi gặp đầu tiên ấy. Đó là hình ảnh một ông cụ người Nùng, mặc bộ quần áo chàm giản dị, có vầng trán cao, đôi mắt sáng, nói tiếng Kinh với cách phát âm giống hệt người Tày - Nùng chúng tôi, nên nghe rất dễ hiểu. Cách giảng bài của Bác cũng rất dễ nhớ, dễ thuộc. Bác giảng về chương trình Việt Minh: toàn dân đoàn kết, đánh Pháp, đuổi Nhật. Khoảng tháng 5/1941, chương trình Việt Minh mới được đưa vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Pác Bó, nhưng tại lớp huấn luyện này, chúng tôi đã được học trước để đem về thực hiện thí điểm ở địa phương”(4). Khi giảng về đoàn kết, Bác lấy ví dụ bó đũa: nếu tách từng chiếc ra thì bẻ dễ gẫy, trái lại, nếu để cả bó thì không tài nào bẻ được. Đó là sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Đối với những vấn đề lý luận trừu tượng, Bác giảng giải bằng những hình ảnh cụ thể. Ngoài đoàn kết là vấn đề nhấn mạnh, công tác bí mật cũng hay được Bác nhắc đến. Bác dạy: hoạt động trong vòng vây bí mật của đế quốc, đầy rẫy mật thám, chỉ điểm, cán bộ phải tuyệt đối giữ bí mật; lại phải vận động nhân dân cũng biết giữ bí mật thì bí mật mới giữ được hoàn toàn; nhân dân phải thực hiện “ba không”: không biết, không nghe, không thấy, cán bộ lúc đến cũng như lúc đi không được để lại dấu vết gì. Bác thường nhắc phải tuyệt đối trung thành với cách mạng, với chủ nghĩa cộng sản; khó khăn không từ, gian nan không nản, bảo đảm giữ vững khí tiết cách mạng, dám xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lớp học diễn ra vào cuối mùa đông. Tiết trời vùng biên giới rất rét nhưng sáng nào Bác cũng dậy sớm tập thể dục. Bác yêu thương chăm sóc anh em học viên. Thường thường, Bác thức khuya đọc tài liệu xem sách báo, trước khi đi ngủ Bác thăm lại giường nằm, thấy anh nào đạp tung chăn ra ngoài màn, Bác giắt lại cẩn thận. Bữa ăn kham khổ chỉ có vài bát cháo ngô loãng với muối và rau. Trong bữa cơm, anh em ăn món gì, Bác ăn món đấy, không có gì khác biệt, có thức ăn gì dành riêng, Bác lại đem chia, anh em “cảm thấy ông cụ rất hiền lành và đối với chúng tôi rất bình đẳng”(5).
Bác quan tâm rèn luyện đạo đức và tác phong công tác cho học viên. Anh em ở phân tán trong nhà dân, ngay từ những ngày đầu, Bác bảo: “Ở nhà người ta phải quét dọn sạch sẽ, ang nước phải đầy, bếp củi phải đủ”. Người căn dặn kỹ lưỡng về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân. Năm điều nên làm là: Giúp dân những công việc thiết thực hằng ngày; Tìm hiểu phong tục, tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng; Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây tình cảm tốt với dân; Tùy nơi, tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; Làm cho dân thấy mình là người đúng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật; do đó dân càng tin và giúp ta. Năm điều nên tránh là: Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa ruộng vườn của dân; Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được; Tránh sai lời hứa; Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân; Tránh lộ bí mật. Muốn được quần chúng làm bình phong bảo vệ, che chở cho cách mạng, cán bộ không được làm cái gì trái với ý quần chúng, trái với phong tục tập quán địa phương. Có phong tục tốt, cần giữ lại, có phong tục tập quán không tốt, cần phải thay đổi nhưng không phải tự ý cán bộ thay đổi ngay một lúc mà phải vận động từ từ để quần chúng giác ngộ và tự cải cách lấy. Sau hôm khai giảng, Bác cùng tất cả học viên đi lấy củi giúp dân. Nhân dân ở làng giàu tình cảm với cách mạng nhưng đời sống còn rất nghèo khổ. Việc lo ăn cho mấy chục người cả tháng không phải là một việc dễ. Đồng chí Đặng Văn Cáp được giao nhiệm vụ tiếp tế lương thực nhưng mọi người đều phải góp sức. Mỗi buổi sáng, học viên đều đi lấy gạo, bắp về giã, kiếm củi để nấu ăn và giúp đỡ đồng bào. Sáng dậy, Bác cùng anh em quét dọn trong nhà ngoài sân xong mới vào lớp. Vào kỳ giáp Tết, nhân dân lo chuẩn bị củi. Bác chỉ thị cho cả lớp giúp dân. Dân làng chặt củi, anh em vác củi về nhà. Đường chuyển củi phải vượt mấy khe núi, buổi sớm sương ướt đường trơn, thế mà sáng nào Bác cũng đi vác củi với anh em. Do thực hiện tốt và đầy đủ các điều Bác dạy, lớp học được nhân dân tin yêu ngay từ buổi đầu. Dân trong làng không hiểu dạy gì, học gì nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng năng. Bà con cho mượn nhà rất mến vì vò nước bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì các đồng chí đều tham gia làm giúp. Các em nhi đồng được dạy hát múa, không còn nghịch ngợm, đánh nhau như trước nữa. Bác bảo: “Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tịch mịch trong một thung lũng âm u vui hẳn. Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”(6).
Ngày 26/1/1941 (29 Tết), lễ tốt nghiệp lớp huấn luyện được tổ chức giữa khu rừng vắng vẻ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Sau những ngày học tập, mọi người phấn khởi, náo nức hẳn lên. Anh em chúng tôi đứng vây quanh Bác, biết rõ ông cụ mảnh khảnh mặc bộ quần áo Nùng giản dị này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Lá cờ đỏ sao năm cánh phấp phới bay trong gió lạnh như một ngọn lửa thiêng sưởi ấm tâm hồn chúng tôi, khi còn là những người dân mất nước, phải sống xa quê hương. Chúng tôi ngoảnh mặt cả về phía Nam, hoan hô tinh thần khởi nghĩa Nam Kỳ, thề sẽ thẳng tiến không lùi trên con đường cách mạng chông gai, một ngày kia sẽ đem lá cờ thiêng liêng này về nêu cao tinh thần giữa Thủ đô”(7). Không chỉ anh em thanh niên thấy rõ con đường của mình đi và những việc cụ thể mình phải làm, ngay cả các đồng chí phụ trách huấn luyện cũng được trưởng thành nhiều. Nói về kỷ niệm lớp học, đồng chí Vũ Anh kể trong hồi ký: “Đây là lần đầu tiên làm việc với Bác ở một lớp huấn luyện nhưng chúng tôi học tập được rất nhiều. Sau này, mỗi lần nhận được một công tác nào của Đảng giao cho, tôi lại nhớ đến cách làm việc của Bác ở lớp huấn luyện đầu tiên ấy mà cố làm cho có kết quả”(8).
Sau lớp huấn luyện ngắn ngày gần biên giới, các học viên về ngay trong nước, nắm lại các cơ sở quần chúng, tìm cách phục hồi phong trào. Anh em lên đường, Bác vui vẻ nói: thế là 43 con đại bàng đã bay đi, sắp tới sẽ báo tin lành về. Ta phải chuẩn bị đón tiếp tin lành ấy. Chỉ sau vài tuần các đồng chí đã xây dựng được một số cơ sở và về Pác Bó báo cáo xin kế hoạch mới. Các đồng chí thường đi đến gần sáng mới tới chỗ Bác. Bác để cho ngủ đến bữa cơm. Buổi trưa Bác nghe báo cáo và dặn dò chỉ bảo từng người vận dụng những điều đã học vào công tác vận động quần chúng. Được rèn luyện, trưởng thành trong lửa đấu tranh, nhiều học viên sau này đã trở thành những cán bộ quan trọng của đất nước.
Từ những hạt giống đỏ trung kiên, nòng cốt ban đầu của lớp huấn luyện chính trị tại bản Nậm Quang đã nhân thành nhiều đốm lửa khắp chiến khu Việt Bắc, đem ánh sáng cách mạng, ánh sáng Bác Hồ ngày càng lan tỏa thấm sâu vào lòng dân, gây dựng phong trào phát triển rất nhanh trong sự chở che, ủng hộ của đồng bào. Có lẽ hơn ai hết, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thấu hiểu sâu sắc khi vận động quần chúng làm cách mạng, nếu nói lên được những nguyện vọng nóng bỏng của quần chúng, những điều liên hệ mật thiết đến đời sống thì quần chúng rất dễ tiếp thu, công tác vận động sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ quần chúng tiến lên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Giữa không khí vắng lạnh của núi rừng thâm sâu, công tác tuyên truyền hết sức kín đáo, bí mật nhưng đã chạm đến được nguyện vọng nóng bỏng và tạo dựng được lòng tin vào Đảng trong tâm hồn chất phác của đồng bào miền núi và một khi cách mạng đã đem đến cho họ lòng tin thì không có sức nào lay chuyển được.
Nậm Quang - mảnh đất rất gần biên giới với Việt Nam, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện chính trị cũng là nơi bước đệm cuối cùng trước khi Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba góc biển chân trời gian lao, nung nấu ý chí phục hưng dân tộc. Kết thúc lớp huấn luyện gần một tháng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc chuẩn bị về nước. Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Bác xúc động đứng lặng hồi lâu. “Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”(9). Sau bao năm xa đất nước, hoạt động từ Đông sang Tây, Bác đã trở về góc rừng hoang vắng với bộ quần áo chàm giản dị, tự nhiên trong vai một ông già người Nùng. Từ khi Bác về nước lãnh đạo cách mạng, đất nước có bàn tay người chèo lái trực tiếp, bao chiến công vang dội nối tiếp nhau nở hoa kết trái đã đưa dân tộc Việt Nam từng bước đi đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc, để đến hôm nay Tổ quốc vẫn đang được dẫn dắt bằng tư tưởng, bằng sức mạnh tinh thần vĩ đại mà Người thắp lửa, trao truyền.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 3, tr.111-112.
2. T. Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, tr70-72.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, tr.25.
4. Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb. Việt Bắc, 1975, tr.22.
5. T. Lan, Bác ăn tết với chúng tôi, báo Nhân dân số 2523 ngày 14/2/1961.
6. T. Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, tr.73.
7. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, tr.26.
8. Đỗ Hoàng Linh (sưu tầm và biên soạn), Đường về Tổ quốc (giai đoạn 1930-1941), Nxb. Hồng Bàng, tr.235.
9. T. Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Sự thật, tr.73.