Luôn thấm nhuần lời Bác dạy: “Thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào miền núi”
Nguyễn Thị Kim Liên
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Sáng ngày 01/9/1962, nhân dịp Hội nghị cán bộ miền núi được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Hội nghị và có bài nói chuyện với các đại biểu. Tác phẩm được đăng báo Nhân dân, số 3083, ngày 02/9/1962(1). Mở đầu bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc miền núi, cũng chính là quan điểm nhất quán, rõ ràng của Người thể hiện qua những bức thư, những lời phát biểu, những buổi gặp gỡ, những chuyến đi thăm đồng bào. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất, là: đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.
Phần tiếp theo của bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ vị trí, tầm quan trọng, tiềm năng to lớn của khu vực miền núi trong sự nghiệp cách mạng: “miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta”. Cụ thể là: “Về số người thì đồng bào miền núi chiếm 1 phần 5 tổng số nhân dân nước ta. Miền núi chiếm 2 phần 3 tổng số diện tích nước ta, và có hơn 3.000 cây số biên giới. Tục ngữ ta có câu “Rừng vàng, biển bạc”, câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp”. Đồng bào miền núi có truyền thống cần cù và dũng cảm, một lòng kiên trung, tin tưởng và đi theo Đảng, đóng góp công sức, không quản hy sinh cùng cả dân tộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Từ đánh giá đúng vai trò của miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách dân tộc, đã có nhiều quyết sách quan trọng, có tính bước ngoặt để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con miền núi. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1955), sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước đối với đồng bào miền núi đã thu được những thành tựu to lớn. Như trong bài nói tại Hội nghị miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Trước kia, miền núi thường bị đói kém, thường thiếu lương thực. Nay có nhiều vùng sản xuất lương thực đã tăng, đã biến thiếu lương thực thành đủ lương thực, biến đói thành no. Trước kia, dưới chế độ thối nát của thực dân và phong kiến, hơn 95% nhân dân miền núi bị mù chữ. Nay nhờ sự săn sóc của Đảng và Chính phủ, đại đa số đồng bào đều biết đọc biết viết, nạn mù chữ gần được thanh toán. Đồng bào Thái, Tày, Nùng và Mèo đã có chữ của mình”.
Sự đổi thay đó không chỉ nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà còn từ nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, không trông chờ, ỷ lại của đồng bào các dân tộc. Với những thông tin, con số cụ thể chính xác: “ở Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua, trong số 50 hợp tác xã được tặng danh hiệu tiên tiến, thì có 16 hợp tác xã của miền núi. Trong số 9 hợp tác xã được tặng cờ thì có 2 hợp tác xã của miền núi là Cao Đa (Tây Bắc) và Tân Tiến (Thái Nguyên)”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương các thành tích, những người tốt, tập thể tốt, kinh nghiệm tốt của đồng bào miền núi. Đó là tỉnh Hải Ninh (địa danh nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) nhờ vừa chú trọng trồng lúa và hoa màu nên đã không chỉ tự túc được lương thực mà còn có lương thực bán vượt mức cho Nhà nước; Khu tự trị Tây Bắc phát triển chăn nuôi khá; Các huyện Quỳ Châu và Nghĩa Đàn (Nghệ An) làm nghề rừng khá; Thái Nguyên chú trọng phát triển công nghiệp địa phương và các hợp tác xã thủ công; Hòa Bình thì có sáng kiến tổ chức trường thanh niên xã hội chủ nghĩa, vừa lao động để tự túc, vừa học tập để trở nên cán bộ địa phương. Từ phong trào thi đua chung của các địa phương đã xuất hiện ngày càng nhiều đồng bào dân tộc tiêu biểu, trở thành tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo: “Miền núi có 64 chiến sĩ thi đua nông nghiệp, và 4 anh hùng là các đồng chí: Nguyễn Thị Khương (dân tộc Mường, Hòa Bình); Lò Văn Muôn (dân tộc Thái, Tây Bắc); Bàn Văn Minh (dân tộc Dao, Tây Bắc); Châu Vồ Mủn (dân tộc Hán, Hải Ninh)”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ ra những khuyết điểm và thiếu sót mà cán bộ và nhân dân miền núi cần phải kiên quyết sửa chữa như: Việc chăn nuôi trâu bò và trồng cây công nghiệp phát triển còn chậm; Còn có tình trạng khai thác rừng bừa bãi; việc quản lý hợp tác xã ở nhiều nơi chưa được tốt.
Để đạt được mục đích “Nhân dân no ấm hơn, mạnh khỏe hơn. Văn hóa sẽ cao hơn. Giao thông tiện lợi hơn. Bản làng vui tươi hơn. Quốc phòng vững vàng hơn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa
phương miền núi, phải quan tâm làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của đồng bào. Do đó, ở phần tiếp theo, cũng là phần trọng tâm của bài nói, Người đã sử dụng liên tiếp 10 từ “phải” để chỉ rõ những vấn đề quan trọng đối với khu vực miền núi như: về kinh tế phải “củng cố tốt và phát triển tốt các hợp tác xã của nhân dân, các nông trường và lâm trường của Nhà nước”; “phát triển nông nghiệp một cách toàn diện”; “kết hợp chặt chẽ: công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp; sản xuất và chế biến, thương nghiệp và giao thông”; về văn hóa - xã hội phải “chú trọng bình dân học vụ và bổ túc văn hóa”, “việc vệ sinh phòng bệnh, để giữ gìn sức khỏe của đồng bào”. Và từ vị trí chiến lược của khu vực miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ địa phương “Phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác của nhân dân, giáo dục cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ và nghĩa vụ giữ gìn trật tự trị an, nghĩa vụ bảo vệ bản làng và Tổ quốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh “Miền núi đất rộng người thưa, tình hình vùng này không giống tình hình vùng khác” do đó trong cách lãnh đạo phải “áp dụng chủ trương và chính sách phải thật sát với tình hình thực tế của mỗi nơi. Tuyệt đối chớ rập khuôn, chớ máy móc, chớ nóng vội”, “Lãnh đạo phải có quyết tâm; phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến những nghị quyết của Đảng thành lực lượng của nhân dân”. Cũng từ thực tế trong phong trào hợp tác hóa lúc bấy giờ, nhiều địa phương vi phạm các nguyên tắc xây dựng hợp tác xã, đặc biệt là nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cho nên Bác cũng lưu ý “phải ra sức cải tiến việc quản lý của các hợp tác xã. Ban quản trị phải thật dân chủ, thật công bằng, một lòng một dạ phục vụ lợi ích của xã viên và của hợp tác xã”.
Kết thúc bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc nhở “Mỗi ngành, mỗi bộ ở Trung ương cần phải nhận rõ phần trách nhiệm của mình đối với miền núi và chú trọng hơn nữa công tác ở miền núi” và một lần nữa Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên là phải làm gương mẫu trong mọi công tác, làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào miền núi”.
60 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị cán bộ miền núi và có bài huấn thị thể hiện những quan điểm của Người về chính sách dân tộc. Quan điểm này luôn được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong những năm qua, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Có thể kể đến Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa... đều đã đem lại hiệu quả thiết thực: thực hiện xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh. để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng vùng đồng bào các dân tộc miền núi. Từ đó góp phần củng cố và tăng cường khối đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số nói riêng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, tạo ra khối sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ổn định tình hình an ninh, chính trị của đất nước.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb. CTQG, H.2011, tập 13, từ tr.458 đến tr.462.