Trương Tuấn Thường
Trương Tuấn Thường là một trong những lưu học sinh Trung Quốc được cử sang Việt Nam học tiếng Việt và nhiều lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là buổi gặp gỡ thân mật giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với lưu học sinh Trung Quốc tại Phủ Chủ tịch ngày 2/10/1964. Trong buổi gặp gỡ này Người bàn nhiều về phương pháp học ngoại ngữ. Dưới đây là bản dịch bài viết cuả Trương Tuấn Thường được đăng trên báo Người Cao tuổi Trung Quốc số 296. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Năm nay kỷ niệm 50 năm ngày tôi được Bộ Giáo dục Đại học Trung Quốc gửi sang Việt Nam học tập. Trong thời gian 5 năm nghiên cứu, học tập tại đất nước láng giềng thân thiện đã để lại những tình cảm vô cùng sâu sắc: tôi đã cùng các bạn Việt Nam sớm tối bên nhau, cùng thầy trò Việt Nam học khảo cổ, đến các vùng dân tộc thiểu số khảo sát nghiên cứu, đến lao động ở nông trường quốc doanh, tham gia huấn luyện quân sự… đã có rất nhiều câu chuyện thú vị để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Thời gian qua đi, nhiều kỷ niệm có thể phủ mờ bởi lớp bụi thời gian, nhưng ánh mắt, nụ cười và nội dung buổi tiếp thân mật tất cả lưu học sinh Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc vào sáng ngày 2/10/1964 tại Phủ Chủ tịch Hà Nội, vẫn còn mãi trong tôi, không thể nào tôi có thể quên được.
Tối ngày 01/10/1964, tại đại sứ quán, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Chu Kỳ Văn cùng phu nhân long trọng tổ chức tiệc chiêu đãi kỷ niệm lần thứ 15 ngày quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ủy ban Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội của Việt Nam đã tới tham dự. Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn luôn yêu thương và quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên. Khi nhìn thấy tại quầy lễ tân các lưu học sinh Trung Quốc đang giúp đỡ nhân viên ngoại giao phiên dịch và đón khách, Chủ tịch rất vui mừng và đề nghị sáng ngày mai tại Phủ Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đón tiếp đoàn lưu học sinh Trung Quốc .
Sáng ngày 02 tháng 10, bầu trời trong xanh và nắng đẹp. Lưu học sinh Trung Quốc trang phục chỉnh tề, tập trung tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Tất cả lên một chiếc xe lớn, xe chạy qua đường Điện Biên Phủ, qua Quảng trường Ba Đình lịch sử, từ cổng bên bờ Hồ Tây từ từ vào Phủ Chủ tịch. Trên đường đi, xe luôn tràn ngập tiếng cười. Khi lưu học sinh Trung Quốc bước vào hội trường, đồng chí Trương Tế Xuân và đồng chí Tôn Hiểu Thôn dẫn đầu đoàn đại biểu Hội hữu nghị Trung-Việt, đồng chí Cát Thâm dẫn đầu đoàn giao thông Trung Quốc. Đồng chí La Liệt dẫn đầu đoàn nhà báo Trung Quốc, Trương Trạch Dị dẫn đầu đoàn phim truyền hình Trung Quốc, Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên- Giáo sư Thẩm Phúc Văn dẫn đầu, Tổng cục chính trị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc do đồng chí Lỗ Uy dẫn đầu, các phóng viên truyền hình Bắc Kinh cũng đã có mặt đông đủ. Phía Việt Nam cùng tiếp với Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có quyền Thủ tướng Chính phủ Phạm Hùng (Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn Việt Nam đang ở Trung Quốc tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc), Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung- Hoàng Quốc Việt, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài Phạm Hồng và đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Chu Kỳ Văn cũng có mặt.
Sau khi lưu học sinh Trung Quốc ổn định chỗ ngồi, nữ sinh viên Trương Ninh - người Thượng Hải ngồi ở hàng ghế đầu đối diện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy vậy, Người đã dùng phương ngữ Thượng Hải với cụm từ cuối: "A, Tôi là người Thượng Hải ". Cả hội trường phá lên cười vui vẻ, tất mọi người cảm thấy những ràng buộc về lễ nghi đều biến mất. Sau đó, Hồ Chủ tịch gửi lời chúc sức khỏe tới phái đoàn Trung Quốc, cảm ơn những cuộc viếng thăm và những buổi biểu diễn ấn tượng ở Việt Nam. Tiếp đó Người ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, học tập và cuộc sống của các lưu học sinh. Bàn về vấn đề học ngoại ngữ, Người nói: "Những năm đầu Bác đến nước nào đều học tiếng nước đó, phương pháp này là vừa làm việc vừa học. Giáo viên dạy Bác học ngoại ngữ là những người xung quanh Bác. Đôi khi muốn biết là làm thế nào để viết từ “chảo nhỏ” bằng tiếng Pháp. Bác chỉ vào nồi rồi hỏi một người Pháp. Hỏi xong, Bác viết lên một mảnh giấy, và dán vào cái chảo hay ở nơi dễ thấy nhất trong nhà. Có khi Bác viết hẳn vào cánh tay để tranh thủ vừa làm, vừa học. Cứ như vậy, ngày qua ngày chúng ta có thể nhớ rất nhiều từ mới. "
Khi nói về việc học ngoại ngữ, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: để nắm vững một ngôn ngữ nước ngoài thì yếu tố quyết định chính là kiên trì. Bác nói: "Học ngoại ngữ, chúng ta phải tuyệt đối không được lo lắng và suy nghĩ tham lam, mỗi ngày Bác học chỉ khoảng 10 từ, học đều đặn, thông thuộc hoàn toàn những từ cũ sau đó mới học từ mới. Học thuộc được từ đó, Bác sẽ tìm cách để sử dụng nó ngay lập tức vào câu. Học tập như vậy, không bao lâu Bác đã có thể viết báo, viết sách bằng tiếng nước ngoài”. Trong cuốn hồi ký "Những tháng ngày tại Quảng Châu và Xiêm" của tác giả Lê Mạnh Trinh, nguyên phó chủ nhiệm Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Lao động Việt Nam, đã viết: Năm 1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động bí mật ở Udon, Xiêm (Thái Lan) lấy bí danh là Thầu Chín. Với mục đích gây thiện cảm với nhân dân địa phương, gần gũi họ để dễ bề hoạt động cho cách mạng Việt Nam, Thầu Chín đã trao đổi với các cán bộ cùng đi là cần phải học tiếng Thái Lan càng sớm càng tốt. Cùng học với nhau có tất cả là 10 người. Ai cũng hoan nghênh, và mọi người đều sốt sắng thực hiện chủ trương đó. Bác đề nghị bước đầu mỗi ngày học 10 từ sau đó tăng dần. Tất cả mọi người chê rằng như thế là học quá ít, yêu cầu cần phải học nhiều hơn và quả quyết rằng là hoàn toàn có thể thực hiện được. Có người hăng hái đề ra mỗi ngày phải học 50 từ mới, người này thì 40 từ, người kia thì 30 từ... Bác cười và căn dặn: “Tùy các chú, nhưng phải đều đặn và liên tục thì mới có kết quả”. Với Bác Hồ, mỗi ngày Bác chỉ học 10 từ Thái Lan. Ngày nào bận công tác đoàn thể thì hôm sau Bác quyết học bù cho đủ. Âm thầm, lặng lẽ, kiên trì, đều đặn và liên tục, nên chưa đến 3 tháng sau kết quả thật khả quan: Bác đã đọc thông, viết thạo tiếng Thái Lan. Còn những người khác chỉ háo hức lúc đầu. Sau đó thì ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới, chữ thầy lại trả cho thầy. Phương pháp học ngoại ngữ của Bác đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với các đồng chí Trung Quốc ngồi ở đây
Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Đại sứ Chu Kỳ Văn: "Đồng chí Đại sứ, gần đây phía Trung Quốc các bạn có gửi một số sinh viên sang học tiếng Việt tại một số trường đại học ở Việt Nam điều đó là rất cần thiết, nhưng tôi xin kiến nghị với đồng chí Đại sứ rằng nên gửi thêm một số sinh viên nữa, số sinh viên này do tôi và đại sứ làm “hiệu trưởng”, sắp xếp cụ thể do thư ký của tôi và phiên dịch của đồng chí. Chúng ta sẽ sắp xếp những sinh viên này đến một nhà máy sản xuất, nửa buổi làm việc trong nhà máy, nửa buổi học tiếng Việt. Cuối năm học, chúng ta kiểm tra so sánh các học sinh học tập trong các trường học và các sinh viên vừa làm việc trong nhà máy vừa học bên nào học tiếng Việt đạt thành tích cao hơn. Nếu Đại sứ đồng ý chúng ta nên thực hiện sớm”.
Được nghe những lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch kính yêu đúng là "tốt hơn là đọc mười cuốn sách". Điều đó đã tác động rất sâu sắc trong công tác dịch thuật cũng như công tác báo chí của tôi sau này. Qua buổi gặp gỡ đã cho tôi rất hiểu rằng việc học một ngôn ngữ nước ngoài không chỉ ở trường mà còn cần phải học trong cuộc sống, phải kiên trì và có cách tiếp cận khoa học để học các kỹ năng thực tế .
Một thời gian ngắn sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ sinh viên Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã cử tám nam nữ sinh viên sang Việt Nam học tiếng Việt theo phương thức “vừa học vừa làm”. Họ được gửi đến một số nhà máy cùng với công nhân Việt Nam ăn ở, lao động. Học tiếng Việt do giáo viên Việt Nam giảng dạy, còn tổ chức định kỳ đến nghe giảng tại trường Đại học Tổng hợp. Theo giáo sư Vân Trang- cựu thư ký của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, phiên dịch của Đại sứ Chu Kỳ Văn, cán bộ nghỉ hưu trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, trong cuốn hồi ký "Kỷ niệm Hồ Chí Minh" đã viết: Vài tháng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho triệu tập tám sinh viên Trung Quốc được gửi đến Việt Nam vừa học vừa làm đó đến Phủ Chủ tịch rồi đích thân Người kiểm tra xem tiếng Việt của họ có tiến bộ hay không. Hơn 2 năm học tập sau khi tốt nghiệp trở về nước 8 sinh viên này đã có những cống hiến to lớn cho sự phát triển mối quan hệ hữu nghị Việt –Trung trên cương vị công tác của mình. Ngoài ra còn có hàng chục nam nữ sinh viên được gặp Bác Hồ sau này tất cả họ đều tình nguyện gia nhập quân đội Việt Nam ủng hộ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, khoác trên mình bộ quân phục họ xác định tham gia xây dựng và chiến đấu là nhiệm vụ hàng đầu và đã có những cống hiến trực tiếp trong sự nghiệp ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước. Đồng thời, khoảng thời gian được học tập, rèn luyện trên chiến trường đã đào tạo họ sau này trở thành những tài năng hiếm có. Đây là một nội dung đặc biệt ít người biết đến trong lịch sử của lưu học sinh Trung Quốc và trong giao lưu văn hóa Việt Trung.
ThS Phan Thị Hoài
Phòng TT- GD
(Sưu tầm và biên dịch