Một số giải pháp về công tác nghiên cứu sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch
ThS. Nguyễn Văn Dương
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (gọi tắt là Khu di tích), là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (từ 1954 đến 1969), cũng là nơi Người đã vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Sau khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta những di sản vô giá, đó không chỉ là kho tàng lý luận cách mạng mà còn các di tích, tài liệu, hiện vật gắn với cuộc sống đời thường của Người tại Phủ Chủ tịch. Hơn năm mươi năm hoạt động bảo tồn, bên cạnh nhiệm vụ bảo quản, gìn giữ lâu dài các di tích, tài liệu, hiện vật, thì công tác nghiên cứu sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật ở Khu di tích Phủ Chủ tịch đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
1. Thực trạng và những khó khăn trong công tác sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật tại Khu di tích Phủ Chủ tịch
Trước năm 1992, khi Khu di tích Phủ Chủ tịch còn là Ban Di tích nằm trong khối các cơ quan thuộc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh thì khối tài liệu, hiện vật như những đồ dùng sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồ dùng tiếp khách, bản thảo do Người viết, sách báo Người đã đọc, phim, ảnh về hoạt động của Người; thư điện và tặng phẩm của nhân dân Việt Nam cùng bè bạn quốc tế gửi tặng Người đều được lưu giữ và bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 1992, công tác sưu tầm tài liệu hiện vật phục vụ nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị Khu di tích được đẩy mạnh và xác định là một trong những hoạt động khoa học nghiệp vụ không thể thiếu. Vì vậy, song song với việc gìn giữ, bảo quản lâu dài các Di tích, tài liệu, hiện vật trong Khu di tích Phủ Chủ tịch thì Lãnh đạo cơ quan cũng hết sức chú trọng và từng bước tiến hành công tác sưu tầm, tiếp nhận tài liệu hiện vật để bổ sung cho kho và phục vụ công tác nghiên cứu trưng bày di tích. Sau nhiều năm đẩy mạnh công tác sưu tầm, tiếp nhận và bổ sung tài liệu, hiện vật, đến nay Khu di tích Phủ Chủ tịch đã sưu tầm được gần 1000 tài liệu, hiện vật (gốc, đồng thời và làm lại) cùng với gần 10.000 tư liệu (gồm phim, ảnh và các trang bản thảo tài liệu). Qua đó không chỉ bổ sung nguồn tư liệu, hiện vật vào kho cơ quan mà còn góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy tác dụng giá trị Khu di tích.
Nhưng trên thực tế, khối tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến hoạt động đối nội, đối ngoại vô cùng phong phú và đa dạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị là Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng (thời gian Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch) như: Chủ trì 600 cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ trì và tham dự nhiều kỳ họp của Quốc hội và Chính phủ; Thực hiện hơn 900 chuyến đi thăm các đơn vị, cơ sở và địa phương; Tiếp đón gần 700 đoàn đại biểu trong nước từ các đồng chí trong Bộ Chính trị, các lãnh đạo Bộ, ban, ngành đến các tổ chức, đoàn thể và gặp gỡ, hội đàm, trả lời phỏng vấn với hơn 500 đoàn ngoại giao, chính khách, nhà báo quốc tế; Ký quyết định tặng thưởng hơn 4000 huy hiệu của Người cho những cá nhân, tập thể có thành tích lao động, chiến đấu xuất sắc; Viết hơn 1300 bài báo, bài diễn văn, tác phẩm. Hơn 1000 là tặng phẩm của nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế gửi tặng Người. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ và quản lý khoảng gần 13 vạn đầu tài liệu, hiện vật; 67.759 phim ảnh, với 17 chuyên đề của 2428 sự kiện và hơn 2000 bản thảo liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh... Những tài liệu, hiện vật kể trên hiện đang được lưu giữ ở các cơ quan như: Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, các Bảo tàng, Thư viện, Thông tấn xã, các địa phương trong nước, một số cơ quan lưu trữ nước ngoài và các cá nhân trong xã hội.
Tuy nhiên việc sưu tầm, thu thập những tư liệu liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn Người sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch tập trung về Khu di tích lại là một vấn đề khó khăn không phải giải quyết, cụ thể: Khối tài liệu hiện vật là tặng phẩm thường được Bác tặng lại các cơ quan, trường học, các đơn vị, bộ đội... cho nên việc thu thập, ghi chép xây dựng hồ sơ khoa học cho tài liệu, hiện vật cũng nảy sinh một số vấn đề khó khăn. Ngoài ra, cán bộ làm công tác sưu tầm ít, địa bàn sưu tầm rộng, đối tượng sưu tầm phong phú và đa dạng, có nhiều trường hợp rất đặc thù, nhất là bên cạnh yếu tố chuyên môn còn đòi hỏi cán bộ sưu tầm phải có năng lực và trình độ chính trị, cũng như hiểu biết lịch sử và xã hội... Việc sưu tầm ở nước ngoài đòi hỏi sự chuẩn xác, đúng mực trong giao tiếp, khả năng xử lý công việc, trong hiểu biết về chấp hành những quy định, pháp luật ở nước sở tại... Bên cạnh đó, hiện nay việc phát hiện những tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác Hồ ngày càng khó khăn vì các nhân chứng theo thời gian đã già, trí nhớ giảm, nhiều người không còn nữa nên hiện vật đã bị thất lạc hoặc những câu chuyện gắn với hiện vật, gắn với cuộc đời sự nghiệp của Bác cũng bị mai một, không có điều kiện tra cứu, ghi chép chuẩn xác làm giảm đi lượng thông tin liên quan hiện vật, giảm đi sự hấp dẫn riêng của từng hiện vật đã từng gắn bó với Bác lúc sinh thời... Một số hiện vật khi sưu tầm về Khu di tích, hồ sơ ghi chép còn chưa đầy đủ, thông tin hiện vật chủ yếu là những lời kể lại của nhân chứng đã cao tuổi không tránh khỏi thiếu sót, nhầm lẫn... do đó việc xác minh cần phải thực hiện sau đó và cũng chiếm không ít thời gian. Mặt khác, công tác sưu tầm tài liệu hiện vật còn gặp khó khăn trong xác minh những tài liệu liên quan đến Bác, do các cá nhân, tổ chức trao tặng cho Khu di tích, nhất là đối với những tài liệu có bút tích của Bác. Bởi, ngoài khả năng chuyên môn nghiệp vụ thì cán bộ sưu tầm cũng phải biết phân biệt được đâu là hiện vật gốc, đâu là hiện vật đồng thời và đâu là hiện vật làm lại... Đây là một công việc khó khăn, đòi hỏi cán bộ làm công tác sưu tầm phải có kinh nghiệm tích lũy từ thực tế để tránh sự nhầm lẫn trong quá trình sưu tầm.
2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác sưu tầm tư liệu, tài liêu, hiện vật tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Từ tình hình thực tế trên, để công tác nghiên cứu sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật tại Khu di tích Phủ Chủ tịch đạt kết quả cao, góp phần phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học, trưng bày phát huy tác dụng về cuộc đời sự nghiệp, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác sưu tầm tư liệu, tài liêu, hiện vật tại Khu di tích Phủ Chủ tịch như sau: Một là, Khu di tích Phủ Chủ tịch cần đẩy mạnh hơn nữa công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật gốc, hiện vật đồng thời với việc sao chụp khối bản thảo, bút tích; khối băng đĩa, phim ảnh liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kỳ 1954-1969 tại: Cục lưu trữ Trung ương Đảng, Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, Hãng phim tài liệu trung ương, Thông tấn xã Việt Nam, các Bảo tàng từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt là kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi đang lưu giữ hàng vạn tư liệu, tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy nhanh hoạt động sưu tầm tài liệu, hiện vật trong quần chúng nhân dân càng sớm càng tốt, vì tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong nhân dân đều chưa có chế độ bảo quản khoa học mà hoàn toàn bảo quản trong điều kiện tự nhiên nên dẫn đến nhiều tài liệu, hiện vật đang đứng trước nguy cơ mai một và hư hại. Ngoài ra, Khu di tích cần chú trọng hơn nữa sưu tầm khối tư liệu hồi ký, hồi ức, chuyện kể của những người đã từng được gặp và trực tiếp làm việc với Bác Hồ. Vì nhân chứng ngày một ít đi, tuổi tác ngày càng cao, sức khỏe ngày càng yếu, nếu không khai thác thông tin, ghi âm, ghi hình nhân chứng kịp thời thì chúng ta sẽ mất một nguồn di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sau này sẽ không còn cơ hội để sưu tầm. Ngoài ra, Khu di tích cũng cần đẩy mạnh đi sưu tầm tài liệu, hiện vật ở nước ngoài, những quốc gia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, làm việc và đến thăm để sưu tầm khối tài liệu, hiện vật về Người hiện đang được lưu giữ ở các nước đó.
Hai là, Khu di tích cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, qua đó giúp cán bộ sưu tầm nắm chắc về sự kiện lịch sử, thông tin liên quan đến hiện vật để khai thác đúng và trúng, đồng thời phát hiện ra những tư liệu, tài liệu, hiện vật mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn Người sống tại Phủ Chủ tịch mà Khu di tích chưa có, như: Thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học để thu hút các cơ quan, nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia, qua đó tìm ra nguồn sưu tầm tài liệu, hiện vật về Bác Hồ, góp phần vào việc định hướng cho hoạt động sưu tầm hiện vật ngày một hiệu quả hơn; tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc trưng bày triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích cũng như tại các địa phương trong cả nước và quốc tế. Qua đó, huy động được sự tham gia đóng góp tài liệu, hiện vật cho các cuộc trưng bày triển lãm để có kế hoạch sưu tầm về cho Khu di tích. Đây là hình thức sưu tầm mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, mà trong thời gian tới Khu di tích cần đẩy mạnh hơn; đồng thời tăng cường xuất bản các ấn phẩm sách, đặc san - nơi công bố những kết quả công tác sưu tầm đạt được, tạo động lực thúc đẩy công tác sưu tầm ngày càng phát triển hơn.
Ba là, Khu di tích cần đẩy mạnh công tác kiểm kê tài liệu, hiện vật. Bởi đối với bất kỳ một Bảo tàng hay Di tích nào thì hiệu quả của công tác sưu tầm không chỉ được tính bằng số lượng, mà còn tính bằng kết quả của công tác xác minh, xây dựng hồ sơ cho hiện vật sưu tầm. Hồ sơ được ghi chép càng đầy đủ bao nhiêu thì càng nâng cao giá trị và ý nghĩa của hiện vật bấy nhiêu. Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm do yếu tố khách quan hay chủ quan mà nội dung nghi chép chưa được đầy đủ, một số thông tin chưa rõ ràng, có những hiện vật chưa rõ nguồn gốc xuất xứ. Để nâng cao chất lượng công tác sưu tầm thì Khu di tích cần thường xuyên nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ cho tài liệu, hiện vật sao cho nội dung thông tin liên quan càng chính xác, càng rõ ràng thì tài liệu, hiện vật càng có giá trị.
Bốn là, Khu di tích cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để công chúng nhận thức rõ hơn vị trí nhiệm vụ của Khu di tích, từ đó hiểu được vai trò của các hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các hoạt động của Khu di tích, nâng cao ý thức đóng góp, hiến tặng hiện vật cho Khu di tích của các cá nhân, các cơ quan, tổ chức xã hội... Nghĩa là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động sưu tầm vừa nhằm quảng bá về hình ảnh của Khu di tích, thu hút khách tham quan, đồng thời giúp công chúng nhận thấy mục đích tốt đẹp của hoạt động sưu tầm những tài liệu, hiện vật về Bác Hồ để tranh thủ sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan, cá nhân khi tiến hành công tác sưu tầm. Đồng thời, Khu di tích cũng cần có những chính sách biểu dương, khuyến khích bằng việc trao giấy chứng nhận, có chế độ bồi dưỡng hợp lý cho các tổ chức, cá nhân đã đóng góp tài liệu, hiện vật cho Khu di tích.
Năm là, Khu di tích cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ sưu tầm. Vì đây là lực lượng quan trọng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhằm phát hiện, tìm kiếm, thu thập, lựa chọn và lập hồ sơ lí lịch khoa học cho hiện vật để đưa về cơ quan.Vì vậy, với đặc thù là một di tích lưu niệm về danh nhân, cán bộ sưu tầm của Khu di tích cần phải trang bị những kiến thức về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử thế giới và các ngành khoa học hỗ trợ khác. Ngoài ra, cán bộ sưu tầm còn phải trau dồi thêm ngoại ngữ, đây là một lợi thế rất lớn khi tiến hành sưu tầm tài liệu hiện vật ở nước ngoài, vì vừa đỡ kinh phí thuê phiên dịch, lại có thể trực tiếp trao đổi, bày tỏ nguyện vọng để sưu tầm đạt hiệu quả cao hơn.
Nhìn chung để công tác sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật đạt được hiệu quả, chất lượng cao, Khu di tích Phủ Chủ tịch cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác sưu tầm trên cơ sở có sự kết hợp giữa các khâu công tác chuyên môn, nghiệp vụ khác để tạo thành một chỉnh thể thống nhất, hoạt động của công tác này vừa là tiền đề vừa thúc đẩy cho hoạt động của công tác kia phát triển. Qua đó, góp một phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác trưng bày tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như truyền thông quảng bá về hình ảnh di tích lịch sử, văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế khi đến thăm Khu Di tích./.