Một số hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong năm đầu tiên trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười (1923-1924)
Hồ Thị Quỳnh Trang
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp giai đoạn 1919-1921 thông qua những đóng góp của Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tại Hội Liên hiệp thuộc địa cùng với việc xuất bản báo Người cùng khổ được Quốc tế Cộng sản đánh giá cao. Người đã được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản (được diễn ra từ ngày 17/6 đến ngày 8/7/1924).
Trong hoàn cảnh bị mật thám Pháp thường xuyên theo dõi, Nguyễn Ái Quốc mất một thời gian khá dài để chuẩn bị cho chuyến đi. Người đã làm việc và sinh hoạt thật đều đặn: buổi sáng đi làm, buổi chiều đến thư viện, tối dự mít tinh, khuya về nhà ngủ, để mật thám Pháp quen thuộc với “quy luật hoạt động” này. Qua đó, Người cũng nắm được “quy luật theo dõi” của chúng: chỉ theo Người từ nhà trọ đến chỗ làm việc, đến chỗ đọc sách, đến nơi hội họp. Sau đó, tin chắc rằng Nguyễn Ái Quốc chẳng đi đâu nữa nên chúng ra về. Ngày 08/6/1923, Nguyễn Ái Quốc báo cho một vài người bạn rằng anh sẽ cùng một số hội viên Câu lạc bộ Phôbua đi du lịch chừng tám ngày ở vùng Xavoa phía Nam nước Pháp. Tối ngày 13/6, Nguyễn Ái Quốc lên xe buýt đi tham gia một cuộc mít tinh ở ngoại ô Pari. Độ nửa giờ sau, Người lặng lẽ đi về ga xe lửa. Một đồng chí tin cẩn đã chờ sẵn ở đó, trao cho Người một vé xe lửa hạng nhất (khách loại sang thường ít bị mật thám nghi ngờ) và một cái vali con. Nguyễn Ái Quốc đến Béclin (Đức) và được Cơ quan đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga cấp giấy đi đường lấy tên Chen Vang. Từ đó, Người đến cảng Hămbuốc lên tàu Các Lípnếch của Liên Xô khởi hành đi Pêtơrôgrát, đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười ngày 30/6/1923.
Sau một thời gian ở lại để xác minh nhân thân, giấy tờ từ đại diện Đảng Cộng sản Pháp trong Ban chấp hành Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đi Matxcơva. Tại thủ đô của nước Nga Xô viết, Nguyễn Ái Quốc ở tại phòng số 311, tầng 3 của khách sạn Luých số 10 phố Tveckaia. Đây là khách sạn tốt nhất lúc đó và trở thành khu nhà tập thể của cơ quan Quốc tế cộng sản dành cho các đồng chí lãnh đạo đảng, cán bộ, nhân viên giúp việc Quốc tế cộng sản và gia đình. Nguyễn Ái Quốc bắt đầu công tác ở Ban Phương Đông của Quốc tế cộng sản bằng việc viết thư cho Chủ tịch đoàn, trình bày ý kiến của mình về phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương và kêu gọi Ban lãnh đạo Quốc tế cộng sản quan tâm hơn nữa đến phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa, trong đó có Đông Dương. Tháng 7/1923, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia một cuộc diễu hành trên đồi Vorobjovy (tức Đồi Chim sẻ, Đồi Lênin) và ngày 29/7, tờ báo Công nhân Matxcơva đã đăng bức ảnh người thanh niên đại diện cho các dân tộc Đông Dương đang được công kênh lên cao để giới thiệu với đông đảo bạn đọc.
Tháng 10/1923, Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân được triệu tập, gồm 158 đại biểu, trong đó có 122 đại biểu chính thức, đại diện cho nông dân của 40 nước trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự hội nghị với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương. Ngày 10/10/1923, tại cung Andreyepxki trong điện Kremlin, Hội nghị quốc tế nông dân lần thứ nhất được khai mạc trọng thể. Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được vinh dự mời lên phát biểu ý kiến. Với đầu đề: Tại đại hội nông dân toàn thế giới, báo Pravđa ngày 12/10/1923 đã tường thuật lại sự kiện này như sau: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Đông Dương thuộc Pháp, phát biểu ý kiến. Diễn giả chỉ ra rằng nông dân Đông Dương bị hai tầng áp bức; một là với tư cách nông dân nói chung, hai là với tư cách nông dân một nước thuộc địa. Ngày hôm sau, Nguyễn Ái Quốc được mời lên phát biểu lần thứ hai. Đến ngày bế mạc hội nghị tại Nhà hát lớn Matxcơva, các đại biểu đã nghiên cứu lý lịch, những lời giới thiệu đại biểu được bầu vào Ban chấp hành và Đoàn Chủ tịch rồi bỏ phiếu kín. Nguyễn Ái Quốc được tín nhiệm rất cao, Người được bầu vào Hội đồng Quốc tế nông dân gồm 52 ủy viên và đến phiên họp đầu tiên của Hội đồng, Người lại được bầu vào Chủ tịch đoàn gồm 11 ủy viên, đồng thời là đại diện duy nhất của nông dân thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc cùng các ủy viên khác trong Đoàn Chủ tịch ký tên mình vào nhiều văn kiện quan trọng của Quốc tế nông dân gửi nông dân các nước, các khu vực trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc còn đề nghị Quốc tế nông dân nên có cơ quan ngôn luận riêng của mình, ý kiến này được Quốc tế nông dân chấp thuận và quyết định cho xuất bản Tạp chí Quốc tế nông dân. Nguyễn Ái Quốc chính là cây bút có nhiều bài viết đăng trên tạp chí này để làm sáng rõ vấn đề giải phóng dân tộc Việt Nam, một đất nước mà nông dân chiếm tới hơn 90% dân số.
Sự xuất hiện của Nguyễn Ái Quốc trên diễn đàn quốc tế gây sự chú ý đặc biệt của báo giới. Nhà thơ Xôviết Ôxip Mandenxtam đã đến gặp và phỏng vấn Người. Sau cuộc gặp gỡ này, nhà thơ viết bài báo nhan đề: Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc đăng trên tạp chí Ngọn lửa nhỏ số 39, kể lại những gì Nguyễn Ái Quốc nói về tình cảnh nhân dân Việt Nam dưới ách thống trị của Pháp: “Thật thú vị là chính quyền Pháp đã dạy cho những người nông dân chúng tôi biết những từ “bônsêvích” và “Lênin”. Chúng lùng bắt những người cộng sản trong dân chúng, trong khi chẳng có người cộng sản nào, hoàn toàn không có ngay cả trong ý niệm; và như vậy chính chúng đã tuyên truyền cho chủ nghĩa bônsơvích và Lênin”. Cuối cùng, nhà thơ nói lên cảm nghĩ mà từ đó trở thành một dấu ấn khi nói về nhà văn hóa Hồ Chí Minh: Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai.
Trong thời gian ở Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã chứng tỏ là một ký giả có tầm cỡ quốc tế. Người viết nhiều bài cho nhiều báo, trước hết là cho tạp chí Thư tín quốc tế (Inprékor), cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành Quốc tế cộng sản. Bài viết của Người xuất hiện đều đặn không những ở Liên Xô mà còn trên các tờ báo ở Pháp như báo Nhân đạo (L'Humanité), Đời sống công nhân (La Vie Ouvrière), Sự thật (Pravđa), Người cùng khổ (Le Paria), Tạp chí Cộng sản...với các đề tài đa dạng: từ hành động ăn cướp của Pháp ở Đông Dương đến tội ác của đế quốc Anh ở Trung Quốc, phong trào công nhân ở Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ đến tình cảnh nông dân châu Á, rồi sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ, sự bành trướng của các cường quốc đế quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.
Vì Lênin ốm nặng nên Đại hội Quốc tế Cộng sản, hoãn họp. Nguyễn Ái Quốc tham gia lớp học ngắn hạn của Trường đại học Phương Đông. Ngày 21/1/1924, Lênin qua đời. Vô cùng đau đớn, Nguyễn Ái Quốc là một trong những cán bộ đầu tiên của Quốc tế cộng sản đến gian phòng Côlônưi ở nhà Công đoàn để viếng vị lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới. Đồng chí Gecmanettô - Ủy viên chấp hành Ban Bí thư Công hội Đỏ quốc tế, phóng viên báo L'Unita, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Italia, khuyên Nguyễn Ái Quốc nên chờ khi có đủ quần áo ấm hãy đi viếng Lênin vì mùa đông ở Matxcơva trời lạnh như cắt da thịt với nhiệt độ -40. Tuy nhiên, đồng chí Gecmanettô kể: “Khoảng 10 giờ đêm, có tiếng gõ cửa nhẹ. Tôi bước ra mở cửa: trước mặt tôi là đồng chí Ái Quốc, vẫn trong bộ quần áo mỏng manh, đầu đội cátkét. Mặt đồng chí xanh xám, ngón tay, mũi và tai thâm tím vì giá rét.
“Tôi vừa đi viếng Lênin về”, Ái Quốc vừa nói vừa run cầm cập. “Tôi không thể chờ đến ngày mai để viếng Người bạn vĩ đại nhất của nhân dân các nước thuộc địa. Đồng chí còn có nước chè nóng không?”. Ngày 23/1, Nguyễn Ái Quốc cùng một số học viên Trường đại học Phương Đông tham dự lễ tang Lênin do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức. Ngày 27/1, báo Pravđa đăng bài viết của Nguyễn Ái Quốc: Lênin và các dân tộc thuộc địa, bày tỏ niềm kính trọng, ngưỡng mộ vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản thế giới: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cách mạng xã hội”, “Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.
Ngày 11/4, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, ký tên Nguyễn. Trong thư Người tỏ ý không hài lòng vì lúc tới Mátxcơva tháng 7/1923, nhiệm vụ của Người đã được quyết định: sau ba tháng lưu lại ở đây, Nguyễn Ái Quốc sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với Đông Dương. Vậy mà, “bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và là tháng thứ sáu tôi chờ đợi”, và “việc lên đường của tôi vẫn chưa được quyết định”. Ngày 14/4, Nguyễn Ái Quốc có quyết định của Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản do đồng chí Pêtơrốp ký, được nhận vào làm cán bộ ngoài biên chế của Ban với mức lương tháng là 6 trécnôvéc (tương đương 60 rúp) và chuyển đến ở tại phòng 176 của khách sạn Luých. Thời gian này, Đảng bộ Ucraina mời một đoàn cán bộ của Quốc tế cộng sản, trong đó có Nguyễn Ái Quốc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân về thăm công xã Hữu Nghị ở Matrikha, tỉnh Pôntava nhân dịp địa phương này lần đầu tiên đưa điện về nông thôn. Nguyễn Ái Quốc đã nói chuyện với dân làng và để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Người nhớ lại: “Ở đâu cũng thấy trường học. Các nhà máy đều có lớp học, ở đây con em thợ thuyền có thể học nghề... Có một số nông trường tập thể rất giàu có, những nông trường này có trường học sơ cấp và trung cấp, thư viện, nhà chiếu bóng, sân vận động, nhà thương, phòng nghiên cứu nông nghiệp, nơi sửa chữa máy móc.
Những nông trường này đã biến thành những thành phố nhỏ.”. Sau này khi biết tin Nguyễn Ái Quốc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân trong làng đã thành lập giải thưởng mang tên Hồ Chí Minh để tặng cho các xã viên lao động giỏi.
Tiếp đó, theo đề nghị của Thành ủy Matxcơva, Ban bí thư Quốc tế cộng sản mời Nguyễn Ái Quốc tham dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động tổ chức tại Quảng trường Đỏ từ 12 đến 2 giờ chiều ngày 01/5/1924. Ngày 15/6, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ IV của Quốc tế Cộng sản Thanh niên họp ở Mátxcơva và cùng với các đại biểu về dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tham dự cuộc gặp mặt giữa nhân dân Mátxcơva với các đại biểu, tổ chức trên Đồi Lênin. Buổi tối ngày 17/6, Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản khai mạc tại cung Anđrâyépxki trong Điện Kremli (Mátxcơva) với sự tham gia của 504 đại biểu của 49 Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân thay mặt cho 1.319.000 đảng viên cộng sản trên toàn thế giới và 10 tổ chức quốc tế. Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội với tư cách là đại biểu tư vấn. Ngày 23/6, Người phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 8 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, tập trung làm nổi bật luận điểm: không thể đánh chết rắn đằng đuôi, muốn đánh bại chủ nghĩa tư bản thì phải bắt đầu bằng việc tước đoạt các thuộc địa của chúng, vì “hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng”. Ngày 1/7, tại phiên họp thứ 22 và ngày 3/7, tại phiên họp thứ 25, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục phát biểu ý kiến: “Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu. Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”. Lời phát biểu của Nguyễn Ái Quốc tại phiên họp thứ 8 được đăng trên Tập san Inprekorr, số 41, ngày 4/7/1924, có đoạn: “Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới tuỳ thuộc phần lớn vào các thuộc địa. Đây là nơi cung cấp lương thực và binh lính cho các nước đế quốc chủ nghĩa. Nếu chúng ta muốn đánh bại các nước đế quốc, chúng ta phải bắt đầu bằng việc tước thuộc địa của chúng đi”.
Ngay sau khi Đại hội V của Quốc tế cộng sản bế mạc, nhiều hội nghị quốc tế quan trọng khác đã nối tiếp nhau tổ chức tại Matxcơva và Nguyễn Ái Quốc đã tham dự tất cả các đại hội đó với tư cách là đại biểu Đông Dương như: Đại hội lần thứ nhất tổ chức Quốc tế cứu trợ các chiến sĩ cách mạng (còn gọi là Quốc tế Cứu tế Đỏ); Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội Đỏ; Đại hội quốc tế công đoàn; Đại hội lần IV Quốc tế cộng sản thanh niên và đặc biệt khi Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội lần III quốc tế phụ nữ với tư cách khách mời danh dự, Người đã được gặp và nói chuyện với Crupxcaia, người vợ, người bạn, người đồng chí của V. I. Lênin. Bà Crupxcaia đã nói cho Nguyễn Ái Quốc nghe về sự quan tâm của Lênin đối với các dân tộc phương Đông và Nguyễn Ái Quốc cũng kể cho bà nghe về nỗi thống khổ của phụ nữ thuộc địa, nhất là phụ nữ ở Đông Dương...
Trong những ngày hoạt động bận rộn với nhiều sự kiện, Nguyễn Ái Quốc vẫn dành thời gian tìm hiểu nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Nga: đọc chuyện, nghe nhạc, xem kịch hay đến thăm các phòng tranh. Ngày 15/9, nhân dịp có cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức tổ chức tại Bảo tàng quốc gia nghệ thuật Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã gặp hoạ sĩ Thuỵ Điển Êrích Giôhanxơn, họa sĩ đã ký họa chân dung Người và Người đã ghi bằng chữ Hán phía dưới bức họa: “Nguyễn Ái Quốc. Ngày 15/9/1924”. Hình ảnh của Nguyễn Ái Quốc đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho họa sĩ: “Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”.
Sau một thời gian làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút nên Nguyễn Ái Quốc được Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản bố trí cho đi nghỉ chữa bệnh ở vùng biển Crưm từ ngày 19/8 đến ngày 5/9/1924. Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng trở về Tổ quốc nhưng vì một số lý do khách quan và điều kiện hoạt động nên chuyến đi vẫn chưa được thực hiện. Ngày 19/9, Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, công tác trong Ban Thuộc địa như sau: “Đồng chí Tơranh thân mến, Ban Phương Đông đã báo tin cho tôi rằng: Ban sẽ chi tiền đi đường cho tôi tới Quảng Châu, nhưng khi đến đó thì tôi phải tự xoay sở tìm lấy công việc. Hẳn là làm việc để kiếm sống không phải là điều khó, thậm chí ngay cả ở một đất nước mà tôi chỉ biết viết chứ không biết nói thứ tiếng ở đó. Tuy nhiên, trong trường hợp của tôi, điều đó cũng có những cái bất tiện: 1. Tôi phải sống gần như bất hợp pháp ở Quảng Châu, nơi nhung nhúc những mật thám Pháp. 2. Nếu tôi nhận làm một công việc nào đó, toàn bộ thời giờ của tôi sẽ bị choán hết. Mà tôi thì phải được hoàn toàn tự do để làm việc theo ý muốn, tức là nghiên cứu hoàn cảnh, xem xét quần chúng và tổ chức cái gì đó. Bởi vì Đảng chúng tôi và Ban Phương Đông không thể giúp tôi về tài chính, nên tôi đề nghị đồng chí trình bày trường hợp của tôi trước Ban Chấp hành và xin cho quyết định. Xin gửi đồng chí lời chào cộng sản anh em. Nguyễn Ái Quốc”.
Ngày 25/9, Nguyễn Ái Quốc được Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra quyết định về chuyến đi Trung Quốc theo đề nghị của Người với tư cách là cán bộ Ban Phương Đông Quốc tế cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân có nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á. Tháng 10/1924, từ ga xe lửa Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc lên tàu đi Vlađivoxtốc. Cơ quan đại diện Quốc tế Cộng sản ở đây đón tiếp và thông báo cho Người biết tình hình Trung Quốc và việc thu xếp chuyến đi đã xong. Người lên một chiếc tàu Xô viết rời Vlađivôxtốc đi Quảng Châu, bắt đầu một chặng đường mới trên hành trình tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 1.
Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2016, tập 1.
Hồ Chí Minh với nước Nga, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2013.
Đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị hành chính” H.2010.
Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với nước Nga.Nxb. Thông tin truyền thông, H.2013.
Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb. Văn hóa thông tin, H.2001.