slider

Một số kết quả thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở: "Nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ Di tích nhà bếp A, nhà bếp B và Y khoa trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch"

08 Tháng 06 Năm 2023 / 2313 lượt xem

Nguyễn Thị Thu

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Khu Di tích Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954-1969). Trong đó, Nhà bếp A, Nhà bếp B là nơi dùng để nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà Y khoa là nơi các y bác sĩ cùng Bộ Chính trị dùng để hội bàn phương án chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 17/8/1969 cho đến khi Người qua đời. Các di tích này đều nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt, được bảo quản và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của dân tộc, đặc biệt là về cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đến nay, hồ sơ khoa học về các di tích trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch nói chung và các Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Y khoa trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch nói riêng vẫn còn chưa được đầy đủ, chuyên sâu, chính xác và khoa học. Vì vậy, năm 2022, Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu đã thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở: “Nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B và Nhà Y khoa trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch” nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bền vững cho những di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch.

Để hoàn thiện nội dung thông tin hồ sơ khoa học Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B và Nhà Y khoa một cách đầy đủ, chính xác, đảm bảo tính khoa học và đúng nguyên tắc bảo tàng, góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, đề tài tập trung vào những nhiệm vụ:

- Khảo sát, đánh giá toàn bộ hồ sơ Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B và Nhà Y khoa đã được xây dựng, từ đó tiến hành chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở tư liệu hiện có.

- Biên tập, chỉnh lý, bổ sung nội dung thông tin và viết lại lý lịch Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B và Nhà Y khoa để đảm bảo tính khoa học, đúng với nguyên tắc bảo tàng.

- Biên tập, chỉnh lý danh mục tài liệu, hiện vật vốn có và đang trưng bày thuộc các Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B và Nhà Y khoa: Số kiểm kê, số lượng tài liệu hiện vật, vị trí vốn có ảnh, thông tin mô tả chi tiết của các tài liệu hiện vật đảm bảo tính lịch sử, tính khoa học và tính khách quan.

- Gặp gỡ nhân chứng lịch sử có liên quan đến các di tích trên để khai thác, thu thập những thông tin liên quan, nhằm xác minh, làm rõ thêm nội dung lịch sử, trên cơ sở đó chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ các di tích.

- Sưu tầm, tập hợp và hệ thống lại những tư liệu gồm: ảnh khảo tả di tích, ảnh hiện vật vốn có của các di tích, các loại bản vẽ: thiết kế, đạc họa, định vị, lời kể nhân chứng, bài viết liên quan đến các di tích nhằm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ các di tích.

Từ kết quả khảo sát thực trạng hồ sơ các Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B và Nhà Y khoa cho thấy hồ sơ khoa học 3 di tích vẫn còn chưa được đầy đủ, chuyên sâu, chính xác và khoa học. Cụ thể:

1.            Di tích Nhà bếp A: nội dung lý lịch di tích còn sơ sài, thông tin chưa được chính xác, còn nhiều thiếu sót so với quy định về lý lịch di tích hiện nay; danh mục hiện vật trong từng di tích còn lộn xộn, chưa thống nhất giữa danh mục hiện vật vốn có và đang trưng bày, tài liệu liên quan kèm theo chưa được đầy đủ, ảnh chụp khảo tả, hiện vật còn thiếu, cần bổ sung, số hóa...

2.            Di tích Nhà bếp B, hồ sơ lý lịch còn sơ sài, thiếu nhiều thông tin. Mặc dù Nhà bếp B là nơi phục vụ nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người chữa bệnh tại Nhà H67 và có ý nghĩa lớn trong tổng thể Khu Di tích Phủ Chủ tịch nhưng di tích này chưa được đưa vào bảo quản đúng theo nguyên tắc bảo tàng.

3.            Di tích Nhà Y khoa cũng cần chỉnh lý, hoàn thiện, bổ sung lý lịch, ảnh tư liệu và tài liệu tham khảo kèm theo.

Đây là ba di tích quan trọng gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người sống và làm việc tại đây. Vì vậy, việc nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện 3 hồ sơ di tích là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của di tích đặc biệt cấp quốc gia này.

Sau gần một năm làm việc với tinh thần tập trung, chủ động và tích cực, nhóm đề tài đã hoàn thành khối lượng công việc cụ thể sau:

Một là, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện 03 bộ hồ sơ khoa học về Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Y khoa với đầy đủ nội dung thông tin, đảm bảo tính khoa học và đúng với nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Mỗi bộ hồ sơ di tích gồm có: 01 Lý lịch di tích được biên tập, chỉnh lý, bổ sung nội dung thông tin đầy đủ; 01 sưu tập ảnh tư liệu di tích; 01 danh mục hiện vật vốn có và đang trưng bày; 01 tập hợp tài liệu tham khảo, 01 phụ lục các hóa đơn mua thực phẩm.

Hai là, 01 đĩa VCD lưu giữ toàn bộ 03 File mềm hồ sơ 3 Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Y khoa. Mỗi file mềm hồ sơ khoa học di tích sẽ gồm: Bản Lý lịch di tích; Danh mục hiện vật vốn có và danh mục hiện vật đang trưng bày kèm theo ảnh cùng thông tin mô tả; tập hợp các tài liệu liên quan đến di tích; 01 album sưu tập ảnh di tích (ảnh khảo tả và ảnh tài liệu hiện vật); 01 file bản báo cáo kết quả đề tài.

Ba là, 01 báo cáo tổng hợp kết quả đề tài gồm 36 trang bao gồm: Phần mở đầu, phần nội dung, kết luận và kiến nghị, danh mục tài liệu tham khảo. Phần nội dung báo cáo gồm 2 chương: Chương 1: Tình hình nghiên cứu xây dựng hồ sơ Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Y khoa trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch và quá trình thực hiện đề tài; Chương 2: Kết quả đạt được và ý nghĩa khoa học thực tiễn của đề tài.

Kết quả lớn nhất của đề tài là trong quá trình thực hiện, nhóm đề tài đã nghiên cứu, xác minh và tập hợp được một danh mục với 32 hiện vật cho Di tích Nhà bếp A; 02 đầu hiện vật Di tích Nhà bếp B; chỉnh lý lại danh mục hiện vật vốn có của Di tích Nhà Y khoa xuống còn 02 đầu hiện vật; chỉnh lý lại số lượng hiện vật đang trưng bày tại Di tích Nhà bếp A từ 165 xuống còn 120 đầu hiện vật. Đồng thời, nhóm đề tài cũng tìm ra và khắc phục được một số tồn tại, hạn chế trong công tác kiểm kê xây dựng Lý lịch di tích trước đây như: Lý lịch bố cục chưa hợp lý, nội dung còn sơ sài, phần khảo tả di tích chưa chi tiết, cụ thể. Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu của đề tài này cũng đã mở ra hướng xây dựng, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ cho các di tích khác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch để làm nội dung nghiên cứu cho các đề tài tiếp theo. Nhóm tác giả hy vọng, với kết quả đạt được, đề tài sẽ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của 3 Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Y khoa nói riêng và Khu Di tích Phủ Chủ tịch nói chung.

Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu khoa học, tra cứu thông tin, bảo tồn và phát huy tác dụng giá trị các di tích trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch nhóm tác giả thực hiện đề tài còn đề xuất:

Một là, Khu Di tích Phủ Chủ tịch cần tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật gốc, hiện vật đồng thời hoặc làm lại hiện vật nhằm làm phong phú nội thất vốn có của các nhà di tích, góp phần thực hiện công tác trưng bày thay thế hoặc bổ sung cho các nhà di tích như khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống và làm việc.

Hai là, Khu Di tích cần mở rộng cửa rộng rãi cho du khách được tham quan Di tích Nhà bếp A để khách tham quan hiểu sâu sắc, toàn diện hơn về cuộc sống giản dị của một vị chủ tịch nước thông qua các hiện vật nhà bếp. Đồng thời để phát huy giá trị công tác trưng bày, tuyên truyền giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mà Khu Di tích đã và đang thực hiện, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó.

Ba là, hàng năm các phòng chuyên môn cần phối hợp để định kỳ kiểm tra, so sánh, đối chiếu lại khối tài liệu hiện

vật hiện đang được trưng bày phát huy tác dụng tại các nhà di tích với danh mục tài liệu hiện vật vốn có cũng như khối tài liệu hiện vật đã được sưu tầm, bổ sung thông tin tu bổ và tình trạng di tích, tài liệu hiện vật vào hồ sơ khoa học.

Bốn là, trong quần thể Khu Di tích Phủ Chủ tịch hiện còn một số di tích chưa được chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ như Nhà họp Bộ Chính trị, Nhà Bác tiếp cán bộ, Tòa nhà Phủ Chủ tịch. Vì vậy, Khu Di tích cần tiến hành sưu tầm tư liệu, thực hiện các đề tài nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ các di tích này nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tra cứu thông tin, bảo tồn và phát huy tác dụng.

Hồ sơ khoa học là một phần quan trọng đối với mỗi di tích, tài liệu hiện vật bởi chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể về di tích, về tài liệu hiện vật; đảm bảo tính pháp lý để các di tích, tài liệu hiện vật được bảo vệ, bảo quản và phát huy tác dụng lâu dài. Vì vậy, kết quả của đề tài khoa học cấp cơ sở “Nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ Di tích Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Y khoa trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch” có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế mỗi khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch./.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)