Một số sự kiện lịch sử về hoạt động của Nguyễn Tất Thành trên đất nước Mỹ (1912 - 1913)
ThS. Lê Thị Cẩm Tú
Phòng Hành chính, Tổng hợp
Hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tìm đường trở về Tổ quốc của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành kéo dài suốt ba thập kỷ (1911-1941). Trong 30 năm đó, Người đã tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, làm nhiều công việc lao động khác nhau để hoạt động cách mạng. Mỹ là đất nước Người lưu lại thời gian không lâu nhưng đã tìm hiểu, thu thập được nhiều tư liệu về tình hình thực tế tại một nước tư bản phát triển, góp phần quan trọng hình thành nên con đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc sau này.
Có thể ý niệm về một quốc gia ở bên kia đại dương đến với Nguyễn Tất Thành khi còn nhỏ tuổi, cũng như đồng bào của mình qua một thứ vật dụng khá phổ biến là chiếc đèn thắp bằng dầu hỏa mà dân gian vẫn gọi là “đèn Hoa Kỳ”. Nguyễn Tất Thành được biết đến nước Mỹ qua chương trình địa lý khi học tại trường Quốc học Huế (1908), hay khi là thầy giáo dạy ở trường Dục Thanh, Phan Thiết (1909), đã tiếp xúc với những kiến thức mới mẻ được viết trong các “tân thư, tân sách” của các nhà duy tân Trung Hoa. Ở trường Dục Thanh, tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp, Nguyễn Tất Thành đã tìm đọc những cuốn sách quý chứa đựng nhiều tư tưởng tiến bộ trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông. Những loại sách báo này bắt nguồn từ phong trào duy tân theo xu hướng tư sản. Tiêu biểu cho xu hướng này ở Trung Hoa là Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu. Tân văn, tân thư đã tác động nhiều đến các nhà chí sĩ yêu nước Việt Nam. Khác hẳn với các loại sách kinh điển của Nho giáo, tân văn, tân thư chứa đựng nhiều kiến thức mới về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Chính nhờ ảnh hưởng của các thầy giáo yêu nước và sách báo tiến bộ mà anh Thành đã được tiếp xúc, ý muốn đi sang phương Tây tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi những thành tựu của văn minh nhân loại từng bước lớn dần, càng thôi thúc trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.
Đầu thế kỷ XX, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp cùng nhiều ảnh hưởng của các sự kiện lớn trên thế giới đã tác động đến một loạt các phong trào vận động cứu nước diễn ra theo xu hướng tư tưởng mới thay thế tư tưởng phong kiến. Nhiều phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp xâm lược của nhân dân ta đã diễn ra nhưng nhanh chóng đi đến thất bại. Con đường đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam thời kỳ này dường như không có đường ra.
Ngày 05/6/1911, Nguyễn Tất Thành lúc đó mới vừa 21 tuổi, lấy tên là Văn Ba, đã lên con tàu vận tải Latusơ Tơrêvin của hãng Vận tải hợp nhất (Pháp), rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước. Theo Hoàng Đạo Thúy “Ý ông Cụ là phải đến Mỹ nhưng cần đến Pháp trước. Vì theo tàu biển (Tàu không đi Mỹ trực tiếp) và cũng đến đấy (Pháp) xem tình hình ra sao, rồi chờ cơ hội”(1). Năm 1965, trả lời nhà văn Mỹ Anna Louis Strong, Người nói rõ: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho Mỹ; tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(2). Việc quyết định đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành là bước đột phá quan trọng trong tư duy và nhận thức so với những người đương thời.
Trên chặng đường bôn ba, Người ghé cảng bến cảng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggo, Dahômay, Xênêgan, Rêunilông, Camơrum, Achentina, Uruquay, Braxin... Ở mỗi nơi đến Tất Thành đều quan sát và thâm nhập cuộc sống của người dân. Người thấy ở đâu cũng có cảnh cơ cực, ở đâu cũng có sự bóc lột dã man, vô nhân đạo của những kẻ thống trị đối với đa số nhân dân. Theo hải trình của các tàu thuộc hãng Chargeurs Réuris thường chở hàng đến các cảng Tây Phi, Đông Mỹ, Trung Mỹ đến Bắc Mỹ. Cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành đến Thành phố New York và “đã ở quận Brooklin với lương tháng 40 đôla”, “làm việc không đến nỗi vất vả lắm và dùng một số thời gian rảnh để học tập và đi thăm những khu vực khác trong thành phố”(3). Thời gian ở New York, Tất Thành thường đi xe điện ngầm tới khu phố Harlem - nơi sinh sống của người da đen châu Phi - di cư hoặc bị bắt di cư sang Mỹ, chứng kiến phong trào của người Philippin đấu tranh đòi độc lập, những cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử của phụ nữ lớn nhất trước thế chiến năm 1914 dẫn đến hành hình của những người Mỹ gốc Phi kiểu Linsơ và những hoạt động đầy tội ác của đảng 3K, những cuộc bãi công của công nhân Mỹ chống chiến tranh, đòi tăng lương,... Đây chắc chắn không phải là những chuyến tham quan mà mục đích là để tìm hiểu nguồn gốc của sự bất bình đẳng và những phản ứng của người da đen bị Chính phủ cầm quyền coi như nô lệ thời trung cổ.
Theo như báo Caribbe (tập IX, số 1) của Mỹ thì Hồ Chí Minh đã đều đặn tham dự các cuộc họp của Hội bảo trợ người da đen ở Mỹ UNIT (Universal Negro Improvement Trust) và đã hào hiệp góp tiền hưởng ứng lời kêu gọi về tài chính của Hội. Trong một cuộc mít tinh do những người da đen tổ chức “Hồ Chí Minh đã dốc tất cả tiền trong túi của mình để ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ”(4). Người luôn tỏ thái độ ủng hộ nhiệt tình và chân thành cuộc đấu tranh chính nghĩa của những người Mỹ da đen và luôn quan tâm đến phong trào đấu tranh của nhiều dân tộc khác, từ đó đã góp phần vào “cuộc chiến đấu cho người Mỹ, đặc biệt là người Mỹ da đen”(5).
Ở New York, Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến tên Linsơ, chủ một đồn điền, tra tấn, đánh đập hành hạ những người da đen: “Người da đen không kêu được nữa: lưỡi đã sưng phồng lên vì một thanh sắt nung đỏ gí vào. Toàn thân người ấy quằn quại như một con rắn bị đánh, dở sống, dở chết. Một nhát dao, thế là rụng một tai. ái chà! Nó mới đen làm sao! Nó mới đáng tởm làm sao! Thế là bọn đàn bà rạch nát mặt người đó ra”... Khi trở về Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Hành hình kiểu Linsơ”, theo tác giả “tục Hành hình kiểu Linsơ là tàn ác nhất, ghê tởm nhất, gây bao nhiêu thống khổ ghê gớm về tinh thần và vật chất đối với người da đen châu Mỹ, tiếng rằng đã được giải phóng 65 năm nay. Lối hành hình này đã trở thành phổ biến và kéo dài ở khắp các bang của nước Mỹ”. Sau khi miêu tả và dẫn chứng cụ thể về tội ác của Hành hình kiểu Linsơ, tác giả kết luận: “Hành hình kiểu Linsơ thật đáng chiếm một vị trí vinh dự trong bộ sưu tập toàn bộ những tội ác của nền “văn minh” Mỹ”. Bài viết không phải được nghe kể lại mà chính tác giả được tai nghe mắt thấy nên tính chân thực cao, đồng thời với sức mạnh tố cáo vô cùng to lớn.
Nguyễn Tất Thành cũng đến thăm tượng đài Nữ thần Tự do, Quảng trường thời đại, Thư viện công cộng New York, cầu treo Brooklin... những địa danh khiến cho “Bác rất có cảm tình với New York”(6). Thăm tượng Nữ thần Tự do trên bờ sông Hudson là một trong những biểu tượng nổi tiếng của Mỹ, là một trong những cảnh đầu tiên một người nhập cư vào Mỹ nhìn thấy từ hướng đông, Người ghi lại những dòng cảm xúc: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa sáng tận trời xanh, còn dưới chân tượng thần tự do này thì bao nhiêu người da dân bị chà đạp? Số phận những người phụ nữ đang bị áp bức? Bao giờ có sự bình đẳng với nam giới”(7) Thực tế sinh động đã giúp Người đồng cảm và nhận thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác. Người đi tới kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(8). Kết luận này là sự khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người lao khổ, cần lao trên thế giới, luôn gắn liền lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.
Rời New York, Tất Thành đi Boston là thủ phủ của bang Massachusetts cách New York về phía bắc 5 tiếng đồng hồ xe lửa. Ở Boston, Người đã làm việc tại khách sạn Omni Parker House danh tiếng, nằm trong một quần thể lịch sử của thành phố dọc theo “Đường Tự do” với các sự kiện nổi tiếng của cách mạng nước Mỹ, nơi diễn ra “ngòi lửa cách mạng đấu tranh dân chủ” đầu tiên bùng lên trong nước Mỹ.
Cách mệnh tư bản Mỹ dưới hình thức một cuộc chiến tranh độc lập. Lê nin đã nhận xét “Đó là cuộc chiến tranh vĩ đại, chiến tranh thực sự giải phóng, thực sự cách mạng”(9). Đây là ngọn lửa đấu tranh đầu tiên của quần chúng lao động chống lại bọn thực dân cai trị trong một nước ở phương Tây mà Nguyễn Tất Thành cần tìm hiểu, “xem xét họ làm như thế nào, để trở về giúp đồng bào”. Và Người đã rút ra kết luận rằng: Cuộc đấu tranh cách mệnh này của quần chúng lao động Mỹ - nô lệ, công nhân, nông dân nghèo, nông dân không có đất - mang tính chất quần chúng nhưng lại do tư sản Mỹ lãnh đạo - tuy rằng đã thành công hơn 150 năm, nhưng công, nông vẫn cực khổ, là vì “cách Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư sản là chưa phải cách mệnh đến nơi”(10).
Tại Boston, Tất Thành còn đến thăm Trụ sở bang Masachuset, đài tưởng niệm quần chúng lao động nổi dậy chống thực dân Anh, ngày 16/12/1773; Đài Tresmont...(11)
Có thể nói, thời gian sống ở Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến cách nhìn thế giới của Hồ Chí Minh. Ở Mỹ, Nguyễn Tất Thành có điều kiện tìm hiểu về lịch sử - xã hội Mỹ, tìm hiểu cuộc Cách mạng Mỹ thế kỷ XVIII (1775 - 1783), nghiên cứu truyền thống văn hoá Mỹ, đặc biệt là tìm hiểu Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ do Th. Jefferson khởi thảo. Những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận và trích dẫn nhiều lần sau này, và tên tuổi G. Washington, Thomas Jefferson đã thu hút sự chú ý của Người. Người ấn tượng với bản tuyên ngôn này bởi “quyền được mưu cầu hạnh phúc” của con người được đề cao. Người cũng đặc biệt khâm phục ý chí, nghị lực và tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân Mỹ trước sự cai trị của thực dân Anh. Với trái tim nhạy cảm cách mạng, Tất Thành đã rút ra những điểm tương đồng về sự cai trị của thực dân Anh đối với Mỹ và sự “khai hóa” của thực dân Pháp đối với nhân dân An Nam. Nhưng nhân dân An Nam vẫn chưa tìm được còn đường đến đến với độc lập, tự do.
Có một tư liệu cho biết ngày 15/12/1912, Nguyễn Tất Thành có mặt tại New York qua một bức thư ký Paul Tất Thành gửi cho thân phụ là cụ Nguyễn Sinh Huy bấy giờ đang ở Nam Kỳ. Bằng chứng là bức điện số 125/5 của Chánh mật thám Sài Gòn gửi Chánh mật thám Huế và Tổng mật vụ Phủ Toàn quyền Hà Nội, đánh đi ngày 13/11/1913 từ Sài Gòn như sau: “Trong quá trình khẩn trương và được tiến hành với tất cả tinh thần trách nhiệm, tôi đã tìm thấy trong tài liệu lưu trữ bức thư gốc của Khâm sứ Trung kỳ, đề tại New York, ngày 15/12/1912, ký tên Paul Tất Thành, con trai Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Bức thư đến Nam kỳ vào cuối năm 1912”(12).
Bằng những bước chân không mỏi, với sức lao động của mình, Nguyễn Tất Thành đã đi qua rất nhiều châu lục, đất nước để tìm kiếm con đường đi đúng đắn có thể cứu giúp đồng bào mình khỏi lầm than, dân tộc mình thoát khỏi cảnh áp bức thuộc địa nô lệ đau khổ. Tư liệu về những hoạt động của Người trên đất Mỹ không nhiều nhưng qua những tư liệu còn ít ỏi trên cho phép chúng ta khẳng định: Một trong những mục đích của chuyến đến Mỹ của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc là tìm hiểu đời sống nhân dân lao động của nước tư bản Mỹ và đặc biệt là tìm hiểu trực tiếp cuộc cách mạng vũ trang của quần chúng lao động Mỹ chống thực dân đế quốc Anh để giành độc lập tự do” “Xem xét họ làm thế nào để trở về giúp đồng bào”.
Như vậy, dừng chân ở nước Mỹ không lâu, Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đế quốc Mỹ. Đằng sau khẩu hiệu “cộng hòa dân chủ” của giai cấp tư sản Mỹ là những thủ đoạn bóc lột nhân dân lao động rất tàn bạo. Anh cảm thông sâu sắc với đời sống cực khổ của người dân lao động da đen. Thực tế đời sống của người lao động da đen sau này là nguồn tư liệu quan trọng củng cố thêm những nhận định sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong các bài báo, trong những phát biểu về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Đến khoảng đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành từ Mỹ trở về Pháp, sau đó sang Anh. Hành trình cứu nước của anh còn tiếp tục kéo dài không ngừng nghỉ với niềm tin đinh ninh hai bàn tay lao động và lòng yêu nước sẽ làm nên tất cả.
Chú thích:
1. Nguyễn Văn Khoan: Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nước Mỹ (1908-1954), Nxb. TP. HCM, 2019, tr.149.
2. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 1, tr.30.
3. Hành trình theo chân Bác (1911-1941), Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nxb.Thanh niên, Hà Nội, 2011, tr.75.
4. Phan Ngọc Liên - Trịnh Vương Hồng (1972), Lịch sử nước Mỹ trong tác phẩm của Hồ Chí Minh, TCNCLS, số 5, tr.26.
5. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, tr.178.
6. Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nước Mỹ (1908-1954), Nxb. TP. HCM, tr.151.
7. Nguyễn Hữu Đảng - Lê Ngọc Y - Trần Thị Hồng Thúy sưu tầm và tuyển chọn: Văn hóa Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.321.
8. Bài Đoàn kết giai cấp của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria số 25 tháng 5/1924.
9. Lê nin, Toàn tập, tập 28, St 1971, tr.70.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.292.
11. Nguyễn Văn Khoan: Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nước Mỹ (1908-1954), Nxb. TP. HCM, 2019, tr.153.
12. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.47.