slider
Phát triển kinh tế số

Một số suy nghĩ để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý Khu Di tích Phủ Chủ tịch trong giai đoạn hiện nay

14 Tháng 09 Năm 2022 / 945 lượt xem

Nguyễn Vân Anh

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Hệ thống di tích là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa, là tài sản vô giá của nhân loại. Việc quản lý di tích chính là sự định hướng, tạo điều kiện tổ chức, điều hành bảo vệ, giữ gìn di tích, làm cho các giá trị của di tích được phát huy theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước như đặc thù của nước ta hiện nay thì văn hóa cần được quản lý và định hướng để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời bảo tồn các giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc.

Đối với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (sau đây viết tắt là Khu Di tích), trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách cụ thể, có hiệu quả thiết thực. Sự chỉ đạo đầu tư kịp thời của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, trong đó có vai trò tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là những yếu tố đảm bảo Khu Di tích ngày càng được bảo tồn hiệu quả và phát huy rộng rãi giá trị đặc biệt của mình.

Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ, phát huy giá trị Khu Di tích trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết cần ưu tiên triển khai thực hiện đồng bộ, có hệ thống một số nội dung như sau:

- Hoàn thiện về cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý và công tác cán bộ

Công tác tổ chức bộ máy quản lý có ý nghĩa then chốt, chi phối toàn bộ hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của Khu Di tích.Việc cần thiết trước mắt đối với Khu Di tích là phải củng cố đội ngũ lãnh đạo, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ và có sự hợp tác với các ngành có liên quan như du lịch, các công ty lữ hành ... để có sự phối hợp chặt chẽ cả trong công tác quản lý và phát huy di sản.

Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp quy trong nội bộ Khu Di tích cũng như các văn bản phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan để đưa ra tiếng nói chung nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả Khu Di tích. Trên cơ sở văn bản pháp luật Nhà nước và cơ quan quản lý ban hành, Khu Di tích tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện các văn bản phục vụ công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn của Khu Di tích như quy chế chi tiêu nội bộ, nội quy cơ quan, quy định về chức năng nhiệm vụ của Khu Di tích cũng như các phòng chuyên môn ... để có cơ sở cho các phòng chuyên môn thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

- Tăng cường nguồn nhân lực trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa

Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy di tích không chỉ là nhu cầu cấp bách của Khu Di tích mà còn là nhu cầu của ngành văn hóa. Trong những năm qua Khu Di tích cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác chuyên môn nói chung và công tác bảo tồn di tích nói riêng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, trong đó trình độ chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Lực lượng làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu Di tích được sắp xếp bố trí làm việc đúng chuyên môn nên cơ bản đã đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao. Hằng năm, cán bộ được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng giúp hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt, hoạt động quản lý tại Khu Di tích đã thu được kết quả tích cực.Trong thời gian tới, Khu Di tích cần xây dựng chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho các cán bộ có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có đạo đức tốt và lập trường vững vàng, hiểu rõ các cơ chế, chính sách về di tích. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Cục Di sản văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật, Viện Bảo tồn di tích, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch... nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ.

Bên cạnh đó, các di tích chính trong quần thể Khu Di tích như Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà sàn... đều có giá trị cao về yếu tố kiến trúc, nghệ thuật. Việc bổ sung thêm nguồn nhân lực là các kiến trúc sư, kỹ sư làm công tác tư vấn thiết kế, chỉ đạo và giám sát thi công theo đúng nguyên tắc khoa học của bảo tồn, bảo tàng là thực sự cần thiết. Như vậy sẽ giúp cho các di tích giữ được yếu tố nguyên gốc và đảm bảo được tính chân thực của di tích cả về mặt kĩ thuật lẫn thẩm mỹ.

- Chú trọng huy động, quản lý các nguồn lực để bảo tồn các giá trị của Khu Di tích

Nguồn lực chủ yếu cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của Khu Di tích hiện nay dựa trên ba nguồn huy động chính, gồm có: thứ nhất là nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hằng năm; thứ hai là từ nguồn huy động xã hội hóa được duy trì theo phương châm “thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước. Đây thực sự là nguồn lực mang lại hiệu quả cao và thu hút được nhiều kinh phí cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích”; thứ ba là từ các hoạt động phát huy giá trị di tích mà tiêu biểu là nguồn thu từ phí tham quan dành cho khách nước ngoài.

Trong những năm qua, ngoài nguồn ngân sách được cấp, thì việc xã hội hóa cũng thu hút được sự quan tâm của tổ chức, cá nhân, tạo ra nguồn lực xã hội để đáp ứng hiệu quả cho nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế. Công tác xã hội hóa được thực hiện ở Khu Di tích thể hiện trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Khu Di tích là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Sự đầu tư của nhà nước, hỗ trợ của doanh nghiệp và nhân dân đã mang lại cho Khu Di tích nhiều yếu tố tích cực để phục vụ khách tham quan. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo, chống xuống cấp và phát huy giá trị di tích. Từ đó, góp phần đưa Khu Di tích trở thành điểm du lịch, điểm không gian văn hóa, thu hút, phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu nhân dân và du khách.

Bên cạnh đó, cần tiến hành kiểm tra, đánh giá một cách chính xác các sản phẩm du lịch và những tiềm năng chưa được khai thác. Đây sẽ là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch có tính khả thi cao nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm du lịch khác. Mặt khác, tăng cường đầu tư hệ thống không gian trưng bày sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, giá cả hợp lý và mang bản sắc của Khu Di tích như ấn phẩm do Khu Di tích xuất bản, đồ lưu niệm... vừa là hình thức tuyên truyền phát huy giá trị di sản hiệu quả, vừa thu được nguồn lợi kinh tế cho ngân sách quốc gia.

- Bảo tồn phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững

Gắn di tích với phát triển du lịch, trước hết phải lấy bảo tồn làm nền tảng, phát triển du lịch làm động lực để tạo điều kiện cho việc giữ gìn và phát huy di tích được bền vững. Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, đồng thời phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Trong những năm qua, Khu Di tích đã làm tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích thông qua đẩy mạnh hoạt động du lịch phong phú, đa dạng để hấp dẫn, mang tính giáo dục giá trị truyền thống cao. Để tiếp tục phát huy vai trò của mình, trong những năm tới, Khu Di tích cần tiếp tục nghiên cứu, tạo lập môi trường tốt để khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ; tập trung hoàn thành quy hoạch tổng thể để đảm bảo cho công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Khu Di tích ở giai đoạn hiện nay và tương lai được thực hiện theo đúng định hướng, kế hoạch, theo một lộ trình phù hợp với yêu cầu khoa học và thực tiễn.

Khu Di tích cũng cần phối hợp với các bảo tàng, di tích, các danh lam thắng cảnh khác để hình thành tuyến du lịch tiêu biểu; tổ chức các đoàn khảo sát cho các công ty lữ hành trong nước và quốc tế tới tham quan, trao đổi kinh nghiệm và kết nối các tuyến tham quan Khu Di tích với các điểm tham quan khác trên địa bàn thành phố.

Xây dựng kế hoạch quản lý, điều chỉnh quy hoạch hợp lý đối với các công trình dịch vụ. Đặc biệt chú trọng khai thác các giá trị tiềm năng của di tích làm cơ sở, tiền đề cho sự phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, làm đa dạng, phong phú các loại hình, chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Các công trình phụ trợ xung quanh di tích được xây dựng để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của du khách như khu vực dừng chân, hệ thống các công trình phụ như khu vực ăn uống, các quầy hàng lưu niệm... cần được nghiên cứu để xác định vị trí hợp lý, phát huy hiệu quả vai trò của nó nhưng vẫn đảm bảo hòa nhập với di tích gốc và tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc, đặc trưng của Khu Di tích.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Khu Di tích cũng cần xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn cho việc triển khai thực hiện lập quy hoạch và dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Nghị định 70/NĐ-CP ngày 18/9/2012 của Chính phủ về việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Lưu ý việc đảm bảo, bảo vệ tốt nhất tính nguyên gốc và tính toàn vẹn của di sản văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong toàn bộ hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cần được tiến hành trên cơ sở giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, văn hóa và kinh tế, dân tộc và quốc tế.

Thực trạng công tác quản lý Khu Di tích đã đạt được những hiệu quả nhất định nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề cần được nhanh chóng xem xét và giải quyết nhằm phục vụ cho hoạt động lâu dài trong tương lai. Việc nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện đồng bộ các phương hướng, giải pháp bảo tồn Khu Di tích sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững của Khu Di tích.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)