slider
Phát triển kinh tế số

Một vài sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người ở và làm việc tại Hang Bòng (ATK Tân Trào)

14 Tháng 09 Năm 2022 / 466 lượt xem

Đặng Quang Huy

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

 

Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo toàn dân trường kỳ kháng chiến. Tân Trào (Tuyên Quang) được chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chi Minh cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều cơ quan Trung ương. Do đặc điểm luôn phải di chuyển bí mật, tránh bị máy bay địch oanh tạc, Hang Bòng là một trong số các địa điểm được Bác Hồ sử dụng ở nhiều lần nhất và cũng lâu nhất trong suốt thời gian 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chiến khu Tân Trào được mệnh danh là “Thủ đô của Nhà nước cách mạng”, nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong kháng chiến. Vẻ đẹp hùng vĩ của non nước nơi đây đã được thể hiện trong nhiều áng thơ ca cách mạng, giúp con người luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Câu thơ: “Ngọn cờ đỏ thắm, gió lồng cửa hang” của nhà thơ Tố Hữu trong tập thơ “Việt Bắc” chính là quang cảnh trước Hang Bòng. Hang Bòng nằm gần sát chân núi phía tây Tân Trào, dưới hang chừng 500 mét có một con đường mòn chạy ngang qua. Hang không rộng, nhưng có nóc cao, thoáng đãng, có thể tránh được bom. Cửa hang nhìn ra cánh đồng thuộc thung lũng sông Phó Đáy. Trước hang khoảng 50 mét có giếng nước tự nhiên hình thành từ các khe đá. Vị trí của hang có nhiều thuận tiện cho việc tổ chức sinh hoạt, làm việc và quan sát từ xa các di chuyển từ dưới lên, đủ kín đáo nhưng không quá khuất. Vì những lý do đó nên Bác Hồ đã ở đây 3 lần, có thời gian Người ở liên tục tới hơn một năm.

Lần thứ nhất, Bác Hồ ở Hang Bòng từ ngày 17/10/1949 đến ngày 01/9/1950 (thời gian hơn 10 tháng). Tại đây, Người đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có Sắc lệnh Tổng động viên (ngày 12/2/1950), nhằm huy động tất cả nhân lực, vật lực, tài lực cho cuộc kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Cũng tại đây, vào tháng 6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Ngày 01/9/1950, từ Hang Bòng, Người lên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên giới.

Lần thứ hai, Bác Hồ ở Hang Bòng từ ngày 10/10/1950 đến 04/02/1951 (thời gian gần 4 tháng). Sau Chiến dịch Biên giới, Bác Hồ trở lại Hang Bòng, chủ trì cuộc họp hội nghị tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm từ Chiến dịch Biên giới. Tháng 12/1950, từ Hang Bòng, Người đến thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng thăm Chính phủ kháng chiến Lào, điểm tựa của các nhà lãnh đạo cách mạng Lào tại Việt Nam.

Lần thứ ba, Bác Hồ ở Hang Bòng từ ngày 20/2/1951 đến 30/12/1952 (thời gian 1 năm, 10 tháng, 10 ngày). Trong lần ở lâu nhất này, vào ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngày mà ngành Ngân hàng Việt Nam tự hào lấy đó làm ngày khai sinh ra ngành mình. Trong những năm đầu thành lập, từ tháng 5/1951 đến tháng 10/1954, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đặt trụ sở làm việc ở Bản Liếng, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, sau đó di dời đến xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Những nơi này được ghi nhận trong bia tích lịch sử của ngành Ngân hàng.

Hang Bòng là nơi kín đáo, thuận tiện trong việc liên lạc và chỉ đạo. Trước cửa hang, các đồng chí cảnh vệ dựng môt lán nhỏ để Bác Hồ ở và làm việc. Lán được làm theo kiểu nhà sàn miền núi, các thanh dầm gối vào vách đá, lợp lá cọ, xung quanh đan bằng nứa nong đôi. Lán có một gian, diện tích khoảng 12m2, không có chái vảy. Khung phần thân lán có 4 cột, liên kết giữa hai cột trên và dưới là 3 thanh dầm ngang (2 thanh dài 3,30m; 1 thanh phía dưới dài 6,3m). Hai đầu thanh dầm này được gối vào đá để tạo độ chắc chắn và 3 thanh dầm dọc, mỗi thanh dài 3,50m. Đỡ phần sàn gồm 6 cột có đường kính 0,20m, dài 1,80m. Lán có kết cấu đơn giản, phần mái lá có 2 vì kèo kép bằng tre cấu trúc kiểu chữ đinh (vì 2 mái đều có xà dọc để đỡ cột phụ và nóc lán). Có 1 cửa sổ chạy dài theo gian lán phía trước. Cửa sổ có 2 phần chính, bên trên là một phên liếp đan nong, buộc 2 dây đầu trên (dây treo) và dùng 2 đoạn cây nhỏ khoảng 1,4m chống lật lên trên để trong lán có ánh sáng, có 19 song cửa làm bằng những cây hóp nhỏ chạy dọc theo chiều dài cửa sổ, bên dưới được thưng kín bằng liếp nứa có chiều cao 60cm. Sàn được trải bằng cây tre mai bổ nhỏ phanh ra thành tấm. Lán nằm dưới tán cây rừng, bảo đảm an toàn, bí mật. Từ trên lán, có thể quan sát cả một vùng rộng lớn phía dưới. Hàng ngày Bác xuống giếng trước hang lấy nước sinh hoạt. Dù bận rộn công việc nhưng Bác vẫn dành thời gian tăng gia sản xuất, luyện tập thể thao, câu cá. Mỗi lần ra sông Phó Đáy tắm, khi về Bác mang theo những viên đá nhỏ xếp vào các bậc lên xuống hang để trời mưa đỡ trơn. Bác luôn động viên, khuyếnkhích nhân dân địa phương phải tăng gia sản xuất, chăm chỉ lao động để có cơm ăn, áo mặc, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong thời gian ở Hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ. Từ ngày 22 đến 28/4/1952 Người chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ III (khóa II) - đánh giá tình hình trong nước và thế giới để đề ra chiến lược cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đoàn kết chiến đấu và đi đến thắng lợi cuối cùng. Tại đây, Người còn viết báo, làm thơ, viết thư thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận, các cháu thiếu nhi, đồng bào vùng bị địch tạm chiếm v.v... Nhiều quyết định quan trọng từ Hang Bòng đã làm thay đổi cục diện chiến trường; quan hệ ngoại giao được xây dựng và củng cố đưa vị thế chính trị của Việt Nam lên tầm cao mới; công tác tài chính, tiền tệ được chú trọng để tạo sức mạnh cho nền kinh tế kháng chiến. Từ Hang Bòng, Bác đã lên đường đi công tác Liên Xô, Trung Quốc, ra mặt trận chỉ đạo chiến dịch...

Tại Hang Bòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về thuế vùng nông nghiệp; công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đặc biệt, trong thời gian ở và làm việc tại Hang Bòng, Người rất chú trọng công tác phê bình và tự phê bình. Người đã viết bài “Tự phê bình và phê bình”, “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh”, đăng trên báo Nhân Dân. Ngoài công việc, Người luôn quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, các cháu thiếu niên nhi đồng, các cụ già và phụ nữ trong cả nước.

Ngồi ở lán Hang Bòng nhìn xuống thung lũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài thơ: “Thơ chúc mừng năm mới 1950”, “Sáu mươi tuổi”, “Lên núi”, “Đối trăng”, “Nhớ chiến sĩ”. Bài thơ “Vô đề” của Người tả cảnh thật dung dị, phi thường, thi vị hóa một không gian thời chiến:

“ Đường non khách tới hoa đầy,

Rừng sâu quân đến tung bay chim ngàn.

Việc quân việc nước đã bàn,

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau”

Tại Hang Bòng, Bác Hồ viết nhiều bài thơ gửi các cháu thiếu niên nhi đồng:

“Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”

Hoặc bài:

“Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình

Để tham gia kháng chiến

Để gìn giữ hòa bình

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”.

Tại Hang Bòng, tháng 8/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cảm ơn bà Phạm Thị Dược - một bà mẹ chiến sĩ ở Tuyên Quang gửi tặng Người một công trái 100kg thóc; gửi thư cảm ơn ông Vũ Đình Dộc, cơ sở đại lý báo Cứu quốc ở Bình Ca - Tuyên Quang gửi tặng Người 2 phiếu công trái trị giá 100kg thóc để Người làm giải thưởng thi đua. Cũng chính từ căn lán nhỏ đơn sơ Hang Bòng, tháng 10/1952 Chủ tịch Hồ Chí Minh đi dự Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô.

Hang Bòng là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong những năm trường kỳ kháng chiến. Hang Bòng không những có giá trị đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, nghiên cứu về lịch sử Đảng, về Bác Hồ, mà còn có giá trị là một quần thể di tích thời kỳ tiền khởi nghĩa đến kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hiện nay ngôi lán tại Hang Bòng đã được tôn tạo và phục dựng vào năm 2010. Lán làm theo kiểu nhà sàn, một gian thoáng, rộng chừng 20m2, bốn cột giữ mái lá bằng gỗ đinh bền chắc, thang lên sàn đặt phía bên trái mặt trước của lán, hiên lán vẫn có một hàng chấn song thấp như một số ảnh cũ đặc tả để lại, lưng lán tựa vào vách hang. Từ đây có thể nhìn rõ con đường vào trung tâm Tân Trào, dòng sông Phó Đáy uốn lượn và cánh đồng làng Bòng trải đến đình Hồng Thái. Cùng với rất nhiều điểm di tích trong quần thể ATK Tân Trào, đến với Hang Bòng, mỗi người đều dâng lên niềm tự hào về Bác Hồ kính yêu, về những trang sử hào hùng của cha anh trong lịch sử kháng chiến.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)