Một vài suy nghĩ về nét đặc sắc trong văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh
Lê Cẩm Tú
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta và nhân dân thế giới di sản vô cùng quý báu, đó là phong cách, đạo đức, tư tưởng của Người và thời đại Hồ Chí Minh. Điều làm nên di sản đó cùng với những yếu tố về lòng yêu nước, thương dân, trí tuệ uyên bác, thông minh sắc sảo, tư duy độc lập sáng tạo, hoài bão lớn, nghị lực phi thường và nhân quan sâu sắc của Người còn phải kể đến một nhân tố rất quan trọng, đó là văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh.
Văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển qua quá trình khổ công học tập và rèn luyện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đó là sự kết tinh hài hòa giữa giá trị văn hóa giao tiếp truyền thống của dân tộc và tinh hoa văn hóa giao tiếp của nhân loại.
Văn hóa giao tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện một phong thái đặc biệt, đầy nhân văn, nhân bản của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có phong cách và kỹ năng giao tiếp giản dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, tế nhị và chu đáo với mọi người; tình cảm chân thành, thái độ khoan dung độ lượng; xử lý một cách khéo léo, hiệu quả các tình huống giao tiếp xảy ra. Chính những điều này đã tạo nên sức hấp dẫn lớn lao và sự cảm hóa kỳ diệu ở Người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong tác phẩm “Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp” đã viết về Người như sau: "Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu"[1]. Điều này, ngay từ năm 1923, nhà thơ Xô-viết Ôxip Man-đe-xtam cũng đã có những cảm nhận rất tinh tế về Người: “Cả gương mặt Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng và tiềng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”[2].
Tìm hiểu văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh ta thấy được cái gần gũi tế nhị với độ sâu sắc lịch lãm, cái dung dị đời thường với tầm cao của tư duy bác học. Dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ của một đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người công nhân, nông dân bình thường, Hồ Chí Minh cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành, vừa ân cần, tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong tư thế chủ động, với ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu, với nụ cười luôn đem lại sự bất ngờ làm xóa nhòa mọi khoảng cách, đem lại hiệu quả cao. Tất cả được hòa quyện và đạt tới trình độ nghệ thuật với những nét đặc sắc, tinh tế rất riêng trong văn hóa giao tiếp ở Người. Điều đó được thể hiện tập trung với những nội dung:
Một là: giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, chu đáo với mọi người.
Đây là phẩm chất nổi bật ở Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hiếm có một người lãnh đạo nào trên thế giới có được. Người thường căn dặn: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta”[3]. Bởi vậy, đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, Người luôn thể hiện thái độ vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái gần gũi, khi cần thì nhắc nhở nhẹ nhàng hoặc phê bình kịp thời, nghiêm khắc mà vẫn khoan dung, độ lượng, lay động cảm hoá lòng người cao độ. Bác sống như thế nào với những người ở gần Bác, những anh em phục vụ, thổi cơm, lái xe, bảo vệ Bác? Khi Bác mất rồi, anh em họp lại, bao nhiêu người chỉ có một ý, một lời về Bác: Không có ai thương yêu mình như Bác. Không có ai đối xử với mình rộng lượng, bao dung và đầy tình nghĩa như Bác. Không có ai dạy bảo ân cần, chính xác, theo dõi sát sự sửa chữa các thiếu sót của mình như Bác. Không ai tôn trọng nhân cách con người mình như Bác. Đồng chí Phan Văn Xoàn, người có hơn 10 năm được đi bảo vệ Bác kể: Là cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác, chúng tôi không dám lơ là dù chỉ một phút. Dù vậy cũng không thể tránh hết những thiếu sót nhỏ. Bác biết, không trách mắng bao giờ, chỉ góp ý, phê bình nhẹ nhàng nhưng thấu đáo. Có lần, chúng tôi đưa Bác đi thực tế. Đi bộ, tắt rừng, vượt đồi. Đi một lát, phát hiện ra lạc đường, anh em cảnh vệ toát mồ hôi. Bác biết nên hỏi: "Các chú nhầm đường phải không?". Chúng tôi đành thú thật: “Dạ, chúng cháu thấy hơi lạ”. Vừa trả lời, tim vừa đập thình thịch, Bác khoát tay: “Thôi được cũng mệt rồi, Bác nghỉ chút. Các chú xem lại thử”. Nghe Bác nói chúng tôi thở phào. Thái độ bình thản và gần gũi của Bác khiến chúng tôi yên tâm trở lại [4].
Năm 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó có tên là Tống Văn Sơ bị chính quyền Anh bắt ở Hồng Kông và buộc tội là “một phần tử cộng sản nguy hiểm”, “phái viên của Đệ tam Quốc tế đến Hồng Kông để lật đổ chính quyền”. Tuy nhiên, chỉ qua một lần tiếp xúc với ông bà luật sư người Anh là Lôdơby (F.H. Loseby), bằng tình cảm, sự chân thành của mình, Người đã cảm hóa được họ. Mặc dù không cùng “chiến tuyến”, nhưng Người đã được ông bà luật sư nhận lời bào chữa và tận tình giúp đỡ Người thoát khỏi nhà tù
Văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh còn thể hiện trong cách nói và viết một cách chân thực, ngắn gọn, rõ ràng, trong sáng, giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; đi thẳng vào vấn đề, do đó, nó luôn có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với với đối diện.
Bà Trần Thị Lý (tên thật là Trần Thị Nhâm) là một chiến sĩ cách mạng bị đế quốc Mỹ bắt giam nhiều lần và tra tấn dã man dưới chế độ nhà tù Mỹ ngụy. Bà đã được đưa ra miền Bắc điều trị và vinh dự nhiều lần được gặp Bác, nhắc đến tình cảm của Bác, bà thường bùi ngùi nhớ lại: “Mỗi lần vào thăm Bác, Bác thường cho tôi ăn cháo đậu xanh vì tôi không ăn được cơm. Lần nào, Bác cũng thấy tôi ăn ít quá, nhìn tôi, Bác lo lắng, thương xót, và nói:
- Cháu ăn ít quá, phải cố gắng ăn nhiều hơn. Cháu còn xanh quá, cháu cố gắng ăn nhiều cho chóng khoẻ!...
Nhiều lúc, Bác dắt tôi đi chơi trong vườn Phủ Chủ tịch. Bác không đưa tôi đi trên sỏi vì Bác biết chân tôi đi dẫm trên sỏi thì ảnh hưởng đến vết thương trên đầu. Bác chỉ cho tôi những cây dừa, cây bưởi, cây cam Bác trồng…”[6]
Hai là: thái độ chân thành, khoan dung độ lượng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có thái độ yêu thương, quý mến con người, trân trọng con người, khoan dung, khiêm nhường, độ lượng với con người. Theo Người, “Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng của nó hẹp và nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn”[7]. Tức là trong quan hệ giao tiếp với mọi người phải luôn giữ thái độ tôn trọng, bao dung độ lượng; chớ kiêu căng, hách dịch.
Thực tế, khi giao tiếp với mọi người nhất là đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, anh em, thậm chí cả đối với những người đối lập với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng thể hiện thái độ tự nhiên, chân tình, cởi mở, vừa chủ động, linh hoạt cũng vừa ân cần, gần gũi làm cho bất kỳ ai dù chỉ được gặp Người một lần cũng cảm nhận được tình cảm chan hòa gần gũi. Dường như trong giao tiếp với Bác, không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ với nhân dân, giữa vĩ nhân với quần chúng. Vì vậy, phong cách giao tiếp của Người luôn tiềm ẩn sức cuốn hút, năng lực cảm hóa và thôi thúc mọi người hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ"[8]. "Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ"[9]. Thực hiện tinh thần đó, sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã cố gắng khoả lấp các khoảng cách, đã đạt tới đỉnh điểm của mối tương đồng, đẩy xa những tính khác biệt để đạt được mục tiêu phù hợp với bối cảnh lịch sử cụ thể, có lợi cho sự nghiệp chung. Bởi thế, Người đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn rời bỏ cuộc sống vinh hoa để phục vụ đất nước. Sau một buổi tiếp xúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời và thuyết phục được cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm nhiệm việc nước. Người cũng đã thuyết phục được cụ Bùi Bằng Đoàn - nguyên Thượng thư Bộ Hình ra làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội; cụ Phan Kế Toại - nguyên Khâm sai Bắc Kỳ ra làm Phó Thủ tướng. Người cũng đã thuyết phục được một số nhà trí thức Việt kiều yêu nước như GS. Trần Đại Nghĩa, GS. Đặng Văn Ngữ… về nước phục vụ cho Tổ quốc.
Ba là: xử lý khéo léo, hiệu quả các tình huống giao tiếp.
Với vốn hiểu biết uyên bác, ý chí nghị lực phi thường cũng với sự giản dị, lạc quan, kinh nghiệm và tự tin kết hợp với phong cách lịch thiệp, nho nhã trong giao tiếp ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý khéo léo các tình huống giao tiếp xảy ra, đem lại những thành quả to lớn cho cách mạng Việt Nam. Theo Người, gặp mỗi vấn đề “phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”[10]. Muốn quyết định đúng mọi vấn đề, trước hết phải: Điều tra nghiên cứu rõ ràng. Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng. Và mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải biết tổng kết rút kinh nghiệm để làm “khuôn phép” cho những công việc khác, coi đó là chìa khoá phát triển công việc và để giúp cho cán bộ hoàn thiện mình hơn.
Thực tế, khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng chính quyền non trẻ còn gặp khó khăn trăm bề, thù trong giặc ngoài, thiên tai, giặc đói, giặc dốt… Bản thân Người cũng phải chuyển chỗ ở nhiều nơi, luôn cải trang, có khi cần đi sớm về tối để tránh nguy hiểm, nhưng sách lược và chiến lược tài tình của Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi ghềnh thác. Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng triệt để những mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng, khi Người nhân nhượng với Pháp để đuổi Tưởng và bè lũ tay sai về nước; khi Người hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp, dành thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Đây là một sự giải quyết tình huống linh hoạt và hiệu quả, tránh cho Việt Nam một cuộc đụng độ bất lợi, vừa đuổi được 20 vạn quan Tưởng và bè lũ tay sai, vừa bảo vệ được nền độc lập, lại có thời gian để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Ông Vũ Đình Huỳnh, nguyên là Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể câu chuyện Bác đối phó với Tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch khi chúng âm mưu thực hiện kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” tháng 9/1945: “Bác bước nhanh vào phòng khách của Lãnh sự quán như bước vào chốn quen thuộc đã từng lui tới nhiều lần…Tiêu Văn đang ngồi, vội đứng lên đón Bác. Hình như những bước đi thoải mái, tự nhiên và nụ cười rộng mở, đầy chân tình của Bác, tất cả nói lên nhiệt tình của người chủ hiếu khách, như thể Bác chờ đợi cuộc gặp gỡ này từ lâu, đã làm cho Tiêu Văn có phản ứng bất giác đó”.
Năm 1946, trước khi lên đường thăm chính nước nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm tay và dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng – nhà cách mạng lão thành, quyền Chủ tịch nước: "Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở Cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”[11]. Tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật giao tiếp, lấy mục tiêu không thay đổi là độc lập, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân làm gốc, tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể, tùy từng lĩnh vực và đối tượng cụ thể mà có sự vận dụng linh hoạt, uyển chuyển những phương pháp, cách thức giao tiếp khác nhau cho phù hợp. Nét đặc sắc trong nghệ thuật giao tiếp ấy, không chỉ đem lại thành quả lớn lao cho cách mạng Việt Nam, mà còn làm cho tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người mãi mãi trường tồn và tỏa sáng.
Trên đường từ Pháp về Việt
Chính vì tinh tế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất am hiểu các đối tượng giao tiếp và rất uyển chuyển trong cách giao tiếp: Nếu cần làm thơ thì Người sẽ làm thơ, cần viết văn thì Người sẽ viết văn hoặc vận dụng những áng văn thơ điển hình phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp. Khi đón Tổng thống Guinea Sekou Toure đến thăm Việt
Sáng ngày 10/5/1963, tại sân bay Gia Lâm, khi đón Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ và Phó Thủ tướng Trần Nghị sang thăm Việt Nam, Bác cũng đọc thơ và câu thơ khi đó nay đã trở thành câu nói tượng trưng cho quan hệ hai nước: “Mối tình thắm thiết Việt-Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”.
Trong tác phẩm “Văn hóa và đổi mới”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng bao giá trị, giá trị đó, nói cho cùng, là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”[12].
Nét đặc sắc trong văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiến to lớn. Nhận thức và thực hiện có hiệu quả những nội dung của văn hóa giao tiếp Hồ Chí Minh, sẽ góp phần giúp chúng ta làm tốt đường lối đối ngoại, của Đảng, Nhà nước ta và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng; cũng như chủ trương cải cách hành chính, xây dựng văn hoá ứng xử cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước và cho nhân dân hiện nay./.
[1] Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, H, 1990, tr17
[2] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, 1993, tập 1, tr.204
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tập 4, tr.48
[4] Bác Hồ sống mãi với chúng ta, t.2, Nxb CTQG, H.2005, tr.682-694
[5] Hồi ký của ông bà Lôdơby. Tài liệu lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng.
[6] Nước non bừng sang: NXB Phụ nữ, Hà Nội 1975.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tập 5, tr.644
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tập 4, tr.140
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tập 4, tr.175
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tập 5, tr.239
[11] Song Thành: Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc Gia, H, 2010, tr.400
[12] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb CTQG, H, 1994, tr.126