slider

Nguyễn Ái Quốc và M. Borodin

07 Tháng 06 Năm 2023 / 2473 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước. Những năm tháng đầu tiên đặt chân lên các nước tư bản tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ để tìm hiểu bản chất xã hội và cuộc sống của những con người thuộc về thế giới tự do, bình đẳng, bác ái, văn minh đã gây thất vọng cho người thanh niên: đó là những xã hội phồn hoa giả tạo, nơi sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo tồn tại rất bền vững và phô phang như một thương hiệu lâu năm; nơi kiếp sống cực khổ của đại bộ phận người dân lao động quanh năm làm quần quật để nuôi các ông chủ giàu có; nơi chúng tộc con người bị phân loại, khinh rẻ theo màu da. Sau khi dấn thân vào cuộc đấu tranh đòi quyền độc lập cho dân tộc, quyền tự do cho đồng bào bằng bản “Yêu sách 8 điểm” dưới cái tên Người Yêu Nước, Nguyễn Ái Quốc thật sự bắt đầu hành động, mặc dù lúc đó chưa có định hướng cụ thể, chỉ với ý chí quyết tâm, tinh thần yêu nước và lòng nhiệt tình tuổi trẻ. Sau khi được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc mới thực sự hiểu rằng: tấm gương của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại và tư tưởng đoàn kết giai cấp vô sản của Lênin là những yếu tố tạo nên sức mạnh giải phóng các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Năm 1923 lần đầu tiên đặt chân lên đất nước Lênin, sau đó Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến học tập, công tác, thăm hữu nghị Liên bang Xô viết nhiều lần nữa vào các năm: 1927, 1934, 1950, 1952, 1954, 1955, 1957, 1959, 1960, 1961, 1962. Trong quá trình hoạt động cách mạng, khi đảm đương nhiệm vụ của một chiến sĩ quốc tế cộng sản cũng như trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo lập được nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng chí, anh em với nhiều nhân vật của chính phủ Nga Xô viết từ những người lãnh đạo cấp cao nhất cho đến những đảng viên cộng sản như: Mikhail Markovich Borodin, Pavel Alexanderovid Miv, Bliukhe Vaxili Constantinovich, Vasilieva Vera Iacolevna, Iosif Vissarionovich Stalin, Gherman Stepanovich Titov...

Người cộng sản Nga đầu tiên quen thân và hỗ trợ nhiều cho Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn Người công tác ở hải ngoại là M. Borodin (tên thật là Grudenbec), một nhà chính trị chuyên nghiệp đã tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, được kết nạp vào đảng cộng sản năm 19 tuổi, có nhiều năm tháng hoạt động ở Anh, Mỹ, Mexico nên rất giỏi tiếng Anh. Sau khi cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Borodin quay về nước để làm công tác phụ trách liên lạc quốc tế của Đảng Cộng sản Nga, chuyên trách các vấn đề của Quốc tế cộng sản (QTCS). Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đặt chân lên bến cảng Petrograd của nước Nga Xô viết (nay là St.Petersburg). Ngay trong tuần đầu tháng 7, Người đến Moscow. Nguyễn Ái Quốc đã được ban tổ chức phân đến ở tầng 3 khách sạn Lux (lúc đó đây thực chất là khu nhà tập thể của các cán bộ công tác tại QTCS) thì gia đình Borodin gồm hai vợ chồng và hai con trai cũng được bố trí ở tầng 2 cùng khu nhà nên mọi người hay gặp gỡ trò chuyện, tuy nhiên vì thời gian đó Nguyễn Ái Quốc mới bắt đầu học tiếng Nga, nói chưa thạo nên khi nói chuyện hai bên vẫn phải dùng tiếng Anh để cùng hiểu nhanh hơn. Borodin nhiều hơn Nguyễn Ái Quốc 6 tuổi, có hơn 1 năm sống ở nước Anh và trải qua 11 năm sống ở Mỹ nên dù chỉ ở gần nhau mấy tháng ngắn ngủi nhưng Nguyễn Ái Quốc đã rất thân thiết, gắn bó với cả gia đình Borodin và hai người bạn thường cùng nhau tâm sự, kể lại những kỷ niệm và kinh nghiệm hoạt động bí mật trong những năm ở Mỹ, Anh. Tháng 1/1923, bác sĩ Tôn Dật Tiên, người đứng đầu chính phủ cách mạng Quảng Châu, tuyên bố xây dựng Quảng Châu thành đại bản doanh cách mạng. Tháng 8/1923, Tôn Dật Tiên gửi một phái đoàn sang Liên Xô để nghiên cứu về tổ chức chính trị và quân đội nước Nga Xô viết. Tháng 10/1923, theo lời đề nghị của Tôn Dật Tiên, chính phủ Liên Xô đã cử Borodin sang Trung Quốc giữ cương vị là Trưởng đoàn cố vấn chính trị của của Ban chấp hành Trung ương Quốc dân đảng, đồng thời là đại diện của QTCS tại Trung Quốc. Còn Nguyễn Ái Quốc, sau một thời gian học tập và làm việc tại Liên Xô, đã gặp gỡ, đề đạt nguyện vọng cháy bỏng của mình với người bạn cộng sản, người đồng chí Dmitry Zakharovych Manuilski, thành viên đoàn chủ tịch QTCS và Ủy viên Ban chấp hành QTCS, là muốn đến Trung Quốc rồi tìm cách trở về nước để hoạt động. Manuilski vui vẻ nói: “Đồng chí Nguyễn, đồng chí đặt vấn đề đến công tác ở phía Nam Trung Quốc là rất đúng. Ở đấy lúc này đang có những điều kiện thuận lợi cho các lực lượng cách mạng, Chính phủ cách mạng Quảng Châu thành lập năm 1923 do bác sĩ Tôn Dật Tiên lãnh đạo. Ông là một người bạn lớn của Liên Xô. Nhiều cố vấn chính trị và quân sự Xô-viết đang làm việc rất tốt ở miền Nam Trung Quốc. Đồng chí Bôrôđin mà đồng chí quen biết đang làm cố vấn chính trị cho ông Tôn Dật Tiên, có uy tín lớn trong nhân dân Trung Quốc và được các bạn Trung Quốc đánh giá cao. Nếu đồng chí đến đây mà bắt liên lạc với Borodin thì rất tốt. Borodin có thể giúp đỡ đồng chí có hiệu quả”(1).

Ngày 25/9/1924, Ban chấp hành QTCS ra quyết định số 511 cử Nguyễn Ái Quốc, cán bộ Ban Phương Đông của QTCS, Ủy viên đoàn chủ tịch Quốc tế nông dân (QTND) đi Quảng Châu với nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á. Để chuẩn bị cho chuyến công tác này, Nguyễn Ái Quốc nhận làm phóng viên thường trú của hãng thông tấn Nga Rosta- một hãng thông tấn và xuất bản lớn nhất của chính quyền Xô viết lúc đó, có tới 150 phóng viên ở Liên Xô, bao gồm cả những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nước và có cả phóng viên thường trú ở nước ngoài do các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản của các nước sở tại đảm nhận. Giám đốc hãng Rosta đã giao cho anh Nguyễn yêu cầu công việc tại Quảng Châu là: gửi về trụ sở hãng những tin tức về sự kiện hoàn toàn mới, có ý nghĩa về chính trị, tư tưởng, đề cập những vấn đề thời sự của cuộc đấu tranh và đời sống nhân dân; lối viết phải ngắn gọn, chủ đề rõ ràng, phản ánh nhanh và chính xác, có sức thuyết phục, hướng dẫn và cổ vũ đấu tranh và anh Nguyễn lấy tên mới là O. Lu. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu, nơi đang được coi là “Moscow của Trung Quốc - một trung tâm cách mạng của châu Á”. Theo lời gợi ý của Manuilski, Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách đến gặp ngay Borodin. Lúc đó các báo ở Quảng Châu thường đăng việc tuyển dụng phiên dịch cho phái đoàn Liên Xô. Vì biết các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung, Nga nên Nguyễn Ái Quốc cầm một tờ Quảng Châu nhật báo đến trụ sở phái đoàn Borodin và tất nhiên được nhận ngay vào làm. Ngày 12/11, Người vẫn lấy tên Lu gửi thư về Moscow: “Để báo cho đồng chí biết rằng tôi đã đến đây hôm qua và đang ở nhà đồng chí Borodin với 2 hoặc 3 đồng chí Trung Quốc” với địa chỉ liên lạc là: Hãng thông tấn Rosta, Quảng Châu, Trung Quốc(2). Một tháng sau, Nguyễn Ái Quốc gửi thư về QTCS báo cáo những việc đã làm và viết: “Trong lúc này, tôi là một người Trung Quốc chứ không phải là người An Nam và tên tôi là Lý Thụy chứ không phải là Nguyễn Ái Quốc”(3). Từ ngày 31/7/1925, Đoàn chủ tịch QTND quyết định phân công Nguyễn Ái Quốc phụ trách công tác vận động nông dân ở Trung Quốc và thuộc địa Đông Dương. Các báo cáo của Người gửi về QTND đều ký tên mật danh là Nilovsky.

Nguyễn Ái Quốc - Lý Thụy ở và làm việc trong biệt thự của Borodin, vốn vẫn được quen gọi là biệt thự họ Bào. Đây là một ngôi nhà hai tầng màu xám có vườn hoa, trông ra phố và đối diện với trụ sở Ban chấp hành Quốc dân đảng. Trên gác là phòng ở của gia đình Borodin, dưới nhà có phòng làm việc và phòng ở của các nhân viên giúp việc và phiên dịch. Tổng cộng chí có 10 người sống trong biệt thự, chủ yếu là người Hoa, người Nga và chỉ có Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam. Trương Thái Lôi phụ trách phòng phiên dịch đồng thời là cố vấn, người giúp việc của Borodin. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc còn gặp lại Bliukhin, nguyên là phó ban Phương Đông của Quốc tế thanh niên, người cùng sống chung tầng tại khách sạn Lux ở Moscow với Nguyễn Ái Quốc, lúc đó bí danh là Galin, cũng được cử sang Quảng Châu làm trưởng đoàn cố vấn quân sự bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên. Công việc của Lý Thụy vừa mang tính công khai là phiên dịch cho phái đoàn Borodin vừa mang tính bí mật vì được phép tiếp xúc với Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng với tư cách cá nhân. Do kinh phí eo hẹp nên Lý Thụy phải làm thêm nhiều việc khác để kiếm sống và đóng góp cho phong trào cách mạng, thế nhưng anh bao giờ cũng lịch thiệp, gương mẫu, khiêm tốn, chân thành và gây cảm tình với mọi người sống cùng biệt thự. Ông Vương Nhất Tri, một người Hoa đã làm việc và sống cùng Lý Thụy trong biệt thự họ Bào kể lại: “Hồi đó Hồ Chí Minh và chúng tôi cùng sống ở tầng dưới. Lúc bấy giờ Hồ Chí Minh độ 30 tuổi, mặt gầy và dài, mắt sáng, nói tiếng phổ thông đặc giọng Quảng Đông. Người để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc: quan sát nhanh nhạy, ham học hỏi, thái độ hòa nhã với mọi người, thẳng thắn, chân thành. Người thường nói với chúng tôi: người đảng viên cộng sản phải chân thành với đồng chí, đồng bào, cần biết đâu là điểm cơ bản nhất mà người cộng sản phải làm”(4). Nữ đồng chí Aikimova, một nhân viên phiên dịch người Nga trong đoàn cố vấn Liên Xô cũng ghi lại trong hồi ký của mình: “Ở biệt thự họ Bào tại Quảng Châu tôi còn hân hạnh được quen biết một nhân vật ưu tú. Đó là người Việt Nam họ Lý. Chúng tôi gọi anh là Lý An Nam. Anh trạc 38 tuổi, vẻ người không được khỏe lắm, dường như bị bệnh phổi. Cho đến nay tôi vẫn nhớ anh vóc người mảnh khảnh, mặc bộ đồ tây hơi rộng, cặp mắt có vẻ đăm chiêu, đượm nét ưu sầu, bước đi nặng nề. Anh nói tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Quảng Đông rất giỏi, lại còn biết cả tiếng Nga nữa. Tôi tỏ ý muốn học tiếng An Nam với anh. Anh vui vẻ nhận lời ngay. Đối với chúng tôi, anh rất tử tế, nhưng hơi dè dặt, quá cẩn thận. Anh không bao giờ nhắc đến những công việc đang làm hoặc trước đó mà giữ rất kín. Song chúng tôi đều biết anh đang bị đế quốc Pháp lùng bắt, treo giải thưởng rất cao. Một thời gian sau tôi được bà Borodin cho biết Lý An nam của chúng ta không phải ai xa lạ mà chính là Nguyễn Ái Quốc”(5). Ở Quảng Châu, Borodin có uy tín rất lớn và dày dạn kinh nghiệm hoạt động. Nguyễn Ái Quốc thường được Borodin góp ý những điều cần thiết và giúp đỡ hiệu quả trong quá trình tiến hành công tác tư tưởng chính trị và tổ chức Việt kiều yêu nước ở miền Nam Trung Quốc. Lý Thụy đã được sự giúp đỡ của Borodin và các lực lượng cách mạng Trung Quốc để tổ chức 3 lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam yêu nước tại số nhà 13 đường Văn Minh, một khu phố yên tĩnh có lối thoát phía sau để phòng trường hợp bất trắc. Bên cạnh đó, Borodin còn dùng tên và địa chỉ của mình để nhận giúp Nguyễn Ái Quốc thư từ liên lạc, chỉ đạo từ đoàn chủ tịch QTND. Ngày 18/8/1925, QTND đã gửi cho đồng chí Nilovsky 5000 rúp theo tên và địa chỉ của Borodin để Nguyễn Ái Quốc chi vào việc in các tài liệu về nông dân. Borodin còn giới thiệu nhiều giảng viên Liên Xô công tác tại trường quân sự Hoàng Phố đến giảng dạy cho 3 khóa huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Trong số những giảng viên ấy có những tướng lĩnh nổi tiếng, các anh hùng trong cuộc nội chiến ở nước Nga như V.C. Bliukhin, P. A. Paplov, M. V. Kubisev, V.M. Primacov. Các thanh niên cách mạng Việt Nam rất vui sướng khi được gặp mặt các vị chỉ huy lỗi lạc, các anh hùng của cuộc Cách mạng Tháng Mười và thời kỳ nội chiến Nga ngay tại lớp học. Borodin còn giúp Nguyễn Ái Quốc lựa chọn những thanh niên yêu nước xuất sắc trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để gửi sang học tại trường đại học cộng sản Phương Đông. Nhóm đầu tiên gồm 5 người trong đó có Lê Hồng Phong. Đầu năm 1926, những thanh niên này đã đến Moscow để bắt đầu tham gia học tập. Borodin cũng kịp thời cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc những tin tức thời sự nóng sốt về phong trào cách mạng tại các địa phương của Trung Quốc cũng như nhiều thông tin chính xác về tình hình kinh tế, chính trị của các nước Đông Nam Á và giúp Nguyễn Ái Quốc liên hệ với những đoàn thể, tổ chức, cũng như nhiều nhà hoạt động cách mạng khác. Đầu năm 1927, cuốn sách Đường Kách Mệnh được Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản. Đó là những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc về chủ nghĩa Lênin và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Nội dung cuốn sách cũng khẳng định chủ nghĩa yêu nước chân chính không thể tách rời chủ nghĩa quốc tế vô sản và nhiệm vụ quốc tế quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam là nghiên cứu kinh nghiệm và đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga. Và Nguyễn Ái Quốc đã kết luận chắc chắn rằng: tất cả các nhà cách mạng đều là bạn của nhân dân Việt Nam.

Tháng 3/1925, Tôn Dật Tiên mất. Đến ngày 12/4/1927, thì Tưởng Giới Thạch tiến hành đảo chính phản cách mạng ở Thượng Hải và ngày 13/4 đảo chính xảy ra tại Quảng Châu. Quân đội phái hữu tấn công, phá hủy học viện quân sự Hoàng Phố, bắt 300 học viên giam vào nhà tù nổi trên sông Châu Giang. Chúng còn xử bắn mấy trăm đảng viên cộng sản và đưa quân đội bao vây các tòa nhà của cố vấn Liên Xô ở Đông Sơn, ngoại ô Quảng Châu. Trước tình hình đó, văn phòng của Borodin phải chuyển về Vũ Hán vì ở đó còn duy trì được quyền lực của chính phủ Quốc dân đảng cánh tả. Rồi một thời gian sau, theo một thoả hiệp ngầm với Tưởng Giới Thạch, Borodin và phái đoàn cố vấn xô viết đầu tiên đã được rời Trung Quốc bằng đường bộ, dùng ôtô để đưa bà Tống Khánh Linh (phu nhân Tôn Dật Tiên) đi xuyên Trung Quốc, qua sa mạc Gobi để trở về Liên Xô. Khi đến nơi, Borodin đã chỉ đạo cho những cố vấn xô viết còn lại tiếp tục chuẩn bị về nước theo con đường này. Lúc đó, Nguyễn Ái Quốc vẫn còn bí mật nán ở lại Quảng Châu để hoạt động và phải đi bán báo, thuốc lá để kiếm sống và ngụy trang vì quân phản Động biết rõ quan hệ của Lý Thụy với Borodin và các đảng viên Quốc dân đảng cánh tả nên đang ráo riết truy lùng. Đến đầu tháng 5/1927, Trương Vân Lĩnh (tên thật là Trương Văn Thanh), một cơ sở cách mạng của ta làm việc trong cơ quan an ninh Quốc dân đảng đã báo tin cho Nguyễn Ái Quốc là đã có lệnh bắt Người. Nguyễn Ái Quốc phải rời đi Hồng Kông với giấy tờ mang tên viên chức Lý Thụy nhưng bị cảnh sát nghi ngờ nên phải chuyển tàu đi Thượng Hải. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc gia nhập vào đoàn cố vấn Liên Xô thứ hai rồi theo tuyến đường của phái đoàn Borodin trở về Liên Xô an toàn vào ngày 15/6/1927.

Sau khi quay lại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục làm việc trong QTCS cho đến tháng 11/1927 thì được QTCS cử đi Pháp công tác. Còn Borodin được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch dân ủy lao động (chức Thứ trưởng Bộ Lao động), rồi làm Phó giám đốc thông tấn xã Liên Xô TASS, sau đó đồng chí làm Tổng biên tập báo Tin tức Moscow, đồng thời làm Tổng biên tập TASS trong 10 năm cho đến trước khi mất./.

Chú thích:

1.            Đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị - hành chính, 2010, tr.159.

2.            Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2016, tập 1, tr.232.

3.            S.đ.d nt, tr.236.

4.            Hồ Chí Minh và Trung Quốc. Nxb. Giải phóng quân Bắc Kinh, 1987, tr.40.

5.            S.đ.d nt.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)