slider
Phát triển kinh tế số

Nhà hầm D1 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dùng khi có báo động phòng không trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch

07 Tháng 06 Năm 2023 / 1444 lượt xem

Hoàng Kiều Trang

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Từ khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, ngày 7/2/1965, Mỹ dùng không quân mở chiến dịch “Mũi lao lửa” và từ ngày 2/3/1965, Mỹ ném bom ác liệt hơn, gọi là “sấm rền” đánh phá liên tục miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ngày 29/6/1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá Thủ đô Hà Nội. Mỹ đã huy động không quân và hải quân gồm hàng nghìn B52, F111, tàu sân bay,... cùng các loại vũ khí hiện đại, tối tân ném bom, bắn phá liên tục với cường độ ngày càng tăng, không những vào các mục tiêu quân sự mà còn bao gồm cả những mục tiêu dân sự như các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, công trình thủy lợi, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà thờ, nhà trẻ, đường giao thông...

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngay năm 1964, Nhà Hầm D1 được thiết kế trong Khu Phủ Chủ tịch để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sử dụng khi có báo động phòng không. Hầm D1 được xây dựng ở phía bên trái, cách ngôi nhà Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở và làm việc khoảng ba mét, cách Nhà 54 khoảng 50m. Hầm D1 được xây dựng năm 1964, đến năm 1965 mới xây dựng phần nổi ở trên để chống bom ở mức độ cao hơn như bom thường, bom hóa học và bom nguyên tử. Hầm được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, nằm sâu dưới lòng đất khoảng hơn 5 mét. Hầm có ba lối vào, trong đó có một cửa ngách thông lên ngôi nhà, hai lối cầu thang lên xuống nối đến cửa chính phía Tây và cửa nắp hầm phía Đông, dài khoảng ba mét, mỗi bên 23 bậc. Bên trong căn hầm có bốn cửa sắt được thiết kế hai lớp tự động thoát hơi. Các cửa và trần nhà được xây theo kiểu hình mái vòm. Căn hầm có phòng lớn với diện tích 11,6m2, phòng nhỏ diện tích 6,2m2, chiều cao của phòng là 2 mét, hai phòng được ngăn cách bởi 2 cửa gỗ hình vòm nhỏ. Hầm được trang bị hệ thống chiếu sáng, điện ngầm và gian ngách nhỏ chứa các thiết bị thông hơi, lọc độc, cung cấp không khí sạch cho người sử dụng khi hệ thống các cửa đóng kín.

Người thiết kế căn Hầm D1 là Đại tá Đặng Phan Thái, sinh ngày 01/02/1932 ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông nhập ngũ tháng 2/1948 và nghỉ hưu tháng 5/1992 với cấp bậc Đại tá, Phó phòng Phòng Quy hoạch, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử làm trinh sát Trung đoàn 66, Đại đoàn 304, chiến đấu trên các chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, Trung du, miền núi... như Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Thu Đông 1951¬1952, Hoà Bình, Thượng Trung Lào.

Với các thành tích trong chiến đấu, ông đã được tặng nhiều khen thưởng và được cử là đại biểu dự Lễ mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô Hà Nội 1/1/1955. Sau đó ông lại được đi học Trường Văn hóa Kiến An, Hải Phòng năm 1955-1956. Năm 1957, ông về công tác tại Phòng Công trình, Bộ Tư lệnh Công binh (lúc đó là Cục Công binh), được giao nhiệm vụ vô cùng quan trọng, tối mật là thiết kế các công trình mật cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng và Chính phủ, quân đội ở nơi làm việc, sở chỉ huy và các khu căn cứ (ATK) đều có yêu cầu cao về khoa học kỹ thuật. Khi đó, ông tưởng chừng như không thể vượt qua nhiệm vụ này vì trình độ học vấn của ông mới hết lớp 8/10, chưa hiểu biết gì về công trình xây dựng đặc thù cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong hoàn cảnh đất nước chưa hoàn toàn giải phóng. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp cùng với sự cố gắng hết mình, vượt qua những hạn chế của bản thân, ông đã cố gắng học tập chuyên môn nghiệp vụ, vừa học vừa làm, và còn đi dự học các lớp chuyên đề ở Trường Đại học Bách khoa như: Sức bền vật liệu, cơ kết cấu và cách tính toán công trình công sự, đường hầm của Liên XÔ...TỪ đó, dần dần ông cũng có nền tảng kiến thức cơ bản về nhiệm vụ nặng nề mà mình được giao, tiếp cận được những yêu cầu của công việc. Ông Thái được giao nhiệm vụ thiết kế rất nhiều công trình đặc biệt quan trọng của Trung ương trong đó có 4 công trình: 69A, D1, H66, H67 tại Phủ Chủ tịch.

Ông Đặng Phan Thái kể về công trình Hầm D1 như sau: “Khi công trình làm xong, ông Thái đi kiểm tra độ ẩm, nền ở dưới hầm đến lúc lên Bác Hồ đang ngồi trên ghế bê tông ở sân. Khi nhìn thấy ông, Bác gọi: “Chú kỹ sư ơi!”. Nghe vậy, ông vừa mừng, vừa sợ. Ông thưa với Bác: “Cháu chưa phải kỹ sư mà chỉ là vừa học vừa làm, ngành công trình lúc đó chưa có kỹ sư”. Mặc dù thật thà trả lời Bác như vậy nhưng trong lòng ông rất vui khi được Bác gọi là “kỹ sư”. Đó cũng chính là động lực khiến ông cố gắng học tập để trở thành một người kỹ sư thiết kế nhiều công trình quan trọng cho Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo lời kể của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai duy nhất của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng căn Hầm D1 này mỗi khi có báo động phòng không máy bay địch bắn phá Hà Nội trong những năm từ 1965 đến trước năm 1967.

Thiếu tướng Phạm Sơn Dương sinh năm 1951 ở Sơn Dương, Tuyên Quang (nên được đặt tên là Sơn Dương). Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tiếp quản Thủ đô. Trở lại Hà Nội cùng gia đình, tuổi thơ của Phạm Sơn Dương gắn liền với Phủ Chủ tịch. Ông có nhiều thời gian được bên cạnh, tiếp xúc với Bác Hồ bởi ngôi nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống và làm việc cũng nằm trong khuôn viên Khu Phủ Chủ tịch, chỉ cách Nhà 54 khoảng 50m. Hàng ngày, ngoài thời gian bàn bạc, trao đổi công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn dùng cơm với nhau. Vì thế, nhiều bữa ăn, Phạm Sơn Dương thường được ăn cơm cùng với cha và Bác Hồ. Được ở gần Bác từ bé nên rất nhiều kỷ niệm ông còn nhớ rõ. Năm 16 tuổi, Phạm Sơn Dương nhập ngũ. Mỗi lần được nghỉ phép về nhà, ông lại vào ở với Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong Khu Phủ Chủ tịch. Trong thời gian đó, mỗi khi có báo động máy bay địch bắn phá Hà Nội, ông cũng được vào trong Hầm D1 với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ở Khu Phủ Chủ tịch nghe rất rõ tiếng báo động máy bay địch. Khi máy bay địch đến gần Hà Nội (báo động dưới 50km), lúc này, Bác Hồ cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới xuống dưới Hầm D1. Bác và Thủ tướng cũng thường tranh thủ thời gian trao đổi công việc trong thời gian có báo động, vì thời gian báo động khoảng 15 đến 20 phút. Thiếu tướng Phạm Sơn Dương cũng cho biết thêm, căn Hầm D1 này chỉ để trú ẩn tạm thời chứ không dùng để ăn, ở, sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, trong căn hầm không có đồ dùng sinh hoạt như bàn, tủ,... chỉ có vài chiếc ghế ngồi và một chiếc quạt mát.

Ngày 17/5/1966, Hầm H66 được khởi công xây dựng và hoàn thành vào ngày 07/8/1966. Căn hầm này nằm phía sau, bên phải ngôi Nhà sàn, cách Nhà sàn 30m. Bên phải căn hầm là công trình Nhà phòng không tiếp giáp với Nhà sàn, từ đó Bác sử dụng hầm H66 và không sang hầm D1 nữa.

Hiện nay, Hầm D1 vẫn đang được bảo quản, giữ gìn nguyên trạng như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm tiệc tại Khu Phủ Chủ tịch. Trong hầm vẫn để một chiếc quạt điện do Nhà máy chế tạo điện cơ Hà Nội sản xuất, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sử dụng mỗi khi xuống hầm. Tuy nhiên hiện nay chiếc quạt này vẫn chưa được kiểm kê, đăng ký vào sổ hiện vật của Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

Như vậy, trong rất nhiều các điểm di tích trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngoài những di tích chính thì Hầm D1 cũng có ý nghĩa lịch sử riêng vì nơi đây đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng khi có báo động phòng không trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì vậy, Hầm D1 cần phải được giữ gìn, bảo quản tốt hơn nữa để xứng tầm với giá trị lịch sử của căn Hầm này. Đồng thời, Khu Di tích Phủ Chủ tịch cần xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích và tài liệu, hiện vật Hầm D1 để lưu giữ thông tin lịch sử và phát huy giá trị lâu dài.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)