Nhớ về Hà Tĩnh, nhớ ngày Bác Hồ thăm Hà Tĩnh 15/6/1957
ThS. Lê Thị Cẩm Tú
Phòng Hành chính, Tổng hợp
Nhớ về Hà Tĩnh là nhớ về mảnh đất của những mạch nguồn văn hóa kết tinh, gìn giữ qua bao thế hệ, mảnh đất của địa linh nhân kiệt. Đó là quê hương của đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du với những câu Kiều đã không chỉ in sâu trong tâm thức người Việt mà còn vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với bạn đọc nhiều nước trên thế giới, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế; hay Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - người có công tổ chức khai hoang lấn biển, mở mang bờ cõi, an dân. Hà Tĩnh cũng tự hào là quê hương của dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, với Mộc bản trường học Phúc Giang.
Nhớ về Hà Tĩnh - Mảnh đất của truyền thống cách mạng, bao người con của Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì độc lập, tự do. Hà Tĩnh là quê hương của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên, đồng chí Hà Huy Tập - Tổng Bí thư thứ ba của Đảng Cộng sản Việt Nam, Anh hùng Lý Tự Trọng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Đình Giót, của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc anh hùng...
Nhớ về Hà Tĩnh - Nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Hà Tĩnh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trực tiếp nói chuyện và 16 lần gửi thư, điện, có nhiều bài báo, thơ để biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh khi lập nhiều thành tích.
Trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ và anh dũng của dân tộc, hòa bình lập lại ở Miền Bắc. Thời điểm lịch sử lúc bấy giờ Hà Tĩnh đang gặp muôn vàn khó khăn. Hậu quả của những trận lụt lớn năm 1950, vỡ đê năm 1954 chưa kịp hàn gắn, thì cơn bão tháng 9 năm 1956 ập đến, bão hủy hoại toàn bộ mùa màng, phá nát nhà cửa, vườn tược. Nạn đói đe dọa hàng giờ. Thêm vào đó là những sai lầm trong cải cách ruộng đất và trong chỉnh đốn làm cho tổ chức rệu rã, tư tưởng không ổn định, công việc sửa sai gặp nhiều khó khăn. Ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Hà Tĩnh là mốc quan trọng trong trang sử của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, là động lực để vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường xây dựng quê hương.
Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 15/6/1957, đoàn xe của Bác đến thị xã Hà Tĩnh. Đông đảo các tầng lớp nhân dân đứng hai bên đường phố Phan Đình Phùng phấn khởi, vui mừng vỗ tay đón Bác. Cùng đi với Bác có các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Diện.
Mở đầu lịch trình làm việc, Bác đến nói chuyện với Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Bác biểu dương những đóng góp to lớn của nhân dân Hà Tĩnh trong 9 năm kháng chiến và trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội từ sau ngày hoà bình lập lại. Bác khen ngợi các bà mẹ chiến sỹ đã hết lòng giúp đỡ thương binh, bệnh binh: “Một tỉnh nhỏ như Hà Tĩnh đã có 2.900 anh em thương binh về xã được sự giúp đỡ của Nhân dân để sản xuất tự túc. Đó là thành tích đáng kể”. Bác khen về thành tích của Hà Tĩnh trong công tác thủy nông, về tổ đổi công, về ngày công phục vụ tiền tuyến, đóng góp lương thực... đồng thời Bác cũng thẳng thắn phê bình những khuyết điểm, yếu kém. Người chỉ rõ: “Đồng bào nông thôn, nhất là nông dân lao động chưa đoàn kết chặt chẽ, đó là khuyết điểm quan trọng...”; “ý thức bảo vệ của công kém, như việc bảo vệ rừng... Hà Tĩnh chẳng những bảo vệ kém, mà một số lại tự do chặt phá... Một số đồng bào chưa thật sốt sắng đóng thuế nông nghiệp, các thuế khác như công thương chưa nạp kịp thời và đầy đủ”, “việc vay vốn ngân hàng, một số đồng bào vay rồi không hăng hái trả”. Bác phê bình:
“Thuần phong mỹ tục kém sút, có một số người rượu chè, cờ bạc. Say thì sưa, nói dại, làm dại, ăn cắp, ăn trộm hại đến sản xuất, hại đến tiết kiệm, hại đến đạo đức. Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín bị những kẻ xấu lợi dụng xoáy tiền”. Bác căn dặn: “Cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối. Phải đoàn kết giữa lương và giáo, giữa quân và dân, giữa miền Bắc và miền Nam”, “phải ra sức đắp đê chống lụt, chống hạn, phòng hạn cho kịp thời”, “phải sẵn sàng đóng thuế, trả nợ một cách sòng phẳng”, “phải chú ý hoa màu, cố gắng sản xuất mọi mặt”; “đề cao ý thức bảo vệ tài sản chung của Nhà nước, đồng thời phải giữ gìn an ninh, trật tự ở nông thôn”, “phải xây dựng lại thuần phong mỹ tục”, “đề cao kỷ luật lao động trong sản xuất, trong công tác...”. Cuối cùng, Bác khẳng định “Chúng ta phải sẵn sàng vì miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”(1).
Cũng tại Hội nghị, Bác nhắc lại một kỷ niệm: “Hồi nhỏ, Bác theo cụ thân sinh đi Huế, có qua thị xã Hà Tĩnh hai lần. Bác còn nhớ ở Hà Tĩnh lúc ấy, dân có bệnh “đầu voi” rất nhiều. Bây giờ bệnh này còn nữa không? Đồng chí Bí thư Nguyễn Thái báo cáo bệnh ấy không còn, Bác bảo: “Vì dân ta khổ quá mà sinh ra thôi”. Dù bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về những người dân Hà Tĩnh bị bệnh “đầu voi” vẫn ghi trong trí nhớ của Bác(2). Thật xúc động về tấm lòng của vị lãnh tụ suốt đời nghĩ đến dân, lo cho dân.
Trước tình hình khó khăn, phức tạp của địa phương, thái độ bình tĩnh, vui vẻ, thân mật của Bác làm cho mọi người phấn khởi. Tình thương của Bác có sức mạnh làm tan dần “cơn bão” trong lòng người để yên tâm khắc phục hậu quả của sai lầm, của thiên tai.
Sau cuộc gặp và nói chuyện thân mật với các đại biểu tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bác đến nói chuyện với đại biểu, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, bộ đội tỉnh. Mở đầu cuộc nói chuyện, Bác biểu dương những ưu điểm của địa phương: “Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, các đoàn viên thanh niên lao động đã tích cực công tác... Các đồng chí đều tin tưởng vào Trung ương, vào Đảng, vào lực lượng của mình; đã cố gắng trong cải cách ruộng đất và sửa sai; đã cố gắng kiện toàn tổ chức; cố gắng cùng nhân dân và lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất...”. Bác còn nhớ rõ và nêu gương một số tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất như đồng chí Bí thư chi bộ Kỳ Hải đã ngâm mình dưới nước ngăn dòng lũ cho nhân dân đắp chỗ đê sụt lở là “biết hy sinh cho dân”; chị Thiện nghèo, có bệnh vẫn hăng hái vận động bà con vùng giáo lập tổ đổi công “chẳng những trong nữ giới mà nam giới cũng phải noi theo”.
Bên cạnh đó, Bác nghiêm khắc chỉ ra hiện tượng “đoàn kết kém” diễn ra ở cả trong và ngoài Đảng, ở cả cán bộ cũ và cán bộ mới. Bác phân tích: “Các cô, các chú biết đoàn kết là sức mạnh của mình. Nhờ đoàn kết mà cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi; nhờ đoàn kết mà chúng ta vượt qua nhiều khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Chúng ta kém đoàn kết làm lực lượng ta kém sút một phần. Vì vậy, khuyết điểm ấy phải cố gắng sửa chữa cho kỳ được”. Khuyết điểm tiếp theo cần khắc phục trong công tác xây dựng Đảng mà Bác chỉ ra là “Ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm kém”. Bác giải thích rõ: “Nếu kém ý thức tổ chức là làm cho lực lượng Đảng ta yếu đi một phần..., muốn mọi chính sách của Đảng thực hiện được thì phải có kỷ luật... Nếu sợ khó, không thích làm, hoặc chọn việc dễ, là không có tinh thần trách nhiệm, làm giảm bớt lực lượng của Đảng”; “cấp trên cấp dưới, trong Đảng và ngoài Đảng, quan hệ chưa mật thiết”, “Tự phê bình phải thật thà, phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu”(3).
Một khuyết điểm nữa mà Bác cũng phê bình nghiêm khắc là “óc công thần” trong cán bộ, đảng viên, ở cả Nghệ An và Hà Tĩnh, cho rằng “choa” đây là cách mạng trước hết, có nhiều công đã tổ chức ra Xô viết... nên tự kiêu, tự đại không coi ai ra gì, độ lượng nhỏ bé, thái độ thiếu khiêm tốn”; “càng có công lao, càng phải khiêm tốn, gần gũi giúp đỡ người khác”. Bác nhấn mạnh: “Đảng ta không phải là Đảng làm quan mà Đảng phải lo đời sống cho dân, trước mắt là sản xuất, giữ gìn sản xuất, chủ yếu là đắp đê”, “phải cố gắng sửa sai cho tốt, gọn”, “phải chú ý tăng gia sản xuất”. Từ quan điểm rất đơn giản “có thực mới vực được đạo”, Bác chỉ ra rằng đó là duy vật, là gốc của chủ nghĩa Mác - Lênin. Muốn ăn là phải sản xuất, trước hết chăm lo vụ Bát, vụ Mười cho tốt, chăm sóc tốt chưa đủ. “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải xây dựng. Nhờ các nước bạn giúp đỡ, giai cấp công nhân cố gắng mà ta đang xây dựng được khá nhiều xí nghiệp... Muốn xây dựng phải có tiền. Tiền ở đâu ra? Tiền ở Nhân dân, tức là ở nông dân và công thương. Phải cố gắng thu thuế kịp thời, gọn, tốt”. “Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng chế độ tự phê bình và phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí”. Đặc biệt Bác nhấn mạnh sức mạnh của đoàn kết “phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết Nhân dân, mỗi người phải tin chắc làm được”; “Có đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng thì việc gì cũng làm được”(4).
Kết thúc buổi nói chuyện, một lần nữa Bác căn dặn các đại biểu đại diện cho khối đại đoàn kết nhân dân các dân tộc trong tỉnh là: “Phải đoàn kết. Đó là cái gốc”. Cũng tại hội nghị Bác đã tặng 100 huy hiệu làm giải thưởng cho các phong trào thi đua yêu nước.
Trong buổi gặp gỡ 50 anh chị em cán bộ, nhân viên cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh được tổ chức tiếp sau đó, Bác vui vẻ nói “Về quê mà không được ăn tương cà”. Câu nói vui của Bác không chỉ là mong muốn thưởng thức vị quê hương mà còn thể hiện đời sống gần gũi chan hòa với quần chúng nhân dân của vị lãnh tụ vốn nổi tiếng với phong cách thân dân, gần dân, vì dân. Kết thúc lịch trình làm việc tại Hà Tĩnh, Bác có buổi gặp gỡ và nói chuyện với Trung đoàn 812 của Khu 6 (Nam Trung bộ). Nghe đồng chí Trung đoàn trưởng Phan Ty báo cáo tình hình của đơn vị, Bác nhắc nhở cán bộ chiến sĩ phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, hoàn thành tốt kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cấp trên giao.
Khoảng 15 giờ, Bác chào mọi người và lên đường ra Vinh (Nghệ An).
Trong bối cảnh địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chuyến thăm của Bác Hồ đã để lại trong lòng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh những ấn tượng đậm sâu. Những lời chỉ dạy của Bác rất sát thực, vừa cởi mở, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc, chứa đựng đường lối, phương hướng, nhiệm vụ của Đảng, động viên Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy thành tích đã đạt được, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, cùng nhau đoàn kết khắc phục khó khăn, phấn đấu đưa phong trào tỉnh tiếp tục tiến lên.
Sau chuyến thăm năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm đến tình hình Hà Tĩnh. Bác thường viết thư, điện thăm hỏi và chúc mừng Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh mỗi khi đạt thành tích trong lao động, sản xuất và chiến đấu, nhất là khi quân và dân Hà Tĩnh bắn rơi máy bay Mỹ. Ngày 06/7/1966, Bác đã trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện với Đoàn cán bộ Hà Tĩnh nhân dịp Đoàn đi tham quan học tập kỹ thuật thâm canh lúa ở tỉnh Thái Bình về. Tại buổi nói chuyện, Bác căn dặn: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”(5).
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Tĩnh đảm nhiệm vị trí chiến lược “hậu phương của tiền tuyến miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc”, nên phải đương đầu với những thử thách ác liệt và nhiều hy sinh tổn thất. Nhiều địa danh, tên đất, tên làng nơi đây đã đi vào lịch sử như: Núi Nài, Đèo Ngang. Chỉ trong ngày 26/3/1965, quân và dân thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 09 máy bay, quân và dân Kỳ Anh bắn rơi 03 máy bay của Mỹ...; Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong anh hùng “Mười cô gái Đồng Lộc” sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho cách mạng. Ngày 23/8/1966, Bác Hồ có thư khen quân và dân Hà Tĩnh sau sự kiện quân và dân Hà Tĩnh lập chiến công vẻ vang bắn rơi 12 máy bay giặc Mỹ. Người viết: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta đã chiến đấu dũng cảm và đã thắng lợi vẻ vang”. Tiếp đó, năm 1968, Bác đã gửi thư khen quân và dân Hà Tĩnh vì đã có thành tích chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay giặc Mỹ thứ 200 và mong mỏi: “Đồng bào, bộ đội và cán bộ Hà Tĩnh hãy phát huy thắng lợi, đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu và sản xuất giỏi hơn nữa”(6). Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tất cả các huyện, thị của tỉnh Hà Tĩnh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Luôn ghi nhớ lời động viên của Bác: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống quê hương trong sự nghiệp đổi mới và đạt được những kết quả tự hào: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,55%, công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,4 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 39,7 triệu đồng lên 62,1 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 38,8 triệu đồng. Thu hút và triển khai đầu tư một số dự án trọng điểm có quy mô quốc gia, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực là gang thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu, cảng biển nước sâu, công nghiệp phụ trợ... góp phần quan trọng vào an ninh năng lượng, an ninh ngành thép của quốc gia.
Hà Tĩnh hôm nay đã mang một vóc dáng mới, sức sống mãnh liệt vẫn đang được thắp lên từ truyền thống văn hóa, cách mạng, ý chí kiên cường vươn lên từ gian khó của mảnh đất:
“Gió Lào thổi rạc bờ tre
Từ trong giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em"
(Nguyễn Bùi Vợi).
Trong những đổi thay giàu đẹp trên quê hương Hà Tĩnh, những câu chuyện về tình cảm của Bác Hồ vẫn còn được nhắc lại, được lưu giữ trân trọng như những kỷ niệm lịch sử không thể nào quên trong lòng nhân dân Hà Tĩnh.
Chú thích:
2. Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Nxb. Nghệ Tĩnh, 1990.
1, 3, 4, 5, 6. Bác Hồ' với Hà Tĩnh, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995.