slider
Phát triển kinh tế số

Những đêm giao thừa đáng nhớ của Bác Hồ với đồng bào

18 Tháng 05 Năm 2022 / 768 lượt xem

ThS. Lường Thị Lan

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

TS. Lâm Thị Huệ

Học viện y học cổ truyền dân tộc

Xuân Tân Tỵ, năm 1941, Bác mới được đặt chân trở về giữa lòng Tổ quốc thân yêu sau 30 năm trời ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 1941). Hành trang theo Bác trở về vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu Con đường giải phóng tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm.

Mùa xuân năm ấy, từ hang Pác Bó đã ra đời một bài thơ xuân tuyệt đẹp của Bác Hồ:

“Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà”

Chỉ hơn bốn năm sau, ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: núi sông của Tổ quốc đã được thu về một mối, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Người trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ ngày đó, trừ những năm ở chiến khu Việt Bắc, hầu như năm nào Người cũng đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sỹ, cho đến trước khi Người ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Mùa xuân độc lập đầu tiên sau ngày độc lập, Xuân Bính Tuất năm 1946. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác: cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta mới bắt đầu chưa đầy hai tháng. Ngày Tết cổ truyền dân tộc năm ấy, Bác Hồ vẫn miệt mài làm việc như mọi ngày và vẫn ăn ngày hai bữa cơm độn sắn, như bữa ăn bình thường của bao gia đình người dân Việt Nam. Thời tiết những ngày cuối năm Bính Tuất 1946 se se lạnh, mưa phùn không ngớt. Buổi sáng 30 Tết, Bác Hồ vẫn tranh thủ đọc tài liệu, buổi chiều, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Đài Tiếng nói Việt Nam rời Hà Nội chuyển về chùa Trầm, thuộc Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Vào 22 giờ ngày 21¬01-1947 (tức 30 tháng Chạp năm Bính Tuất), Bác Hồ từ nơi tổ chức họp Hội đồng Chính phủ ở phủ Quốc Oai, lên xe đi thẳng đến trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam để kịp chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài qua làn sóng phát thanh. Tại hang Trầm (thuộc chùa Trầm) ngày nay còn lưu giữ nhiều kỷ vật về Bác Hồ trong thời gian Người sống và làm việc những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Được biết, đây cũng là địa điểm đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển về sau khi rời Hà Nội để tiếp tục làm nhiệm vụ (từ ngày 20-12-1946 đến 04-3-1947). Đồng chí Vũ Kỳ kể, hôm ấy trời mưa nặng hạt, đường trơn lầy lội, nhiều đoạn, xe của Bác bị ngập bùn quá nửa bánh không đi được. Mặc dù vậy, Bác vẫn quyết tâm đi cho kịp trước Giao thừa và gần 24 giờ xe mới tới nơi. Bác xuống xe, vui vẻ hỏi thăm mọi người rồi đi ngay vào phòng máy của đài đúng thời khắc Giao thừa. Bài thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài năm ấy được Bác đọc trực tiếp vào máy thu thanh.

Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa thì vị Chủ tịch lại tìm đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàm Long... để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết nghèo đơn sơ của bà con lao động Hà Nội mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến. Chính trong cuộc “vi hành” đêm 30 Tết của mùa xuân độc lập đầu tiên đó, Bác đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô “Tết mà không có Tết” ngoài một nén hương đang cháy dở trên bàn, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác xúc động lấy khăn lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho đồng chí Chủ tịch Hà Nội biết.

Cũng trong Tết Bính Tuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mời gia đình ông Phan Xuân Thúy, một thợ ảnh vào ăn Tết cùng Người. Ông Thúy kể lại: “Chiều 30 Tết, Bác Hồ nói với các chiến sĩ: “Các cô các chú nào có gia đình ở Hà Nội thì mời vào đây vui Tết với Bác”. Chú em tôi cuống quýt chạy một mạch về nhà báo tin. Được ăn Tết cùng với Bác thì vui quá. Đêm hôm ấy, cả gia đình tôi thao thức, tới quá giao thừa vẫn chẳng ai ngủ được. Sáng hôm sau - tức mùng 1 Tết âm lịch năm 1946, Tết đầu tiên sau khi nước nhà giành được độc lập, ông cụ thân sinh tôi dậy rất sớm, ăn vận áo the, khăn xếp chỉnh tề, với tôi, anh trai Phan Xuân Giực, vợ chồng chị Phan Thị Trâm, Trần Khánh Lục và con gái của họ là Trần Thị Thành cùng tới Bắc Bộ phủ. Khi chúng tôi tới nơi thì đã thấy gần 50 người - là người nhà của các chiến sĩ khác - cũng đang đứng đợi ở ngoài sân. Bác đi ra từ trong tòa nhà Phủ Chủ tịch với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su quen thuộc và Bác đưa tay vẫy chào mọi người, ân cần nói: “Bây giờ xin mời tất cả ra đây chúng ta cùng vui Tết”.

Cũng theo dòng hồi tưởng của ông Thúy: “Hồi kháng chiến toàn quốc, cũng như bao gia đình Hà Nội khác, chúng tôi lên đường tản cư. Khi di tản, tôi chỉ kịp nhét vào túi áo mỗi bức ảnh này vì nó có kích cỡ nhỏ. Những bức ảnh khác được lồng khung treo ở hiệu ảnh phố Hàng Bài, cùng với sập gụ, tủ chè, tư trang, đồ đạc thì mất hết. Tấm ảnh đó luôn nằm trong túi áo tôi, là một kỷ vật, vừa như lá bùa hộ mệnh giúp tôi vượt qua bao quãng đường trường. Khi trở về Hà Nội, điều đầu tiên tôi làm là lấy máy chụp lại, rồi phóng to nó lên đem treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà”.

Thường vào thời điểm trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc: Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp “Chúc Mừng Năm Mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo và cán bộ công tác ở nước ngoài. Và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết.

Đêm giao thừa Tết Đinh Dậu (1957), Bác cùng đón Tết với gia đình anh Nguyễn Văn Tảo và 5 gia đình công nhân khác của nhà máy điện Yên Phụ tại khu lao động vừa được xây dựng trên bãi rác Nghĩa Dũng cũ. Đêm giao thừa, cả khu lao động như trong ngày hội với hai niềm vui lớn: được đón Tết trong các căn hộ mới ở khu lao động do nhà máy xây, có đủ điện, nước sinh hoạt và được vinh dự đón Bác đến thăm. Bác chỉ vào nồi bánh chưng đang sôi của gia đình anh Tảo và hỏi cụ thể số lượng bánh, thịt mà từng hộ đã lo được trong Tết này và cả những khó khăn về đời sống, việc làm hiện nay. Bác rất vui trước những tiến bộ về đời sống, nhất là nhà ở của công nhân nhà máy và thân mật nhắc nhở mọi người: “Thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Cố gắng thi đua làm việc và thực hành tiết kiệm”. Những điều Người căn dặn đã trở thành những câu chuyện có ý nghĩa cả trong các bữa ăn của từng gia đình.

Tối 30 Tết Canh Tý (1960), Bác Hồ tới thăm gia đình chị Tín, một gia đình nghèo nhất trong xóm nhỏ lao động ở một ngõ cụt, phố Hàng Chĩnh, Hà Nội. Đường vào ngõ thiếu ánh sáng nên khó đi. Bác và mấy đồng chí cảnh vệ đi đến trước một túp lều lụp xụp và gặp một phụ nữ đang quẩy đôi thùng gánh nước đi ra. Vừa nhìn thấy chị, đồng chí cảnh vệ lại gần và bảo:

- Chị Tín vào nhà, có khách đến thăm chị và các cháu đấy.

Lúc ấy Bác cũng đã đến gần. Chị Tín nhìn thấy Bác, đôi quang gánh trên vai chị bỗng rơi xuống đất. Chị chạy lại nắm chặt hai tay Bác, xúc động nghẹn ngào: Bác Hồ!... Bác Hồ!... Vừa nói, nước mắt chị trào ra, chảy dài trên đôi gò má rám nắng. Đôi môi chị cố ghìm lại để khỏi bật ra tiếng khóc, bởi niềm vui đến quá bất ngờ với gia đình chị. Niềm vui ấy lại diễn ra đúng vào thời điểm đêm 30 Tết.

Bác Hồ nắm tay chị Tín và cùng vào nhà. Bốn cháu nhỏ đang chụm đầu vào lục tìm những bộ quần áo để mặc ngày tết. Thấy có người lạ đến, chúng liền gom lại giấu ra phía sau. Vừa bước vào, Bác nhận ra hoàn cảnh của gia đình chị Tín. Nhìn lên bàn thờ làm bằng chiếc bàn đã mục, ngoài mấy nén hương đang tỏa khói, Bác chỉ thấy một nải chuối xanh mà không có bánh trái gì khác. Thấy cảnh sống của gia đình chị, Bác không vui, còn mọi người thì im lặng nhìn nhau.

Bác đến nơi các cháu nhỏ đang ngồi, bế cháu bé nhất vào lòng, hôn má bé, rồi tự tay Bác cài lại chiếc cúc áo cho cháu bé. Sau đó, Bác quay lại hỏi thăm gia cảnh của chị Tín. Chị kể lại hoàn cảnh éo le của gia đình mình. Chồng chị Tín là công nhân khuân vác ở bến phà Đen đã mất cách đó 4 năm, để lại 4 đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới lên 10 tuổi. Còn chị cho đến nay vẫn chưa có việc làm ổn định nên phải đi làm thuê tần tảo nuôi các con. Có lúc, giọng chị như nghẹn lại. Một sự im lặng đầy xúc động tràn ngập căn nhà.

-           Năm nay mẹ con cô ăn tết thế nào? Nghe Bác hỏi, chị Tín nhìn các con, một lúc sau giọng chị run run, chị nói trong nước mắt:

-           Thưa Bác, mẹ con cháu có gì đâu mà ăn tết. Nhà chỉ còn một lon gạo bớt lại của bữa chiều nay. Đến giờ này, cháu vẫn còn phải đi gánh nước thuê để đổi lấy gạo về cho các cháu có miếng cơm ăn trong ba ngày tết.

Bác đặt cháu bé xuống giường, xoa đầu các cháu, căn dặn các cháu phải biết yêu thương giúp đỡ nhau, giúp đỡ mẹ, cố gắng học tập và giữ vệ sinh. Sau đó, Bác chia quà cho từng cháu. Bác nói với chị Tín:

-           Hôm nay, Bác đến thăm và chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô nhớ chăm sóc, dạy các cháu ngoan, khỏe và cố gắng để cho các cháu đến trường học. Chị Tín cảm động trước sự ân cần, chăm sóc của Bác Hồ.

-           Thưa Bác... cháu... không ngờ lại được Bác đến thăm...

Nói đến đây, chị Tín lại sụt sùi lau nước mắt. Hiểu ý chị, Bác nói:

-           Bác không đến thăm gia đình như cô thì thăm ai...

Nghe tin Bác Hồ đến, mọi người hàng xóm liền chạy đến vây xung quanh Bác làm náo động cả một vùng trong khu ngõ trước nhà chị Tín. Bác giơ tay ra hiệu để mọi người im lặng rồi chậm rãi nói:

-           Hôm nay Bác đến thăm bà con trong ngõ ta, nhưng vì thời gian quá ít nên không đi khắp lượt đến từng nhà được. Gặp được đông đủ bà con, các cháu ở đây, Bác chúc mọi người, mọi nhà đón xuân vui vẻ, đoàn kết. Bác đề nghị bà con trong khu phố ta trong lúc vui tết nên nghĩ đến những gia đình còn nghèo và còn gặp nhiều khó khăn như gia đình cô Tín để mọi người ai cũng có tết vui vẻ. Vừa nói Bác vừa chỉ căn nhà lụp xụp, thiếu ánh sáng.

Một cụ già, thay mặt bà con trong ngõ phố đứng ra báo cáo với Bác:

-           Thưa Bác, bà con trong ngõ chúng tôi thật là có lỗi. Ngay bây giờ xin hứa với Bác: Chúng tôi sẽ ghi nhớ lời Bác dạy để sửa chữa.

Thế rồi mọi người đều vui vẻ hứa với Bác. Đêm ấy, trên đường về ngồi trên xe, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ, vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Bác đã từng tâm sự với các đồng chí phục vụ: Một ngày dân chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, các cháu chưa được học hành, mọi người còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Bác về đến nhà thì đúng vào lúc cả Hà Nội tiếng pháo giao thừa đã bắt đầu rộ lên. Các đồng chí trong Bộ Chính trị thấy Bác về đều tiến ra tận xe đón Bác để chúc tết Bác. Bác mời các đồng chí vào nhà vui đón giao thừa và kể lại câu chuyện Bác vừa đến nhà chị Tín cho các đồng chí trong Bộ Chính trị nghe. Sau đó Bác nói:

- Ta đã có chính quyền trong tay, nhưng một số cán bộ lãnh đạo chưa đi sâu sát quần chúng, chưa phục vụ được quần chúng nhân dân, vẫn còn để có những gia đình nghèo khổ giữa thủ đô Hà Nội, tết đến nhà mà không có tết, không biết giúp đỡ và giải quyết. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta.

Tết Mậu Thân năm 1968 là mùa xuân đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Tết năm ấy, do điều kiện sức khoẻ, Bác Hồ đi nghỉ và chữa bệnh ở nước ngoài. Tuy ở xa Tổ quốc, nhưng Bác luôn luôn theo dõi sát những thành tích và thắng lợi của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là những tin chiến thắng chiến trường miền Nam.

Tối ngày 30 Tết, Bác cùng đồng chí thư ký ngồi trong một căn phòng vắng, tĩnh mịch để theo dõi tin tức trên đài và đón giao thừa. Khi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát tiếng pháo nổ vang tiễn năm Đinh Mùi và đón mừng năm Mậu Thân vừa dứt thì lời Thơ chúc Tết của Bác được truyền đi khắp mọi miền của Tổ quốc:

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua Thắng trận tin vui khắp nước nhà Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Bác Hồ ngồi yên lặng đón giao thừa. Tiếng Bác đầu năm phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam hoà vào tiếng nhạc hùng tráng như một nguồn động viên cổ vũ lớn lao đối với đồng bào chiến sĩ cả nước:

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Ánh mắt Bác lộ rõ niềm vui. Bỗng từ căn phòng nhỏ tĩnh mịch giữa lúc giao thừa thiêng liêng ấy, lời Bác nói một cách khe khẽ nhưng nghe rất rõ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng”. Thì ra trong lúc này, không phải Bác Hồ chỉ ngồi để nghe pháo nổ, đón giao thừa, mừng năm mới, mà chính lúc ấy lòng Bác đang hướng về Tổ quốc, hướng tới đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu hy sinh ngoài mặt trận.

Sáng sớm ngày mồng một Tết Mậu Thân, Bác nhận được tin “cả miền Nam đều nổ súng”. Kẻ thù hung ác của dân tộc lại bị một đòn đau bất ngờ, choáng váng. Bác Hồ vui trong niềm vui chiến thắng của chiến sĩ, đồng bào cả nước.

Mùa xuân Kỷ Dậu năm 1969, sức Bác yếu đi nhiều, Hội đồng bác sỹ đã đề ra một số điều cần tránh như xúc động mạnh, đi lại nhiều, làm việc căng thẳng vì Người có những triệu chứng bệnh tim. Thế mà vào ngày giáp Tết, Bác đề nghị lịch trình dày đặc: Thăm một địa phương trồng cây tốt ở Ba Vì, ghé vào chúc Tết Trung đoàn thông tin anh hùng, tiện thể qua trại chăn nuôi bò giống mừng năm mới, trên đường đi sẽ thăm một hợp tác xã nông nghiệp nào đấy rồi tiện đường về vào trường Nguyễn Văn Trỗi để khuyên học sinh là con em cán bộ cao cấp tuân thủ kỷ luật nhà trường.

Các đồng chí thư ký, bác sỹ, Thủ tướng Chính phủ vừa can ngăn Người vì sức yếu nên giảm bớt một số nơi, vừa chủ động “lái” chương trình theo hướng khác. Anh em bố trí để Bác đi thăm Quân chủng Phòng không - Không quân ở ngay sân bay Bạch Mai rồi lên thẳng đồi Vật Lại, Ba Vì. Trồng xong cây đa lưu niệm, Bác cùng mọi người vui vẻ quây quần dưới tán bạch đàn nói chuyện. Khi Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã mời cơm Bác, Người cảm ơn, nói đã chuẩn bị ở nhà rồi và mời các đồng chí cùng dùng với Bác bữa cơm Tết. Trên chiếc chiếu trải giữa mặt cỏ là bánh chưng, giò, thịt mỡ, dưa hành và cặp lồng ủ canh nóng.

Những lời chúc Tết cuối cùng cũng là mong mỏi lớn nhất của Người:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to Vì Độc lập, vì Tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào Tiến lên, chiến sĩ đồng bào!

Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn

Đến nay hơn 50 cái Tết, những người lao động không được đón Bác đến thăm và chúc Tết, nhưng hình ảnh Bác cùng lời dạy, lời chúc mừng năm mới của Người từ những mùa xuân ấy vẫn sống mãi trong lòng đồng bào cả nước, như những điều kỳ diệu của lòng tin, sự biết ơn làm nên sức mạnh đoàn kết, nhất là trong bối cảnh cả nước đang đồng lòng, chung sức cùng nhau đầy lùi dịch bệnh Covid-19, để chúng ta cùng nhau bước vào một năm mới tràn đầy sức xuân, nhà nhà, người người ai cũng được ấm no, hạnh phúc, cùng nhau đoàn kết để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)