Những tấm gương điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất (30/4 - 6/5/1952)
ThS. Hồ Thị Quỳnh Thoa
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”(1) và Người chỉ rõ: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước”. Trân trọng giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc tuyên truyền về lòng yêu nước, tinh thần yêu nước cho mọi người dân, trong mọi thời điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng. Với nhận định đó, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo đã đề ra chủ trương xây dựng một mặt trận phản đế, nhằm đoàn kết mọi tầng lớp, tổ chức chính trị xã hội và mọi cá nhân yêu nước cùng tranh đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo Người, lòng yêu nước, tinh thần yêu nước không chỉ dừng ở nhận thức mà chính là phải thể hiện ở hành động. Cho nên, để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, Người yêu cầu các cấp, các ngành “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”(2).
Ngay từ những năm hoạt động ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm tuyên truyền, cổ động tinh thần yêu nước, ý thức tự hào dân tộc cho Thanh niên Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, Người sáng lập ra tờ “Việt Nam độc lập” để “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do” (số 101 ngày 1/8/1941), nhất là khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi, đoàn kết đấu tranh. Báo đã cổ động mọi tầng lớp nhân dân tham gia các Hội Cứu quốc (Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc...), trở thành vũ khí sắc bén của Mặt trận Việt Minh trong cuộc vận động cách mạng giải phóng.
Trên cơ sở tiếp thu và vận dụng sáng tạo những quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc, đường lối và thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, theo đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều...”. Đây là văn kiện đã khởi nguồn và mở ra một phong trào hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Theo Người, thi đua là yêu nước. Bởi, qua phong trào thi đua mà tinh thần yêu nước được biểu hiện thành những hành động, việc làm cụ thể. Thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Kết quả là năng suất lao động, hiệu quả làm việc của mọi người, mọi ngành, mọi lĩnh vực đều được nâng lên.
Sau 4 năm phát động phong trào thi đua, năm 1952, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên vinh dự là nơi tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất (tên gọi lần đầu là “Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất”). Ngày 30/4/1952, Đại hội khai mạc tại Hội trường tám mái thuộc xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua là để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên Chủ nghĩa xã hội, đồng thời Người cũng khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(3). Người kêu gọi đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước nhằm thực hiện khẩu hiệu: “Người người thi đua; Ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng; Địch nhất định thua”.
Tham dự Đại hội có 154 đại biểu công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang tiêu biểu cho phong trào thi đua trong cả nước. Đại hội đã tuyên dương 7 anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của cả nước đã được bầu chọn, gồm 3 Anh hùng Lao động là: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh và 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, La Văn Cầu.
Anh hùng Ngô Gia Khảm (1912¬1990), quê ở xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 16 tuổi, ông xin vào học việc ở nhà máy Gia Lâm và trở thành công nhân thợ nguội. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tích cực tham gia phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Năm 1941, sau một cuộc tranh đấu lớn ở nhà máy Gia Lâm, ông cùng nhiều đồng chí khác bị giặc bắt cầm tù và đầy đi Sơn La. Ra tù ông lại tiếp tục hoạt động. Năm 1944, giữa lúc cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân ta đang diễn ra hết sức quyết liệt, ông được Tổng bộ Việt Minh giao cho việc sản xuất vũ khí cung cấp cho Giải phóng quân Việt Nam mới thành lập. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ và đoàn thể giao cho ông nhiệm vụ thành lập xưởng hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc nhồi đạn và pha chế các chất thuốc để làm mồi lửa, sản xuất vũ khí, đạn dược cung cấp cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Trong quá trình lao động, ông đã 3 lần bị tai nạn, 3 lần bị trọng thương. Trong những năm 1948 - 1950, ông cùng các cộng sự xây dựng được 2 xưởng hóa chất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đào tạo thợ mới. Trong mùa thi đua “Sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ” năm 1951, xưởng hóa chất của ông phải chuyển sang làm quân sự, ông lại phát động anh em trong xưởng tích cực thi đua chuyển hướng công tác, toàn xưởng đã có 49 sáng kiến lớn nhỏ. Những sáng kiến của ông đã tiết kiệm được chi phí cho việc mua nguyên nhiên liệu, thời gian trong việc sản xuất, rèn đúc vũ khí. Ông đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Chiến sĩ lao động toàn quốc và tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì (1950), Huân chương Lao động hạng nhì (1951), chiến sĩ số một của ngành công nghiệp danh hiệu Anh hùng lao động (1952). Nói về thành tích thi đua của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét, khen ngợi: “Viên lựu đạn đầu tiên của bộ đội ta, do Ngô Gia Khảm đúc. Có thể nói Ngô Gia Khảm đã xây dựng cái binh công xưởng đầu tiên của quân đội quốc gia Việt Nam”(4). Thành tích thi đua lao động của Anh hùng Ngô Gia Khảm đã góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của ngành quân giới Việt Nam, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp xâm lược, và là cơ sở, tiền đề phát triển khoa học kỹ thuật quân sự của nước nhà.
Anh hùng Trần Đại Nghĩa (1913-1997), tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1933, ông thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Pháp. Sau đó, ông xin đi làm thư ký công sở ở Mỹ Tho và nuôi chí vươn lên, chờ thời cơ. Ngày 5/9/1935, ông sang Pháp tiếp tục học và đã tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris; Đại học Mỏ; Đại học Điện; Đại học Sorbonne; Đại học Cầu đường Paris. Ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức và làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Năm 1946, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở về nước tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 10/9/1946, ông được giao nhiệm vụ là Cục trưởng Cục Quân giới và được Bác đặt tên mới là Trần Đại Nghĩa với ý nghĩa: “Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”. Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn về nhiều mặt, ông cùng các đồng chí của mình đã chế tạo thành công súng và đạn bazoka, súng đại bác không giật (SKZ), bom bay - những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới lúc bấy giờ. Ngày 03/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, khi đạn bazoka góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ở vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội). Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, bazoka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô. Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1952, tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ông được tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong số bảy Anh hùng lao động đầu tiên. Nói về những cống hiến của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến”(5).
Anh hùng Hoàng Hanh (1888-1963), quê ở xã Xuân Lạc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông từng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ông là một nông dân công giáo điển hình về sản xuất ở địa phương, tích cực tăng gia trồng trọt, chăn nuôi, biến vùng đất cao cưỡng và cằn cỗi cho những vụ lúa, lạc, đỗ, bông... bội thu, vượt mức bình quân chung. Đồng thời, ông còn có nhiều sáng kiến trong nông nghiệp như về trồng lúa có đào mương để tát nước khi hạn, áp dụng các biện pháp khoa học tiến bộ, cày lặp, ủ phàn..., về chăn nuôi cũng có những kinh nghiệm làm chuồng, chăm sóc gia súc gia cầm. Nhờ những thành tích xuất sắc tăng gia sản xuất, đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho kháng chiến chống Pháp nên ông được bình chọn đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và sau đó là Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952. Tại Đại hội, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trao huân chương, giấy chứng nhận. Sau Đại hội thi đua, kinh nghiệm của Hoàng Hanh đã được phổ biến cho những nông dân ở các vùng khác áp dụng theo và có kết quả cao.
Anh hùng Cù Chính Lan (1930¬1951), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Khi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ở tuổi 16 anh Cù Chính Lan đã đi theo người lớn đi giành chính quyền ở huyện và gia nhập đội thiếu niên ở làng. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, anh là thế hệ thanh niên đầu tiên trong xã tình nguyện nhập ngũ lên đường giết giặc. Trong chiến dịch Quang Trung năm 1951, anh cùng đại đội của mình tuy trang bị còn thiếu thốn nhưng đã anh dũng chiến đấu với 5 đại đội địch, cướp súng địch diệt địch. Sau trận đánh này, anh được tuyên dương “anh hùng tay không giết giặc”. Trong trận đánh Giang Mỗ ngày 13/12/1951, anh và các chiến sĩ tiểu đoàn 353 trung đoàn 66 đã diệt xe tăng của thực dân Pháp do Mĩ trang bị, mở đầu phong trào đánh xe tăng, phương tiện chiến đấu hiện đại của địch bằng vũ khí thông thường. Với chiến công này anh Cù Chính Lan được Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba với danh hiệu Anh hùng đánh xe tăng. Danh tiếng “Anh hùng đường số 6” lẫy lừng từ đấy. Ở khắp nơi trong toàn quân mọi người đều học tập và noi gương Cù Chính Lan, một “phong trào Cù Chính Lan” được phát động. Ngày 29/12/1951, anh tham gia trận đánh tiêu diệt đồn Cô Tô. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng anh vẫn không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá 5 hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch. Khi đồn chính đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Năm đó anh vừa mới hai mươi mốt tuổi, tiểu đội trưởng bộ binh, Đại đoàn 304, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cù Chính Lan là một hình ảnh sáng ngời của người chiến sĩ thi đua ái quốc, đã biểu hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mọi hoạt động của đời mình. Trong Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, anh được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Quân công hạng hai, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ngày 19/5/1952, liệt sĩ Cù Chính Lan được Đảng và Chính phủ truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng Nguyễn Thị Chiên (1930-2016), quê ở xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 16 tuổi, Nguyễn Thị Chiên làm giao thông viên cho đoàn thể phụ nữ xã, rồi sang đoàn thể du kích thôn, vào đoàn thanh niên, rồi vào du kích xã. Là một người rất chăm chỉ, chịu khó, bà được các chị em tín nhiệm, bầu làm Tiểu đội phó rồi làm Tiểu đội trưởng. Với những thành tích trong hoạt động cách mạng và được sự bồi dưỡng, giúp đỡ của chi bộ địa phương, bà được vinh dự kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi. Tháng 4/1950, trong một lần đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà bị địch bắt tại làng Rặng Thông (Cầu Trục, Kiến Xương). Hơn ba tháng giam cầm trong lao tù, bị đánh đập, tra tấn bằng đủ mọi cách nhưng địch không moi được gì ở bà và không đủ chứng cứ để kết tội bà làm du kích, cuối cùng chúng phải thả bà ra. Khi được thả, Nguyễn Thị Chiên tiếp tục hoạt động du kích và gây dựng cơ sở du kích, luyện tập đánh du kích, rèn luyện du kích chiến, quấy rối địch. Từ năm 1951, khi Đảng, Chính phủ phát động phong trào thi đua sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ, bà cùng các chị em du kích hăng hái tham gia và đạt nhiều kết quả. Tháng 10/1951, trong trận phục kích đánh địch trên đường 39, Trung đội du kích của bà phối hợp với bộ đội địa phương xông lên hoàn thành nhiệm vụ, địch phải xin hàng, Trung đội địch bị chết 2 người, bị thương 7 người, ta bắt sống nhiều tên địch và thu toàn bộ vũ khí. Riêng bà đã bắn bị thương một số và bắt sống 3 tên địch. Trong một trận phục kích địch cuối năm 1951, bà tay không đã bắt được tên quan hai Pháp. Đầu năm 1952, Trung đội du kích của bà được giao nhiệm vụ đánh bốt An Bồi. Trận này ta bắt sống 52 tên, giết 3 tên, bắn bị thương 7 tên, thu được 1 mooc- chi-ê, 2 trung liên, 3 tiểu liên, nhiều súng trường, đạn dược, quân trang, quân dụng. Kiểm điểm trận đánh, Ban Chỉ huy khen Nguyễn Thị Chiên đã chiến đấu gan dạ, bình tĩnh, đưa được thương binh ra ngoài trong khi địch bắn rát, đã khám phá được súng đạn của địch và được khen thưởng. Với những đóng góp được ghi nhận trong những năm kháng chiến chống Pháp (từ năm 1946 đến năm 1952), Nguyễn Thị Chiên được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất, hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Nguyễn Thị Chiên vinh dự là đại biểu nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ Nhất. Tại Đại hội, bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một khẩu súng lục của Người và được bầu là Anh hùng Quân đội, người nữ anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của cả nước khi mới 22 tuổi. Với chiến công xuất sắc của Nguyễn Thị Chiên, trong các bài nói chuyện, bài viết đăng trên báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc đến Nguyễn Thị Chiên là một tấm gương sáng cho mọi người học tập, noi theo. “Chị Chiên, vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội”(6). Đây cũng là bài báo Người đã viết riêng, cho đăng trên Báo Nhân dân số 60 ngày 05/6/1952 với nhan đề hết sức ngắn gọn: Nguyễn Thị Chiên.
Anh hùng Nguyễn Quốc Trị (1921-1967), quê ở làng Phượng Kỷ, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Quốc Trị tham gia hoạt động chống chính sách bắt dân làm phu, nên bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1944, Nhật thế chân Pháp ở Việt Nam, ông cùng các anh em phá ngục, xung phong vào đội tự vệ tiên phong chống Nhật. Trong trận tham gia đánh Nhật đầu tiên, ông cùng tiểu đội diệt 10 tên giặc, đốt 5 xe. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia bộ đội chủ lực. Cuối năm 1946 - đầu năm 1947, ông xung phong tham dự nhiều trận đánh ở Vinh, Huế, Đông Hà cùng đội diệt hàng trăm và bắt sống nhiều địch. Cá nhân ông diệt được 19 lính Pháp và 2 lính Nhật. Trong Chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, ông chỉ huy một trung đội đánh hai trung đội của Trung đoàn Lơ-pa-giơ, diệt và bắt 22 người, cùng đơn vị phá gãy kế hoạch hợp quân của Pháp, tạo chia cách, mất thế quân bình, hàng ngũ hoang mang dẫn đến tan rã. Ngày 19/5/1952, Nguyễn Quốc Trị được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 10/10/1954, ông vinh dự là người kéo quốc kỳ tại buổi lễ chào cờ lịch sử ở kỳ đài Thủ đô Hà Nội, chào mừng ngày tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến chống Pháp.
Anh hùng La Văn Cầu (1931), tên thật là Sầm Phúc Hướng, dân tộc Tày, quê ở xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Năm 1948, khi tròn tuổi 16, ông đứng trong hàng ngũ của Đại đội 73 thuộc tỉnh Cao Bằng. Năm 1949, ông là chiến sĩ chiến đấu thuộc Trung đoàn 74, Sư đoàn 316 (Quân khu 2). Ông đã tham gia trận đánh Đông Khê (từ ngày 16 đến ngày 18/9/1950) - trận đánh mở màn nằm trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông. Bởi Đông Khê có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, giữ được Đông Khê, ta nắm chắc được thắng lợi trong tay. Vì là trận đấu quan trọng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp ra mặt trận chỉ huy: “Chúng ta phải đánh cho kỳ thắng, không được thua”. Trong trận Đông Khê, La Văn Cầu được phân công làm Tổ trưởng Tổ bộc phá với nhiệm vụ phá hàng rào lô cốt của đối phương để mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong quá trình chiến đấu, cánh tay phải bị thương lủng lẳng, vướng víu, ông đã nhờ đồng đội chặt giúp cánh tay để có thể tiếp tục ôm quả bộc phá nặng 12kg bằng tay trái, leo dốc, áp vào lô cốt giặc để phát nổ... hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với thành tích và lòng quả cảm trong chiến đấu, ngày 19/5/1952 ông được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khi đang là tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ Nhất là một mốc quan trọng đánh dấu những thắng lợi trong các phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm và là động lực để động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập thành tích xuất sắc trên chiến trường và giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Từ lời kêu gọi thi đua ái quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau này đã có hàng chục phong trào thi đua như: Vững tay cày, chắc tay súng (1961); Thi đua sản xuất: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ (1957); Phong trào phụ nữ 5 năm tốt (1964); Phong trào Ba đảm đang (1965); Phong trào cờ 3 nhất; Thanh niên 3 sẵn sàng,v.v...”. Cho tới bây giờ, tinh thần thi đua ái quốc vẫn vẹn nguyên giá trị, dẫn bước cho nhiều thế hệ người lao động hăng hái thi đua, dựng xây Tổ quốc.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.38.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.39.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.407.
4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Bộ Lao động, hồ sơ 432, tờ 66.
5. Kỷ niệm về Bác, Nxb. thông tấn, Hà Nội, 2005, tr.71.
6. Báo Nhân dân, số 60, ngày 5/6/1952.