slider
Phát triển kinh tế số

Ông Đặng Văn Lơ - người nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng

10 Tháng 09 Năm 2021 / 2993 lượt xem

ThS. Cù Thị Minh

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Năm 2013, nhằm triển khai nhiệm vụ khoa học “Chỉnh lý trưng bày di tích Bếp A” - nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng tôi đã tới gặp ông Đặng Văn Lơ, một trong số ít người có vinh dự được nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Buổi đầu tiên đến làm việc, do không hẹn trước nên chúng tôi phải ngồi chờ vì ông đi tập thể dục. Trong lúc chờ đợi, trò chuyện với anh Hùng - con trai cả của ông, chúng tôi được biết: ngày nào ông Lơ cũng đi tập thể dục, trừ khi mưa to gió lớn, còn mưa nhỏ hay rét giá ông vẫn đi bách bộ, ngày 2 lần sáng và chiều. Cứ 6h sáng ông đi bách bộ từ nhà (Vạn Bảo, Ba Đình, Hà Nội) đến Lăng Bác, đi vòng quanh khu vực Bách thảo; 8h30 về vệ sinh cá nhân rồi tự chuẩn bị bữa sáng. Nghỉ ngơi trưa xong 13h30 lại đi bộ đến 16h. Nhờ rèn luyện như vậy nên dù đã ở tuổi 85 “xưa nay hiếm” nhưng ông rất minh mẫn, nhanh nhẹn, mùa đông vẫn tắm được nước lạnh. Câu chuyện mới đến đây thì ông về. Khi được biết chúng tôi tới mời ông giúp trưng bày lại các dụng cụ nhà Bếp A như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn tìm hiểu về những năm tháng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông nói: “Để không mất thời gian, các cháu cần hỏi gì thì viết vào giấy, tôi sẽ xem và trả lời sau. Còn sắp xếp đồ dùng nhà bếp A thì hẹn ngày giờ tôi sẽ tới, không cần phải cho xe đón”.

Một tuần sau chúng tôi mời ông tới cơ quan để chỉnh lý trưng bày di tích Bếp A. 8h đã thấy ông đứng trước cửa di tích Bếp A chờ chúng tôi. Ông đưa cho tôi một tập giấy trong đó là nội dung trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Nhìn những dòng chữ to, nét bút không còn cứng cáp của ông được viết trên mặt sau của tờ giấy đơn thuốc, lịch công tác làm tôi cay cay nơi sống mũi. Ông nhìn tôi và nói: “cháu nghiên cứu rồi tuyên truyền sao cho khéo chứ đừng như một số sách báo nói Bác Hồ sống khổ hạnh. Nếu tuyên truyền như vậy thì Đảng và Nhà nước hóa ra không quan tâm đến Bác và những người phục vụ như chúng tôi không làm tròn trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó”.

Qua làm việc với ông một vài lần và đặc biệt được phụ giúp ông chỉnh lý trưng bày Bếp A và trình diễn nấu một mâm cơm như sinh thời phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy phong cách làm việc khoa học, tỷ mỉ, cẩn thận, chu đáo, đạo đức cần - kiệm - liêm - chính được ảnh hưởng từ đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như đã ăn sâu vào máu của ông.

Ông Đặng Văn Lơ sinh năm 1929 trong một gia đình nông dân xã Đồng Liên, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Sớm giác ngộ cách mạng, từ tháng 4 năm 1945 ông đã bắt đầu tham gia các hoạt động như công tác bình dân học vụ, làm thư ký ban hành chính thôn, làm ban thông tin của xóm, tham gia du kích... Vào cuối năm 1949, tham gia nhập ngũ vào trung đoàn 15, đại đội 421 và cùng đồng đội lên Việt Bắc. Từ năm 1949, có nhiều cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam, vì vậy một số bộ đội được chọn đi học nấu món ăn Trung Quốc. Tổng cộng có 150 người, nhưng ông Lơ là một trong những học viên xuất sắc nhất, được cử phục vụ bếp “đặc táo” - Bếp nấu ăn phục vụ đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc ở núi Hồng, chân đèo De, thuộc làng Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Trong thời gian làm việc ở đây, có một sự kiện làm ông Lơ nhớ mãi. Ông kể: “Trước chiến dịch Tây Bắc, một buổi sáng Bác Hồ được một đồng chí bảo vệ dẫn đến bếp. Đồng chí bảo vệ bảo tôi: đồng chí cho xin một chậu nước rửa chân. Tôi nhanh chóng đến nơi có nước máng tự chảy được dẫn từ suối trên cao về hứng 1 chậu đầy bưng đến để Bác rửa chân. Tôi biết đó là Bác Hồ nhưng vì giữ bí mật nên tôi không dám chào Bác. Rửa chân xong, Bác chống gậy cùng đồng chí bảo vệ lên đồi Cố vấn(1) để họp. Sau một lúc thấy anh Cẩn(2) sang nhận thực phẩm ở kho vào Bếp. Anh Cẩn cùng tôi và ông đầu bếp Trung Quốc nấu cơm phục vụ Bác Hồ và Cố vấn Trung Quốc La Quý Ba. Khi Bác ăn xong, anh Cẩn lại dọn về. Sáng hôm sau Bác lại sang đồi Cố vấn làm việc. Tôi chuẩn bị sẵn chậu nước để ở đầu bếp và vừa làm vừa để ý. Khi Bác đến, tôi ra hiệu cho đồng chí bảo vệ mời Bác rửa chân, một lúc sau lại thấy anh Cẩn sang nấu cơm trưa như hôm trước.

Thế là tôi đã tận mắt nhìn thấy Bác Hồ và người nấu ăn của Bác 2 lần. Cố vấn Trung Quốc sang giúp mình nên Bác đối đãi rất trọng thị. Ít lâu sau Bác gửi sang biếu cố vấn Trung Quốc một bàn chân gấu đen và một cái mật gấu tươi. Ông đầu bếp Trung Quốc bảo tôi làm sạch lông rồi hầm với thuốc bắc Trung Quốc bồi dưỡng cho cố vấn La Quý Ba. Còn mật gấu phơi, sấy khô giao lại cho ông đầu bếp Trung Quốc”.

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng, ông Đặng Văn Lơ về Thủ đô Hà Nội và làm tại cơ quan Giao tế Phủ Thủ tướng. Năm 1960, ông được điều động từ cơ quan Giao tế Phủ Thủ tướng về văn phòng Thủ tướng và được giao nhiệm vụ nấu ăn phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay thế vị trí đồng chí Hà Văn Thái(3).

Theo ông Lơ, điều đặc biệt hiếm có là Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sống với nhau rất gần gũi, gắn bó và tình cảm: cùng sống và làm việc trong một khu vực. Nơi ở cách nhau khoảng 30m, sân nối liền nhau, chung ga ra ô tô, sử dụng chung dinh Phủ Chủ tịch, nơi hội họp và bếp nấu ăn. Ngoài những bữa Bác Hồ mời Thủ tướng Phạm Văn Đồng ăn chung để bàn công chuyện hoặc cùng Người tiếp khách trong nước và quốc tế thì hàng tuần Chủ tịch và Thủ tướng có 1 bữa ăn cơm chung. Các đồng chí nhà bếp đã đặt bí danh cho Bác Hồ là “Cụ Hiền” và Thủ tướng Phạm Văn Đồng là “ông Lành” để thuận tiện cho việc lên thực đơn, theo dõi chấm cơm mà vẫn đảm bảo bí mật.

Nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có 02 người: ông Đinh Văn Cẩn - phụ trách nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Đặng Văn Lơ phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Mỗi bếp phục vụ 1 người, nên Bác đề nghị sát nhập hai bếp vào làm một để tiện giúp nhau trong công việc. Ông Cẩn là bếp Trưởng, ông Lơ là bếp viên. Mỗi một tuần, mỗi người được nghỉ một ngày. Hôm nào ông Cẩn nghỉ thì ông Lơ làm hoàn toàn theo yêu cầu của trưởng bếp. Bếp không chỉ phục vụ Chủ tịch, Thủ tướng mà còn phục vụ các bữa ăn nhẹ cho Bộ Chính trị khi tới họp và làm tiệc chiêu đãi khách của 2 vị nguyên thủ. Vì vậy, công việc nhà bếp rất bận rộn. Nhằm nâng cao kỹ thuật nấu ăn, cơ quan cử ông Lơ tham dự tập huấn nghiệp vụ của các chuyên gia quốc tế. Tại các buổi tập huấn đó, học viên không được mang theo sách vở ghi chép mà phải tập trung lắng nghe và nhìn các chuyên gia thao tác hàng chục món để ghi nhớ, học theo. Ông Lơ nắm bắt rất nhanh kỹ thuật nấu ăn (Âu và Á) cùng với được sự hướng dẫn của ông Cẩn - người được đào tạo tại trường kỹ nghệ nấu ăn của Pháp, nhờ đó ông Lơ nấu ăn rất chuyên nghiệp.

Là đầu bếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhưng ông Lơ lại được vinh dự phục vụ cả Chủ tịch Hồ Chí Minh lẫn Thủ tướng, Bộ Chính trị và khách của cả hai nguyên thủ. Theo đồng chí Cù Văn Chước, nguyên Trưởng phòng hành chính văn phòng Phủ Chủ tịch cho biết ông Đặng Văn Lơ làm việc rất trách nhiệm, trung thực thẳng thắn; chấp hành nghiêm nội quy, quy định của nhà bếp như việc lấy mẫu xét nghiệm đồ ăn, thức uống, giữ gìn tốt lương thực, thực phẩm, đảm bảo vệ sinh bếp, không cho người không có nhiệm vụ vào bếp; luôn cần cù, chăm chỉ, tận tụy với công việc, thức khuya, dậy sớm và không nề hà bất cứ công việc gì; luôn tìm cách khắc phục khó khăn ngay cả khi gia đình ở quê, cuộc sống rất vất vả nhưng vẫn luôn cố gắng thu xếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công việc chính của ông Lơ là tiếp phẩm, phụ giúp bếp trưởng nấu ăn, nấu ăn phục vụ Chủ tịch và Thủ tướng khi bếp trưởng nghỉ, thủ kho, kế toán, vệ sinh bếp, quản lý dụng cụ nhà bếp, giặt là khăn các loại (khăn ăn, khăn bàn, khăn lau). Hàng tháng làm báo cáo tình hình xuất - nhập thực phẩm và công việc của cá nhân.

Một ngày làm việc của ông Lơ bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc lúc 19h. Từ sáng sớm tinh mơ, không quản giá rét hay những ngày mưa to gió lớn ông đạp xe đến cửa hàng cung cấp Giao tế thuộc Văn phòng Trung ương mua thực phẩm, chuyển cho Bộ phận Hóa nghiệm làm xét nghiệm. Việc hóa nghiệm thực phẩm (thức ăn, nước uống) phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt đầu thực hiện từ ngày 19/5/1957 do Phòng 1 (Phòng bảo vệ Hồ Chủ tịch)(4) thuộc Cục Cảnh vệ, Bộ Công an đảm nhiệm. Tổ hóa nghiệm gồm có 3 người. Địa điểm làm việc đầu tiên của bộ phận hóa nghiệm được đặt tại tầng hầm của tòa nhà Phủ Chủ tịch. Sau một thời gian để tiện cho công việc, bộ phận hóa nghiệm chuyển vào làm việc tại căn phòng gần nhà bếp. Thực phẩm sau khi được xét nghiệm đảm bảo an toàn thì mới bắt đầu nấu ăn. Ông Lơ giúp đồng chí bếp trưởng chuẩn bị điều kiện làm bữa như chuẩn bị bếp (nhóm lò bếp than, chuẩn bị củi), đun nước sôi, vô trùng bát đĩa bằng nước sôi, chuẩn bị thực phẩm để chế biến các món ăn trong ngày, xay bột làm bánh cuốn, ép bột làm bánh hỏi, ủ bột làm bánh bao, cán bột làm mì vằn thắn. Nói tóm lại là chuẩn bị sẵn các đồ dùng dụng cụ và thực phẩm góp phần với bếp trưởng chế biến món ăn. Bản thân là bếp thứ nhưng ông Lơ rất thành thạo mọi công việc và chế biến các món ăn rất khéo léo, luôn chịu khó học hỏi kỹ thuật nấu ăn và nghệ thuật phục vụ Bác Hồ từ đồng chí bếp trưởng - bậc “đàn anh”, “người thầy” mà ông rất coi trọng. Bếp trưởng và bếp viên luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau trong công việc, làm việc với nhau rất ăn ý, nhịp nhàng.

Bữa ăn của Bác thường giản đơn 3 món, 1 canh (cơm, canh, rau, thịt hoặc cá), ngoài ra trên mâm có thêm chanh ớt, nước chấm, tráng miệng táo nướng, nhưng phải đầy đủ dinh dưỡng và nấu ăn phải có kỹ thuật. Cơm nấu bằng gạo tám Nam Định. Trước khi nấu phải nhặt sạch sạn, thóc và gạo đầu đen. Vo sạch gạo, tráng gạo bằng nước ấm rồi đổ đi, lần thứ hai cho nước ấm vào nấu. Cơm chín bắc ra ngâm ngay vào nước lạnh 1 lát để đảm bảo cơm mềm, cháy cơm có màu vàng non, dẻo thơm và róc đáy. Bác Hồ rất thích ăn cháy cơm, mỗi tuần nhà bếp làm 1 lần cơm cháy cho Bác và lần nào cũng thấy Người ăn hết vầng cháy cơm và 1 chút cơm. Các loại rau củ quả hầm xương, thì nước xương phải trong suốt, bát canh có hương vị thơm tự nhiên. Nấu súp ngô non cũng phải giữ được hương vị thơm của bắp ngô. Nếu phục vụ Bác món cá thì thường là cá thờn bơn, cá quả, cá rô phi (đều phải lọc, rút hết xương) hoặc cá bống. Bống sông rửa sạch, lấy khăn thấm khô, ướp gia vị và bã gừng (gừng giã nát, rửa, vắt kiệt nước lấy bã), rồi tưới nước màu (nước hàng) lên. Sau đó cho vào nồi đất, cho nước dùng gà hoặc nước dừa xâm xấp, đun sôi đến chín, rồi để nhỏ lửa, khoảng 60 độ. Món cá bống kho tộ đảm bảo thành phẩm cá nục xương nhưng vẫn nguyên con, thơm mùi gừng mà không gây tính nóng ảnh hưởng tới huyết áp, có độ béo ngậy mà không gây xơ vữa động mạch.

Thịt gà phục vụ Bác thường là loại gà tre do nhà bếp nuôi. Bác thích ăn món gà rán kiểu Quảng Đông, cách làm như sau: pha nước 3 sôi 2 lạnh, rửa sạch gà, thả vào nồi rồi mới vặt lông. Để ráo, ướp xì dầu trong ngoài đầy đủ. Trước khi ăn, cho vào chảo mỡ ngập, rán vàng hết hai mặt, khi chặt ra trong xương gà còn hơi hồng hồng. Còn món gà luộc Quảng Đông: gà làm sạch để ráo, rắc muối gia vị lên con gà sau đó luộc đến độ sôi khoảng 80 độ thì bắc ra, để nguyên trong nồi 15 phút. Sau đó cho con gà đã luộc vào nồi nước thật lạnh, để 15 phút nữa. Khi chặt thịt bên trong vẫn còn nước hơi hồng hồng, như thế khi ăn thịt sẽ mềm và da gà vẫn giòn. Lấy má đùi hoặc lườn bỏ xương, thái vát phục vụ Bác.

Đôi khi đổi bữa làm món dồi lợn thì nguyên liệu làm là da cổ vịt, lấy nhíp nhổ sạch lông, làm sạch rồi nhồi tiết lợn, thịt băm và rau thơm đảm bảo vệ sinh mà vẫn giữ được hương vị dồi lợn. Nếu hôm nào mua được thịt bò tươi thì làm món bò bít tết. Lấy một lát bằng lòng bàn tay, dần qua, gói vào lá đu đủ làm cho mềm thịt. Sắp đến giờ ăn trước khoảng 5 phút thì phi bơ tỏi sôi rồi dội trực tiếp vào thịt như vậy thịt vừa chín tới mềm, ngọt và giữ được vitamin góp phần bổ sung chất sắt, bổ máu.

Món táo nướng tráng miệng thì mua táo bở (Trung Quốc) cắt ngang 1/3 quả táo, khoét ruột bỏ hạt rồi đậy nắp bỏ vào lò nướng. Khi táo chín mở nắp cho một chút bơ, một chút đường. Táo nướng phải mềm, có vị béo ngậy của bơ và ngọt dịu của đường, hương thơm của táo vừa đảm bảo dinh dưỡng lại nhuận tràng, phù hợp với người cao tuổi. Trong chạn bếp thường có lọ cà xứ Nghệ và lọ dưa cải muối. Cà chỉ lấy vài quả, bổ đôi, bỏ hạt, trộn với chút ớt và đường để thay đổi khẩu vị. Dưa cải sen chỉ chọn lá bánh tẻ để muối.

Một tuần món ăn không lặp lại và mùa nào thức ăn nấy, thay đổi thường xuyên để hợp khẩu vị và sức khỏe. Ví dụ mùa hè, nhà bếp nấu món ăn mát như rau ngót, rau mồng tơi, bí, bầu, canh cua hay canh cá chua. Mùa đông thì nấu các món hầm nóng như chim câu hầm. Thỉnh thoảng có khách Bộ Chính trị thì phục vụ món lẩu nóng để Bác và các đồng chí ăn cho ấm áp. Cứ sau mỗi bữa, ông Cẩn và ông Lơ đều xem món nào còn, món nào hết để rút kinh nghiệm thay đổi bữa cho Bác. Ban đầu, bát canh hoặc súp nhà bếp sử dụng loại bát loa to, Bác dùng không hết. Thấy vậy, ông Cẩn tìm mua bát loa nhỏ, mỏng hơn và mỗi lần múc chỉ 2/3 bát thì thấy Bác dùng hết. Hay có lần để hạn chế dầu mỡ, nhà bếp làm món trứng hấp vân. Trứng gà tươi, bỏ lòng trắng, lấy lòng đỏ đánh bông với sữa tươi sau đó hấp cách thủy. Bát trứng hấp vân thơm, xốp mềm và có vị ngậy của sữa tươi nhưng Bác chỉ ăn bát. Lần sau nhà bếp rút kinh nghiệm làm vào bát nhỏ (thường dùng để nước chấm) thì thấy Bác ăn hết. Mỗi tuần nhà bếp rang, xay 0,5kg cà phê. Ngoài ra, nhà bếp còn làm các loại bánh Âu như bánh mì, bánh mì sừng bò (croissant) để thay đổi bữa ăn sáng; làm bánh gateau, bánh muffin, coffeecake, cookies.. .dung ở các bữa phụ hoặc để tiếp khách của Người. Hiện nay, trong bếp vẫn còn lưu giữ máy rang, xay cà phê và khuôn bánh các loại.

Khi nhân dân bị thiên tai lụt lội, mất mùa, phải ăn độn ngô, khoai, sắn, Bác yêu cầu nhà bếp cũng phải nấu cơm độn ngô. Nhà bếp chấp hành nghiêm chỉnh để Bác yên lòng. Ông Lơ chọn ngô hạt mẩy rồi xay, sàng sảy, chà kỹ cho hết vảy. Trước khi nấu ngâm ngô vào nước cho mềm, để ngô và gạo cùng dẻo, ăn dễ tiêu hóa. Hay, Bác kêu gọi làm hũ gạo tiết kiệm cứu dân và Người thực hành trước. Bác yêu cầu nhà bếp thực hiện một tuần Người nhịn ăn 1 bữa, gạo đó cho vào hũ gạo tiết kiệm. Thương Bác, nhà bếp lấy ngô non, xay lấy nước nấu thành súp cho Người.

Mỗi khi Bác đi công tác, nhà bếp chuẩn bị cơm nắm muối vừng và một ít thức ăn khô để vào bộ cặp lồng có túi vải bọc ngoài. Còn cà phê sữa, nước sâm thì để vào các phích nhỏ. Bát đĩa thì gói vào khăn vải trắng, kèm theo một miếng ni-long để trải lúc ăn cơm ngang đường. Trong thời gian Bác đi công tác vắng, các đồng chí phục vụ làm vệ sinh không chỉ nhà bếp mà cả nơi Bác sống, làm việc và tiếp khách (nhà sàn, nhà 54, nhà H67, phòng họp Bộ Chính trị...), tháo các bức mành tre cọ rửa, thau bể cá cảnh.

Bác Hồ rất quan tâm tới các đồng chí phục vụ. Mỗi khi đi công tác về hoặc nhận được quà của khách quốc tế hay nhân dân địa phương, Bác đều chia cho các đồng chí phục vụ cùng thưởng thức. Không những thế Bác còn hiểu hoàn cảnh của từng đồng chí. Có lần Bác Hồ hỏi ông Lơ: “chú đông con lắm phải không? thu nhập đời sống gia đình có đủ không?”. Ông Lơ thưa với Bác: hai vợ chồng được 7 người con (5 trai, 2 gái), gia đình làm nông nghiệp, đông con nên cũng khó khăn. Sau đó ít hôm, ông Vũ Kỳ chuyển cho ông Lơ quà của Bác gồm áo len, vỏ chăn và một ít quần áo. Ông Lơ vô cùng cảm động đón nhận món quà của Bác và được cơ quan cho nghỉ phép về quê thăm gia đình chia lộc của Người. Ông Lơ còn nhớ mãi kỷ niệm ở Khu Phủ Chủ tịch, có lần ông đang cọ xoong nồi ở bờ ao thì Bác đi qua nhìn thấy và hỏi: “chú đánh xoong bằng gì?”. Ông Lơ thưa với Bác: “cháu đánh bằng cát và trấu xay ạ”. Bác ôn tồn bảo: “lần sau chú đánh bằng tro bếp vừa sạch vừa có độ bóng dụng cụ lại không mòn”. Nghe theo lời Bác, từ đó trở đi ông Lơ đánh nồi và dụng cụ bằng tro vừa sạch lại không bị trầy xước.

Niềm vinh dự, tự hào nhất trong cuộc đời, theo ông Đặng Văn Lơ đó là được phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông tự xét thấy mình đã luôn cố gắng tận tụy phục vụ, chưa bao giờ làm phiền lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ghi nhận những đóng góp đã tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông đã được lãnh đạo đơn vị, Đảng và Nhà nước tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Ngày 29/3/2021 (tức ngày 17/2/2021) ông Đặng Văn Lơ đã quy tiên, hưởng thọ 93 tuổi, an táng tại quê nhà tỉnh Thái Nguyên. Ghi lại những hồi ức những năm tháng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhằm thỏa tâm nguyện của Ông Đặng Văn Lơ lúc sinh thời về phương pháp tuyên truyền cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là hình thức để tưởng nhớ, tri ân nhân chứng lịch sử mà tôi rất quý trọng.

Chú thích:

1.       Đồi cố vấn là nơi ở và làm việc của cố vấn quân sự Trung Quốc - La Quý Ba.

2.       Đồng chí Đinh Văn Cẩn, người nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1951-1969.

3.       Đồng chí Hà Văn Thái (quê Hải Hậu) người nấu ăn phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau được điều sang nấu ăn phục vụ Phó Thủ tướng Phạm Hùng.

4.       Phòng Kỹ thuật Bảo vệ 55 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Phòng Kỹ thuật Bảo vệ, 2012, Nxb. Trung tâm kỹ thuật H57, Tổng Cục IV, Bộ Công an.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)