slider
Phát triển kinh tế số

Phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch đối với phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội

19 Tháng 05 Năm 2022 / 666 lượt xem

Nguyễn Vân Anh

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay, ngay từ Đại hội X, Đảng nhấn mạnh cần: “Kết hợp hài hoà việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế du lịch”. Tiếp theo tinh thần của Đại hội X, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã bổ sung và cụ thể hóa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phải gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”.

Trên cơ sở đó, ngày 16-10-2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4597/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm phát triển du lịch Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác. Ngày 26-6-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”, trong đó tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển du lịch văn hóa và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có thể thấy rằng, ngành du lịch đã dần khẳng định vị trí, vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô.

Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô 2012 - 25/2012/QH13 đã tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hình thành Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là đầu tàu của cả nước và hội nhập quốc tế... Thông qua những giá trị văn hóa đặc sắc, trọng tâm là các giá trị di sản văn hóa, hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao. Đặc biệt, tại Điều 11 Luật Thủ đô có quy định cụ thể các khu vực, di tích và di sản văn hóa phải được tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị bao gồm Khu vực Ba Đình và các di sản liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh như Khu di tích Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, trong những năm qua, hệ thống Di tích và Bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, là hạt nhân của các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, có sức thu hút mạnh mẽ, góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực phát huy giá trị di sản văn hoá và xây dựng nguồn lực mạnh mẽ phát triển du lịch.

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (sau đây viết tắt là Khu di tích) đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa, có ý nghĩa quan trọng trong các di tích Việt Nam nói chung và hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Với những giá trị to lớn về chính trị, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc. và lợi thế về môi trường sinh thái, không gian cảnh quan đẹp; vị trí thuận lợi khi nằm trong Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, bên cạnh các công trình lớn như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, gần với Văn Miếu Quốc tử giám, Hoàng thành Thăng Long. đã tạo thành một tổng thể liên hoàn, địa chỉ tham quan thuận lợi, hội tụ những yếu tố quan trọng để có thể kết nối và đa dạng hóa các tour, tuyến du lịch. Vì vậy, Khu di tích trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đối với du khách trong nước và bạn bè quốc tế tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

Trên thực tế, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của Khu di tích đã trở thành động lực mạnh mẽ cho việc phát triển du lịch Thủ đô. Trong nhiều năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích đã được thực hiện dưới nhiều hình thức như: xây dựng các ấn phẩm giới thiệu về Khu di tích, tư liệu hóa di sản thông qua các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết; Xây dựng phim tư liệu, tăng cường các bài viết chất lượng đăng tải trên website Khu di tích và các phương tiện thông tin đại chúng về các giá trị nổi bật của Khu di tích;... Ngoài ra, phối hợp làm tốt công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch như: Phối hợp với một số Bảo tàng, di tích tổ chức nhiều triển lãm, trưng bày chuyên đề gắn liền với cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; in và phát hành tờ gấp; dựng biển chỉ dẫn, sơ đồ, panô có nội dung tuyên truyền, giới thiệu về Khu di tích và nhiều chủ đề gắn với các sự kiện chính trị; phối hợp với các phương tiện truyền thông, nhiều nhà xuất bản, nhiều tờ báo có uy tín đăng tải nội dung, giới thiệu hình ảnh về Khu di tích và cuộc đời sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, Khu di tích đã trở thành điểm đến du lịch quan trọng, hấp dẫn có đóng góp không nhỏ cho Thủ đô Hà Nội. Có thể kể đến một vài đóng góp quan trọng sau đây:

- Khu di tích góp phần thu hút số lượng lớn du khách trong nước và quốc tế

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và ưu thế đặc biệt của Khu di tích trong việc tuyên truyền cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Hơn 50 năm qua, Khu di tích đã đón tiếp và phục vụ hơn 80 triệu lượt khách về tham quan, nghiên cứu và học tập từ hơn 160 quốc gia trên thế giới. Trong đó có hơn 100 đoàn nguyên thủ quốc gia và hàng trăm đoàn cao cấp quốc tế.

Để góp phần tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thu hút ngày càng nhiều đối tượng khách tham quan khác nhau, Khu di tích không ngừng đổi mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh đến việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như: bên cạnh hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống, chủ đạo và đem lại hiệu quả cao nhất là hướng dẫn, giới thiệu thuyết minh trực tiếp; Khu di tích cũng phối hợp các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương như Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh Truyền hình Quốc hội, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội,... xây dựng các chương trình giao lưu, tuyên truyền quảng bá hình ảnh Khu di tích và quần thể di tích lịch sử văn hóa Ba Đình tới gần hơn với công chúng.

Ngoài ra, nhiều hoạt động phong phú, đa dạng mang nhiều ý nghĩa cũng được tiến hành đã tạo nên sự chú ý của xã hội như: tổ chức triển lãm hàng năm, các cuộc thi, các hoạt động khoa học như: hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu, xuất bản, sách, báo, tạp chí. cũng góp phần khiến số lượng khách tham quan tới với Khu di tích ngày một tăng lên.

Có thể nói, trong hệ thống các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, Khu di tích Phủ Chủ tịch luôn được coi là một trong những di tích đặc biệt có khả năng thu hút lượng khách đông nhất bởi chính giá trị văn hoá và nội dung lịch sử đa dạng, phong phú của di tích.

- Góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã đạt được nhiều thành tựu khả quan; góp phần bảo vệ, lưu giữ các giá trị văn hóa, khai thác tốt phương diện kinh tế, đóng góp hiệu quả vào ngân sách quốc gia. Với việc trở thành một nguồn lực lớn, một tài nguyên nhân văn đầy tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, Khu di tích nói riêng và các di sản văn hóa nói chung đã tận dụng thế mạnh của mình để khai thác tốt giá trị di sản.

Đặc biệt, trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay, thông qua việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, nguồn thu của Khu di tích đã có những đóng góp nhất định vào tổng thu du lịch của Thủ Đô. Ngoài ra, nhiều kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích và môi trường sinh thái cũng được tiến hành triển khai nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, những giá trị vốn có để góp phần phát triển ngành kinh tế du lịch Thủ đô.

Trong thực tế, nguồn kinh phí dành cho phát huy giá trị di sản hiện nay phụ thuộc vào nguồn kinh phí có hạn của nhà nước dẫn tới việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả và đồng bộ. Việc chủ động khai thác khía cạnh kinh tế của Khu di tích thông qua việc bán vé dành cho khách nước ngoài, nguồn thu từ phí dịch vụ hay các sản phẩm du lịch đã giảm gánh nặng cho ngân sách quốc gia, tăng nguồn thu cho nhà nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, đồng thời có kinh phí để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Đây là ví dụ cụ thể chứng minh cho mô hình vừa bảo tồn các giá trị di tích, hiện vật, cảnh quan, vừa kết hợp tổ chức những hoạt động đa dạng tạo được nguồn thu lớn và sức sống cho di sản.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích; khai thác tiềm năng, lợi thế của di sản gắn với phát triển du lịch; Khu di tích đã tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng, phát triển hình ảnh điểm đến du lịch gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn. Theo cách làm này, Khu di tích vừa là di sản, vừa phát huy được ý nghĩa, giá trị trong đời sống đương đại và mang lại lợi ích cho xã hội.

- Tạo dựng sản phẩm du lịch riêng góp phần quảng bá hình ảnh Khu di tích và Thủ đô Hà Nội tới với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Với nhiệm vụ thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền thông qua hiện vật, hình ảnh và các hoạt động văn hóa khác thì việc tạo dựng các sản phẩm du lịch và đưa chúng tới gần hơn với công chúng là một việc làm cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh mô hình vừa bảo tồn các giá trị di tích, hiện vật, cảnh quan; vừa kết hợp tổ chức những hoạt động đa dạng tạo được nguồn thu và sức sống cho di sản, Khu di tích cũng tập trung triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn nhằm xây dựng hình ảnh riêng trong mắt nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng được thương hiệu du lịch Thủ đô có bản sắc, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.

Khách tới tham quan, tìm hiểu tại Khu di tích có thể thỏa mãn nhu cầu văn hóa của mình thông qua các sản phẩm du lịch mang tính tổng thể nhằm đáp ứng nhu cầu có tính văn hóa cao của quá trình tham quan, phục vụ công chúng và đáp ứng yêu cầu của công chúng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, mang tính đặc thù, mang dấu ấn riêng, không trùng lặp tương đồng với bất kì di tích nào khác như các ấn phẩm của Khu di tích, phim tư liệu, nhiều triển lãm, chuyên đề... đa dạng, phong phú về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với quá trình hình thành, phát triển của Khu di tích cũng được chú trọng nhằm nâng cao giá trị, tăng sức hấp dẫn, thu hút khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Khu di tích không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, những sản phẩm văn hóa cũng như các dịch vụ phục vụ khách du lịch nhằm thức dậy mạnh mẽ những tiềm năng vốn có mà di tích đang lưu giữ. Nhiều giải pháp về nâng cấp, chỉnh lý công tác trưng bày, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, cán bộ phục vụ khách và tăng cường sự phối hợp của Khu di tích với các công ty, hướng dẫn viên du lịch nhằm xây dựng chương trình tham quan phù hợp với nhu cầu của du khách tới với Khu di tích.

Trong hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến việc tham quan, trải nghiệm của du khách, Khu di tích vẫn không ngừng đẩy mạnh công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tạo nên những điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo như tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hiện vật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử (Website) của Khu di tích (ditichhochiminhphuchutich.gov.vn); xây dựng sản phẩm triển lãím trực tuvến... để tạo ra những sản phẩm đa dạng, mang lại trải nghiệm khác biệt, làm phong phú hơn hoạt động và thu hút khách du lịch.

Có thể thấv rằng, du lịch gắn với các giá trị di sản văn hóa đã, đang và sẽ luôn là nhu cầu của các thị trường khách du lịch. Thực tiễn trên cho thấv, phát huv giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch là vấn đề quan trọng, đồng thời cũng là vêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huv giá trị các di sản văn hóa. Thông qua việc phát huv giá trị Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch, xâv dựng và quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội tới với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)