Suy nghĩ về việc xây dựng phim hoạt hình trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch phục vụ khách tham quan là trẻ mầm non
Trần Thu Hà
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu Di tích) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó lâu nhất trong suốt cuộc đời của mình (từ năm 1954 đến mùa thu năm 1969). Các di tích, kỷ vật ở đây đã trở thành những vật chứng quý giá - biểu tượng thiêng liêng cho cuộc đời, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 15 năm cuối đời. Vì thế, sau khi Người qua đời, tất cả các di tích cũng như những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người đã được gìn giữ nguyên vẹn như khi Người sống và làm việc tại đây, để đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế đến viếng thăm hiểu rõ hơn về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức tác phong, lối sống, đức khiêm tốn, giản dị, tinh thần cách mạng, tình yêu tha thiết với nhân dân, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Khu Di tích có khuôn viên rộng lớn hơn 14 hécta, bao gồm nhiều cây xanh, vườn cây, ao cá, không khí trong lành, mát mẻ_ và có vị trí thuận lợi về giao thông khi ở trung tâm quận Ba Đình. Chính vì vậy, Khu Di tích là một địa điểm thuận lợi để các trường mầm non và tiểu học thực hiện các chương trình dã ngoại và hoạt động trải nghiệm.
Hiện nay, trong chương trình giáo dục của các trường mầm non, hoạt động trải nghiệm đóng vai trò quan trọng và là một hoạt động thường xuyên. Hoạt động trải nghiệm tham quan dã ngoại này có ý nghĩa rất lớn đối với trẻ mầm non. Bởi lẽ, trẻ mầm non rất thích hoạt động, được tiếp xúc, khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, cuộc sống xung quanh mình. Trải nghiệm là quá trình nhận thức, khám phá đối tượng bằng việc tương tác với đối tượng thông qua hành động tri giác bên ngoài như nhìn, nghe, sờ... và quá trình tâm lý bên trong như chú ý, tư duy, tưởng tượng, ghi nhớ... Thông qua đó trẻ có thể học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, tiếp thu, tích lũy được những kinh nghiệm cho bản thân và phát triển, hoàn thiện các kỹ năng trong cuộc sống. Qua đó kích thích được các tiềm năng trí tuệ của trẻ. Chính vì vậy, hàng năm Khu Di tích đã và đang đón rất nhiều các trường mầm non đến tham quan và hoạt động trải nghiệm.
Các cháu mầm non do độ tuổi còn nhỏ nên chưa hiểu biết được nhiều kiến thức về Bác. Khả năng tập trung và nhận thức của trẻ còn yếu. Trẻ dễ bị thu hút bởi những trực quan sinh động, dễ tiếp thu qua tri giác và những tác động trực tiếp được trẻ quan sát. Tuy nhiên, trẻ vẫn thích quan sát cái gì sặc sỡ, hấp dẫn và có khả năng ghi nhớ tốt. Trẻ dễ nhớ những gì các em có thể tác động trực tiếp lên đối tượng đó. Do đó, trẻ thích tham gia các hoạt động mang tính thực tiễn.
Dưới góc độ giáo dục, ở lứa tuổi mầm non, nhu cầu học tập không chỉ đơn thuần là hoạt động nhận thức mà còn gắn liền với nhu cầu vui chơi. Nếu tạo cho trẻ sự hứng thú nhất định, trẻ sẽ sôi nổi và ghi nhớ thông tin nhanh hơn. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục tại Khu Di tích lại thiên về thuyết minh. Cán bộ tuyên truyền chủ yếu sử dụng biện pháp nói, kể chuyện cho các cháu. Ngôn từ của bài thuyết minh về Khu Di tích thường chủ yếu hướng tới đối tượng lớn tuổi (học sinh, sinh viên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên...) có sự hiểu biết nhất định. Vì vậy, các cháu mầm non thường khó hiểu và khó tiếp thu được. Không những vậy, quãng đường xếp hàng từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Khu Di tích khá xa so với độ tuổi của trẻ mầm non. Chính vì vậy, khi vào đến Khu Di tích trẻ đã khá mệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp thu của trẻ.
Khu Di tích đã xây dựng bộ phim tư liệu “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng” để phục vụ cho đối tượng thiếu niên và nhi đồng. Tuy nhiên bộ phim chủ yếu gồm các hình ảnh tư liệu đen trắng nên khó gây được sự chú ý đối với đối tượng trẻ mầm non vốn dễ thu hút bởi những gì có hình dạng, màu sắc sặc sỡ, ngôn từ đơn giản. Chính vì vậy, phim hoạt hình là một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của trẻ em, phục vụ cho nhu cầu giải trí của các bạn nhỏ. Những phim hoạt hình này thường có hình ảnh, màu sắc, âm thanh sống động nên thu hút được các em. Khi trẻ tập trung xem phim hoạt hình, não bộ sẽ tiếp nhận thông tin giúp trẻ ghi nhớ, xử lý thị giác và thính giác tốt hơn. Qua các bộ phim hoạt hình, trẻ sẽ có nhận thức về các nhân vật và về thế giới xung quanh. Đặc biệt những bộ phim có nội dung về lịch sử, văn hóa, khoa học. sẽ giúp trẻ có thêm nhiều kiến thức hơn. Những bộ phim mang tính chất giáo dục trẻ sẽ dạy trẻ hiểu được đúng sai, những điều nên làm và không nên làm, học được cách bao dung và chia sẻ với mọi người.
Cũng giống như những thể loại khác, phim hoạt hình có nội dung, có cốt truyện và nhân vật. Tuy nhiên, những yếu tố đó đều rất đơn giản, không có thật và mang đậm tính chất giải trí. Hiện nay, không chỉ có trẻ em mà ngay cả người lớn cũng yêu thích thể loại phim hoạt hình bởi những giá trị nhân văn sâu sắc chứa đựng bên trong. Những bộ phim hoạt hình bổ ích không chỉ giúp trẻ bồi dưỡng kiến thức, trau dồi vốn từ vựng mà còn mang đến thông điệp về tình bạn, tình yêu và sự hiểu biết. Chính vì vậy, xem phim hoạt hình, trẻ sẽ nhận biết các vật thể, khái niệm đạo đức, cách thức hành xử trước các tình huống bất ngờ.
Tuy nhiên hiện nay, rất đáng tiếc chúng ta chưa có một bộ phim hoạt hình nào xây dựng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề tài về cuộc đời và sự nghiệp của Bác chỉ được nghiên cứu và khắc họa qua những bộ phim tài liệu. Những bộ phim này không có nhiều hình ảnh tư liệu màu về Bác và chủ yếu là phim tư liệu đen trắng. Do khi còn sống, Người rất khiêm tốn, giản dị nên ít khi các nhà quay phim được vào quay phim về Bác. Hiện nay, chỉ duy nhất có bộ sách “Bác Hồ sống mãi” của Nhà xuất bản Kim Đồng khai thác hình ảnh Bác Hồ dưới dạng truyện tranh. Bộ sách bao gồm những truyện ngắn có ý nghĩa sâu sắc về Bác và các cháu thiếu nhi được khắc họa qua nét vẽ đầy sắc màu, gần gũi với trẻ em. Bộ sách đã và đang được các cháu thiếu nhi đón nhận và là một món quà ý nghĩa mà các bậc phụ huynh hay chọn lựa để mua tặng con trẻ.
Vì những lí do trên, tôi xin mạnh dạn đề xuất Khu Di tích nên xây dựng những thước phim hoạt hình có thời lượng 5 - 10 phút từ những câu chuyện thú vị, đầy tính nhân văn, và giáo dục sâu sắc về Bác Hồ để chiếu khi có trường mầm non, tiểu học vào tham quan Khu Di tích. Thời gian xem phim cũng là lúc mà các trẻ mầm non được nghỉ ngơi sau quãng đường dài xếp hàng vào thăm Lăng Bác. Giúp các cháu có đủ thể lực để tiếp tục tham quan và hoạt động trải nghiệm tại Khu Di tích.
Để có thể thu hút được đông đảo các trường mầm non đến với Khu Di tích cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan và các trường mầm non. Các nhà trường cần phải xây dựng một kế hoạch cụ thể dựa trên nội dung chương trình học tập hàng năm của nhà trường, cũng như số lượng trẻ mầm non khi đến tham quan thực tế. Bên cạnh đó, Khu Di tích cần thông báo, phổ biến những quy định, quy chế tham quan cho các nhà trường nắm được để chủ động phối hợp trong công tác tổ chức và xây dựng nội dung học tập thực tế.
Trước mỗi buổi tham quan thực tế, các cô giáo cần giới thiệu trước cho trẻ hiểu một cách khái quát về Bác Hồ và tình cảm yêu quý của Bác với các cháu nhi đồng. Sau những buổi đi thực tế tại Khu Di tích, các cô cần hỏi lại và củng cố thêm cho trẻ những kiến thức thu được trong quá trình hoạt động tại Khu Di tích thông qua các trò chơi, bài hát và phim hoạt hình về Bác... Như vậy, Khu Di tích không chỉ là địa chỉ đỏ cho học sinh, sinh viên các trường đến học tập mà còn thu hút một lượng lớn các trường mầm non trong Hà Nội cũng như nơi khác đến vui chơi, trải nghiệm thực tế. Điều này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần định hướng nhân cách và tri thức của trẻ, nhất là đối với các cháu mầm non, nhi đồng - “những chủ nhân tương lai của đất nước”.