Tác phẩm "Đường Kách mệnh"
Hồ Thị Quỳnh Trang
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Cuốn sách Đường Kách mệnh được in tại Quảng Châu sau đó được Nguyễn Công Thu mang một số cuốn về Hà Nội qua đường Cống Chạp - Lạng Sơn, một số khác do Nguyễn Lương Bằng, làm việc trên tàu “Sông Pô” chạy tuyến đường thủy Quảng Châu - Hải Phòng, mang về Hải Phòng, Hải Dương. Những tài liệu cách mạng từ nước ngoài gửi về, đặc biệt là những tài liệu liên quan đến Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền thuộc địa Pháp tại Việt Nam xếp vào hàng quốc cấm. Ai tàng trữ, sử dụng và truyền bá những tài liệu này, nếu bị bắt có tang chứng, đều bị đưa ra toà và bị phạt tù. Vì thế “Đường Kách mệnh” khi đưa về Việt Nam đều được vận chuyển bí mật, phải che giấu và ngụy trang dưới nhiều hình thức. Những cuốn sách do Nguyễn Lương Bằng mang về đến Hải Phòng được đưa lên cất giấu tại gác 2 ngôi nhà số 157C phố Lê Lợi (tên thời Pháp là Avenue de Belgique) là một trạm giao thông liên lạc mà Nguyễn Ái Quốc đã cử Lý Hồng Nhật về xây dựng, rồi giao lại cho Lê Văn Hiền phụ trách. Từ đó sách được phân phối đi khắp vùng Sơn Nam Hạ (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam). Đường Kách Mệnh còn theo đường biển vào Sài Gòn rồi đến khắp các tỉnh Nam kỳ. Từ thời điểm này, Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở các lớp huấn luyện và một vài tỉnh cũng mở được lớp ngắn ngày để bồi dưỡng chính trị cho hội viên mới. Chương trình và tài liệu huấn luyện theo như mô hình lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, chủ yếu dựa vào tác phẩm Đường Kách Mệnh. Tại An Giang, Đường Kách Mệnh được ngụy trang dưới hình thức kinh Phật gọi là “Đạo Nam kinh”, bên trong là nội dung tác phẩm.
1, Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Đường Kách Mệnh: Kế thừa truyền thống của dân tộc, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nổ ra mạnh mẽ, liên tục, song tất cả đều nhanh chóng bị thực dân Pháp dập tắt. Sự thất bại của phong trào Cần Vương cho thấy hệ tư tưởng phong kiến không còn đáp ứng được yêu cầu của dân tộc, không thể là con đường đưa dân tộc thoát khỏi nô lệ. Khi phong trào Cần Vương thất bại, phong trào yêu nước chuyển ngay sang khuynh hướng dân chủ tư sản như: phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân hay Đông Kinh Nghĩa Thục... Nhưng phong trào yêu nước này cũng nhanh chóng bị thực dân Pháp dập tắt. Tình trạng bế tắc về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết.
Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) ra đi tìm đường cứu nước. Khi rời Tổ quốc ra đi, Người chọn hướng đi sang phương Tây, đi khảo sát các điển hình trên thế giới, khác với nhiều nhà yêu nước lúc đó (phần lớn chọn hướng đi sang phương Đông, hướng sang Nhật Bản, hướng sang Trung Quốc). Cụ Phan Bội Châu nói: “Á, Âu mở hội Duy Tân, Nhật Hoàng là đấng anh quân ai bì”, cho rằng Nhật Hoàng là nước đồng văn đồng chủng và máu đỏ da vàng như người Việt Nam mà Nhật Bản tự cường trở thành cường quốc, vì thế Việt Nam nên theo Nhật Bản. Một loạt các tiền bối hướng sang Trung Quốc, còn Nguyễn Tất Thành và một số nhà yêu nước khác thì hướng sang phương Tây. Người không dừng lại ở một điển hình nào mà tiến hành khảo sát tất cả các mô hình xã hội của thế giới. Đầu tiên, Người ghé vào nước Pháp, sau đó sang các nước châu Âu khác, rồi vòng quanh Châu Phi. Năm 1912, Người đến nước Mỹ, năm 1913, Người sang nước Anh và cuối năm 1917, Người quay lại Pháp hoạt động trong Đảng Xã hội Pháp. Năm 1920, sau khi nghiên cứu Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc mới nhận thức đầy đủ và rút ra kết luận: Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa lắm, thế nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất và Người quyết định đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường cách mạng vô sản để giải phóng cho dân tộc. Từ đó Người bắt đầu tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tổ chức vận động nhân dân đấu tranh.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng, tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tập hợp những thanh niên yêu nước An Nam đang ở Trung Quốc để huấn luyện thành lực lượng cách mạng tiền phong sau này. Mục đích của Hội là quyết hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc, để giành lại độc lập cho xứ sở. Để tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị cho hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại số nhà 13 và 13/1 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc. Người trực tiếp phụ trách lớp và là giảng viên chính. Lớp thứ nhất khai mạc từ 1926 đến đầu năm 1927, có 10 học viên; Lớp thứ hai mở từ tháng 9/1926, có 15 học viên; Lớp thứ ba mở từ cuối 1926 đến tháng 2/1927, có 50 học viên. Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp chính các bài giảng này của Người và xuất bản thành cuốn Đường Kách Mệnh để làm tài liệu học tập và tuyên truyền.
Mục đích rất rõ của Nguyễn Ái Quốc qua Đường Kách Mệnh là để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền đường lối cứu nước, tuyên truyền vận động tổ chức nhân dân làm cách mạng. Phần lớn tác phẩm trình bày về tính chất, đặc điểm và bài học kinh nghiệm của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới là cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp 1789 và cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Người cũng đưa vào tác phẩm nội dung về các tổ chức của Quốc tế Cộng sản để hướng dẫn nhân dân Việt Nam tổ chức và tham gia các tổ chức đó như thế nào. Như vậy, tổng quan về nội dung tác phẩm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trình bày quá trình và kết quả khảo sát thế giới của mình, cũng như những kinh nghiệm của các cuộc cách mạng mà Người đã tiếp thu được trong quá trình tìm đường cứu nước.
2, Một số nội dung chính của tác phẩm Đường Kách Mệnh:
a, Tính chất, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam: Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào? Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh.
b, Lực lượng cách mạng Việt Nam: Cách mệnh trước hết phải có đảng cách mệnh. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công. Đảng có vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. Công nông là gốc cách mệnh, còn học trò, nhà buôn, điền chủ là bầu bạn cách mệnh của công nông.
c, Đoàn kết quốc tế để làm cách mạng: Nếu các nước bị áp bức đánh đuổi các nước đế quốc giành lấy quyền tự do bình đẳng của dân nước mình là dân tộc cách mệnh; Thế giới bất kỳ nước nào đều liên hiệp lại như anh em một nhà để đạp đổ tất cả tư bản trong thế giới, làm cho nước nào dân cũng được hạnh phúc, làm cho thiên hạ đại đồng, ấy là thế giới cách mệnh. Quốc tế giúp đỡ thì cứu tế cho dân bị tai nạn, và cũng cứu tế cho những người chính trị phạm nữa. Quốc tế cứu tế đỏ thì chuyên môn giúp đỡ cho chính trị phạm. Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Cái gì Pháp ghét, tất là có ích cho An Nam. Còn như việc cách mệnh, Quốc tế này cũng giúp được nhiều. Cách mệnh An Nam với cách mệnh Pháp phải liên lạc với nhau.
d, Đảng lãnh đạo cách mạng và tư cách đạo đức đảng viên: Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật; Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người; Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.
e, Một số kiến thức cơ bản về các khái niệm: Cách mệnh? Lịch sử cách mệnh Mỹ, Pháp, Nga? Quốc tế (đệ nhất - đệ nhị - đệ tam)? Quốc tế giúp đỡ? Phụ nữ - công nhân - cộng sản thanh niên quốc tế? Công hội; Tổ chức dân cày; Hợp tác xã?
3, Ý nghĩa lịch sử của tác phẩm:
Đường Kách Mệnh là một trong những tác phẩm quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam sau này và cũng là cơ sở xây dựng đường lối kháng chiến giành độc lập trong hai cuộc kháng chiến, đường hướng đi lên CNXH ở nước ta, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta thấy rằng mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản ra đời cho đến nay đều gắn liền với tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta cũng thấy rằng, ở đâu, chỗ nào, lúc nào có biểu hiện xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh thì ở nơi đó, lúc đó cách mạng gặp khó khăn và có những vấp váp sai lầm. Có thể nói, tác phẩm Đường Kách Mệnh có ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Đối với giai đoạn hiện nay, tác phẩm Đường Kách Mệnh đã khẳng định sự lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn có cơ sở khoa học và đúng đắn, để củng cố niềm tin và mục tiêu lý tưởng: củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền CNXH, đây là sự lựa chọn rất sớm từ trong lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta, nhưng đây vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng đối với chúng ta hiện nay. Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh chúng ta thấy rất rõ con đường cách mạng Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền CNXH là kết luận được Hồ Chí Minh đúc rút ra qua nghiên cứu lý luận, nghiên cứu tất cả các tư tưởng, học thuyết cách mạng trên thế giới và thực tiễn hoạt động của Người, phù hợp với đặc điểm và xu thế của thời đại, đáp ứng đúng với yêu cầu của xã hội Việt Nam. Kế thừa và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới, một số nội dung cơ bản mang tính định hướng, nhất quán trong Đường Kách Mệnh vẫn đang có tính thời sự như văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng Việt Nam đã khẳng định:
- Mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam: Tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.
- Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam và đạo đức đảng viên: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kết hợp giữa xây dựng Đảng và bảo vệ Đảng; tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
- Quan hệ quốc tế: Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, kết hợp chặt chẽ với đối ngoại song phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế. Tiếp tục đổi mới hợp tác quốc tế về pháp luật. Nâng cao năng lực hội nhập. Phát huy hơn nữa ngoại giao với văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước
Đường Kách mệnh là một trong những tác phẩm lớn đánh dấu một trong những mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đồng thời là một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2.
2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.