“Thầy dạy tốt, trò học tốt là để làm cách mạng chứ không phải để làm quan cách mạng”
ThS. Bùi Thế Đông
Phòng Tuyên truyền, Giáo dục
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc tới học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của nước nhà. Ngay từ khi nước nhà giành được độc lập 2/9/1945 cho đến những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời 2/9/1969, Bác đã dành nhiều thời gian để đến với sinh viên. Người đã 55 lần đến thăm các trường đại học, cao đẳng, trường dân tộc nội trú... Trong những chuyến đi thăm các nước trên thế giới Bác cũng đều dành thời gian đến với học sinh, sinh viên để kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần học tập cũng như nhắc nhở sinh viên phải luôn tu dưỡng rèn luyện bản thân. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có 56 lần đến tham dự các Đại hội của sinh viên hay trực tiếp gặp gỡ sinh viên để trao đổi kinh nghiệm, động viên các em hăng hái học tập, tu dưỡng đạo đức để trở thành những người công dân tốt, góp phần vào công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà. Cùng với đó, Người còn viết hàng trăm bài viết, thư khen, hay gửi tặng huy hiệu của mình tới những tấm gương sinh viên tiêu biểu...
Là một trong những ngôi trường đầu tiên được thành lập sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 147/NĐ ngày 6/3/1956 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyên Văn Huyên ký. Đây là trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta, có nhiệm vụ đào tạo kỹ sư công nghiệp cho công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Trong quá trình xây dựng và phát triển, trường đã vinh dự ba lần được đón Bác về thăm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đại học Bách Khoa lần đầu tiên vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm 1958 mà không hề báo trước, giản dị như vị cha già đến thăm con cháu nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc. Sau khi chủ động đi thăm các nơi học tập và sinh hoạt của trường, Người đã gặp gỡ, nói chuyện thân mật với cán bộ và sinh viên ngay tại nhà ở của sinh viên. Số người được gặp Bác không nhiều vì đa số đã về gia đình ăn Tết, chỉ còn lại những người không có điều kiện như sinh viên miền Nam, miền núi, vùng xa,.. phải ở lại ăn Tết tại trường.
Với tình cảm ấm áp của vị cha già đối với con cháu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi thăm tình hình công tác, sinh hoạt, học tập của cán bộ và sinh viên. Người động viên cán bộ, sinh viên phấn đấu khắc phục khó khăn, gian khổ, đoàn kết thân ái giúp đỡ nhau trong học tập và công tác. Người nói: “Các cô các chú học để mà hành, học để phục vụ nhân dân không phải để làm quan. Các cô các chú phải trau dồi cả đức cả tài, không có đức thì vô dụng, không có tài thì làm gì cũng khó”.
Năm 1960, khi cả nước đang phấn đấu xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam, niềm vui và vinh dự lại đến với Đại học Bách khoa Hà Nội khi ngày 17/6/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch nước Cộng hòa Anbani Hátgi Lêsi và các vị khách Anbani đến thăm trường. Lãnh đạo nhà trường đã hướng dẫn đoàn đi thăm các phòng thí nghiệm, phòng triển lãm... rồi tham dự cuộc mít tinh chào mừng của cán bộ, sinh viên nhà trường. Nói chuyện tại cuộc mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi những thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa và căn dặn các sinh viên phải chăm chỉ học tập, “thầy trò phải cố gắng thực hiện trí thức lao động hóa”, phải thắng chủ nghĩa cá nhân...
Ngày 11/3/1962, Trường Đại học Bách khoa lại có vinh dự lớn được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường lần thứ ba cùng với đoàn đại biểu Vương quốc Lào. Người đi thăm một số lớp học, chỗ ăn, chỗ ở của cán bộ, học sinh. Bác khen thầy trò nhà trường đã có nhiều cố gắng và tiến bộ. Bác nhắc nhở cán bộ và sinh viên toàn trường phải ra sức phấn đấu hơn nữa, phải làm cho Đại học Bách khoa thực sự vững mạnh, đào tạo thật nhiều cán bộ tốt, giỏi để kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, đi đầu trong công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với đồng bào, chiến sĩ miền Nam anh hùng.
Nói chuyện với cán bộ, sinh viên trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Thầy dạy tốt, trò học tốt là để làm cách mạng chứ không phải để làm quan cách mạng”. Theo Người, đối với sinh viên, nhà trường không đơn thuần dạy các bạn phải làm gì, mà cần truyền cho các bạn động lực học tập, tinh thần học tập, giúp các bạn tự tìm tòi, tự khám phá, sáng tạo, hướng các bạn phát triển theo đúng khả năng và mong muốn của mình. Đó cũng là cách để sinh viên yêu thích học tập, không coi học tập như một hoạt động “trả bài lấy lệ” hay “học để lấy bằng cấp”. Điều này đã được Bác khẳng định rõ trong Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II năm 1958: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt hai câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng”(1). Như vậy, có thể thấy Bác đặc biệt chú trọng tới mục tiêu và phương hướng học tập của sinh viên. Chỉ khi sinh viên hiểu rằng tại sao phải học và mục tiêu phấn đấu học tập của mình là gì thì các bạn mới có thể làm tốt hoạt động này.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích học tập của sinh viên là để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh...”(2), để làm tròn nhiệm vụ người chủ tương lai của nước nhà. Bác chỉ rõ: “Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mục đích đi học là cốt được mảnh bằng để làm ông thông, ông phán, lĩnh lương nhiều, ăn ngon, mặc đẹp. Thế thôi. Số phận dân tộc thế nào, tình hình thế giới biến đổi thế nào, không hay, không biết gì hết. Mục đích giáo dục nô lệ hầu hạ chúng. Ngày nay, ta đã được độc lập, tự do, thanh niên mới thật là người chủ tương lai của nước nhà. Muốn xứng đáng vai trò là người chủ thì phải học tập. Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân, phong kiến khác nhau”, “Học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự” và “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”. Bác cho rằng dù học ngành nghề gì thì cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu của đất nước, của nhân dân, không thể tùy theo những sở thích riêng của từng cá nhân được. Tất cả đều phải nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đồng thời, học bao giờ cũng gắn với những nhu cầu, mục đích cụ thể. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng, học để hành”; “học để làm việc”; chứ không phải học để “làm ông nọ bà kia”, hay là để “làm quan cách mang”... cho nên, “tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”.
Người cũng chỉ ra rằng sinh viên cần phải xác định rõ nhiệm vụ của mình là: “không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn. Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”. Trong học tập, rèn luyện phải chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng hám danh, hám lợi. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”. Phải xác định rõ thế nào là tốt, thế nào là xấu? Cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập; Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị; Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được; Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi bởi “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được... Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là tự đào thải mình”(3).
Bên cạnh việc học tập, trau dồi kiến thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt căn dặn sinh viên phải thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức và lối sống. Bác nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. “Đức”, ở đây như Bác nói là đạo đức, đạo lý làm người mà với thời đại chúng ta, Bác yêu cầu rèn luyện để có đạo đức cách mạng. Bác giải thích đạo đức cách mạng rất giản dị, cụ thể: “Đạo đức cách mạng không phải là những điều cao siêu, xa lạ mà đối với mỗi người bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm một việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đạo đức và lối sống của một con người sẽ làm nên nhân cách của con người đó. Theo Người, một người giỏi giang mà không có nhân cách tốt thì vẫn là kẻ vô dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt xem trọng đạo đức, coi đó là gốc rễ của một con người. Bác cũng cho rằng, đạo đức cần tới một quá trình thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng chứ không phải là thứ sẵn có. Do đó, nhiệm vụ của các trường học không chỉ giáo dục kiến thức cho sinh viên mà còn giúp các em hiểu được giá trị của đạo đức, để thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng. Có như vậy, sinh viên mới trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Bằng không, dù có kiến thức cao siêu vẫn chỉ là “vô dụng” cho đất nước.
Vượt qua chặng đường hơn 60 năm với bao khó khăn, thiếu thốn và thách thức, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có bước tiến vượt bậc, bước vào giai đoạn hiện đại hóa, trở thành trung tâm đào tạo trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực; là trung tâm nghiên cứu hàng đầu của đất nước với một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; là địa chỉ tin cậy đối với các nhà đầu tư phát triển công nghệ, giới doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Trong nhiều năm qua, Trường liên tục có mặt trong nhiều bảng xếp hạng đại học trên thế giới. Theo bảng xếp hạng QS năm 2021, 4 nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin và Toán học xếp ở vị trí từ 400 đến 600 tốt nhất thế giới. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam duy nhất vinh dự nhận giải thưởng “Đổi mới sáng tạo” của Clarivate năm 2020 và 2021.
Nhớ về kỷ niệm những lần vinh dự được Bác về thăm, nhìn lại thành tựu của công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhiều năm qua và thấy rằng, những lời dặn của Bác đã và đang được các thế hệ thầy và trò nhà trường từng bước thực hiện. Với sự đóng góp to lớn của Nhà trường, của các thế hệ cán bộ, sinh viên vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây cùng những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đổi mới vừa qua, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự là trường đầu tiên trong hệ thống các trường đại học Việt Nam được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2000), Huân chương Hồ Chí Minh (2001), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2006)... Nhiều tập thể và cán bộ, viên chức của trường được tặng thưởng Huân, Huy chương, nhiều thầy, cô giáo được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Cán bộ và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn luôn ghi nhớ những lời dạy bảo ân cần của Bác trong ba lần Người về thăm trường. Những lời dạy bảo đó vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là ánh sáng soi đường cho thầy giáo và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đi tới.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.400.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.178-179.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.333.