slider
Phát triển kinh tế số

Tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi quốc tế qua một số câu chuyện kể

07 Tháng 06 Năm 2023 / 420 lượt xem

Nguyễn Thị Thanh Huyền

Phòng Hành chính, Tổng hợp

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, “Gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam”, tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của Người. Gia đình của Người còn là các đồng chí trong các đảng cộng sản, công nhân quốc tế, là bạn bè quốc tế trên hành trình Người bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc cũng như trong suốt quá trình Người lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giữ vững nền độc lập tự do. Đặc biệt, Người đã trở thành “cha đỡ đầu” của hàng chục người con ở Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh...

Mùa hè năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hòa Pháp. Đây là chuyến thăm ngoại giao đầu tiên của Người trên cương vị là nguyên thủ quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất, bắt đầu một thời kỳ đối ngoại Việt Nam hòa bình, nhân văn và cùng phát triển. Người đã ở tại nhà ông Raymond Aubrac - cựu Ủy viên Cộng hoà ở Mácxây, nghị sĩ Quốc hội Pháp, trong suốt 6 tuần lễ Người làm việc ở Paris. Khi bà Aubrac sinh cháu Elisabeth, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Nhà hộ sinh Bodeloque (Paris) thăm, tặng hoa và nhận là người đỡ đầu cháu bé. Người gọi Elisabeth là Babette và từ đó đã diễn ra một nghi thức đặc biệt: Cứ mỗi lần sinh nhật của Babette, Người luôn gửi đến cháu một món quà nhỏ hay một kỷ vật gì đó(1). Quà của Người giản dị, chỉ là một quả cầu nhỏ, một con trâu bằng ngà, một bức ảnh chân dung của Người hay một đồng tiền vàng có mang hình Người nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Trong số các món quà có tấm lụa vàng mà Bác nói để dành cho Babette may áo cưới khi lập gia đình. Babette vẫn luôn trân trọng giữ tấm lụa vàng đó và thường nói với chồng và các con rằng: “Chúng ta đang sống lại một kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong đời mà Bác Hồ đã dành cho chúng ta!”.

Qua các đoạn hồi ký của bà Jeannette Vermeersch Thorez(2) chúng ta được biết bà đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vài lần cùng với gia đình và ấn tượng của lần gặp nào cũng để lại nhiều cảm xúc sâu đậm. Bà kể: “Trong thời gian Hội nghị Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình chúng tôi ở Choisy-Le-Roi... Hôm đầu tiên Chủ tịch đến nhà chúng tôi, thấy đứa con trai tôi nghịch bẩn, bóp một trái quả cho nước chảy xuống tay, Người nói: “Này cháu, mai Bác sẽ đem đến cho cháu một quả đào rất đẹp”. Hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người đưa đến cho con trai tôi một quả cầu bằng ngà chạm trổ. Đấy là một sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam”(3). Qua câu chuyện kể của bà Thorez, chỉ một hành động đơn giản nhưng đã nói lên được tình cảm của Bác Hồ dành cho thiếu nhi. Ở đây không thấy hình ảnh cao xa của một vị lãnh tụ, mà thật gần gũi, bình dị như tình cảm của cha dành cho con, ông dành cho cháu.

Trường hợp cháu Knuth Wolfgang Walther Hartmann ở thành phố Sebnitz, bang Sachsen (nước Cộng hòa dân chủ Đức trước đây), được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con đỡ đầu khá đặc biệt. Do thấy ngày, tháng sinh của cháu bé ngẫu nhiên trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Knuth sinh ngày 19/5/1951), cha mẹ cháu là ông bà Walter R. Harlmann đã gửi thư tới Người, bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam và đề nghị Người nhận Knuth làm con đỡ đầu. Gần 4 tháng sau, vào ngày 15/9/1951, sau bao nhiêu mong đợi, gia đình Knuth đã nhận được thư trả lời của Bác Hồ. Đó là một sự kiện to lớn đối với gia đình vì thư gửi đi không có địa chỉ rõ ràng. Khi đó Bác Hồ đang ở một nơi bí mật giữa núi rừng Việt Bắc cùng cả dân tộc Việt Nam gian lao kháng chiến chống Pháp nhưng thật kỳ diệu, bức thư vẫn đến được với Người. Trong bức thư trả lời, Bác Hồ bày tỏ hi vọng cha mẹ Knuth “sẽ nuôi dạy cháu mau lớn, vui vẻ, mạnh khoẻ, mai sau cháu sẽ thành một chiến sỹ tốt trong sự nghiệp phát triển nước Đức xã hội chủ nghĩa, gắn chặt tình thân giữa hai dân tộc Đức - Việt và giữ gìn dân chủ cùng hoà bình thế giới”(4).

Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình Knuth vô cùng xúc động và đã lồng bức thư của Người vào khung kính treo giữa nhà như một kỉ vật thiêng liêng. Ngày 19/5/1954, khi Knuth tròn 3 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gia đình một bức ảnh Người chụp chung với một bé gái. Phía sau ảnh, Người viết: “Thân ái gởi con đỡ đầu yêu quí Knuth Wolfgang W. Hartmann. Việt Nam, 19/5/1954 - Hồ Chí Minh”(5).

Tình cảm, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho con đỡ đầu Knuth chưa dừng lại ở đó. Trong chuyến Người thăm hữu nghị nước Cộng hòa dân chủ Đức tháng 7/1957, theo kế hoạch, sáng ngày 29/7, Người đi Dresden thăm các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học tại Trường thiếu nhi ở thị trấn Moritzburg (nằm cách Dresden khoảng 15km). Sáng ngày 28/7, Bác lấy cuốn sổ tay ghi lại địa chỉ cho đồng chí Song Tùng(6) và dặn: “Chú nói với ông bà Hartmann đến trường thiếu nhi Việt Nam gặp tôi, mang theo cháu Knuth”. Nhận giấy mời của Đại sứ quán Việt Nam mà gia đình Knuth sung sướng không sao nói thành lời. Bởi chương trình hoạt động của một cuộc đi thăm lớn như vậy thường rất sít sao vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên cậu con trai đỡ đầu bé nhỏ của mình. Lúc này, Knuth đã hơn 6 tuổi và cũng đã biết ít nhiều về Bác Hồ. Em được mặc bộ quần áo đẹp nhất, cùng với bố mẹ và bà ngoại đến trường Moritzburg gặp Bác Hồ. Knuth được ngồi cạnh Bác Hồ kính yêu, thỉnh thoảng Người xoa đầu Knuth, có khi đưa tay xoa cằm em một cách âu yếm. Người tặng gia đình những món quà quý: hai con trâu khắc bằng ngà, một tập ảnh phong cảnh và ba quyển báo ảnh Việt Nam. Ông Hartmann trân trọng gắn lên áo Người chiếc Huy hiệu danh dự bằng vàng của Hội đồng hòa bình toàn quốc mà ông được tặng trước đó hai năm. Bác Hồ ân cần hỏi thăm bà ngoại và mẹ Knuth, sau cùng Bác nói với hai người bằng một câu tiếng Đức: “Chúc mọi điều tốt lành và hẹn gặp lại!”. Knuth lại được Bác Hồ âu yếm ôm vào lòng và hôn lên má. Bác căn dặn ông bà Hartmann cố gắng dạy bảo em trở thành một em bé ngoan, chăm chỉ, mạnh khỏe và tiến bộ. Người còn nhờ họ chuyển lời chào và lời cảm ơn của Người tới toàn thể nhân dân thành phố quê hương họ, bày tỏ tình hữu nghị sâu sắc nhất của nhân dân Việt Nam tới nhân dân địa phương(7).

Không chỉ có Elizabeth và Knuth, cô bé Irina Dimitrievna, sinh năm 1958, là con gái đầu lòng của gia đình nhà báo hãng APN (Liên Xô) Dimitri Grigorievich Kolosov, ở thành phố Zhukovskiy (cách thủ đô Mátxcơva 40km) cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận làm con đỡ đầu. Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhưng với lòng kính phục và tình cảm thân thiết, trong lá thư gửi sang Hà Nội cho Bác Hồ, cha mẹ Irina (tên thân mật là I-ra-sơ-ca) đã viết: “Chúng cháu được biết, tình yêu của Người đối với trẻ em và của trẻ em đối với Người vô cùng sâu sắc. Theo phong tục Nga cổ truyền, một phong tục tốt đẹp ở nước Nga, chúng cháu chân thành đề nghị Người làm cha đỡ đầu của đứa con nhỏ của chúng cháu - con gái tên là I-ra-sơ-ca”(8).

Đối với đông đảo người dân Liên Xô (trước đây), ngay từ những năm giữa thế kỷ XX, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nổi tiếng và có sức hấp dẫn vô cùng. Báo chí Liên Xô hồi đó liên tục đưa tin, bài về sự phát triển trong mối quan hệ anh em giữa Liên Xô và Việt Nam - mối quan hệ do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối Liên Xô gây dựng và vun đắp nên. Cha mẹ Irina chọn Bác Hồ làm cha nuôi Irina không chỉ với lý do bình thường theo tục lệ cổ truyền. Mà hơn thế, đây chính là cách bày tỏ tình đoàn kết của họ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và cũng là để tỏ lòng kính trọng của họ, cũng như của những người dân Xô-Viết đối với vị Chủ tịch của nước Việt Nam anh hùng. Và họ đã vô cùng sung sướng khi nhận được thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi kèm một bức chân dung của Người, trên đó viết dòng chữ Nga: “Hôn con I-ra- sơ-ca, chúc con mạnh khỏe và hạnh phúc - Cha nuôi Hồ”(9). 6 tháng sau, sáng ngày 13/11/1960, cô bé I-ra-sơ-ca và bố mẹ đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Người cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang Mátxcơva dự Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế. Cuộc gặp gỡ đã diễn thân mật và giản dị, sau đó, Người mời gia đình I-ra-sơ-ca cùng ăn trưa với Người.

Một câu chuyện khác đến nay vẫn được nhắc lại vì không chỉ nói lên tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi mà còn thể hiện cách ứng xử tinh tế của Người, đó là câu chuyện ngày Tết dương lịch năm 1960: các cơ quan, đoàn thể trong nước, các đoàn ngoại giao và Ủy ban Quốc tế đều có mặt đông đủ tại Phủ Chủ tịch để chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vẫn trong bộ ka ki giản dị, với phong thái ung dung, chủ động, Bác đáp lễ vui vẻ và nói lời chúc mừng. Sau tiệc ngọt, Bác cầm lấy một quả táo to cùng một túi kẹo đứng lên. Bác đi đến chỗ ông đại tướng Ấn Độ và hỏi: - Ngài đại sứ có đưa phu nhân sang đây không?

Vị đại tướng râu hùm, hàm én, lẫm liệt oai phong là vậy mà lúc ấy, vì vô cùng xúc động trước vinh dự bất ngờ, bỗng lộ vẻ lúng túng, ấp úng đáp: - Thưa Chủ tịch... Cảm ơn Chủ tịch... Tôi chỉ đưa theo sang đây cháu trai năm nay chín tuổi.

- Thế thì - Bác Hồ nói - tôi gửi ông mang về cho cháu quả táo này và gửi cháu những cái hôn.

Mọi người đều xúc động và vô cùng cảm phục một cử chỉ vừa thân mật, tự nhiên của Hồ Chủ tịch.

Rồi quay lại phía khách nước ngoài, Bác nói:

- Tết nhất, ở nhà các vị chẳng thiếu thứ gì. Nhưng xin các vị hãy cầm lấy chút hoa quả ở trên bàn và mang về gọi là quà của Bác Hồ tặng các cháu ở nhà.

Cả phòng khách ồn ào nhộn nhịp hẳn lên. Khách nước ngoài, khách trong nước ùa đến bàn tiệc cầm lấy lê, táo, bánh kẹo, nét mặt hớn hở(10).

Rõ ràng, những lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thực tế và chan hoà tình yêu thương, những lời cho thiếu nhi mà cũng cho tất cả mọi người. Đây là điều hiếm gặp ở bất kỳ một chính khách nào, nó rất độc đáo và làm nên một nhân cách Hồ Chí Minh.

Tình cảm, sự quan tâm sâu sắc đầy ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi nước ngoài, đặc biệt là những người con nuôi của mình, qua những câu chuyện kể, những lời căn dặn, những bức thư và những món quà của Người càng làm ngời sáng chân dung một vị lãnh tụ hết lòng yêu thương và quan tâm đến con trẻ.

Chú thích:

1.            Hồ Chí Minh - hiện thân của văn hóa, Tạp chí Xưa & Nay, Nxb. Văn hóa Sài Gòn 2005, tr.261-269.

2.            Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp, nghị sỹ Quốc hội Pháp và Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.

3.            Hồng Hà, Bác Hồ ở Pháp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970, tr.66-75.

4.            Trần Đương, Bác Hồ như chúng tôi đã biết, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr.50.

5.            Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr.28.

6.            Nguyên Phó trưởng ban đối ngoại Trung ương, người được giao nhiệm vụ phiên dịch cho Bác Hồ trong những ngày Bác sang thăm nước Cộng hoà Dân chủ Đức.

7.            Trần Đương, Bảy ngày Bác Hồ thăm Cộng hòa dân chủ Đức, Nxb. QĐND, Hà Nội, 1998, tr.109-110.

8.            Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr.53.

9.            Trần Đương, Những người con đỡ đầu của Bác Hồ, Sđd, tr.55.

10.          Anh Vũ, Câu chuyện qủa táo của Bác Hồ, Báo Nhân dân chủ nhật, số 30, ngày 3/9/1989.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)