Tuyên truyền, lan tỏa di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế
Nguyễn Văn Công
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt là Khu di tích) là Di tích quốc gia đặc biệt về Bác Hồ. Trong Khu di tích có nhà sàn, ao cá, vườn cây, có Phủ Chủ tịch và các nhà làm việc khác, cảnh quan đơn sơ nhưng đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Tất cả gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm cuối đời (1954 - 1969) của Người.
Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật ở đây đều chứa đựng nội dung lịch sử gắn với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người, là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Sau khi Bác Hồ qua đời, Đảng, Nhà nước ta quyết định bảo quản và giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong nước, quốc tế đến tham quan, học tập về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao vĩ đại của Người. Một di tích đặc biệt quan trọng của Khu di tích là nhà sàn Bác Hồ - thể hiện rõ nét nhất về phong cách, đạo đức, lối sống hết sức giản dị, thanh cao của Người, với những vật dụng sinh hoạt rất đơn giản: Bàn, ghế, giường đơn, quạt lá cọ, máy chữ, giá sách... cùng hàng trăm cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực, viết bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nga, Latinh... Quanh nhà sàn có trồng đủ các loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát. Quần thể Khu di tích còn có các di tích: Nhà 54 - nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958; Nhà BK1 - nơi Bác thường tiếp cán bộ và ký các sắc lệnh; Nhà bếp A - nơi phục vụ bữa ăn hằng ngày của Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng; H66 - căn hầm trú ẩn được xây dựng năm 1966; Nhà H67 - nơi họp Bộ Chính trị, nơi Bác Hồ dưỡng bệnh và qua đời; căn phòng Bộ Chính trị nghỉ giải lao mỗi khi họp, nơi nhiều lần Bác Hồ trả lời phỏng vấn; Phủ Chủ tịch; vườn cây, ao cá... Cùng với các nhà di tích, hiện còn có hơn 1.622 đầu loại hiện vật trong tổng số gần 4.000 tài liệu, hiện vật vốn có đang được trưng bày và phát huy giá trị; luôn được bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn như khi Người còn sống. Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích đã phát huy ưu thế của một Di tích quốc gia đặc biệt về Bác Hồ. Đây là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc liên tục, lâu nhất trong suốt 15 năm cuối đời (1954 - 1969). Đặc biệt hơn, đó là 15 năm Người hoạt động sôi nổi và có những đóng góp to lớn trên cả hai cương vị Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Gắn với cuộc sống hằng ngày của Người vừa làm việc, vừa sinh hoạt, đây là một di tích về Người còn giữ được khá nguyên trạng, nguyên gốc. Đồng thời di tích nằm ngay tại trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử Ba Đình - gắn với Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh, là điều kiện rất thuận lợi trong việc phối hợp hoạt động tuyên truyền, lan tỏa di sản của Người, phục vụ khách trong nước và nước ngoài tới tham quan và học tập. Khu di tích trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng đối với Bác Hồ của nhân dân cả nước và khách quốc tế đến Việt Nam. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách cấp cao quốc tế thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch với những tình cảm, sự yêu mến, kính trọng và khâm phục đối với Bác; cũng như cảm nhận được bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước Việt Nam, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, qua cuộc đời và sự nghiệp của một con người điển hình cho dân tộc Việt Nam. Khu di tích được Đảng, Nhà nước ta xác định là “địa chỉ đỏ” giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về Bác Hồ, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, qua đó hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, bày tỏ lòng kính trọng đối với Bác Hồ và thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Trong hơn 50 năm qua, Khu di tích đã phục vụ đón tiếp, tuyên truyền cho hơn 80 triệu lượt khách đến tham quan và học tập, trong đó có khách nước ngoài đến từ hơn 160 quốc gia. Khu di tích đã có nhiều đóng góp đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là: Giữ gìn an toàn tuyệt đối, lâu dài di sản mà Bác Hồ để lại, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đặc biệt khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập với thế giới, Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và của bạn bè quốc tế. Khu di tích mở cửa phục vụ đón khách tham quan 365 ngày trong năm, trung bình 7.000 đến 8.000 khách/ ngày. Ngày lễ đón hàng vạn lượt người, như ngày 02/9/2010 đón gần 50.000 người/ ngày; ngày 19/5/2018 đón hơn 30.000 người/ ngày... Gần như tất cả các vị nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách cao cấp của các nước khi đến Việt Nam đều vào thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Nhân dân ta tìm về đây để quây quần quanh lăng Bác và ngôi nhà sàn nhỏ bé đơn sơ nhưng đã đi vào huyền thoại của Bác để bày tỏ lòng biết ơn và niềm tiếc thương vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu, hiện thân của lòng yêu nước, thương dân, đạo đức thanh cao, giản dị tận hưởng những giá trị tinh tuý về nhân cách và lối sống mà vị lãnh tụ kính yêu đã để lại, mong tìm tấm gương về đạo lý làm người và cái đẹp mẫu mực trong cuộc đời của Bác để soi sáng cho lẽ đời. Bạn bè từ khắp các châu lục hội tụ về đây để bày tỏ lòng quý trọng của mình đối với Việt Nam, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh để vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam - thế giới ngày thêm bền vững. Điều đó đúng như đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã khẳng định: “Đây là trung tâm đoàn kết toàn dân, trung tâm đoàn kết quốc tế. Nhờ vậy ta có sự vững vàng trong lúc Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Thật mừng là Việt Nam ta, có thể nói rộng ra, thế giới có Khu di tích Bác Hồ ở đây”(1).
Hàng trăm cuộc sinh hoạt chính trị như: kết nạp Đảng; kết nạp Đoàn, Đội; lễ báo công dâng Bác; lễ tuyên thệ; lễ sinh hoạt truyền thống; lễ sơ kết, tổng kết cuộc vận động Học tập và làm theo Bác của các cơ quan, đơn vị, trường học ở Trung ương, các tỉnh đã được tổ chức tại Khu di tích. Hàng trăm buổi nói chuyện về Bác Hồ của cán bộ Khu di tích đã được thực hiện tại một số cơ quan đơn vị, trường học ở Hà Nội và một số địa phương trong cả nước với số lượng hàng vạn lượt người nghe. Khu di tích Phủ Chủ tịch còn làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Nhiều ấn phẩm nghiên cứu trong đó có nhiều ấn phẩm phục vụ tích cực và hiệu quả cho cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã thiết thực góp phần tuyên truyền và nghiên cứu đạo đức, tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều bộ phim tư liệu được xây dựng và phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam và các Đài phát thanh và truyền hình địa phương trong cả nước. Trong đó phải kể đến bộ phim “Những giây phút cuối đời của Bác”, được dịch và lồng 5 thứ tiếng Trung, Anh, Pháp, Hàn, Nhật, để chiếu hàng ngày phục vụ nhân dân và bạn bè quốc tế đến thăm Khu di tích. Cùng với đó là nhiều bài viết được đăng tải trên báo Nhân dân, Hà Nội mới, báo ngành, trên các tạp chí, thông tin tư liệu, kỷ yếu Hội thảo...
Hầu hết các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế cấp cao khi đến Việt Nam đều đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Đặc biệt, từ năm 2006, khi Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến nay, mỗi năm, Khu di tích đón hơn 2 triệu khách, trong đó có gần 500.000 khách nước ngoài. Đa số những người được hỏi khi vào thăm Khu di tích đều bày tỏ nguyện vọng sẽ trở lại thăm Khu di tích nhiều lần. Những con số nêu trên đã khẳng định những giá trị di sản của Người không chỉ với nhân dân Việt Nam, mà cả những người yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên toàn thế giới.
Nhà báo Rônêđô (Haiti) từng viết: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu? Sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu? Ở đâu có mùa xuân? Xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta”(2). Tổng thống Panama Ricardo Martinelli khi thăm Khu di tích viết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được biết về cuộc sống và đấu tranh của một trong những vĩ nhân của nhân loại, mà tất cả mọi người có nhiều điều để học hỏi và noi theo”(3). Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane viết: “Đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi càng thấm thía sâu sắc rằng: Bác Hồ thực sự là một lãnh tụ vĩ đại. Sự vĩ đại đó không chỉ được khẳng định bằng sự nghiệp cách mạng cao cả của Người mà còn được minh chứng qua lối sống thanh bạch, giản dị. Đây là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà các nhà cách mạng Lào chúng tôi đều noi theo”(4). Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro Ruz thể hiện cảm xúc của mình khi viết: “Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được yêu mến không chỉ bởi nhân dân Việt Nam mà còn bởi tất cả các dân tộc khác trên thế giới”(5). Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin bày tỏ cảm tưởng: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, thế kỷ hòa bình, tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai... Và vì thế, lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”(6). Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee, viết: “Thật là một khoảnh khắc đáng ghi nhớ khi tôi tới thăm ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đã từng sống. Tôi rất xúc động trước sự giản dị của chốn cư ngụ khiêm nhường bậc nhất này - nơi vốn được Hồ Chí Minh chọn để sống và làm việc. Tình cảm yêu mến của Người dành cho Ấn Độ luôn được người dân chúng tôi trân trọng, cũng như luôn được duy trì ở Việt Nam”(7). Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã để lại những dòng cảm tưởng: “Chúng tôi rất cảm kích vì có cơ hội thăm Ngôi nhà sàn của Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về lãnh tụ, tính kỷ luật, triết lý sống và quyết tâm của Người dành cho nhân dân Việt Nam. Khoảng đầu những năm 1950, Hồ Chí Minh đã đề xuất với Tổng thống chúng tôi về việc thiết lập quan hệ Việt - Mỹ. Tầm nhìn của Người đang trở thành hiện thực” . Thống đốc bang Victoria Australia David de Kretser lưu bút: “Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời cống hiến cho dân tộc Việt Nam, đồng thời, Người là một tấm gương cho toàn thế giới. Việc Người từ chối những ngôi nhà sang trọng và lựa chọn sống một cuộc sống giản dị thêm một lần nữa nêu một tấm gương sáng cho nhân dân” . Điểm qua những cảm tưởng này, có thể thấy, với sức lan tỏa rộng rãi, Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng đối với Bác của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế, đặc biệt là các nguyên thủ quốc gia, khi đến Việt Nam.
Từ việc tận mắt chứng kiến những đồ dùng, tiện nghi của nguyên thủ quốc gia, cũng như ý nghĩa của mỗi tài liệu, hiện vật trưng bày ở đây được cán bộ tuyên truyền của Khu di tích đưa vào nội dung giới thiệu đã thực sự gây xúc động, lan tỏa đối với khách tham quan trong nước và quốc tế. Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt to lớn đó, Khu di tích là nơi hội tụ những giá trị nhân văn cao cả, tư tưởng, phản ánh tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi vào thăm Khu di tích đã phát biểu: “Đây là địa điểm không chỉ để tham quan du lịch mà còn là nơi mỗi lần đến ta học Bác, tự kiểm điểm lại mình và định ra hướng để sửa chữa thế nào. Thời gian càng lùi xa càng thấy sự vĩ đại của Bác, càng ngày càng chinh phục lòng người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, phẩm chất của Bác lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước mà đối với cả quốc tế”.
Để tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích luôn sáng tạo, linh hoạt kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào công tác bảo quản. Khu di tích đã giữ gìn một cách tốt nhất các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan như khi Người còn sống, đồng thời có nhiều hoạt động phát huy giá trị tinh thần vô giá mà Người để lại, mở cửa đón khách tham quan trong nước và quốc tế với tấm lòng ngưỡng mộ, kính yêu Bác Hồ.
Chú thích:
1. Tạp chí Tư tưởng - Văn hoá 5/1996, tr.54.
2. Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2000, tr.297.
3,4, 5, 6, 7, 8, 9. Sổ cảm tưởng tại Khu di tích.
Trích từ file ghi âm lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được lưu tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.