Vài suy nghĩ về định hướng và giải pháp phát huy tác dụng các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
07 Tháng 06 Năm 2013 / 6626 lượt xem
Th.S. Nguyễn Anh Minh
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Nước ta có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và đặc sắc gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và hệ thống tài nguyên nhân văn với khoảng 40 ngàn di sản văn hoá, trong đó đặc biệt nổi bật là hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, riêng ở trong nước có hơn 685 di tích và điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 35 tỉnh thành phố, có 39 di tích đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có 5 di tích được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh đã có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi di tích là trường học trực quan sinh động, một trong những thiết chế văn hoá đặc thù mamg lại hiệu quả thiết thực trong các hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam. Ngoài những giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử hệ thống di tích về Bác Hồ là tài nguyên vô giá có vai trò thức đẩy phát triển du lịch ở nước ta. Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý nghĩa văn hoá, tư tưởng sâu sắc đã trở thành những điểm du lịch tham quan đặc biệt quan trọng có sức thu hút khách du lịch rất lớn. Mỗi năm các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trên cả nước đã đón được hơn 5 triệu khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Do những ý nghĩa và giá trị quan trọng của hệ thống các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tài nguyên du lịch nước ta, Nhà nước đã đặc biệt chú trọng và đang thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư bảo tồn và phát triển hệ thống di tích về Bác Hồ. Một số di tích đặc biệt quan trọng như quần thể di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), Pắc Pó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hoá (Thái Nguyên)..đã được quy hoạch, đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng. Các di tích lưu niệm về Bác trong thời gian qua đã và đang từng bước khẳng định vị trí quan trọng và giá trị hấp dẫn du lịch to lớn, tiền đề để hình thành và phát triển những khu du lịch, điểm du lịch quan trọng có ý nghĩa quốc gia và địa phương, thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển, góp phần to lớn vào sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn phát huy tác dụng hệ thống di tích về Bác Hồ nói chung và công tác quản lý phát triển du lịch hiện nay vẫn đang còn những bất cập chủ yếu như: Nhận thức chung trong công tác lập quy hoạch, đầu tư bảo tồn các di tích về Bác Hồ còn chưa được hiểu đúng cách. Có nhận thức thiên về bảo tồn, gìn giữ di tích theo qui định pháp luật về bảo vệ di sản, dẫn đến việc những giá trị đặc biệt của hệ thống di tích về Bác Hồ đối với du lịch với tư cách là tài nguyên du lịch nhân văn chưa được đánh giá đầy đủ, những nội dung phát huy tác dụng chưa được nghiên cứu đúng tầm với giá trị đặc biệt quan trọng về du lịch của các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, các yếu tố tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn khác có giá trị về du lịch chưa được kết hợp nghiên cứu đúng mức nhằm phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với giá trị của di tích và nhu cầu của khách tham quan, du lịch. Nhưng cũng có những nhận thức thiên về khai thác du lịch mà quên đi các yếu tố bảo tồn của các di tích lưu niệm về Bác Hồ, các dự án đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy tác dụng di tích thường được nghiên cứu, thực hiện độc lập với công tác quản lý phát triển dân cư, sản xuất, các dự án phát triển ngành, quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, dẫn tới việc phá vỡ không gian và giá trị nguyên gốc của các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt khác, do thiếu sự nghiên cứu hợp lý về nhu cầu và thị trường khách du lịch, tham quan, dẫn đến hiện tượng một số điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh thiếu những cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng, các dịch vụ du lịch cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tham quan.v.v. Để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ thống di tích về Bác Hồ trong cả nước, cần phải tiến hành đồng bộ những, định hướng và giải pháp trước mắt và lâu dài, để mỗi di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành những điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó cần phải có những định hướng như sau :
1. Cần phải tiến hành đánh giá tổng thể về hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước, trên cở sở điều tra, bổ sung hồ sơ khoa học về di tích để đánh giá tài nguyên du lịch gắn với các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo qui định của Luật Du lịch, công tác điều tra, đánh giá và phân loại do Tổng cục Du lịch chủ trì thực hiện có sự phối hợp của Cục Di sản Văn hoá, cơ quan quản lý trực tiếp các di tích và UBND các tỉnh thành phố liên quan. Kết quả điều tra, đánh giá và phân loại là cơ sở phát huy tác dụng phục vụ phát triển du lịch như : lập quy hoạch đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng khu di tích, công nhận các khu du lịch, điểm du lịch theo qui định của Luật Du lịch và Luật Di sản Văn hoá. Kết quả điều tra, đánh giá phân loại tài nguyên du lịch đối với các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là sở báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, phát triển thành khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, bổ sung vào hệ thống tổ chức không gian du lịch quốc gia và địa phương. Ngoài các khu du lịch, điểm du lịch có gắn với di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Nghệ An, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh.. tiếp tục bổ sung các khu, điểm du lịch lịch sử văn hoá gắn với di tích về Bác Hồ tại các địa phương khác nơi có di tích liên quan về Bác Hồ, để du khách trong nước, quốc tế tham quan du lịch. Đồng thời, việcđánh giá tổng thể về hệ thống các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước cũng góp phần tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ những hoạt động du lịch và hoạt động kinh tế xã hội khác có nguy cơ gây ảnh hưởng đến hệ tài nguyên môi trường du lịch, kịp thời khắc phục sự cố, tình trạng xuống cấp các tài nguyên và môi trường du lịch tại các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, các dự án bảo tồn tôn tạo, các dự án quy hoạch phát triển du lịch, đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch có liên quan đến các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư cho các dự án bảo tồn và phát huy các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh như : Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích Kim liên (Nghệ An), Pắc Bó (Cao Bằng), ATK Định Hoá (Thái Nguyên)..v.v đó là điều cần thiết nhằm bảo tồn lâu dài các di tích Hồ Chí Minh, song trên thực tế, bên cạnh những di tích thực hiện tốt các dự án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, còn có những di tích thực hiện chưa đúng các quy trình khoa học và nguyên tắc bảo tồn trong quá trình triển khai dự án, dẫn tới tình trạng di tích trong quá trình trùng tu và tôn tạo đã ít nhiều gây tổn hại tới các yếu tố gốc vốn có, làm nảy sinh hiện tượng thay đổi cảnh quan, môi trường, khu vực nơi có di tích về Bác Hồ như : Khu di tích Kim liên (Nghệ An), Pắc Bó (Cao Bằng),v.v, ảnh hưởng đến tính bền vững của di tích, làm suy giảm tính hấp dẫn du lịch của tài nguyên du lịch đặc biệt quan trọng này.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và triển khai các dự án bảo tồn tôn tạo, các dự án quy hoạch phát triển du lịch đối với các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước hết cần phải nâng cao nhận thức của những nhà quản lý và những người thực hiện công tác quy hoạch, đây là vấn đề hết sức quan trọng, để thực hiện quy hoạch tốt các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm quy hoạch phải hiểu được những nguyên tắc bảo tồn di sản, cũng như nắm bắt được những yêu cầu và những định hướng cho sự phát triển du lịch, là người phải biết giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó trong quá trình quy hoạch, thực hiện dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, các Bộ, Ban, Ngành. Việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích, phải gắn với việc quản lý đầu tư xây dựng, phát tiển các ngành kinh tế, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực di tích, nhằm hạn chế việc chồng chéo, bỏ sót định hướng phát triển, xây dựng hướng quản lý phát triển thống nhất và có hiệu quả, bảo đảm phát triển hợp lý và hài hoà giữa các hoạt động nhằm mục tiêu bảo tồn các di tích vừa kết hợp khai thác phát huy tác dụng có hiệu quả phục vụ phát triển du lịch địa phương và cả nước. Trong qúa trình lập quy hoạch và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý và các nhà khoa học, các nhà chuyên môn. Trong việc lập quy hoạch bảo tồn tôn tạo các di tích, các dự án quy hoạch phát triển du lịch có liên quan đến di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh cần lồng ghép các nội dung đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng với nội dung phát triển du lịch nhằm bảo đảm mục tiêu bảo tồn tôn tạo di sản văn hoá vừa khai thác hiệu quả, hợp lý phục vụ phát triển du lịch. Đối với các dự án quy hoạch đầu tư bảo tồn, tôn tạo đang được triển khai thực hiện tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần rà soát, điều chỉnh nội dung đầu tư phục vụ nhu cầu về du lịch như: cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu, các sản phẩm dịch vụ du lịch đáp ứng yêu cầu của khách tham quan, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc bảo tồn, gìn giữ di tích theo quy định pháp luật.
3. Nâng cao trình độ nguồn nhân lực nhằm bảo tồn và phát huy tác dụng và phục vụ phát triển du lịch của tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại các Khu di tích lưu niệm về Hồ Chí Minh là một yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy tác dung và phát triển du lịch. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với sự phát triển, chất lượng cán bộ chưa đồng đều, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ ở các di tích trong hệ thống còn khá chênh lệch, khả năng ngoại ngữ còn yếu và thiếu v.v. Vì vậy, để xây dựng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực thực sự để đáp ứng được nhiệm vụ, trước hết cần phải nâng cao chất lượng việc tuyển dụng cán bộ, đồng thời phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc quy hoạch cán bộ cho các di tích lưu niệm về Bác Hồ. Ngoài ra cần quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch.
Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn cho các thuyết minh viên, hướng dẫn viên cần chú trọng công tác giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghiệp vụ, trình độ chính trị. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết nhất là trong giai đoạn hiện nay. đạo đức nghề nghiệp và trình độ, bản lĩnh chính trị của các hướng dẫn viên và thuyết minh viên có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp nhận và truyền tải thông tin đến khách tham quan, hình ảnh điểm đến có để lại ấn tượng tốt hay không trong lòng du khách, đều có sự tác động về mặt ý thức chính trị của thuyết minh viên và hướng dẫn viên, nhất là tại các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, do vậy việc giáo dục bồi đưỡng đạo đức, ý thức chính trị cho đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên ở đây là sự cần thiết và đó là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển du lịch tại các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao trình độ nguồn nhân lựctrong chiến lược phát triển du lịch tại các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh là chú trọng đầu tư cho việc đào tạo phát triển nhân lực du lịch tại các đia phương nơi có di tích lưu niệm về Bác Hồ như : mở các lớp đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng kỹ năng về nghiệp vụ kiến thức về du lịch cho đội ngũ lao động tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm gắn với hệ thống di tích Hồ Chủ tịch như: khu du lịch văn hóa lịch sử và sinh thái Pắc Bó, ATK Định Hóa, khu di tích Kim Liên.v..v.
4. Xây dựng nội dung và hình ảnh điểm đến, gắn với việc quảng bá về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minhtrong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Trong hệ thống các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước, mỗi một di tích đều có vai trò, vị trí, ý nghĩa lịch sử phản ánh những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghệ An có di tích về quê hương, gia đình nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra và trải qua những năm tháng ấu thơ; Huế có những di tích về hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình ở Huế, nơi ghi dấu những năm tháng tuổi học trò và hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người; Dục Thanh Phan Thiết - Bình Thuận nơi ghi dấu những hoạt động đầu tiên của Nguyễn Tất Thành trên đường vào Nam chuẩn bị cuộc hành trình tìm đường cứu nước; cảng Nhà Rồng thành phố Hồ Chí Minh nơi chứng kiến giờ phút người thanh niên Văn Ba rời đất nước thân yêu ra đi tìm đường cứu nước; Pắc Bó (Cao Bằng) mảnh đất ghi dấu nơi Bác trở về quê hương sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển; ATK Định Hóa (Thái Nguyên) thủ đô kháng chiến ; Phủ Chủ tịch (Hà Nội) là nơi Người ở và làm việc trong 15 năm cuối cùng và cũng là nơi Người đi xa v.v.
Bên cạnh đó, nét đặc thù hấp dẫn du khách đối với các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nội dung lịch sử chứa đựng trong mỗi di tích, gắn liền với người con vĩ đại của dân tộc, mà còn ở những nét đặc trưng văn hóa độc đáo và không gian văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán, văn hoá ẩm thực của các vùng miền trên cả nước, nơi gắn liền với di tích về Bác Hồ nằm trên nhiều địa phương khác nhau. Việc xây dựng nội dung và hình ảnh điểm đến, gắn với việc quảng bá về các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thu hút du khách đến tham quan du lịch.
Để thực hiện tốt việc quảng bá về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minhtrong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam,các cơ quan quản lý văn hoá, các di tích về Bác Hồ và các cơ quan quản lý về du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần phải phối hợp, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các tua du lịch gắn với các di tích lưu niệm về Bác Hồ, xây dựng Website liên kết giữa các điểm di tích để cung cấp thông tin cho khách du lịch, đồng thời chú trọng xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với nội dung lịch sử của mỗi di tích và nét đặc trưng độc đáo, đặc thù của từng địa phương như: quà tặng, ẩm thực và các dịch vụ khác v..v... để thu hút khách du lịch đến tham quan.
5. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý thức bảo vệ không gian môi trường khu vực di tích, di sản là yêu cầu quan trọng và cần thiết trong phát triển du lịch, Môi trường ở đây phải được hiểu là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Môi trường tự nhiên bao gồm không gian, cảnh quan của di tích. Môi trường tự nhiên của mỗi một di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí và vai trò rất quan trọng, là một phần không thể tách rời trong tổng thể không gian các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo nên nét đặc trưng và giá trị của mỗi di tích, từ khu di tích Kim Liên(Nghệ An); Pắc Bó (Cao Bằng); Tân Trào (Tuyên Quang); ATK (Thái Nguyên) đến Phủ Chủ tịch Hà Nội, môi trường tự nhiên, không gian, cảnh quan là những khu sinh thái độc đáo tạo ra những nét đặc trưng riêng có đối với mỗi di tích về Bác Hồ, hình ảnh vườn cây, ao cá trong Khu di tích Phủ Chủ tịch; Làng sen, Kim Liên; đình Hồng Thái, đa Tân Trào; suối Lê Nin , núi Các Mác trong Khu di tích Pắc Bó (Cao Bằng); rừng cọ Điềm Mặc, suối Quảng Nạp, Đồi Phong Tướng ở Khu di tích ATK (Thái Nguyên) .v.v đã trở thành những hình ảnh thân thuộc đi vào ký ức của mỗi người Việt Nam và bạn bè thế giới.
Vì Vậy, việc nâng cao ý thức và những hành động cụ thể để bảo vệ môi truờng sinh thái đối với mỗi người làm công tác bảo tồn, mỗi người dân địa phương và khách du lịch là sự cần thiết đảm bảo một môi trường trong sạch hấp dẫn du khách. Việc bảo vệ, bảo tồn môi trường cảnh quan không chỉ đối với cảnh quan khu vực nơi có các di tích lưu niệm về Bác mà còn mở rộng ranh giới quy hoạch bảo tồn di tích đối với khu vực lân cận di tích nhằm phát huy các tài nguyên hấp dẫn khách du lịch, vừa quản lý, bảo vệ cảnh quan, góp phần gìn giữ bền vững di tích và đó cũng là góp phần vào việc phát triển du lịch bền vững tại các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định rằng hệ thống các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trên cả nước là nguồn tài nguyên du lịch vô giá đã và đang phát huy hiệu quả, hấp dẫn khách tham quan và du lịch trong nước và quốc tế. Tuy vậy, việc bảo tồn và phát huy tác dụng các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh phục vụ phát triển du lịch vẫn còn những mặt tồn tại, chưa đồng bộ, đầu tư còn dàn trải, chưa phát huy hết tiềm năng du lịch tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, cần phải có những định hướng và những giải pháp đồng bộ, nhằm khai thác những thế mạnh và tiềm năng của các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam.
Tài liệu tham khảo :
1/Luật du lịch (2005)
2/Luật di sản văn hóa Việt Nam (2001)
3/ Bảo tàng Hồ Chí Minh (2009) “Các di tích và điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí minh ở Việt Nam”, NXB Thanh niên
4/ PGS.TS Đặng Văn Bài (4/2009) “Bảo tồn Di sản Văn hóa trong quá trình phát triển”, Website Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam(4/2009)
5/ TS. Dương Văn Sáu (2012)“ Văn hóa du lịch”- sản phẩm của Văn hóa Việt nam trong hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay”Tham luận tại Hội thảo “Văn hoá và Phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá ở nước ta hiện nay” tại Học viện BCTT,
6/ ThS. Đào Duy Tuấn (20/1/2012) “ Bảo tồn Di sản Văn hóa và phát triển du lịch” Tạp chí Tuyên giáo số 1.