slider

Công tác bảo tồn, gìn giữ cây Trường xanh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch

14 Tháng 11 Năm 2019 / 1532 lượt xem

Nguyễn Thị Thu
Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi gắn bó lâu dài nhất với Chủ tịch Hồ Chí Minh - 15 năm cuối cùng của cuộc đời Người (1954 - 1969). Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Khu di tích đã luôn thực hiện tốt công tác bảo tồn, và phát huy giá trị các di tích động sản và bất động sản, trong đó có những cây xanh gắn với kỷ niệm trong đời sống, công tác và không gian sinh hoạt đời thường của Người như: cây Đa kiên trì, cây Xanh bốn mùa, cây Vú sữa, cây Bụt mọc, cây Lan vũ trụ, cây Đa rễ vòng, cây Trường xanh… Hệ thống cây di tích này không chỉ tạo thành một không gian, cảnh quan, môi trường sinh thái đặc trưng và hấp dẫn đối với khách tham quan, mà còn chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn cao cả, những thông điệp sâu xa và những bài học sâu sắc về tình yêu thiên nhiên, về thái độ ứng xử với môi trường sinh thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Năm 1967, Bộ Chính trị quyết định xây dựng ngôi nhà 67 (Di tích H67) nhằm đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc. Nhưng khi làm xong ngôi nhà thì Bác từ chối không ở mà để dùng làm địa điểm họp của Bộ Chính trị và nơi làm việc với Trung ương. Vì vậy, từ năm 1967 - 1969, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Bộ Chính trị để đưa ra nhiều quyết sách quan trọng của đất nước như: Cuộc họp ngày 14/7/1969 bàn về vấn đề Hội nghị Paris; Cuộc họp 12/8/1969 bàn về đấu tranh ngoại giao và tình hình chiến sự miền Nam; Cuộc họp 9/8/1969 Bộ Chính trị nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam và đấu tranh ngoại giao với Mỹ…
 
Ngày 17/8/1969, sau khi các bác sĩ kiểm tra sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận thấy sức khỏe của Người đã yếu nên báo cáo với Bộ Chính trị đề nghị Người chuyển xuống ở hẳn ngôi nhà H67 vì ở Nhà sàn hàng ngày Bác phải lên xuống cầu thang sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý chuyển xuống ở đây từ ngày 17/8/1969, từ đó đến ngày 2/9/1969, nơi đây trở thành bệnh viện thu nhỏ, nơi chăm sóc và điều trị bệnh cho Người.
 
Hàng ngày Hội đồng y bác sĩ trong và ngoài nước thường ngồi ở thềm nhà H67 dưới tán cây Trường xanh họp bàn về bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tìm phương án chữa bệnh tốt nhất cho Bác. Cùng với Hội đồng y bác sĩ, cây Trường xanh như “nhân chứng” chứng kiến thời khắc Người trút hơi thở cuối cùng lúc 9h47’ ngày 2/9/1969 tại ngôi nhà H67. Vì vậy, cây Trường xanh ngoài giá trị là cây lấy gỗ, cây bóng mát và đặc biệt nó có giá trị lịch sử vô cùng to lớn.
 
Theo các đồng chí đã từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại, khi xây dựng ngôi nhà 67, một số cây bị chặt, nhưng Bác bảo giữ lại cây Trường xanh, ý của Bác là vừa để làm ngụy trang, vừa có cây xanh. Từ năm 1970 đến năm 1990 cây phát triển xanh, tốt và khỏe cho hoa, cho quả. Tuy nhiên, từ năm 2000, khi cây phát triển quá lớn, có một cành đè vào ngôi nhà 67, để khỏi ảnh hưởng đến di tích H67, các đồng chí trong cơ quan Phủ Chủ tịch đã đề nghị cắt tỉa cành. Từ những năm sau đó cây bắt đầu có biểu hiện sinh trưởng và phát triển chậm lại, các cành lá bị chết dần, có sâu bệnh như: sâu đục thân, các loài mối mọt nấm bệnh gây hại rất nặng nề. Đến năm 2008, thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ thay đổi đột ngột, xuống thấp, dù chưa phải thời điểm định kỳ thay lá nhưng cây trút gần như toàn bộ lá (định kỳ thay lá của cây Trường xanh là một năm một đến hai lần vào khoảng tháng 1, tháng 3 hàng năm, trút hết lá trong vòng một hai tuần và ra lộc xanh hoàn toàn vì thế nó mới có tên gọi Trường xanh). Và đến năm 2011, thời tiết rét đậm kéo dài gần cả tháng làm cho cây bị ảnh hưởng rất nặng nề, khả năng phát triển rất kém.
 
Bên cạnh đó, khi kinh tế xã hội phát triển nhanh, quá trình đô thị hoá và ô nhiễm môi trường khiến cho khí hậu của Hà Nội càng trở nên khắc nghiệt hơn: mùa hè khí hậu oi nóng, mưa nhiều; mùa đông xuân độ ẩm có thể lên đến trên 98%, nhiệt độ xuống thấp. Mưa tập trung vào các tháng 6,7,8 với cường độ lớn, bão lụt xảy ra thường xuyên. Điều kiện khắc nghiệt của khí hậu đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây di tích nói chung và cây Trường xanh nói riêng, gây ra tình trạng xuống cấp, lão hóa nhanh chóng hơn.
 
Cùng với sự tác động của môi trường khí hậu tự nhiên thì công tác bảo tồn các di tích xung quanh cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cây. Cây Trường xanh nằm ở vị trí xung quanh đều là bê tông: ngôi nhà Bác mất và ngôi nhà Hội đồng Y khoa và xung quanh là nền sân gạch. Bộ rễ cây gần như nằm dưới bê tông và gạch trong thời gian rất dài, không có mưa, không có gió, không đủ oxy để thở. Đó cũng là những nguyên nhân làm cho bộ rễ yếu đi nhanh hơn. Cây còn bị cắt mất một số cành, nằm ở vị trí bị một số cây cao lớn khác chèn ép (như cây Xoài, cây Sấu, cây Hoàng Lan...) thiếu ánh sáng ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây. Với môi trường như vậy thì điều kiện sinh trưởng và phát triển cho cây có nhiều hạn chế.
 
Tuy nhiên, theo nguyên tắc của công tác bảo tồn thì việc bảo tồn nguyên trạng di tích và cảnh quan môi trường xung quanh sẽ không chỉ khiến di tích tăng thêm giá trị di sản đặc biệt mà còn làm cho di tích có những giá trị thật sự riêng biệt phù hợp với chính di tích đó. Vì lẽ đó, việc bảo tồn, chăm sóc cây Trường xanh tuy gặp không ít khó khăn nhưng cần có những giải pháp bảo tồn nghiêm túc và thực sự hiệu quả để phát huy lâu dài di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại.
 
Để bảo tồn, giữ gìn cây Trường xanh được lâu dài, Khu Di tích đã, và đang có những sự quan tâm đặc biệt đối với cây trồng này như:
-        Năm 2011, mở các cuộc tọa đàm khoa học: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn cây Trường xanh” để xin ý kiến các nhà khoa học chuyên ngành trong một số lĩnh vực nông, lâm, bảo vệ thực vật, di sản văn hóa.
-        Thực hiện các biện pháp cụ thể như: mở rộng bồn cây để tăng thêm không gian sống cho bộ rễ, cắt tỉa bớt cành lá để tương xứng với bộ khung tán cây.
-        Phòng trừ sâu bệnh như sâu đục thân, mối, mọt, nấm gây hại.
-        Dùng các chế phẩm sinh học như phân bón lá, men sinh học.
-        Nhân giống bằng phương pháp chiết từ cây gốc.
 
Tháng 10 năm 2018, ông Trần Ngọc Nam, Tổng Giám đốc công ty TNHH Đại Nam cùng các kỹ sư có tay nghề cao của công ty đã giúp đỡ về kỹ thuật và vật tư tìm ra phương án tốt nhất để cứu cây Trường xanh. Ông Nam kể lại: Ông nhận được cuộc điện thoại từ một người bạn thân kể chuyện về cây Trường xanh khoảng trên 60 năm tuổi, được trồng trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - là cây cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam. Thế nhưng, cây lại đang yếu dần vì bị sâu đục thân tấn công. “Người bạn nhờ tôi ra xem tình hình để tìm cách cứu sống cây Trường xanh này”. Nghe vậy, ông từ miền Nam bay ra Hà Nội và đến ngay Khu di tích để tận mắt xem và ghi hình cây Trường xanh. Nhìn cây yếu ớt, một đoạn thân dài được đắp bằng những mảng xi măng lớn, cây bị chằng chống bằng 4 chiếc cột sắt, có đoạn thân bị sâu đục thân ăn rỗng gần như sắp đứt gãy… Khả năng kéo dài sự sống không được nhiều thấy xót xa vô cùng. Ngay lập tức, ông quay trở về triệu tập cuộc họp khẩn tìm giải pháp cứu cây Trường xanh. Ròng rã 15 ngày, ngày nào cũng họp bàn để tính toán tìm ra phương án cứu cây sao cho phần trăm rủi ro thấp nhất... Cuối cùng, các kỹ sư đã chốt được phương án tối ưu để cứu sống cây, cụ thể như: dỡ bỏ hết phần xi măng được đắp vào cây trước đó, xử lý hết các loài côn trùng gây hại như sâu đục thân, mối mọt; loại bỏ một số bộ phận rễ, thân, cành của cây bị thối hỏng, mục nát; Vệ sinh bằng cách dùng máy xịt áp lực cao để rửa; Đào hố sâu trên 1m, dùng ống inox đổ bê tông làm trụ, nối dài cánh tay đòn hay còn gọi là xương sống bằng thép inox (là vật liệu chắc khoẻ, không bị sét rỉ) được đưa vào bên trong với tạo hình đúng theo dáng cây nhằm chống đỡ. Phần thân cây bị sâu ăn rỗng sẽ được dùng loại keo đặc biệt trộn với bột đá tạo thành hoá thạch đáp vào tái tạo lại thân cây. Dùng vỏ cây chỗ còn tốt để cấy ghép vào chỗ bị hỏng. Và đặc biệt dùng các chế phẩm của công ty để tăng cường dinh dưỡng cho cây, tạo một môi trường sống cân bằng cho hệ sinh vật sống trong đất quanh bộ rễ để rễ cây hoạt động tốt, đó là những điều kiện thuận lợi cho bộ rễ phát triển. Loại bỏ những cột chống, cắt tỉa cành tạo thế cây vững chắc hơn, giá trị thẩm mỹ cao hơn. Sau gần 1 tháng theo dõi thường xuyên đến thời điểm hiện tại cây đã ra được một đợt lộc mới, cành lá xanh mơn mởn và kết quả theo các cán bộ Khu di tích đánh giá là rất khả quan.
 
Vườn cây xanh Khu di tích nói chung và cây Trường xanh nói riêng, là những hiện vật sống quý giá, đã tạo nên bức nền cho toàn bộ cảnh quan ở nơi đây. Vườn cây di tích còn là một sưu tập cây có giá trị khoa học rất lớn, nhiều loài đại diện cho hệ̣ thực vật trong cả nước và nhiều cây có xuất xứ từ nước ngoài. Chính vì vậy, cùng với việc bảo tồn, gìn giữ cây di tích thì việc bảo tồn cây Trường xanh này là vô cùng cần thiết để chúng tạo ra được một thảm cây xanh hợp lý, vừa đảm bảo được các yêu cầu của Bảo tàng học, vừa đảm bảo được các yêu cầu sinh học của cây trồng cũng như phát huy công tác tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở hiện tại và tương lai./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)