slider

“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những điều tôi hiểu!”(1)

12 Tháng 08 Năm 2020 / 94511 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân, mang trong mình truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa phương Đông nhưng tư duy sắc sảo, nhạy bén của Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận được sự đa dạng văn hóa của văn minh thế giới và khát khao tìm hiểu, học hỏi, kết hợp, sáng tạo và đổi mới để tìm ra chân lý giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân mình. Tháng 9/1905, hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành được cha xin cho vào học lớp dự bị trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Tại đây, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành rất ấn tượng với khẩu hiệu: Tự Do-Bình Đẳng- Bác Ái. Tháng 12/1923, khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Nga, Người kể: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gìẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rousseou và Montesquier cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(2).

Năm 1908, Nguyễn Tất Thành vào trường Quốc học Huế, tiếp cận với những tư tưởng cải cách của các sĩ phu yêu nước Trung Hoa và được các thầy giáo tân học giảng giải về nền dân chủ và văn minh phương Tây, rồi giữa năm 1910, khi làm trợ giáo cho trường tư thục Dục Thanh (Phan Thiết), Nguyễn Tất Thành được đọc Tân Thư bản dịch sang chữ Hán trong tủ sách của gia đình cụ Nguyễn Thông và lần đầu tiên được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp nên càng nung nấu ý định ra nước ngoài. Tuy khâm phục các lãnh tụ cách mạng tiền bối nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành vì: Cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương khác gì xin giặc rủ lòng thương; Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; Cụ Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa vũ trang chống Pháp, nhưng vẫn mang tư tưởng phong kiến. Nguyễn Tất Thành thấy rằng làm cách mạng theo những lối mòn như vậy dù ở trong nước hay nước ngoài đều thất bại cho nên phải tìm con đường mới, cũng đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác để cứu nước, giải phóng dân tộc. Thời điểm lịch sử, diễn biến sự kiện và kết quả thực tế đã lý giải chính xác quyết định quan trọng, táo bạo và trí tuệ sáng suốt của anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lúc đó. Sau này, năm 1965, khi trả lời phỏng vấn của nhà văn Mỹ Anna Lui Strong, Người kể lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(3). Ngày 05/6/1911, với cái tên Văn Ba trong sổ lương, làm phụ bếp trên tàu đô đốc Latouche Treville rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Marseille (Pháp), anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Sau khi đến Pháp một thời gian, Nguyễn Tất Thành làm thuê cho một chiếc tàu khác của hãng Chargeur Reunis đi vòng quanh châu Phi, rồi Nam Mỹ, Trung Mỹ và dừng chân ở Mỹ một thời gian. Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời Mỹ trở lai Pháp rồi sang Anh và đến cuối năm 1917 thì quay lại Pháp để bắt đầu hoạt động trong phong trào Việt kiều và công nhân Pháp. Sau một thời gian tìm hiểu thực tế, đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành xin gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi lý do vào Đảng này, Nguyễn Tất Thành trả lời: “Vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao cả của Đại cách mạng Pháp: Tự do-Bình đẳng-Bác ái”(4). Được sự giúp đỡ nhiệt tình của tiến sĩ luật học Phan Văn Trường và nhà yêu nước tiền bối Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành học được nghề làm ảnh, học Pháp văn, Pháp ngữ, luật pháp và thông qua Hội những người yêu nước Việt Nam, anh nhanh chóng tiếp cận với cộng đồng người Việt tại Pháp lúc này đã có tới hơn 9 vạn, chủ yếu là binh lính, công nhân quốc phòng, rồi từ đó làm quen với nhiều chính khách tại Paris. Ngày 18/6/1919, đại diện các nước đế quốc tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã tổ chức Hội nghị hòa bình ở Versailles (Paris). Thay mặt những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành đã gửi đến Hội nghị một bản Yêu sách của nhân dân An nam gồm 8 điểm, dưới ký tên là: Nguyễn Ái Quốc. Cùng ngày, Bản yêu sách này còn được gửi đến Tổng thống Mỹ. Ngày 19/6/1919 và ngày 20/6/1919, Đại biện sứ quán Mỹ tại Paris và thư ký riêng của Tổng thống Mỹ đều có thư trả lời Nguyễn Ái Quốc. Bản yêu sách còn được dịch ra chữ Hán và chuyển thành bài diễn ca tiếng Việt theo thể thơ lục bát có tên Việt Nam yêu cầu ca. Bản yêu sách đã được in ra hàng ngàn bản dưới dạng truyền đơn gửi cho Việt kiều, những người Pháp tiến bộ, cho các toà soạn báo Nhân đạo và Dân chúng, phân phát trong các cuộc mít tinh, hội họp và bí mật gửi về Đông Dương qua con đường các thủ thuỷ, binh lính hồi hương. “Ông Nguyễn phát truyền đơn ấy cho tất cả Việt kiều và người Việt đi lính Pháp. Vì vậy mà có việc khám xét trong các trại lính, làm cho những người lao động và lính Việt Nam trước thờ ơ với chính trị nay cũng giác ngộ”(5). Báo cáo của cơ quan tình báo chính trị đặc biệt Pháp còn cho biết: “Truyền đơn này được in hai lần với 6000 bản tại nhà in Charpentier, số 70, đại lộ Gobelins”(6). Ngày 18/6/1919, báo Nhân đạo đã đăng bản yêu sách dưới nhan đề: Quyền của các dân tộc, như vậy Bản yêu sách này đã trở thành một tuyên ngôn chính trị: “Một quả bom làm chấn động dư luận nước Pháp. Còn người Việt Nam coi đó là tiếng sấm mùa xuân.Ngay tại thủ đô nước Pháp, trên diễn đàn quốc tế, có một người Việt Nam ngang nhiên đứng ra đòi quyền lợi chính đáng cho cả dân tộc mình, dư luận thế giới xôn xao bàn tán. Ai mà không kính không phục. Độ ấy, người mình ở Pháp gặp nhau đều nói độc lập, tự quyết, đều nói đến Nguyễn Ái Quốc. Chính cái tên Nguyễn Ái Quốc bản thân nó có sức hấp dẫn kỳ lạ”(7). Nhà sử học người Pháp, Charles Fourniau viết: “Từ ngày Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách tới Hội nghị Versailles thì Việt kiều hướng cả về anh, nhất là khi họ thấy tên anh ký dưới các bài báo đăng trên nhiều tờ báo của phái tả nói về nỗi thống khổ và những vấn đề đặt ra cho quê hương họ. Việt kiều tìm đến với Nguyễn Ái Quốc để được anh khuyên bảo, giao nhiệm vụ. Nguyễn Ái Quốc nhiệt tình đón tiếp họ, chia sẻ chỗ nghỉ, bữa ăn và vạch cho họ thấy phải đi theo con đường nào”(8). Vì bản yêu sách này nên ngày 6/9/1919, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarrault đã gửi giấy mời Nguyễn Ái Quốc đến trụ sở Bộ để đích thân thẩm tra lý lịch. Sau buổi gặp, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư kèm theo bản Yêu sách của nhân dân An nam tới ông ta để đáp lễ. Những hoạt động của Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp được đông đảo Việt kiều, đưa tiếng nói của nhân dân Việt Nam ra chính trường quốc tế, mở ra một trang sử đấu tranh mới của dân tộc. Để đối phó với những hoạt động yêu nước của người Đông Dương, ngày 17/10/1919, Bộ Thuộc địa Pháp đã quyết định thành lập một cơ quan tình báo có tên là Sở điều tra chính trị về người An Nam do Paul Arnoux cầm đầu. Giúp việc cho Arnoux là một nhóm mật thám Pháp gốc Việt tìm cách tiếp cận và trà trộn vào Hội người Việt Nam như Jean (Trần Văn Lắm), Dessiré, Edouard, Deveze ,... và Nguyễn Ái Quốc lập tức được coi là đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt của Sở này. Mật thám bám riết Nguyễn Ái Quốc và liên tiếp gửi báo cáo về chánh thanh tra Arnoux, ghi từng chi tiết cụ thể ngày, giờ mọi hoạt động, di chuyển của anh. Báo cáo tổng hợp của Arnoux gửi Bộ Thuộc địa đã khẳng định: “Từ cuộc điều tra được tiến hành về hoạt động tuyên truyền trong các giới người An Nam ở Paris về việc ủng hộ những yêu sách của người Đông Dương, thì thấy rõ linh hồn của phong trào này không phải là ai khác, mà là người An Nam Nguyên Ai Quac, tự xưng là Tổng thư ký “Hội những người An Nam yêu nước” và cũng là thư ký của “Hội những người cách mạng An Nam”(9). Từ yêu cầu của thực tiễn đấu tranh, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu học viết báo để tố cáo tội ác thực dân Pháp. Anh đã viết một số bài báo gây chú ý trong dư luận đăng trên các báo Nhân đạo (L'Humanite), Dân chúng (Le Populaire) như: Vấn đề bản xứ, Tâm địa thực dân, Tại Đông dương, 10 trường học-1500 sở đại lý rượu... Đây là sự thể hiện tư tưởng tiến bộ của một người yêu nước chân chính dũng cảm lên án chế độ thực dân tàn bạo, tuy nhiên Nguyễn Ái Quốc vẫn đang nỗ lực lựa chọn, tìm kiếm một hướng đi đúng đắn để giải phóng Tổ quốc.

Trong thời gian đó, phong trào cộng sản quốc tế đã và đang có những thay đổi lớn lao. Ngày 02/3/1919, Lênin và các đồng chí cộng sản từ 30 nước đã họp Đại hội ở Moscow để thành lập Quốc tế III- Quốc tế cộng sản (QTCS). Quốc tế III đã kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông. Đại hội lần 2 của QTCS họp năm 1920 đã thông qua Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Trong văn kiện này, Lênin đã phê phán luận điểm sai lầm của những người đứng đầu Quốc tế II về dân tộc, thuộc địa và lên án mạnh mẽ tư tưởng sôvanh, dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Từ những luận điểm nêu trên, Lênin đã vạch rõ: Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa là phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi chỉ có sự gần gũi ấy mới đảm bảo việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng. Ngày 16 và 17/7/1920, lần đầu tiên báo Nhân đạo đăng văn kiện này của Lênin. Nguyễn Ái Quốc say mê đọc và đã tìm thấy phương hướng, đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Người kể lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao.. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III”(10). Nguyễn Ái Quốc gửi đơn xin gia nhập Ủy ban Quốc tế III do một số đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp lập ra nhằm tuyên truyền, vận động các thành viên gia nhập QTCS. Cũng trong năm 1920, nội bộ Đảng Xã hội Pháp đã chia ra nhiều xu hướng, quan điểm khác nhau, ngay cả báo chí cũng tham gia vào các cuộc tranh luận về vấn đề lựa chọn Quốc tế II hay Quốc tế III. Cũng vì có nhiều khác biệt trong nội bộ nên ngày 29/2/1920, Đảng Xã hội Pháp tổ chức Đại hội bất thường tại Strasbourg. Đến cuối năm, đúng vào ngày Giáng sinh, Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần XXVIII đã chính thức khai mạc và họp một tuần tại thành phố Tours (nên vẫn được gọi tắt là Đại hội Tours). Đại hội này có 370 đại biểu tham dự họp, đại biểu chính thức là 285 với những thành phần xã hội đa dạng thay mặt cho 4640 tổ chức gồm 18 vạn đảng viên trong toàn quốc. Nguyễn Ái Quốc tham dự đại hội với tư cách là đại biểu chính thức, duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương và đã có bài phát biểu lên án sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp, gây chú ý tại phiên họp chiều ngày 26/12/1920: “Trong vài phút, tôi không thể vạch được hết những sự tàn bạo mà bọn tư bản ăn cướp đã gây ra ở Đông Dương. Nhà tù nhiều hơn trường học, lúc nào cũng mở cửa và chật ních người. Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết không cần xét xử...Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận...Chúng tôi không có quyền cư trú và du lịch ra nước ngoài...Chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập. Ở Đông Dương, bọn thực dân tìm mọi cách để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và làm chúng tôi đần độn bằng rượu...”(1). Người đề nghị Đảng Xã hội phải có hành động thiết thực để ủng hộ người bản xứ: “Chúng tôi thấy rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế thứ ba có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể rằng từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa.. Đảng phái một đồng chí của Đảng để nghiên cứu tại chỗ những vấn đề ở Đông Dương và đề xuất những hoạt động cần phải tiến hành”(12). Cuối cùng Người kêu gọi: “Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi”(13). Cả hội trường đã vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh bài phát biểu độc đáo của Nguyễn Ái Quốc. Buổi sáng ngày 28/12/1920, Đại hội nhận được điện tín của QTCS gửi đến chúc mừng có chữ ký của Lênin và 17 người trong Ban chấp hành QTCS. Ngày hôm sau, nữ đồng chí Clara Zetkin, Ủy viên đoàn Chủ tịch Ban chấp hành QTCS, người rất gắn bó với Lênin, còn bất ngờ xuất hiện phát biểu ý kiến trước Đại hội. Trong suốt thời gian họp, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi, gay gắt, căng thẳng về việc gia nhập Quốc tế III hay ở lại Quốc tế II, thành lập Đảng Cộng sản hay giữ nguyên Đảng Xã hội? Cuộc tranh cãi rất kịch liệt, có đại biểu thậm chí bỏ ra về rồi hôm sau quay lại họp tiếp. Nguyễn Ái Quốc đã lắng nghe các cuộc tranh cãi nhưng không hiểu lắm nên khá nhức đầu. Một hôm, Người cũng nêu ý kiến: “Các bạn đều là những người xã hội rất tốt! Tất cả các bạn đều muốn giải phóng giai cấp công nhân? Vâng. Như thế dù đệ nhị, đệ nhị rưỡi hay đệ tam Quốc tế phải chăng cũng thế cả. Những Quốc tế ấy đều không là cách mạng cả sao? Những Quốc tế ấy đều không đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội cả sao? Dù các bạn gia nhập Quốc tế này hoặc Quốc tế nọ, các bạn cũng phải đoàn kết nhất trí. Tại sao tranh luận nhiều thế? Trong khi các bạn tranh luận ở đây, thì đồng bào chúng tôi đang rên xiết ở Việt Nam.”(14). Các đại biểu đều cười, nữ đồng chí Rose, người ghi biên bản tốc ký của Đại hội nói với Người: “Anh Nguyễn, cũng hơi khó giải thích cho anh rõ vì anh là một người mới. Nhưng tôi chắc sau này anh sẽ hiểu tại sao chúng tôi thảo luận nhiều thế, vì nó quan hệ đến tiền đồ của giai cấp công nhân”(15). Cuối cùng, các đại biểu đã phân chia ra làm 4 khuynh hướng khác nhau: ủng hộ gia nhập QTCS, không ủng hộ gia nhập QTCS, chờ thêm lực lượng gia nhập và không có ý kiến (phiếu trắng). Đến 22h ngày 29/12/1920, Đại hội bỏ phiếu, có 3208 đại biểu tán thành tham gia QTCS (trong đó có phiếu của Nguyễn Ái Quốc), 1390 đại biểu không tán thành. Sau khi bỏ phiếu, Rose đã hỏi Nguyễn Ái Quốc tại sao lại ủng hộ cho Quốc tế III? Người trả lời: “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(16). Khi công bố kết quả bỏ phiếu, mọi người cùng hát vang bài Quốc tế ca. Những ai không phục kết quả cuối cùng của Đại hội thì ra về. Những đại biểu ở lại thông qua nghị quyết thành lập Đảng Cộng sản Pháp, phân bộ Pháp của QTCS. Đúng 2h30 sáng 30/12/1920, chủ tịch phiên họp long trọng tuyên bố: Đại hội Đảng Cộng sản Pháp khai mạc! Giờ phút này mang ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với phong trào công nhân Pháp mà còn là giờ phút quan trọng báo hiệu người cộng sản Việt Nam đầu tiên chính thức dẫn dắt phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Lênin. Jacques Duclos, một người đồng chí cùng chung lý tưởng với Nguyễn Ái Quốc lúc đó đã viết trong hồi ký: “Thời ấy họ (những người cộng sản) có một cách nhìn và tin tưởng vào luồng cách mạng đang sôi sục ở châu Âu và cả thế giới. Nguyễn Ái Quốc chắc chắn cũng nghĩ và quan niệm như vậy. Người thanh niên yêu nước tha thiết này hẳn có hy vọng tràn trề vào sự giúp đỡ quốc tế, vào tình nghĩa của tất cả những người đang làm cách mạng khắp hoàn cầu- những người với bổn phận quốc tế sẽ giúp đỡ những dân tộc bị trị vùng lên”(17). Và ý nghĩa to lớn của sự kiện này cũng được chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kể lại: “Được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ trở thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”(18)./.

 

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.112

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tập 1, tr.461

3.       Báo Nhân Dân số ra ngày 18/5/1965

4.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.61

5.       Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Nxb. Văn học, 1969, tr.30

6.       File gốc tài liệu tiếng Pháp. Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước cung cấp

7.       Đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb. Chính trị hành chính, 2010, tr.68

8.       Nguyễn Ái Quốc ở Pháp 1917-1923. Nxb. Công an nhân dân, 2005, tr.66

9.       File gốc tài liệu tiếng Pháp. Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước cung cấp

10.     Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.99

11,12,13. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tập 1, tr.34-35

14.     Kể chuyện Bác Hồ. Nxb, Giáo Dục, 2008, tập 1, tr.169

15.     S.đ.d nt

16.     Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1, tr.111-112

17.     Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923). Nxb. Chính trị quốc gia, 2002, tr.185

18.     Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tập 12, tr.740

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)