slider

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân tại Hiến pháp 1946

31 Tháng 03 Năm 2014 / 52764 lượt xem

Ths Cao Hải Yến

                                                                                Phòng Hành chính - Tổng hợp 

Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng, là đạo luật gốc của mỗi quốc gia, thể hiện bản chất tiến bộ, dân chủ của chế độ đó. Trong lịch sử nước ta, đã có 04 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Trong các bản hiến pháp nói trên, Hiến pháp năm 1946 - bản hiến pháp đầu tiên của đất nước ta, do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng Ban soạn thảo đã đặt nền tảng quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Điều này thật có ý nghĩa trong quá trình việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 hiện nay.

          1. Hiến pháp năm 1946 - Nền tảng xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân, do dân, vì dân

Có thể nói, những tư tưởng về việc xây dựng và ban hành một bản Hiến pháp vì con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành và thể hiện rõ nét từ năm 1919 tại Hội nghị Versaille. Người đã gửi đến Hội nghị này bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, trong đó yêu cầu phải cho nhân dân An Nam có các quyền tự do, cải cách nền pháp lý ở Đông Dương để người bản xứ được hưởng các quyền bảo đảm bằng pháp luật. Thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật. Năm 1922, Người đã khái quát nguyện vọng trên trong bài “Việt Nam yêu cầu ca”:

Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền ([1])

Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc xây dựng và ban hành một bản Hiến pháp dân chủ cũng luôn gắn liền với chủ trương, đường lối của Đảng ta. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11/1939), Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VII (tháng 11/1940) cũng đã nhấn mạnh yêu cầu và nhiệm vụ: Ban Hiến pháp dân chủ, ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân; tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp. Những tư tưởng và đường lối này đã được xác định như một nhiệm vụ cấp bách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (03/9/1945): “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ…”([2]).

Khẩn trương thực hiện chủ trương nói trên, ngày 20/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ra Sắc lệnh thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Ngày 09/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp. Tại phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Sau khi nước nhà mới được tự do được 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm lên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”([3]).   

Để đảm bảo thực thi các quyền dân chủ, nhân quyền trong thực tiễn cuộc sống, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định mạnh mẽ yêu cầu “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” thông qua việc xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Có thể nói, nếu như vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ chính quyền đó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế  mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”([4]). Sau khi nước ta giành được độc lập, Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra…Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Đó là điểm khác nhau về bản chất giữa nhà nước của nhân dân với các nhà nước của giai cấp bóc lột đã từng tồn tại trong lịch sử.

2. Hiến pháp năm 1946 và các đặc trưng cơ bản của Nhà nước của dân, do dân, vì dân

          2.1. Nhà nước của dân

          Nhà nước của dân là nhà nước trong đó mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Điều thứ 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”([5]). Nguyên tắc này đã được tiếp tục khẳng định trong các Hiến pháp tiếp theo của Nhà nước ta. Điều thứ 32 Hiến pháp năm 1946 cũng quy định “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết…”([6]). Thực chất đây là chế độ trưng cầu dân ý, một hình thức dân chủ trực tiếp đã được ghi nhận khá sớm ở nước ta.

          Sau khi giành được chính quyền, nhân dân ủy quyền cho các đại diện do mình bầu ra. Đồng thời nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Trong nhà nước của dân, thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân là nhà nước phải bằng mọi nỗ lực, hình thành các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Các đại biểu đại diện của dân, do dân bầu cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là công bộc của dân.

          2.2. Nhà nước do dân

          Đó là nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình; nhà nước do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để nhà nước chi tiêu, hoạt động, nhà nước đó lại do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Tất cả các cơ quan nhà nước phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Khi các cơ quan chính quyền không đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì nhân dân sẽ bãi miễn.

          2.3. Nhà nước vì dân

          Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Chỉ có một nhà nước thực sự của dân, do dân tổ chức, xây dựng và kiểm soát trên thực tế mới có thể là nhà nước vì dân. Nhà nước không có đặc quyền đặc lợi, Nhà nước cần thực sự trong sạch, cần, kiệm, liêm, chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đồng bào đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó ([7]). Đó là vị Chủ tịch nước đứng đầu một chính quyền vì dân.

          Nhiều nhà nước của giai cấp thống trị khi còn ở giai đoạn tích cực và tiến bộ cũng chủ trương thân dân, thậm chí cũng tuyên bố là nhà nước vì dân, nhưng đó chỉ là một thiện chí hoặc một chiêu bài bởi vì điều cơ bản là nếu chính quyền đó không của nhân dân, không do nhân dân làm chủ mà do các ông quan làm chủ thì không bao giờ là vì dân được. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào-đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân. Trong nhà nước đó, cán bộ từ Chủ tịch trở xuống đều là công bộc của dân. Vì vậy:

                    Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm

                    Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh…([8])

          Về mối quan hệ giữa người chủ nhà nước là nhân dân với người cán bộ nhà nước là công bộc của dân, do dân bầu ra, được nhân dân ủy quyền, trong bộ máy áp bức trước đây là quan phụ mẫu, trong chế độ dân chủ, Bác Hồ đã thay đổi mối quan hệ đó, Người nói: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Ủy viên này khác là làm cái gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”([9]).

          3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay

          Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân, vì dân, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng và Nhà nước ta đang tích cực đẩy mạnh  Nhà nước pháp quyền XHCN. Xét một cách khái quát, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được hiểu là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân dưới hai hình thức chủ yếu là nhà nước và pháp luật theo nguyên tắc dân chủ nhằm bảo đảm các quyền và tự do của công dân. Như vậy, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN chính là quá trình đổi mới tư duy chính trị - pháp lý nhằm phát huy một cách hiệu quả hơn vai trò của nhà nước của dân, do dân, vì dân trong điều kiện mới. Cho đến nay, một số đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN đã được làm rõ, khẳng định và chấp nhận rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là một nguyên tắc hiến định (Điều 2 Hiến pháp 1992) thể hiện rõ nét và sâu sắc bản chất của nền dân chủ XHCN chân chính, triệt để, đảm bảo thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân trong chế độ XHCN. Dân chủ và phát huy dân chủ luôn được xác định là mục tiêu trọng tâm của nhà nước pháp quyền XHCN, chính vì vậy, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ hai, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lực nhà nước là thống nhất chính là sự khẳng định tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân, trong đó, yêu cầu phân công, phối hợp quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước bảo đảm cho quyền lực nhà nước thống nhất, loại bỏ sự chồng chéo, đảm bảo cho tổ chức lao động quyền lực nhà nước khoa học, hiệu quả, góp phần ngăn chặn một cách có hiệu quả sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN; Hiến pháp và các đạo luật có vị trí tối cao trong việc điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc trưng nổi bật này thể hiện sự thay đổi căn bản mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, theo đó, tuy pháp luật do nhà nước ban hành nhưng pháp luật lại có vai trò thống trị đối với chính nhà nước đã ban hành ra nó.

Thứ tư, Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của  nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế và biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Thứ năm, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Các quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của đất nước giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, đã dành 34 trong tổng số 147 điều quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tiêu chí về quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó, Nhà nước pháp quyền XHCN giữ vai trò góp phần tạo dựng một không gian chính trị - pháp lý nhằm đảm bảo và phát huy các quyền cơ bản của con người.         

Thứ sáu, Nhà nước tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và trở thành thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập và hợp tác, Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, có thiện chí và tận tâm các cam kết quốc tế của mình.

Thứ bảy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước pháp quyền XHCN, sự giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây cũng là một nguyên tắc Hiến định (Điều 4, Điều 9 Hiến pháp 1992) nhằm khẳng định vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò giám sát xã hội của nhân dân, chức năng phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân nhân dân của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị - xã hội.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân có  giá trị vô cùng to lớn, soi đường, chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc và tiếp tục là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc, đất nước ta xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

[1] . Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb CTQG, Hà Nội, t.1, tr.473

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Sdd, t.4, tr.7

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Sdd, t.4, tr.491

[4] .Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Sdd, t.2, tr.292

[5]. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội - 2009

[6]. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1946, 1959, 1980, 1992, Sđd

[7]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4,  tr.272

[8]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t.4, tr.21.

[9] . Hồ Chí Minh: Toàn tập (2000), Nxb CTQG, Hà Nội, t.4, tr.375

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)